01/06/2017, 11:21

Sáng tác một truyện ngắn (đề tài tự chọn mang ý nghĩa xã hội) có tác dụng thiết thực đối với tuổi trẻ hiện nay

Đề bài lần này khác với những đề bài khác là tự sáng tác một truyện ngắn theo chủ đề mình tự chọn. Các bạn có thể chọn đề tài tình bạn, học tập, thầy cô, gia đình... nhưng phản ánh được những những thói quen tốt hoặc xấu hiện tại. Các bạn có thể tham khảo những bài làm dưới đây để bài viết phong ...

Đề bài lần này khác với những đề bài khác là tự sáng tác một truyện ngắn theo chủ đề mình tự chọn. Các bạn có thể chọn đề tài tình bạn, học tập, thầy cô, gia đình... nhưng phản ánh được những những thói quen tốt hoặc xấu hiện tại. Các bạn có thể tham khảo những bài làm dưới đây để bài viết phong phú và hay hơn nhé. NƠI BẮT ĐẦU CỦA TÌNH BẠN Cha tôi vẫn luôn dạy rằng, mỗi người trên đời này, bằng cách nào mà gặp được nhau, làm quen và gần gũi với nhau là đều đã mang nợ nhau từ ...

Đề bài lần này khác với những đề bài khác là tự sáng tác một truyện ngắn theo chủ đề mình tự chọn. Các bạn có thể chọn đề tài tình bạn, học tập, thầy cô, gia đình... nhưng phản ánh được những những thói quen tốt hoặc xấu hiện tại. Các bạn có thể tham khảo những bài làm dưới đây để bài viết phong phú và hay hơn nhé.  

 

NƠI BẮT ĐẦU CỦA TÌNH BẠN

Cha tôi vẫn luôn dạy rằng, mỗi người trên đời này, bằng cách nào mà gặp được nhau, làm quen và gần gũi với nhau là đều đã mang nợ nhau từ kiếp trước. Có lẽ đến tuổi 15, tôi mới thực sự thấu hiểu lời cha nói.

Tôi vốn là dân ở tỉnh lẻ, cuộc sống trải qua những ngày tháng vô cùng yên ả. Tuổi thơ của những đứa trẻ như tôi ở làng quê miền núi gắn liền với những chiều hè oi ả lội bờ tung tăng bên bờ sông, những ngày trời xanh ngắt và nắng óng chiếu xiên qua vòm lá bưởi và mùi hương đồng nội đặc trưng sau những mùa gặt thoang thoảng ngọt ngào. Tôi đã từng tâm niệm rằng, bất kì thời điểm nào của cuộc đời tôi cũng sẽ gắn liền với nơi này. Nhưng, một cơ duyên đưa đẩy dẫn con đường đời tôi đi theo một ngã rẽ mới. 15 tuổi tôi trở thành học sinh của trường Nguyễn Tất Thành, nghĩa là tôi phải dời đổi nơi ở từ xóm núi thanh bình xuống thủ đô Hà Nội náo nhiệt. Sự kiện này thực sự đem lại một bất ngờ lớn cho tôi. Tính cách tôi vốn mang nét ôn hòa của cha và sự khép mình của mẹ, nên việc phải rời xa gia đình không khỏi khiến tôi hoang mang, lo lắng.

- “Không! Đây sẽ là một cơ hội mới cho mình. Nơi đó chắc chắn sẽ cho mình một môi trường tốt hơn!”- tôi đã tự trấn an mình như vậy!

Cha tôi ngồi bên vỗ về tôi và khuyên rằng:

- Chẳng bao lâu là con sẽ có nhiều bạn mới. Phải cố gắng hòa nhập nhanh để học hành chứ con!

Mẹ tôi động viên thêm:

- Con ở đó được gần với bà ngoại nữa mà!

Tuy cũng nghĩ như vậy nhưng thực sự tâm trạng của tôi không khá lên được mấy. Tôi hằng hi vọng mỗi ngày có thể dài thêm một chút, tôi vẫn còn những nỗi tiếc nuối vẩn vơ với nơi này.

……….

……………..

…………………..

 Đã đến ngày tôi nhập trường, tâm trạng thật khó diễn tả, tôi không biết phải làm cách nào để tự tin hơn, để bắt đầu các mối quan hệ mới mẻ ở phía trước.

“Tùy cơ ứng biến vậy, mong là mọi việc sẽ suôn sẻ”- tôi suy nghĩ mông lung khi bước tới bảng tin xếp lớp.

- Ồ! 10D2. Số 2 là số may mắn! Mong trời phù hộ cho, đây sẽ là một lớp học thú vị?!

 Sáng ngày hôm sau, tôi đến nhận lớp, trong lòng có chút thư thái hơn những ngày trước, linh tính báo hiệu rằng điều tốt lành đến với tôi như chính thời tiết đẹp tuyệt của ngày cuối hè này.

“Tùng…… tùng……… tùng………” - tiếng trống trường vang lên gióng giả.

