Quan điểm của Hồ Chí Minh về một số lĩnh vực chính của văn hóa
Quan điểm của Hồ Chí Minh về một số lĩnh vực chính của văn hóa Mục tiêu của văn hoá giáo dục là thực hiện cả ba chức năng của văn hoá bằng giáo dục, có nghĩa là bằng dạy và học. Đó là đào tạo những con người toàn diện vừa có đức vừa có tài, những công dân biết làm và đủ điều kiện làm chủ để xây ...
Quan điểm của Hồ Chí Minh về một số lĩnh vực chính của văn hóa
Mục tiêu của văn hoá giáo dục là thực hiện cả ba chức năng của văn hoá bằng giáo dục, có nghĩa là bằng dạy và học. Đó là đào tạo những con người toàn diện vừa có đức vừa có tài, những công dân biết làm và đủ điều kiện làm chủ để xây dựng và bảo vệ đất nước.
Câu hỏi. ?
Trả lời:
Các lĩnh vực văn hoá là bộ phận cấu thành nền văn hoá. Ở đây, chỉ đề cập ba lĩnh vực chính: văn hoá giác dục, văn học - nghệ thuật, văn hoá đời sống.
* Văn hoá giáo dục
Những quan điểm của Hồ Chí Minh về văn hoá giáo dục tập trung ở các điểm sau:
- Mục tiêu của văn hoá giáo dục là thực hiện cả ba chức năng của văn hoá bằng giáo dục, có nghĩa là bằng dạy và học. Đó là đào tạo những con người toàn diện vừa có đức vừa có tài, những công dân biết làm và đủ điều kiện làm chủ để xây dựng và bảo vệ đất nước. Đó là cải tạo trí thức cũ, đào tạo trí thức mới, thực hiện công nông trí thức hoá, trí thức công nông hoá, xây dựng đội ngũ trí thức ngày càng đông đảo, trình độ ngày càng cao.
- Chương trình, nội dung dạy và học thật khoa học, thật hợp lý, phù hợp với những bước phát triển của nước ta, phản ánh được mục tiêu không chỉ dạy và học chữ mà phải dạy và học làm người.
- Học đi đôi với hành, lý luận phải liên hệ với thực tế, học tập phải kết hợp với lao động, phải luôn luôn gắn nội dung giáo dục với thực tiễn Việt Nam. Có như vậy, văn hoá giáo dục mới có tính hướng đích đúng đắn, rõ ràng, thiết thực.
- Phải tạo môi trưòng giáo dục lành mạnh, -dân chủ trường phải ra trường, lớp phải ra lớp, thầy ra thầy, trò ra trò. Đồng thời phải phối hợp cả ba khâu nhà trường, gia đình và xã hội trong giáo dục.
- Học ở mọi nơi, mọi lúc, học mọi người: học suốt đời; phải coi trọng việc tự học, tự đào tạo và đào tạo lại.
* Văn học - nghệ thuật
Văn học, nghệ thuật gọi chung là văn nghệ. Văn nghệ là biểu hiện tập trung nhất của nền văn hoá là đỉnh cao của đời sống tinh thần, là hình ảnh của tâm hồn dân tộc. Trong lịch sử phát triển, dân tộc Việt Nam là dân tộc rất quý trọng văn nghệ và văn nghệ cũng đã trở thành nhu cầu không thể thiếu của nhân dân ta. Tiếp nối truyền thống dân tộc, Hồ Chí Minh là một chiến sĩ tiên phong trong sáng tạo văn nghệ và là người đã khai sinh một nền văn nghệ cách mạng Việt Nam. Cống hiến của Hồ Chí Minh về văn nghệ là bộ phận đặc sắc trong sự nghiệp của Người đã để lại cho Đảng, cho dân tộc.
Quan điểm của Hồ Chí Minh về văn nghệ có thể tóm tắt như sau:
Văn nghệ là mặt trận, nghệ sĩ là chiến sĩ, tác phẩm văn nghệ là vũ khí sắc bén trong đấu tranh cách mạng, trong xây dựng xã hội mới, con người mới.
Quan điểm trên đặc biệt có ý nghĩa to lớn trong việc tập hợp ngày càng đông đảo văn nghệ sĩ vào một mặt trận chiến đấu bằng vũ khí sắc bén của mình trên tinh thần: nay ở trong thơ nên có thép, nhà thơ cũng phải biết xung phong. Và hướng vào việc “phò chính trừ tà”, “phụng sự kháng chiến, phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân”, đặc biệt là trong việc xây dựng con người mới, xã hội mới.
Quan điểm trên của Hồ Chí Minh đã tạo nên một nền văn nghệ cách mạng và đội ngũ các nghệ sĩ cách mạng. Nó đặt văn nghệ cách mạng của ta vào vị trí tiên phòng chống đế quốc thực dân của thế kỷ XX.
Văn nghệ phải gắn với thực tiễn đời sống nhân dân.
Thực tiễn đời sống nhân dân là lao động, chiến đấu, sinh hoạt và xây dựng xã hội mới. Văn nghệ phản ánh và hướng thực tiễn ấy phát triển theo quy luật của cái đẹp. Cái đẹp của cuộc sống đang vận động và biến đổi, do con người tạo ra, đồng thời cũng tạo ra sự hoàn thiện của con người chứ không phải là cái đẹp siêu thực, vĩnh hằng. Theo tinh thần đó, Hồ Chí Minh yêu cầu chiến sĩ văn nghệ phải thật hoà mình với quần chúng, nguồn nhựa sống sáng tác của nhà văn là từ nhân dân. Nhà văn quên điều đó thì nhân dân cũng quên nhà văn.
Quan điểm trên của Hồ Chí Minh đã mang lại cho nền văn nghệ cách mạng ở ta tính dân tộc, tính nhân dân, tính hiện thực sâu sắc.
Phải có những tác phẩm văn nghệ xứng đáng với thời đại mới của đất nước, của dân tộc. Phải phản ánh cho hay, cho chân thật, cho hùng hồn sự nghiệp cách mạng của nhân dân.
Hồ Chí Minh nói với văn nghệ sĩ: “Quần chúng đang chờ đợi những tác phẩm văn nghệ xứng đáng với thời đại vẻ vang của chúng ta”. "Quần chúng mong muốn những tác phẩm có nội dung chân thật và phong phú, có hình thức trong sáng và vui tươi. Khi chưa xem thì muốn xem, xem rồi thì có bổ ích”. Và theo Người, “một tác phẩm văn chương không cứ dài mới hay. