Sáng kiến kinh nghiệm: Một số biện pháp giúp học sinh hiểu và thực hiện tốt 5 điều Bác Hồ dạy thiếu niên nhi đồng
Sáng kiến kinh nghiệm: Một số biện pháp giúp học sinh hiểu và thực hiện tốt 5 điều Bác Hồ dạy thiếu niên nhi đồng Sáng kiến kinh nghiệm về công tác đội Sáng kiến kinh nghiệm hoạt động đoàn đội là tài ...
Sáng kiến kinh nghiệm: Một số biện pháp giúp học sinh hiểu và thực hiện tốt 5 điều Bác Hồ dạy thiếu niên nhi đồng
Sáng kiến kinh nghiệm hoạt động đoàn đội
là tài liệu hay dành cho các thầy cô phát triển và nâng cao hiệu quả của các hoạt động đoàn đội, nâng cao nhận thức của học sinh về 5 điều Bác Hồ dạy. Mời các thầy cô cùng tham khảo.
MỘT SỐ BIỆN PHÁP GIÚP HỌC SINH HIỂU VÀ THỰC HIỆN TỐT
"5 ĐIỀU BÁC HỒ DẠY THIẾU NIÊN NHI ĐỒNG"
I . TÍNH MỤC ĐÍCH:
1. Bối cảnh của đề tài:
Mấy năm gần đây, Đảng và Chính phủ ta đã triển khai công tác nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh về cả chiều rộng và chiều sâu bởi nó là nền tảng tinh thần văn hóa xã hội Việt Nam. Tư tưởng Hồ Chí Minh đã trở thành tài sản tinh thần vô giá của cả dân tộc. Thiết tưởng những điều Bác Hồ dạy bảo các em học sinh, thiếu niên và nhi đồng cũng là những nội dung cần nghiên cứu đầy đủ hơn, sâu hơn, bởi vì những lời khuyên răn của Bác vẫn còn nguyên giá trị giáo dục trong thời đại hiện nay và mai sau.
Trong những năm gần đây Bộ chính trị phát động cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" theo chỉ thị số 06/CT – TW ngày 07/11/2006 của Bộ Chính Trị ban hành. Nghị quyết của chi bộ trường TH "A" An Cư cũng phát động, tổ chức trong đội ngũ ĐV, CB-CNVC-LĐ thực hiện một cách nghiêm túc. Hưởng ứng cuộc vận động trên mỗi giáo viên không chỉ học tập mà còn giáo dục cho thế hệ học sinh của mình "làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh". Học và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh góp phần giúp trẻ thể hiện lòng yêu nước, lòng kính trọng yêu quý đối với Bác. Việc làm này đã thực sự trở thành việc làm thường xuyên trong các nhà trường và trong mỗi người Việt Nam. Và 5 điều Bác dạy thiếu niên, nhi đồng đã được phổ biến rộng khắp trong các trường học ở Việt Nam. Nghe theo lời dạy của Người, thiếu niên, nhi đồng khắp nơi đã hăng hái thi đua tham gia phong trào "Hai tốt", phong trào "Thiếu nhi làm nghìn việc tốt". Chính những đóng góp nhỏ bé của các em đã góp phần xứng đáng vào sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc và sự nghiệp dựng xây đất nước.
Ngày nay, trong sự nghiệp đổi mới đất nước, 5 điều Bác dạy thiếu niên nhi đồng vẫn là bài học thuộc lòng quý giá để thiếu nhi ghi nhớ, học tập, rèn luyện và noi theo...
2. Lý do chọn đề tài:
Mục đích và nhiệm vụ của việc dạy học là phải hướng tới mục tiêu: "Nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho đất nước. Và cũng hướng tới mục tiêu phát triển nhân cách toàn diện cho thế trẻ trong nhà trường". Với mục tiêu này đòi hỏi nội dung đào tạo phải thiết thực; Nội dung và phương pháp dạy học phải đảm bảo tính liên thông đối với các bậc học tiếp theo.
