Quan niệm sai lầm của người Việt về việc giỏi tiếng Anh
"Giỏi tiếng Anh thì phải nói được giọng Anh, giọng Mỹ, giọng bản xứ” Đa phần người Việt cho rằng một người nói tiếng Anh giỏi thì phải "nói, nghe như người bản xứ". Cái họ quan tâm hàng đầu là "accent" (giọng) nên khi học tiếng Anh, họ cố gắng để "nhái" được ...
"Giỏi tiếng Anh thì phải nói được giọng Anh, giọng Mỹ, giọng bản xứ”
Đa phần người Việt cho rằng một người nói tiếng Anh giỏi thì phải "nói, nghe như người bản xứ". Cái họ quan tâm hàng đầu là "accent" (giọng) nên khi học tiếng Anh, họ cố gắng để "nhái" được giọng bản xứ hơn là học làm sao để nói cho đúng, cho lưu loát. Đây là một trong những điều sai lầm nhất trong quan niệm của người Việt khi học tiếng Anh.
Vậy, người bản xứ thật sự nghĩ gì về "native accent" hay "giọng bản xứ"? "Giọng bản xứ thật sự không quan trọng đâu. Chỉ cần người khác nghe và hiểu rõ được bạn nói những gì. Tôi cảm thấy mang giọng riêng thì đặc biệt hơn rất nhiều so với ai cũng nói cùng một giọng. Bản thân tôi là người Mỹ, ở New York nhưng chẳng hề thích giọng New York tý nào vì đa số toàn là tiếng lóng thôi. Nên không phải cứ là giọng bản xứ là tốt. Nếu họ định nghĩa việc giỏi tiếng Anh qua giọng thì đó là một điều sai lầm", Andrew Garcia, sinh viên ngành Quan hệ quốc tế của Đại học Webster, Mỹ nói.
Ở rất nhiều video trên mạng xã hội, youtube, nhiều người Việt vào bình luận một người có giỏi tiếng Anh hay không dựa vào giọng của họ, mà quên đi các yếu tố như nội dung của video, từ vựng hay ngữ pháp tiếng Anh được sử dụng. Lấy thần đồng Đỗ Nhật Nam làm ví dụ. Cậu bé giỏi tiếng Anh, phải nói là rất giỏi, nhưng cậu vẫn nói tiếng Anh theo giọng Việt. Có ai dám phủ nhận tài năng của cậu ấy ngoài những người có suy nghĩ sai lệch này?
Nếu bạn có thể nói được giọng bản xứ thì quá tốt, nhưng nếu bạn không nói được cũng đừng tự ti vì điều đó không có nghĩa là bạn không giỏi tiếng Anh. Bạn cũng không nên bắt đầu việc học bằng cách "nhái" giọng mà nên chăm chút vào cách phát âm của từng từ trước.
"Giỏi tiếng Anh thì chỉ cần giao tiếp được là đủ"
Điều này không hề sai nếu bạn chỉ xem tiếng Anh đơn giản là một công cụ giao tiếp, hơn là một công cụ giúp bạn học cao và nghiên cứu. Nhưng khi bạn quyết tâm học tiếng Anh để đi du học, thì liệu chỉ cần giao tiếp đã đủ chưa?
Khi đi du học, bạn cần nhiều hơn là tiếng Anh giao tiếp. Nếu là một sinh viên tại Mỹ, bạn sẽ không ngừng nghe từ "paper", nó không phải là một tờ giấy mà là một bài nghiên cứu vi mô mà bất cứ sinh viên ở đại học nào cũng phải làm. Những bài "paper" ấy cần khoảng vài nghìn từ đến hơn chục trang. Nếu chỉ có tiếng Anh giao tiếp thì không thể nào làm tốt được.
Nếu bạn đã xác định học tiếng Anh để học, thì bạn nên "tu bổ" vốn ngôn ngữ của mình ở nhiều mặt như: viết, ngữ pháp, từ vựng, hơn là chỉ "giao tiếp là được".
"Nói tiếng Anh thường xuyên là chém gió, là khoe khoang"
Không phải lúc nào nói tiếng Anh ngoài lớp học cũng là chém gió, là khoe khoang. Thật sự mà nói thì môi trường học tiếng Anh ở Việt Nam không có. Cả đất nước có được một vài quán cà phê mà bạn có thể vào đó tìm người tập nói ngôn ngữ này với mình. Nhưng nếu không có điều kiện để đi đến những nơi đó thì sao?
Khi học bất cứ cái gì cũng cần luyện tập mới có thể giỏi hơn được. Tiếng Anh có câu thành ngữ "Practice makes perfect" - có tập luyện thì mới có thể hoàn thiện. Nhưng với tư tưởng "nói tiếng Anh là chém gió" thì đối với những bạn thiếu tự tin, sợ bị chê trách, liệu các bạn ấy có dám tập nói tiếng Anh mọi lúc khi có thể nữa không?
Khi bạn xem việc nói tiếng Anh cùng bạn bè ngoài lớp học là cách để mọi người cùng nhau tiến bộ, thì đó không phải là "chém gió" hay "khoe khoang" mà các bạn đang "Make do with what you have" - sử dụng những gì mình có để tiến bộ hơn.
Kết
Đây là 3 trong số những nhận định sai lầm của người Việt về việc giỏi tiếng Anh. Như đã nói, nó làm ảnh hưởng nhiều hơn là một vài cá thể bởi vì dần với thời gian nó sẽ trở thành quy chuẩn (norm) ăn sâu vào tư tưởng con người.