27/04/2018, 15:30

Soạn bài Đất Nước (trích trường ca Mặt đường khát vọng) SBT Ngữ Văn 12 tập 1

Giải câu 1, 2 trang 82 Sách bài tập (SBT) Ngữ Văn 12 tập 1 1. Nhận xét vắn tắt nét độc đáo trong nghệ thuật biểu hiện của đoạn trích Đất Nước. Trả lời: - Nét độc đáo về kết cấu : Đoạn trích tự nó chia làm hai phần ...

Giải câu 1, 2 trang 82 Sách bài tập (SBT) Ngữ Văn 12 tập 1

1. Nhận xét vắn tắt nét độc đáo trong nghệ thuật biểu hiện của đoạn trích Đất Nước.

Trả lời:

- Nét độc đáo về kết cấu : Đoạn trích tự nó chia làm hai phần lớn, mỗi phần trả lời những câu hỏi nhất định ngầm ẩn sâu xa trong mạch thơ: Đất nước có từ bao giờ ? Cội nguồn từ đâu ? Đất nước là gì ? Đất nước của ai ? Ai làm nên đất nước ? Tất cả liên kết với nhau thành một hệ thống khá chặt chẽ. Đấy là nét độc đáo trong kết cấu bề mặt của đoạn trích, nó thể hiện một hướng tìm tòi đầy tính trí tuệ của Nguyễn Khoa Điềm.

- Nét độc đáo về chất liệu nghệ thuật: Để cụ thể hoá kết cấu và nêu bật chủ đề tư tưởng, tác giả đã sử dụng rộng rãi và sáng tạo các chất liệu văn hoá dân gian, từ tục ngữ, thành ngữ, ca dao, dân ca, huyền thoại, truyền thuyết, truyện cổ tích cho đến phong tục tập quán và sinh hoạt hằng ngày. Điều đó tạo ra cho đoạn trích một không gian nghệ thuật riêng, hết sức quen thuộc, gần gũi mà lại kì diệu, bay bổng. Đấy là không gian nghệ thuật kết tinh tâm hồn, trí tuệ của nhân dân.

- Nét độc đáo còn ở bút pháp thể hiện, đó là bút pháp trữ tình - chính luận : Những tri thức văn hoá làm nên chất liệu nghệ thuật không đơn thuần là tri thức, chúng đã được nhà thơ kiểm nghiệm trong thực tế, thông qua sự nhập cuộc hết mình vào đời sống của nhân dân, thông qua sự hài hoà của cảm xúc và suy nghĩ, những lí lẽ sắc sảo thể hiện qua hình ảnh gợi cảm, giọng thơ sôi nổi, thiết tha.

- Nét độc đáo cuối cùng là hình thức thơ: Mượn hình thức trò chuyện tâm tình với một người con gái yêu thương qua những dòng thơ tự do, nhịp điệu linh hoạt, phóng túng, đoạn trích này giống như một tuỳ bút bằng thơ gây ấn tượng sâu sắc, tác động mạnh mẽ vào cảm nghĩ của người đọc.

2. Anh (chị) hiểu như thế nào về sự cảm nhận về đất nước của tác giả trong sự thống nhất giữa ba phương diện : chiều sâu văn hoá, chiều rộng không gian và chiều dài thời gian.

Trả lời:

Cần làm rõ mấy ý chính sau đây:

- Về phương diện văn hoá, khi suy ngẫm về khái niệm đất nước, Nguyễn Khoa Điềm đã có một cách nhìn toàn vẹn, tổng hợp, nhiều chiều, nhiều bình diện, gợi rõ nét độc đáo trong quan niệm của dân tộc Việt Nam. Nếu so sánh, có thể thấy ở nhiều ngôn ngữ khác, từ đất nước thường được cấu tạo bởi những từ gốc mang nghĩa là nơi ở của ông bà tổ tiên, là miền đất cội nguồn, là nơi sinh, là quê hương; còn trong tâm thức văn hoá của người Việt, đất nước được tạo thành bởi hai yếu tố đất và nước. Khi đi sâu tìm hiểu ý nghĩa của từng yếu tố đó, chính tư duy nghệ thuật sắc sảo, đầy sáng tạo của nhà thơ đã tạo nên nhiều liên tưởng bất ngờ mà sinh động. Sự hoà hợp của đất và nước để tạo thành đất nước không chỉ là ngôn ngữ, là văn hoá, mà còn là “Thời gian đằng đẵng - Không gian mênh mông”.

- Về không gian, đất nước là những gì gần gũi, thân quen, gắn bó với cuộc sống mỗi người, nó không chỉ là con đường, bến nước, mảnh đất ta sinh ra và lớn lên, mà còn là quê hương của tinh thần, của tình yêu, là kho báu đầy ắp những kỉ niệm yêu thương:

Đất là nơi anh đến trường

Nước là nơi em tắm

Đất Nước là nơi ta hò hẹn

Đất Nước là nơi em đánh rơi chiếc khăn trong nỗi nhớ thầm

Đồng thời, đất nước là không gian rộng lớn, là núi rừng sông biển, là nơi chốn sinh tồn chung của cả cộng đồng dân tộc qua biết bao thế hệ, nơi gắn với những lời ca thân thuộc, nói lên bao ước mơ, khát vọng đẹp đẽ của con người:

Đất là nơi “con chim phượng hoàng bay về hòn núi bạc"

Nước là nơi “con cá ngư ông móng nước biển khơi"

[...] Đất Nước là nơi dân mình đoàn tụ

- Về thời gian, đất nước được cảm nhận từ quá khứ nghìn xưa với huyền thoại “Lạc Long Quân và Âu Cơ - Đẻ ra đồng bào ta trong bọc trứng” cho đến hiện tại hôm nay với những người từ nơi sâu thẳm của tâm hồn không bao giờ quên cội nguồn dân tộc, không bao giờ quên truyền thuyết Hùng Vương và ngày giỗ Tổ. Bức thông điệp huyết thống “con Rồng cháu Tiên” ấy truyền mãi qua các thế hệ :

Những ai đã khuất

Những ai bây giờ

Yêu nhau và sinh con đẻ cái

Gánh vác phần người đi trước để lại

Dặn dò con cháu chuyện mai sau

Hằng năm ăn đâu làm đâu

Cũng biết cúi đầu nhớ ngày giỗ Tổ.

Như vậy, đất nước đã được cảm nhận vói sự thống nhất của ba phương diện chiều sâu của văn hoá, chiều rộng của không gian, chiều dài của thời gian.

Sachbaitap.com

0