Soạn bài Chí phèo - Phần 2: Tác phẩm SBT Ngữ văn 11 tập 1
Giải câu 1, 2, 3 trang 106 SBT Ngữ văn 11 tập 1. Hãy phân tích hình tượng nhân vật thị Nở trong truyện ngắn Chí Phèo. ...
Giải câu 1, 2, 3 trang 106 SBT Ngữ văn 11 tập 1. Hãy phân tích hình tượng nhân vật thị Nở trong truyện ngắn Chí Phèo.
1. Nhan đề đầu tiên của truyện ngắn Chí Phèo là Cái lò gạch cũ, nhưng trước Cách mạng tháng Tám, khi in thành sách, nhà xuất bản tự ý đổi thành Đôi lứa xứng đôi.
Anh (chị) nhận xét gì về hai nhan đề này của tác phẩm ?
Trả lời:
- Đặt tên truyện là Cái lò gạch cũ, phải chăng tác giả muốn nói đến sự luẩn quẩn, bế tắc, gắn với hình ảnh Chí Phèo ở đầu truyện, khi nó còn là thằng bé đỏ hỏn được bọc trong một váy đụp vứt ở cái lò gạch bỏ không và hình ảnh cuối truyện : thị Nở, sau khi nghe tin Chí Phèo đã đâm chết bá Kiến và tự sát một cách khủng khiếp, đã nhớ lại những lúc gần gũi với hắn và nhìn nhanh xuống bụng rồi thoáng thấy hiện ra cái lò gạch cũ bỏ không ở nơi vắng người qua lại ? Có thể sệ có một Chí Phèo con ra đòi cũng ở cái lò gạch ấy để “nối nghiệp” bố. Như vậy, Cái lò gạch cũ như là biểu tượng về sự tồn tại của hiện tượng Chí Phèo trong một xã hội bất công, trong một môi trường sống phi nhân tính, gắn liền với chủ đề chính của tác phẩm.
- Còn Đôi lứa xứng đôi thì nhấn mạnh vào tính bản năng trong mối tình giữa Chí Phèo và thị Nở - một con “quỷ dữ của làng Vũ Đại” mặt mũi “vằn dọc vằn ngang” và một mụ đàn bà xấu “ma chê quỷ hờn” bị người ta tránh như “tránh một vật nào rất tởm”. Như vậy, cách đặt tên Đôi lứa xứng đôi, dễ gây sự tò mò, nhưng chưa phản ánh đúng nội dung cơ bản của tác phẩm.
2. Hãy phân tích hình tượng nhân vật thị Nở trong truyện ngắn Chí Phèo.
Trả lời:
Nhân vật thị Nở :
- Trước hết, đây là con người bất hạnh, dị dạng, xấu xí, nhưng thị cũng khao khát hạnh phúc như bao người phụ nữ bình thường khác. Sau khi gặp Chí Phèo, thị thấy tiếng “vợ chồng” ngường ngượng mà thinh thích. Như vậy, chứng tỏ được sống có vợ có chồng là niềm mong ước âm thầm của người đàn bà khốn khổ này.
- Thị Nở là một người tình nghĩa và yêu thương Chí Phèo một cách chân thành, mộc mạc. Thấy Chí Phèo ốm, thị nghĩ : “còn gì đáng thương bằng đau ốm mà nằm còng queo một mình”. Vì thế, thị đã nấu cháo hành và ân cần múc cho Chí ăn. Thị sống với Chí năm ngày và hai người “nhất định là lấy nhau”.
- Điều đáng nói là nếu như ban đầu, thị Nở chỉ khơi dậy ở Chí Phèo bản năng đàn ông thì sau đó, sự săn sóc ân tình, giản dị và tình thương yêu mộc mạc của người đàn bà này đã khơi gợi nhân tính, đánh thức bản chất lương thiện lâu nay bị vùi dập nhưng vẫn không tắt trong Chí Phèo.
Miêu tả với giọng văn như đùa cợt, chế giễu, nhưng cũng đầy thương cảm, Nam Cao đã thể hiện thái độ đồng cảm đối với thị Nở ; mặt khác, ông đã khẳng định mạnh mẽ vai trò to lớn của người đàn bà này trong việc khiến cho Chí Phèo thức tỉnh. Thị Nở là nhân vật được xây dựng thành công, bằng một ngòi bút miêu tả quá sắc sảo, tô đậm những chi tiết về ngoại hình, để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc. Thị Nở là một nhân vật điển hình, góp phần làm rõ tính bi kịch bị cự tuyệt quyền làm người của nhân vật trung tâm là Chí Phèo, và cũng góp phần quan trọng thể hiện chủ đề của tác phẩm.
3. Anh (chị) hãy nêu một số nhận xét về thành công nghệ thuật của Nam Cao trong tác phẩm này.
Trả lời:
- Về mặt nghệ thuật, trước hết Chí Phèo đã ghi nhận thành công trong việc xây dựng nhân vật, tiêu biểu nhất phải kể đến nhân vật Chí Phèo và bá Kiến. Đây có thể coi là những nhân vật điển hình sắc nét vừa có ý nghĩa tiêu biểu, vừa hết sức sinh động, có cá tính độc đáo, gây ấn tượng mạnh cho người đọc. Khi xây dựng những nhân vật ấy, Nam Cao đã phát huy cao độ sở trường khám phá và miêu tả những trạng thái tâm lí phức tạp của nhân vật (Tiêu biểu nhất là tâm lí của Chí Phèo sau đêm gặp thị Nở và khi tình yêu của Chí bị thị Nở từ chối).
- Chí Phèo có một lối kết cấu mới mẻ, tưởng như vô cùng phóng túng, thoải mái, không theo trình tiỗĩ thời gian, lúc đầu đi thẳng vào giữa truyện, sau mới ngược thời gian kể về lai lịch nhân vật. Tuy vậy, thực chất lại rất chặt chẽ, hợp lôgíc.
- Cốt truyện rất hấp dẫn, tình tiết đầy kịch tính và luôn biến hoá đầy bất ngờ, càng về cuối càng gay cấn, quyết liệt.
- Ngôn ngữ trong tác phẩm rất sống động, vừa điêu luyện, nghệ thuật vừa rất gần với lời văn tiếng nói trong đời sống thường nhật. Giọng điệu của tác phẩm phong phú và biến hoá, có sự đan xen lẫn nhau. Cách trần thuật cũng rất linh hoạt, lúc thì trần thuật theo quan điểm của tác giả, lúc thì trần thuật theo nhân vật Chí Phèo, khi lại trần thuật theo nhân vật bá Kiến, thị Nở,... Nhà văn có khả năng nhập vào các vai, chuyển từ vai này sang vai khác một cách tự nhiên, linh hoạt.
Sachbaitap.com