Đến làng Vạn Phúc xem quy trình sản xuất lụa công phu như thế nào
Làng lụa Vạn Phúc (Hà Đông, Hà Nội) là một làng nghề dệt lụa tơ tằm nổi tiếng từ bao đời nay. Theo các tiểu thương ở làng lụa, khách đến mua hàng ít hơn nhiều so với trong phố cổ. Hãy cùng chúng tôi thử tìm hiểu quy trình sản xuất lụa ở Vạn Phúc như nào nhé. Làng nghề dệt lụa Vạn Phúc nay ...
Làng lụa Vạn Phúc (Hà Đông, Hà Nội) là một làng nghề dệt lụa tơ tằm nổi tiếng từ bao đời nay. Theo các tiểu thương ở làng lụa, khách đến mua hàng ít hơn nhiều so với trong phố cổ. Hãy cùng chúng tôi thử tìm hiểu quy trình sản xuất lụa ở Vạn Phúc như nào nhé.
Làng nghề dệt lụa Vạn Phúc nay thuộc phường Vạn Phúc, quận Hà Đông, cách trung tâm Hà Nội khoảng 10km. Là một làng nghề dệt lụa tơ tằm nổi tiếng từ đã bao đời nay, được công nhận là kỷ lục “Làng nghề dệt lụa tơ tằm lâu đời nhất vẫn còn duy trì hoạt động đến ngày nay” do Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam trao tặng.
Theo ghi nhận của phóng viên, các cửa hàng bày bán các mặt hàng lụa nhưng rất ít khách hàng đến mua.
Sản phẩm của làng lụa Vạn Phúc cực kỳ đa dạng về màu sắc, phong phú, đa dạng về chủng loại như gấm, lụa, the, sa…
Các cửa hàng ở hai bên đường trưng bày sản phẩm với hàng trăm loại lụa đủ các màu sắc với những loại sản phẩm như: khăn choàng, quần áo, túi xách, cà vạt…
Bà Nguyễn Thị Thoa (56 tuổi) người có 30 năm kinh doanh sản phẩm lụa Vạn Phúc cho biết, các sản phẩm lụa ở đây đều có xuất xứ rõ ràng nhưng lượng khách đến mua rất ít bởi xa trung tâm.
Các sản phẩm dệt của làng lụa Vạn Phúc đều là những tác phẩm nghệ thuật đạt đến độ hoàn hảo. Hàng lụa trơn mịn óng, mềm mại.
Hàng dệt hoa với những màu sắc khi óng ánh, khi trang nhã, hoa văn lúc chìm, lúc nổi.
Đến Vạn Phúc, du khách ngoài có cơ hội mua sắm các sản phẩm từ lụa Hà Đông chính hiệu mà còn được tham quan quy trình sản xuất ra tấm lụa của các nghệ nhân.
Để làm ra được những sản phẩm tơ lụa tuyệt hảo như vậy, người thợ dệt phải thực hiện một quy trình sản xuất khá phức tạp bao gồm nhiều công đoạn như: tơ, hồ sợi, dệt, nhuộm, căng phơi.
Ngay từ việc khâu tơ, người thợ quấn sợi vào ống không chỉ đơn thuần mà còn phải chọn sợi, đẽo sợi để đảm bảo các sợi tơ có màu trắng, nhẵn bóng, không xù lông, tơ phải đều, sau đó mắc sợi, lựa chọn riêng ra sợi dọc, sợi ngang. Tuy nhiên, hiện các nguyên liệu các chủ xưởng dệt đều phải nhập từ nơi khác.
Quy trình sản xuất nghề dệt lụa không chỉ phức tạp mà còn đòi hỏi ở người thợ một sự sáng tạo và khéo léo. Nghệ thuật trang trí các hoa văn trên lụa được xem như chuẩn mực của phong cách tạo hình trên các chất liệu mỏng của các nghệ nhân.
Họ sử dụng đề tài trang trí từ kho tàng nghệ thuật truyền thống của dân tộc nhưng sáng tạo chứ không rập khuôn để nhằm thích ứng với chất liệu dệt.
Ông Phạm Khắc Hà, Chủ tịch Hiệp hội làng nghề lụa Vạn Phúc, Hà Đông cho biết, những mặt hàng lụa được bày bán trong làng hoàn toàn là lấy từ các xưởng sản xuất thủ công. Lụa Vạn Phúc làm ra, hoa văn được tạo ra trong quá trình dệt, còn hàng nước ngoài đa số là hoa văn được in lên trên lụa. Lụa của Trung Quốc chỉ sử dụng được một mặt, còn lụa của Vạn Phúc sử dụng được cả hai mặt.