 Tôi nhanh chóng bước nhanh lên bậc thang cuối cùng hướng đến lớp học mà chỉ trong vài giây nữa thôi tôi sẽ trở thành thành viên chính thức. Bước vào lớp, tôi nhận ra đã có khá nhiều bạn đã đến sớm hơn, tôi nhanh chóng tìm được chỗ ngồi cho mình ở bàn đầu tiên. Mọi người nói chuyện với nhau rất nhỏ, có lẽ vì các bạn cũng giống tôi, không quen biết nhiều bạn bè trong lớp.

- Cậu ơi! Tớ ngồi đây được không?- một bạn nữ tiến đến.

- Cậu ngồi đi! Chỗ ấy chưa có ai ngồi cả- tôi mời bạn ấy ngồi kèm theo nụ cười thân thiện nhất có thể, vì chắc đây sẽ là người đầu tiên tôi quen trong lớp. Tôi đang mừng thầm trong bụng thì một cô giáo bước vào, chắc hẳn đây là cô chủ nhiệm.

- Chào tất cả các bạn, cô sẽ là cô giáo chủ nhiệm lớp mình. Nhưng cô sẽ giới thiệu về cô sau, trước hết cô muốn xếp lại chỗ ngồi cho các em đã- cô giáo mới của tôi có vẻ rất nhiệt tình.

Tôi được chuyển xuống bàn cuối cùng, ngồi cạnh một bạn nam cao nhất lớp. Bạn này cao hơn tôi gần một cái đầu, thú thực đứng gần bạn ấy có phần hơi tự ti. Nhưng được một phần an ủi là bạn nữ vừa rồi ngồi ngay bàn phía trước tôi.

- Tớ với cậu lại được ngồi gần nhau này- tôi gọi bạn ấy.

Và tôi nhận lại từ bạn gái đáng yêu ấy một nụ cười thật tươi. Tôi thấy lòng nhẹ nhõm hẳn, tan biến cả những cảm giác căng thẳng trĩu nặng suốt những ngày qua. Hóa ra làm quen với một môi trường mới không khó khăn như tôi từng nghĩ.

Qua một vài buổi học, tôi với bạn nữ ấy dần trở nên thân thiết. Bạn ấy tên là Diệu Trinh, cũng đến từ một nơi rất xa, xa hơn tôi- là vùng biển Vũng Tàu xinh đẹp. Có một sự việc trùng hợp đã khiến chúng tôi xích lại gần nhau hơn. Đó là ngay buổi học thứ hai, cả hai đứa đều đi học muộn và bị phạt ở lại đóng cửa lớp- một hình phạt rất nhẹ nhàng, để nhắc nhở là chính. Khi ra về, không ngờ rằng hai đứa lại chung đường vì chỗ ở khá gần nhau. Tôi và Trinh nói chuyện khá hợp “cạ”, từ mấy vấn đề âm nhạc đến truyện tranh rồi kể về kỉ niệm quê nhà nữa… Những ngày sau, lớp học cũng trở nên vui vẻ hơn, vì các bạn đã dần hòa nhập và quen nhau dần.

Theo truyền thống của trường, học sinh khối 10 sẽ tham gia một khóa học quân sự trong một tuần để rèn luyện và để có cơ hội hòa đồng, gần gũi nhau hơn. Đây là một hoạt động rất có ý nghĩa đối với chúng tôi.

- Để xem nào, mình sẽ mang cái này…… này ……. này……

 Trước ngày khởi hành, mọi thứ đã được chuẩn bị sẵn sàng cho chuyến đi. Giờ tôi chỉ mong học kì quân sự sẽ giúp tôi có thêm nhiều bạn bè hơn.

Hôm ấy trời mưa rất to, thời tiết có vẻ chưa ủng hộ chúng tôi cho lắm. Chờ đợi một lúc lâu, cuối cùng chiếc xe dán số của lớp D2 đã đến. Chúng tôi nhanh chóng mang đồ đạc ra sau xe rồi từng người tìm chỗ yên vị cho mình. Sau khoảng hơn một tiếng đồng hồ, chúng tôi đã đến nơi. Điều khiến tôi thích thú đó là những bộ quân phục và giường ngủ hai tầng, chúng thật sự rất ấn tượng. Nhưng điều thú vị hơn cả đối với tôi đó là việc mỗi buổi chiều đi tập về lại hối hả đi đến “phòng tắm dịch vụ”. Ở mỗi phòng tắm này chúng tôi có thể có đến 4 hay 5 người cùng ngồi đợi chờ xếp hàng. Chúng tôi có rất nhiều thời gian để chuyện trò, nên tôi nhanh chóng quen rồi thân với một cô bạn mới, có cái tên rất hay và lạ- Lan Nhi. Tôi, Nhi và Trinh trở thành bộ ba thân thiết. Vào những buổi tối nóng nực, ba đứa tôi trải chiếu nằm trên sàn cùng nhau, đi đâu cũng rủ nhau cùng đi. Cuộc sống sinh hoạt tập thể quả thực đã giúp chúng tôi gắn kết với nhau thật dễ dàng.

