Sinh viên VN hờ hững với kỳ thi lập trình quốc tế

Lần đầu tiên, VN đăng cai sự kiện ACM/ICPC (International Collegiate Programming Contest) vòng loại khu vực châu Á - Thái Bình Dương nhưng hiện chỉ có hơn chục hồ sơ trong nước đăng ký. Theo quy định, mỗi trường, học viện được tham gia nhiều đội. Sự kiện sẽ diễn ...

Lần đầu tiên, VN đăng cai sự kiện ACM/ICPC (International Collegiate Programming Contest) vòng loại khu vực châu Á - Thái Bình Dương nhưng hiện chỉ có hơn chục hồ sơ trong nước đăng ký. Theo quy định, mỗi trường, học viện được tham gia nhiều đội.

Sự kiện sẽ diễn ra tại Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội từ 25 đến 26/11. Tại website chính thức của ACM/ICPC, có gần 30 đội tuyển đăng ký tham gia với những tên tuổi khá nổi tiếng như Đại học Thiên Tân, Thanh Hoa, Đại học về hàng không Nam Kinh (Trung Quốc), Đại học Punjab (Pakistan)... Một số đội tuyển từ Nhật Bản, Hong Kong, Singapore cũng đã rục rịch thông báo đang chuẩn bị đăng ký.

Nhưng về phía Việt Nam, mới lác đác vài đại diện của Đại học Hàng hải, Quốc gia Hà Nội, Khoa CNTT của Viện Mở Hà Nội, ĐH dân lập Quản lý và Kinh doanh Hà Nội, ĐH Công nghệ TP HCM... Đại học Bách khoa Hà Nội, Bách khoa TP HCM, Khoa học tự nhiên TP HCM, Học viện Kỹ thuật quân sự, Học viện Bưu chính viễn thông... vẫn chưa thấy động tĩnh gì dù Ban tổ chức thường xuyên gửi thư mời và thông báo tới 70 trường đại học, cao đẳng, học viện trong cả nước.

Lý giải về sự "hững hờ" của các đội tuyển VN, ông Nguyễn Long, Trưởng ban tổ chức ACM/ICPC tại Việt Nam, do các trường trong nước vẫn quen với kiểu sát ngày khai mạc mới chính thức nộp đơn. "Cần lưu ý, ACM/ICPC là cuộc thi tiêu chuẩn quốc tế, quá hạn đăng ký sẽ không được xem xét, chiếu cố", ông Long khuyến cáo. "Đây là cơ hội tuyệt vời để sinh viên trong nước có dịp tập luyện và làm quen với phong cách mới trong môi trường hội nhập quốc tế. Hơn nữa, tên đội và tên trường sẽ được lưu trong danh sách 7.000 trường từ 6 châu lục cùng tham gia cuộc thi".

ACM/ICPC là cuộc thi lập trình lâu đời và có uy tín trên thế giới với môn bắt buộc là tư duy (thuật toán) và kỹ năng lập trình (giải quyết và phối hợp nhóm). Với sự bảo trợ của Hiệp hội máy tính Mỹ (ACM), kỳ thi lập trình quốc tế ACM/ICPC (International Collegiate Programming Contest) được tổ chức lần đầu tiên tại nước này vào năm 1970. Đến 1977 bắt đầu có cuộc thi chung kết. Từ năm 1989, cuộc thi đã mở rộng ra với quy mô toàn cầu và đặt trụ sở tại Đại học Baylor (Mỹ). Các đội dự thi muốn vào vòng chung kết phải vượt qua vòng loại được tổ chức tại các trường đại học uy tín. Từ năm 1997, sau khi có sự tài trợ của tập đoàn IBM, quy mô của cuộc thi đã phát triển mạnh khi hàng chục nghìn sinh viên xuất sắc trong lĩnh vực máy tính từ nhiều trường đại học trên thế giới tham gia. ACM/ICPC có mục đích phát triển sự sáng tạo, làm việc nhóm và đổi mới trong cách xây dựng các chương trình phần mềm, đồng thời cho phép sinh viên kiểm tra năng lực thực hiện của họ dưới một áp lực thời gian rất cao.

