Soạn bài Đấu tranh cho một thế giới hòa bình SBT Ngữ Văn 9 tập 1
Giải câu 1, 2, 3, 4 trang 14 SBT Ngữ Văn 9 tập 1. Nêu vấn đề nghị luận và hệ thống luận điểm của văn bản. Nhận xét về tính chặt chẽ của hệ thống luận điểm ấy. ...
Giải câu 1, 2, 3, 4 trang 14 SBT Ngữ Văn 9 tập 1. Nêu vấn đề nghị luận và hệ thống luận điểm của văn bản. Nhận xét về tính chặt chẽ của hệ thống luận điểm ấy.
1. Nêu vấn đề nghị luận và hệ thống luận điểm của văn bản. Nhận xét về tính chặt chẽ của hệ thống luận điểm ấy.
Trả lời:
Bài tập này nhằm giúp em nhớ và nắm chắc nội dung cơ bản của văn bản Đấu tranh cho một thế giới hoà bình. Đây là một văn bản nghị luận, nội dung cơ bản của nó chính là vấn đề nghị luận và hệ thống luận điểm.
Nội dung của văn bản có hai ý quan hệ chặt chẽ với nhau :
a) Nguy cơ chiến tranh hạt nhân và cuộc chạy đua vũ trang đang đe doạ loài người và toàn bộ sự sống trên trái đất.
b) Vì vậy, đấu tranh cho một thế giới hoà bình, ngăn chặn nguy cơ chiến tranh hạt nhân là nhiệm vụ cấp bách của toàn thể nhân loại.
Em đọc lại văn bản để nhận ra hệ thống luận điểm (ở bài này, các luận điểm thường được nêu ở đầu mỗi đoạn, tiếp đó tác giả đưa ra các chứng cứ để chứng minh). Từ chỗ tìm ra được hệ thống luận điểm, sẽ thấy tính chất chặt chẽ của hệ thống ấy. (Chú ý trình tự và mối quan hệ chặt chẽ, hợp lí của các luận điểm.)
2. "Chỉ do sự tồn tại của nó không thôi, cái cảnh tận thế tiềm tàng trong các bệ phóng cái chết cũng đã làm tất cả chúng ta mất đi khả năng sống tốt đẹp hơn". Em hiểu nghĩa của câu văn này như thế nào ? (Chú ý giải thích cụm từ "cái cảnh tận thế tiềm tàng trong các bệ phóng cái chết".)
Để chứng minh cho nhận định trên, tác giả đã đưa ra các dẫn chứng so sánh trong những lĩnh vực nào ? Vì sao có thể nói các chứng cứ ấy giàu sức thuyết phục ?
Trả lời:
Câu này là một luận điểm quan trọng của văn bản. Tác giả đã dành một đoạn khá dài với nhiều dẫn chứng so sánh để làm rõ luận điểm ấy. Để hiểu nghĩa câu văn này cần đọc cả đoạn trước và đoạn tiếp theo sau nó.
Câu văn này được diễn đạt theo lối viết của người phương Tây, nhưng nội dung cũng rất rõ ràng và cú pháp cũng không có gì quá rắc rối. "Sự tồn tại của nó" và "cái cảnh tận thế tiềm tàng trong các bệ phóng cái chết" là hai cụm từ có quan hệ đồng đẳng với nhau, cụm từ sau làm rõ nghĩa cho cụm từ trước. Cụm từ "cái cảnh tận thế tiềm tàng trong các bệ phóng cái chết" có thể hiểu là : lượng vũ khí hạt nhân khổng lồ đang đặt sẵn trên các bệ phóng (tên lửa, máy bay,...) chứa đựng nguy cơ có thể huỷ diệt toàn bộ sự sống trên trái đất.
Có thể diễn đạt một cách đơn giản hơn cho dễ hiểu nội dung của câu văn ấy như sau : Việc chạy đua vũ trang với kho vũ khí hạt nhân khổng lồ đang tồn tại đã tước đoạt khả năng cải thiện cuộc sống của nhân loại, ở đoạn tiếp theo trong văn bản, tác giả đã dẫn ra hàng loạt số liệu so sánh cho thấy sự tốn kém, vô lí của cuộc chạy đua vũ trang làm mất đi khả năng cải thiện điều kiện sống, hưởng thụ giáo dục, cung cấp thực phẩm, chữa bệnh,... cho hàng trăm triệu người, đặc biệt là ở các nước nghèo. Các dẫn chứng so sánh với những số liệu cụ thể trên nhiều lĩnh vực nên đã có sức thuyết phục cao.
3. Để chứng minh cho nhận định :
"Chạy đua vũ trang là đi ngược lại lí trí.
Không những đi ngược lại lí trí con người mà còn đi ngược lại cả lí trí tự nhiên nữa [...]"
tác giả đã sử dụng những chứng cứ giàu sức thuyết phục như thế nào ?
Trả lời:
Đọc lại đoạn văn từ "Tuy nhiên, ý nghĩ dai dẳng" đến "trở lại điểm xuất phát của nó" để tìm những chứng cứ từ khoa học địa chất và cổ sinh học mà tác giả đã dẫn ra để cho thấy quá trình tiến hoá hết sức lâu dài của sự sống trên trái đất. Vì vậy, chiến tranh hạt nhân huỷ diệt mọi sự sống, đẩy lùi cuộc tiến hoá đó trở lại điểm xuất phát ban đầu là sự phản lại "lí trí tự nhiên", như cách nói của tác giả.
4. Em hiểu như thế nào và có suy nghĩ gì về đề nghị của Mác-két: "mở ra một nhà băng lưu trữ trí nhớ có thể tồn tại được sau thảm hoạ hạt nhân" ?
Trả lời:
Đề nghị của Mác-két thành lập một nhà băng lưu giữ trí nhớ, tồn tại được cả sau thảm hoạ hạt nhân để nhân loại các thời đại sau biết đến cuộc sống của con người đã từng tồn tại trên trái đất và không quên những kẻ đã vì lợi ích ti tiện mà đẩy nhân loại vào hoạ diệt vong. Nên hiểu đề nghị này của nhà văn Mác-két là muốn nhấn mạnh : Nhân loại cần giữ gìn kí ức của mình, không thể để cho chiến tranh hạt nhân huỷ diệt hoàn toàn thành quả tiến hoá của sự sống và văn minh trên trái đất, cần lên án mạnh mẽ những kẻ vì lợi ích ti tiện mà đẩy loài người vào thảm hoạ chiến tranh hạt nhân.
Sachbaitap.com