Thời gian trôi qua khá nhanh, mới ngày thứ 2 hôm nào chúng tôi xuất phát lên đường, mà hôm nay đã đến ngày thứ 7 chúng tôi phải nói lời tạm biệt với nơi này. Trên chuyến xe trở về, tôi vừa lưu luyến, bâng khuâng với mảnh đất đã níu giữ một phần tâm hồn mình, lại cũng vừa vui mừng vì mình đã tìm được những người bạn thân đồng hành trong chặng đường THPT sắp tới.

Bắt đầu từ đây, tình bạn giữa chúng tôi đơm hoa kết trái. Trở nên gần gũi lạ lùng bởi dường như duyên phận đã kết nối chúng tôi lại với nhau. Tôi đã từng đọc một câu như thế này: “ Tình bạn là tình yêu không có cánh”. Tôi rất thích sự so sánh này vì chúng tôi chẳng đứa nào có cánh cả nên nhất định chúng tôi sẽ mãi là bạn tốt của nhau. Tôi có cảm giác chúng tôi giống như con diều và cơn gió. Luôn nhẹ nhàng quấn quýt lấy nhau và tôn cao nhau lên. Một tình bạn mộc mạc giản dị nhưng bền vững và rất thấu hiểu nhau. Nhờ thế mà việc học tập của tôi ở môi trường mới mẻ này thuận lợi hơn rất nhiều. Chúng tôi được chia sẻ, động viên, giúp đỡ, và mỗi ngày lại thêm cứng cáp, trưởng thành…

Tôi nhớ lại mới ngày đầu tới lớp, sợ hãi vô cùng cái cảm giác lẻ loi xa lạ, còn bây giờ tôi không hề cô độc, tôi đã có một trong số những tài sản vô giá là “tình bạn đẹp tuổi học trò”. Một tình bạn đã được nuôi dưỡng không phải do năm tháng mà chính là do sự thấu hiểu và cảm thông với nhau khi cùng trải qua nhiều tình huống cả trong cuộc sống lẫn trong lớp học. Tôi lại nhớ câu nói mà cha tôi vẫn nói rằng: mỗi người trên đời này, bằng cách nào mà gặp được nhau làm quen và gần gũi với nhau đều đã mang nợ nhau từ kiếp trước. Tôi và các bạn phải chăng cũng mang nợ lẫn nhau- một mối duyên nợ tuyệt vời! Nếu hỏi tôi, ngay lúc này muốn nói gì với họ, chắc chắn tôi sẽ nói “ Mình luôn muốn được mắc nợ các bạn cho đến hết đời này để kiếp sau mình lại có cơ hội để gặp và trả nợ các bạn thêm lần nữa!”.

Một môi trường mới, sẽ là những tình bạn mới - thật tuyệt vời phải không các bạn?

Tác giả: Bùi Thị Hồng Ngọc - lớp 11D2

 

 
MẸ
 
- Mẹ lúc nào cũng so sánh thôi. Sao mẹ không làm mẹ của bạn ấy luôn đi
 
Tôi vùng vằng bỏ lên tầng, đóng sầm cửa lại. Sao mẹ lúc nào cũng chỉ biết mắng nhiếc và so sánh.
 
Đó là giọng của tôi. Xin tự giới thiệu, tôi là Kem. Một đứa con gái đã trượt trường chuyên làm xấu hổ gia đình trong mắt mẹ tôi.
 
- Tôi vừa cãi nhau với mẹ xong, toàn lôi mấy chuyện linh tinh ra để nói. Bực chuyện ở đâu đâu rồi đổ lên người tôi- Bánh nằm cái phịch xuống giường của tôi, tiện tay vớ lấy cái điện thoại bắt wifi. Bánh là đứa bạn thân xa lắc xa lơ mà tôi không nhớ nổi chúng tôi đã gặp nhau như thế nào. 16 năm có lẻ.
 
Tôi cũng thở dài ngao ngán;
 
- Mẹ tôi cũng thế thôi, đang bực chuyện này lại lôi mấy chuyện bé bằng mắt muỗi từ hôm kia hôm kìa ra ngồi nói. Chẳng hiểu sao.
 
- Hôm qua tôi ngủ dậy muộn, để ăn trưa luôn, cuối cùng về nhà bị mắng té tát, Quyên bức xúc.
 
- Tôi thì hơn à, có mỗi vài cái áo trắng. Tôi đã nói là nắng tôi không giặt được, để tối giặt cho mát. Thế mà mẹ tôi lại ngồi nói luôn được nào là ngày xưa sáng sớm mẹ đi vớt bèo cho lợn, gặt lúa, gánh hàng cho bà, nào là giờ tôi được chiều lắm nên ích kỉ, chỉ biết hưởng thụ. Mà tôi vẫn giặt quần áo chứ có phải không đâu.
 
