Robot 300 tấn hoàn thành hầm metro đầu tiên ở Việt Nam sớm một tháng
Sáng 31/10, Ban quản lý đường sắt đô thị TPHCM cùng Liên danh nhà thầu Shimizu – Maeda (Nhật Bản) tổ chức lễ đón máy khoan hầm TBM về ga Nhà hát thành phố - hoàn tất công tác khoan hầm phía Đông của đoạn ngầm Ba Son. Ông Lê Nguyễn Minh Quang - Trưởng ban quản lý đường sắt đô thị TPHCM cho ...
Sáng 31/10, Ban quản lý đường sắt đô thị TPHCM cùng Liên danh nhà thầu Shimizu – Maeda (Nhật Bản) tổ chức lễ đón máy khoan hầm TBM về ga Nhà hát thành phố - hoàn tất công tác khoan hầm phía Đông của đoạn ngầm Ba Son.
Ông Lê Nguyễn Minh Quang - Trưởng ban quản lý đường sắt đô thị TPHCM cho biết, sau hơn 5 tháng thi công, máy khoan hầm TBM đã khoan hoàn tất 781m, lắp ghép 3.900 tấm vỏ hầm của tuyến hầm phía Đông.
Tuyến hầm này đi từ ga Ba Son băng qua các đường Tôn Đức Thắng, Ngô Văn Năm, khu vực 3a Tôn Đức Thắng, Nguyễn Siêu, Hai Bà Trưng, đi giữa Nhà hát thành phố và khách sạn Caravell, băng qua đường Đồng Khởi đến ga Nhà hát thành phố.
Hầm metro Bến Thành-Suối Tiên hoàn thành vượt tiến độ 1 tháng. (Ảnh: M.Q).
Máy khoan hầm TBM dài 70m, nặng 300 tấn khoan hầm metro. (Ảnh: M.Q).
Sau khi hoàn thành việc khoan hầm phía Đông, máy khoan hầm TBM sẽ được tháo dỡ và đưa về về lại ga Ba Son để tiếp tục khoan hầm phía Tây để tạo thành 2 ống hầm đơn có chiều dài 781m.
Bên trong đường hầm metro Bến Thành-Suối Tiên vừa mới hoàn thành. (Ảnh: Ngọc Tiến).
Máy khoan hầm TBM sẽ được tháo dỡ và đưa về lại ga Ba Son để tiếp tục khoan hầm phía Tây. (Ảnh: M.Q).
Ông Akito Takahashi - Phó đại diện Văn phòng Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam cho biết, đây là lần đầu tiên công nghệ khiên đào tiên tiến của Nhật Bản sử dụng máy khoan ngầm TBM được ứng dụng trong thi công công trình đô thị ở Việt Nam, giúp giảm thiểu ảnh hưởng đến giao thông và đời sống sinh hoạt của người dân…
Đây là lần đầu tiên công nghệ khiên đào tiên tiến của Nhật Bản sử dụng máy khoan ngầm TBM được ứng dụng trong thi công công trình đô thị ở Việt Nam. (Ảnh: M.Q).
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến đánh giá đây là một sự kiện hết sức ý nghĩa, đánh dấu thời điểm chuyển sang giai đoạn mới trong quá trình thi công tuyến metro số 1. Với sự nỗ lực của các chuyên gia Nhật Bản cũng như kỹ sư phía Việt Nam đã đưa một công trình ngầm đầu tiên của cả nước đến thành phố với tiến độ xuất sắc vượt kế hoạch một tháng.
“Trong thời gian qua, dù gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn cũng như các thủ tục nhưng với sự hỗ trợ của các bộ ngành, Chính phủ cũng như phía Thành ủy, HĐND thành phố, tôi tin tưởng rằng chúng ta sẽ đưa tuyến metro số 1 vào hoạt động vào cuối năm 2020”, ông Tuyến nói.