Mục tiêu của giáo dục Tiểu học là giáo dục toàn diện cho học sinh về: Đức, Trí , Thể, Mỹ, Lao. Từ mục tiêu này cho thấy giáo dục toàn diện cho trẻ trở thành một người có ích cho xã hội. Là một giáo viên tôi nhận thức rõ tầm quan trọng của việc dạy học của việc dạy học, trách nhiệm của mình đối với trẻ em hôm nay, những người sẽ là chủ nhân tương lai của đất nước mai sau. Hiện nay đất nước ta đã và đang tiến lên thời kỳ Công nghiệp hóa – Hiện đại hóa, cùng với sự thay đổi của thế giới.
Trong những năm qua Trung Ương Đoàn TTNCS Hồ Chí Minh triển khai cuộc vận động "Thiếu nhi Việt Nam thi đua thực hiện tốt 5 điều Bác Hồ dạy". Đây là cuộc vận động lớn, được triển khai rộng rãi cho Thiếu niên nhi đồng cả nước. Cùng với cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", các em thiếu nhi bước vào cuộc vận động với tinh thần thi đua sôi nổi, với quyết tâm cao. Riêng đối với học sinh thì tôi cũng lồng ghép cuộc học tập theo gương Bác. Đó là việc giảng dạy các em "Hiểu và thực hiện tốt 5 điều Bác Hồ dạy thiếu niên nhi đồng". Là một giáo viên, là một phụ trách chi Đội (GV-PT chi đội) là người chịu trách nhiệm chính về hoạt động của chi đội. Về việc triển khai các nội dung, kế hoạch, hướng dẫn chi đội thực hiện cuộc vận động, của Liên Đội trường bản thân tôi đã tích luỹ được một số kinh nghiệm dẫn đến thực hiện thành công. Vì thế, tôi mạnh dạn trình bày đề tài với mong muốn tâm sự, chia sẻ với đồng nghiệp, những người đang thực hiện vai trò của một GV- PT chi Đội để góp sức mình vào công tác giáo dục thiếu niên nhi đồng, giúp các em phát triển, hoàn thiện nhân cách, góp phần xây dựng những công dân tương lai gương mẫu cho xã hội. Do đó tôi đã mạnh dạn lựa chọn đề tài sáng kiến kinh nghiệm cho mình là: "Một số biện pháp giúp học sinh hiểu và thực hiện tốt 5 điều Bác Hồ dạy thiếu niên nhi đồng".
3. Phạm vi nghiên cứu:
Để thực hiện đề tài này, bản thân tôi đã xác định nhiệm vụ là phải tập trung nghiên cứu, tìm hiểu nội dung, ý nghĩa cuộc vận động, triển khai thực hiện cuộc vận động. Xây dựng kế hoạch thực hiện từng tuần, tháng, năm, quá trình thực hiện có kiểm tra, đánh giá, rút ra ưu, khuyết điểm, những hạn chế, tồn tại để rút kinh nghiệm và tiếp tục thực hiện cuộc vận động hiệu quả hơn. Dựa trên tài liệu về lịch sử của 5 điều Bác Hồ dạy thiếu niên nhi đồng (TNNĐ) và nội dung giáo dục theo 5 điều Bác Hồ dạy, nghiên cứu về lý thuyết dựa trên tài liệu: Hồ Chí Minh – Giáo dục – Bồi dưỡng Thanh thiếu niên và nhi đồng, nội dung hướng dẫn thực hiện cuộc vận động của phong trào Đội triển khai. Đặc biệt trong quá trình nghiên cứu tôi đã thể hiện trên thực tế ở chính Liên đội của mình để thực hiện đề tài.
4. Điểm mới trong kết quả nghiên cứu
Đề tài tuy không mới, tuy nhiên việc khai thác về tư tưởng Hồ Chí Minh trong 5 điều Bác dạy thiếu niên nhi đồng trong giáo dục và thực hiện nội dung cuộc vận động là vấn đề luôn mới mẻ. Bởi lẽ tư tưởng Hồ Chí Minh sâu sắc mà phạm vi của đề tài không khai thác hết được. Giáo dục thiếu niên nhi đồng qua 5 điều Bác Hồ dạy cần người tổ chức giáo dục có sự sáng tạo, mô hình phù hợp, xây dựng chương trình có tính nhân văn cao, có giá trị đạo đức thuyết phục.