Những câu chuyện về mẹ của chúng tôi không bao giờ là chủ đề nhàm chán, vì chính 2 bậc thân mẫu luôn làm cho chúng trở nên mới mẻ.
 
Sáng chủ nhật, tôi chạy sang nhà Bánh (nhà chúng tôi cách nhay có mấy chục mét). Đứng bên ngoài cửa đã nghe thấy chuyện chẳng lành. Theo kinh nghiệm của tôi thì trong 36 kế, kế chuồn là thượng sách. Y như rằng, tối đó Bánh mò sang nhà tôi.
 
- Mẹ tôi đem hết mấy quyển truyện tranh đốt đi rồi. Mang ra giữa đường đốt ấy, kiểu cố tình cho mọi người nhìn thấy.
 
- Ha, vậy để tôi nói cho mà nghe. Tôi mới tụt có 0,5 điểm trong kì thi tập trung vừa rồi thôi, mẹ tôi đã định đem số tiểu thuyết, sách văn học của tôi đi bán đồng nát. Tôi phải chịu mắng suốt mấy ngày trời. Là 0,5 điểm đấy. Bà không bao giờ bị mắng vì chuyện học hành là tốt rồi.
 
Năm chúng tôi thi vào cấp 3, Bánh thi đỗ chuyên Toán của một trường nhất nhì cả nước. Tôi trượt và vào học một cái trường - không - đủ - đảm - bảo - tương - lai như mẹ tôi kì vọng. Từ đó, mẹ đánh mất toàn bộ niềm tin nơi tôi, sểnh ra một tí là mẹ tôi lại đem tôi ra so sánh với Bánh. Hơi một tí là “con nhà người ta đang học chuyên kia kìa”. Tôi biết thân biết phận là lỗi của mình nên chẳng nói được gì. Nhưng vì mỗi chuyện trượt chuyên thôi mà mẹ cấm đoán tôi đủ chuyện. Cái tôi thất vọng nhất là mẹ chẳng bao giờ tin tưởng tôi. Dù là những chuyện nhỏ nhất. Sáng tôi ở nhà một mình thì mẹ sợ tôi xem phim trên máy tính. Đi học thì sợ tôi “đú đởn” bạn bè (trường tôi học hầu hết đều là con nhà giàu). Cho tôi dùng điện thoại đa phương tiện thì sợ tôi lên mạng, tôi mà làm bài tập nhóm trên máy tính là lại bị mắng là không tập trung vào môn chính, toàn học cái vớ cái vẩn, tối hôm nào đi ngủ sớm là y như rằng hôm sau lại nghe “hát” luôn... Tôi có cảm giác mình là cái gai trong mắt mẹ vậy.
 
- Tôi thì lúc nào cũng xác định xếp bét trong cái lớp ấy rồi.
 
- Bét trong cái trường của bà còn hơn nhất trong cái lớp của tôi.
 
- Mẹ tôi lúc nào cũng nói tôi lười, chẳng chịu làm gì, nhìn bạn Kem kia kìa. Bạn ấy đi học mà vẫn nấu cơm rửa bát lau nhà các loại.
 
- Mẹ tôi thì chỉ mong tôi học được như bà. Mấy cái việc nhà này mai sau lớn lên học cũng không muộn, nhưng học hành á, muộn là hối không kịp.
 
Hai chúng tôi nhìn nhau, không biết làm sao.
 
- Kem ơi, dậy đi. Con gái con lứa mà ngủ chảy thây chảy xác ra thế à. Dậy giặt giũ quét nhà quét cửa nhanh lên!
 
- Vângggggg- Tôi lơ mơ nói vọng ra từ trong màn. Tiếng gọi thần thánh của mẹ tôi khéo cuối xóm cũng nghe thấy.
 
15 phút sau
 
- Kem! Dậy ngay! Nắng lên đỉnh đầu rồi kìa. Sắp 7 giờ tới nơi rồi.
 
Tôi lăn một phát từ trên giường xuống đất. Đồng hồ chỉ 6 RƯỠI. Chính xác là 6 giờ 27 phút. 6 giờ 27 phút mà mặt trười lên đến đỉnh đầu rồi á? Quả không hỏ danh là mẹ tôi. Ôi ngày chủ nhật ngủ nướng tuyệt vời của những cô gái trong bộ phim Hàn Quốc là như thế này saoooo?
 
Khi tôi đang hoàn thành xong thủ tục buổi sáng và lơ mơ ngồi vào bàn học thì cách vài chục mét, Bánh đang ngủ nướng tới 9 rưỡi sáng. Tôi dám lấy toàn bộ số sách của tôi ra thề. Còn tôi thì đang nhìn chằm chằm vào mấy cái gọi là hình học không gian mà càng nhìn càng chỉ tổ thêm buồn ngủ. Buồn cười nhỉ, tự dưng đi vẽ ra mấy cái hình đa chiều rồi tính tính toán toán, còn mấy cái phân tích đa thức thành nhân tử nữa chứ, đang yên đang lành phân tích bung bét ra làm gì.
 
30 phút sau, tôi ngủ ngục trên bàn học.
 