Cuộc thi này được xem là cơ hội cho sinh viên các trường đại học, cao đẳng trong nước rèn luyện, phát triển sự sáng tạo, khả năng làm việc theo nhóm, đổi mới trong cách xây dựng các chương trình phần mềm, dưới áp lực thời gian rất cao và khả năng sử dụng tiếng Anh trong làm bài. Sinh viên CNTT cũng được tiếp xúc với các chuẩn thi của thế giới, góp phần đào tạo nguồn nhân lực trong ngành.

Theo quy định, mỗi trường đại học, cao đẳng, học viện có thể cử 1 đến nhiều đội tuyển (mỗi đội gồm 3 sinh viên và 1 huấn luyện viên) tham dự vòng loại khu vực tại điểm thi Đại học Công nghệ Hà Nội hoặc 1 trong số 12 điểm thi vòng loại ACM/ICPC khu vực châu Á. Lệ phí tham dự là 1.000.000 đồng. Các đội tham dự khối “lều chõng” Olympic Tin học sinh viên VN năm 2006 được miễn phí hoàn toàn. Riêng các đội khu vực Hà Nội có thể tự lo chỗ ăn ở chỉ cần đóng 300.000 đồng (nếu đăng ký tại các điểm thi khác trong khu vực châu Á, phí tham dự thông thường 100 USD). Cách thức thi tương tự khối tập thể lều chõng trong Olympic Tin học Sinh viên Việt Nam diễn ra thường niên.

Các đội tuyển có thể đăng ký trực tuyến kèm danh sách đội tuyển trước ngày 20/10. Ngoài ra, sinh viên đăng ký tự do theo tiêu chuẩn ACM/ICPC (tự đặt tên đội) nhưng phải có sự đồng thuận của nhà trường.

Cuộc thi sử dụng tiếng Anh, chấm thi trực tuyến, công khai kết quả ngay trong ngày... Trong Ban ra đề, ngoài các chuyên gia, giáo sư, giảng viên lâu năm trong Hội đồng ra đề quốc gia còn có cựu học sinh - sinh viên Việt Nam, người đạt giải cao tại các giải quốc tế về lập trình đang làm việc tại nước ngoài. Dự kiến sẽ có 4 giải cho mỗi cấp độ vàng, bạc và đồng được trao cho 12 đội đứng đầu. Đội vô địch sẽ được tham dự kỳ chung kết, dự kiến tổ chức tại Nhật Bản vào tháng 3/2007.

Năm 2005-2006, đã có 5.606 đội tuyển đến từ 1.737 trường đại học ở 84 quốc gia dự thi tại 183 điểm thi khu vực. Có 83 đội lọt vào vòng chung kết và đội tuyển BK-Eagle thuộc Đại học Bách khoa TP HCM sau khi vượt qua vòng loại khu vực châu Á tại Iran (tháng 11/2005) đã đại diện Việt Nam lần đầu tham dự vòng chung kết toàn cầu kỳ thi ACM/ICPC tại Mỹ (tháng 4/2006), vượt qua một số quốc gia được đánh giá khá hơn trong khu vực như Thái Lan, Singapore, Malaysia.

Những năm trước, nhiều sinh viên Việt Nam du học tại nước ngoài đã tham dự ACM/ICPC nhưng với danh nghĩa đội tuyển quốc gia khác bởi Việt Nam không có tên chính thức trong danh sách đăng ký. Điển hình như năm 2005, riêng tại điểm thi Coimbator - Ấn Độ, đã có tới 9 sinh viên Việt Nam tham gia vòng loại nhưng không phải với tư cách đại diện cho quê nhà.

Nguyễn Hằng

0