29 phút sau, hàng xóm lại được nghe một trận đấu khẩu của mẹ con tôi.
 
- Học hành như thế này thì nên cơm nên cháo gì. Mày có thích ngủ không, tao cho ngủ cả ngày luôn, rồi mai sau ra đường mà ăn.
 
- Hôm qua con học muộn nên buồn ngủ thôi. Chẳng nhẽ cả tuần con không được ngủ dậy muộn một buổi sáng à?- Tôi gân cổ lên cãi.
 
- Mày học bằng con nhà người ta chưa mà suốt ngày chỉ thích ngủ với truyện trò. Có cần tao đem hết số truyện ấy đi đốt không. Mày chỉ suốt ngày hoạt động câu lạc bộ nọ kia. Không có viết báo gì hết. Mẹ lôi đâu ra mấy tờ nháp bản thảo của tôi giơ lên.
 
- Sao mẹ lại lục đồ của con? Đó là cái riêng tư. Truyện là của các bạn tặng con, có phải con đi mua đâu. Mà truyện đấy là tích góp của nhiều năm chứ có phải con đi mua một lúc về đọc đâu. Nó chẳng ảnh hưởng gì cả. Chẳng nhẽ con không được tham gia một hoạt động nào à, con viết có nhiều đâu.
 
- Nó có ảnh hưởng đấy. Mày xem tin nhắn báo về kiểm tra toán mày được bao nhiêu điểm. Không có báo chí gì hết.
 
- Thì thi thoảng cũng phải có những bài điểm kém chứ ạ, làm sao lúc nào cũng tốt được.
 
- Thế sao người ta vẫn học tốt được đấy. Mày nhìn vùng sâu vùng xa, nhà nghèo người ta đang đỗ thủ khoa kia kìa. Người ta không có truyện trò, không có ti vi, không có câu lạc bộ nào hết. Tập trung học, rõ chưa?
 
- Sao mẹ cứ so sánh như thế nhỉ, vùng sâu vùng xa kệ người ta- Tôi hét lên.
 
- Mày thích nói to không. Có cái nhà nào con cái lại hỗn láo với bố mẹ như thế này không?
 
Tôi chạy lên tầng đóng cửa lại. Phải, tôi nổi tiếng cả khu này vì tội cãi mẹ rồi.
 
- Chị kệ mẹ đi. Biết tính mẹ rồi mà- Thằng Béo, em trai tôi thò mặt ra từ chăn nói.
 
Béo là đứa em 8 tuổi cực kì bướng bỉnh nhưng đôi khi xuất quỉ nhập thần thốt ra mấy câu làm tôi há hốc miệng.
 
- Tập trung đọc truyện đi, biết cái gì!
 
- Haizz, đời là một bể khổ, mà chị lại không biết bơi.
 
Tôi quay phắt lại : “ Chị biết bơi, chỉ không biết nổi thôi”.
 
Sau đó, bố vào phòng tôi nói chuyện. Bố nói tôi phải chăm chỉ học hành, không được cãi mẹ và đủ mọi chuyện khác bằng cách nhẹ nhàng hơn. Tôi ngồi nghe xong rồi chạy sang nhà Bánh.
 
Đi giữa đường gặp Bánh đang đi về chiều ngược lại.
 
“Đi uống trà sữa đi.” Nó nói trong khuôn mặt còn nguyên nước mắt. Bánh cũng vừa cãi nhau với mẹ chỉ vì một chậu quần áo quên không phơi.
 
Vậy là hai đứa đèo nhau tới quán trà sữa chị Hẻm. Quán nhỏ, chuyên bán mấy đồ ăn vặt, nằm sâu trong một con ngõ có giàn hoa giấy luôn nở bung những chùm hoa mỏng tang trắng muốt. Nắng chiều mùa hạ chiếu xuyên qua những tàng cây lấp lánh tạo thành những vệt sáng lung linh.
 
- Hai đứa lại cãi nhau với mẹ à?- chị chủ quán vốn là người rất tâm lí và rất hiểu nỗi ấm ức của hai đứa tôi.
 
- Vâng- Chúng tôi đồng thanh đáp.
 
Chị Hẻm là một người rất “cực kỳ”. Chị độ hai mấy tuổi, ở nhà nuôi mấy đứa em ăn học nên mở quán ăn vặt và nước uống, gần mấy trường học nên làm ăn cũng tươm tất. Chị có một giọng nói dễ nghe và luôn nói mấy chuyện rất thú vị. Hà Nội làm sao có những nơi và có những người như thế này? Nhà chúng tôi ở ngoại thành, và chuyện ngoại thành thì những người thành phố không bao giờ có thể hiểu hết, cũng như những người tha hương cầu thực lên thành phố sinh sống như chúng tôi mãi chẳng thể học được cái vẻ đẹp thanh lịch và giọng nói dễ nghe của người Hà Nội.
 
Sau khi nghe chúng tôi kể lể, chị lấy thêm một tuối nước dừa ra
 
- Này hai đứa, uống đi. Cái này chị cho.
 
Hai đứa chúng tôi đang khát nước, uống luôn không khách sáo. Nghe chị kể, nhà chị gọi là nghèo cũng không sai. Chị đối với mấy đứa em như mẹ vậy. Tiền kiểm ra cũng chẳng nhiều, mà học phí rồi sinh hoạt trong gia đình đâu có rẻ.
 
- Mai này khi là một người phụ nữ trưởng thành, các em sẽ hiểu việc chi tiêu trong gia đình đau đầu như thế nào. Thế nên chị luôn lo lắng các em chị sẽ đua đòi theo bạn bè, không biết tiết kiệm và rèn luyện bản thân cho tương lai. Mỗi đồng tiền là công sức mồ hôi chứ có phải nhặt được đâu em, nộp một phát hàng trăm nghìn cho nhà trường chị cũng xót lắm chứ. Nhưng việc học là việc quan trọng. Bởi thế nếu mà em chị học kém hay bị phê bình, chị cũng tức giận vì số tiền mình vất vả làm ra không được trân trọng. Mẹ các em cũng vậy. Đó là sự lo lắng xuất phát từ tình yêu thương- chị cứ rủ rỉ, tiếng nói nhẹ như hơi thở nhưng sao thấm thía thế!
 
Bầu không khí bỗng nhiên là lạ. Tôi và Bánh nhìn nhau.
 
- Chị ngày xưa mong có người lo lắng, thúc ép không được. Bố mẹ chị mải làm ăn, luôn để cho chị tự chủ trong mọi việc, không bao giờ bắt ép. Nhưng khi nhìn bạn bè cùng trang lứa, chị lại luôn mong có người mắng mỏ mình như hai em.
 
Tôi và Bánh trố mắt ra nhìn chị. “ Đó là sai lầm lớn nhất cuộc đời đó chị ơi!” Bánh kêu. Nhưng ánh mắt của nó có gì thật khó tả! Còn tôi thì tự nhiên thấy nghèn nghẹn…
 
Chị Hẻm cười không đáp. Tôi và Bánh sau đó dắt díu nhau về nhà.
 
- Tôi cũng biết mẹ tôi lo lắng về chuyện học hành tương lai của tôi quá nên mới như thế. Nhưng mẹ tôi cấm đoán tôi thái quá. Thực ra mẹ có thể tin tôi mà. Tôi nhìn mặt trời thở dài.
 
- Mẹ nào cũng lo lắng cho con. Mẹ tôi thế nhưng mà vẫn suốt ngày mua đồ ăn đêm cho tôi vì biết tôi hay bị đói, thực ra một tuần tôi cũng không rửa bát mấy, chỉ vài bữa thôi. Mẹ thương tôi nên toàn làm hết.
 
Hôm sau, mẹ cái Bánh sang nhà tôi. Nghe mẹ nó kể, Bánh tự động dậy sớm nấu cơm rửa bát, làm mẹ nó mừng suýt rớt nước mắt. Công sức bao lâu nay mắng mỏ cũng đạt kết quả. Tôi ở trên tầng nghe loáng thoáng tiếng mẹ tôi nói: “Cái Kem nhà em dạo này tự nhiên chăm học hẳn lên. Em mắng cũng không nói gì.”
 
Tôi đã nói chị Hẻm là một người “cực kỳ” mà!
 
Moon
 

 

NHỮNG ĐIỀU BÍ ẨN TRONG TRƯỜNG HỌC

Màn đêm dần buông xuống, khoảnh khắc khi những tia sáng mặt trời hoàn toàn biến mất là lúc đêm đen ập đến. Bóng tối nuốt chửng tất cả.

Ngoài trời, gió bắt đầu thổi mạnh. Từng cơn gió như nỉ non, khiến những tán lá rung lên xào xạc. Bóng lá tạo nên những hình thù ma quái, tựa bàn tay ma quỷ vươn ra chực bắt những kẻ ngu ngơ sa vào bẫy ác linh. Nó đứng trên dãy hành lang quen thuộc, lẳng lặng quan sát khung cảnh ấy.

Có người nói, mỗi ngôi trường đều mang theo những bí ẩn của riêng mình. Đó là những câu chuyện kinh dị lưu truyền qua từng thế hệ học sinh, về bóng ma trong nhà vệ sinh nữ, về con quỷ ở bậc cầu thang cuối cùng, về đầu người trong rổ bóng ở phòng dụng cụ thể dục, hay những điều tương tự như vậy. Thế nhưng, nó không tin.

Có lẽ chẳng mấy ai tin vào những câu chuyện truyền miệng nhảm nhí ấy, trừ vài đứa con gái yếu bóng vía trong trường. Những đứa con gái mà mỗi lần đi qua và nghe được vài điều bọn nó nói với nhau về mấy câu chuyện trên, nó đều cảm thấy thật khó chịu. Dù chỉ nghe vài câu từ mấy cuộc đối thoại ấy, nó cũng bị sự ngu ngốc của chúng làm cho tức giận. Ví dụ như thế này:

-            Này, mày nghe kể về chuyện bậc thang thứ 13 của cầu thang số 3 chưa?

Giọng một đứa khác đáp lại đầy tò mò:

-            Chưa, nó thế nào?

-            À, tao nghe bảo nếu mày đến trường lúc nửa đêm hoặc giữa trưa, khi không có ai xung quanh cả, nhắm mắt và bước lên bậc thang của trường, dù cầu thang chỉ có 12 bậc thôi, nhưng mày sẽ phát hiện ra mình bước đến bậc thứ 13. Lúc đó mở mắt ra, và mày sẽ được thấy những điều không nên thấy! Trước mắt mày sẽ là một căn phòng đầy máu, bên trong là ác quỷ đang mỉm cười từ địa ngục!

-            Eo!! Kinh thế!

Nghe tiếng mấy đứa con gái kêu lên, nó nghĩ thầm: “Đúng là lũ ngốc!”

Thế nhưng trớ trêu thay, dạo gần đây, con bạn thân của nó chợt trở nên “ngu ngốc” giống lũ con gái ấy.

Hôm đó, giờ ra chơi, nó đang ngoan ngoãn ngồi đần ra trong lớp – như mọi đứa khác, thì con bạn thân nãy giờ huyên thuyên đủ thứ về “ 7 điều bí ẩn trong trường học” có lẽ không tiếp tục chịu được vẻ mặt khinh thường của nó nữa, đập bàn đứng dậy phán:

-            Nè, chú không tin anh chứ gì? Không tin thì thử đi!

Chán nản ngẩng đầu lên, nó hỏi:

-            Thử cái gì?

-            Thì thử một trong số 7 điều ấy, cho chú sáng mắt ra.

Rồi con bé chợt cười tinh nghịch, bổ sung thêm:

-            À, nhưng thử cái nào độ nguy hiểm thấp thấp chút, chứ lỡ có gì sơ xuất thì không ai gánh nổi đâu!

Nó mỉm cười:

-            Được thôi. Thử điều gì đây?

-            Thử bóng ma trong nhà vệ sinh nữ đi, cái đấy dễ thử nhất!

Nó đơ mặt, rồi cười khổ:

-            Tao là con trai mà mày? Một thằng con trai vào nhà vệ sinh nữ để bị chửi là biến thái à?

Con bé cáu kỉnh:

-            Ngốc thế! Phải thử vào lúc không có ai xung quanh thì mày lo cái gì?

-            Ờ… Vậy được rồi, thời gian, địa điểm thế nào?

-            Vào buổi tối đi, chứ trưa thì chả có gì sợ. Còn địa điểm thì chọn phòng vệ sinh tầng 2, ngay trên canteen của trường nhá!

Nó nhíu mày:

-            Tối thì vào trường thế nào được? Mày định trèo tường đấy à?

Con bé cười gian, rất gian, nhưng cũng rất dễ thương:

-            Tất nhiên rồi ~! Tao biết một chỗ trèo vào dễ lắm. Tao đi vòng vòng quanh trường không biết bao nhiêu lần mới tìm được đấy. Chỗ đấy trèo vào dễ mà còn khó bị phát hiện nữa ~ Sao, tao giỏi chưa? Tao thấy tao đúng giỏi đến không thể tin được mà. . .

Ngán ngẩm nhìn con bạn lại lâm vào việc huyên thuyên không ngừng nghỉ, nó lên tiếng ngắt lời:

-            Được rồi, trước 10 giờ tối gặp ở cổng trường. Đến muộn nó đóng cổng đừng trách.

Con bé cười phá:

-            Thế thì lại trèo vào thôi ~

************

Nhìn thấy bóng con bạn mò mẫm đến, nó cười:

-             Còn tưởng cô đến muộn chứ.

-            Hừ, tôi lúc nào chẳng đúng giờ.

-            Thôi đi, cô mà đúng giờ thì chả ai trên thế giới này đi muộn hết.

-            Xùy!!! Đi thôi!

Hai đứa thuận lợi trèo vào trường, rồi đi đến căn phòng vệ sinh ở tầng 2. Càng đến gần “mục tiêu”, con bạn càng níu chặt áo nó, run rẩy:

-            Rợn quá mày ạ! Tao chẳng muốn nhìn nữa. Nhỡ có gì thật thì sao?

Nó cười nhạt, quay đầu nhìn dãy hành lang u tối với những bóng cây đang xào xạc ngoài kia, trả lời:

-            Thì có nghĩa là tao sai, được chưa?

Con bé nép sát sau lưng nó, run run:

-            Đúng sai quan trọng gì giờ này, thôi về đi, tao sợ lắm!

Nhìn cánh của phòng vệ sinh nữ trước mặt, nó liếc con bạn:

-            Đi đến đây rồi còn bỏ về sao được. Vào nhìn một cái thôi, không có gì thì về, ok?

-            Hu hu, nhìn một cái thôi rồi về đó!

-            Ừ.

Nó đưa tay đẩy cánh cửa, âm thanh kẽo kẹt vang lên trong đêm lặng khiến người ta nổi gai ốc. Bước vào trong, tay cầm điện thoại soi đường, nó nhìn quanh tìm kiếm xem có điều bất ngờ nào không. Chợt con bạn thân giật tay nó la lên:

-            Nhìn phía trên cửa kìa!

Quay đầu lại, nó giật mình mở to mắt khi thấy một cái đầu có mái tóc đen dài rũ xuống đang treo lủng lẳng trên cánh cửa. Giờ phút đó tim nó như ngừng đập, nỗi sợ hãi xuất hiện rồi bao trùm lên cơ thể trong nháy mắt. Tay nó run lên, suýt chút nữa làm rơi chiếc điện thoại - nguồn sáng suy nhất trong căn phòng. Đưa tay chiếu thẳng ánh sáng từ điện thoại lên thứ ở trước mặt, nó chợt nhận ra, “cái đầu” kia có có điểm bất thường. Làm gì có cái đầu nào tròn vo như quả bóng vậy chứ!

Bước đến gần để nhìn kỹ hơn, nó nhận ra một sự thật phũ phàng là thứ vừa khiến nó sợ mém rụng tim ra ngoài, chỉ là một quả bóng gắn thêm mái tóc giả được treo trên tường. Cùng lúc đó, quay qua nhìn con bạn thân, nó thấy con bé đang run rẩy, nhưng run là bởi nhịn cười sắp tắc thở! Nó cười, nhưng trong lòng thì giận điên lên được.

Lạnh lùng bỏ đi trước, đến khi trèo ra khỏi trường, con bạn chạy lại kéo tay nó bắt đầu năn nỉ xin lỗi:

-            Thôi mà, người ta biết lỗi rồi mà, chỉ định đùa một chút thôi ~~

Nó không nói mà tiếp tục bước đi, bỏ ngoài tai lời năn nỉ ngọt lịm của con bạn, cho đến khi hai đứa đứng trên đường lớn. Nó chợt dừng lại, quay người hỏi:

-            Cái đầu người là mày làm đúng không?

-            Ừa, người ta nhân lúc sau khi tan học đến đấy đặt bẫy, định dọa cho chú sợ chút thôi mà~

-            Mày chỉ làm có thế thôi hả? Tao còn tưởng có gì kỳ công hơn chứ.

-            Hơ, làm thế đã đủ vất vả lắm rồi, còn làm gì nữa chắc tao mệt chết mất.

Nó im lặng chốc lát, rồi nói:

-            Được rồi, tao không tính toán với mày vụ đấy nữa. Nhưng từ giờ đừng đến nhà vệ sinh đó một mình, khi xung quanh không có ai nghe chưa? Tao mà biết thì lại nhớ đến vụ ngày hôm nay, và tao sẽ không nhịn được mà giết mày cho bớt giận mất.

-            Được được.

Nó đưa con bé về vì dù sao nhà hai đứa cũng chỉ cách nhau vài chục mét. Bước vào nhà, nó nhớ lại khoảnh khắc khi thấy rõ trò đùa tai quái của con bạn. Trong lòng giận điên, nó quay ra định phát tác thì khóe mặt chợt liếc thấy trên bức tường phía bên phải hai đứa, nơi góc khuất hiện lên một gương mặt ma quái đang mỉm cười! Nụ cười khiến nó sởn tóc gáy. Đó là lý do nó bỏ ra khỏi căn phòng kia ngay lập tức.

Sau khi ra khỏi trường, nó vẫn còn nghi ngờ nên đã hỏi con bạn xem ngoài cái đầu giả ra thì con bé còn bố trí thêm gì nữa không. Thế nhưng câu trả lời không của con bạn khiến nó lạnh sống lưng. Nếu không phải do bạn nó bố trí, thì “thứ” nó nhìn thấy, là cái gì?

Nó quyết định giấu kín bí mật này, dù sao nó chắc chắn sẽ không quay lại căn phòng đấy một lần nào nữa! Thế nhưng, nó chợt nghĩ về “7 điều bí ẩn trong trường học” kia. Nếu căn phòng vệ sinh kia có ma thật, thì những điều còn lại, có khi nào cũng là sự thật không?

Chậc, dù sao, nó cũng chẳng quan tâm lắm. Chỉ cần nó và bạn nó không sao là được. Còn những người khác? Mặc kệ họ đi, ai thèm quản chứ!

Hì hì, độc giả thân mến, nếu một ngày bạn gặp một điều gì kỳ lạ trong ngôi trường này, tin tưởng tôi, nó không phải trùng hợp đâu. Có lẽ bạn đã được “họ” để mắt đến và đi theo rồi đấy. Hãy cẩn thận nhé ~! Vì. . . này,

AI ĐANG Ở SAU LƯNG BẠN THẾ?

Tác giả: Đinh Minh Nguyệt - lớp 11D2 

0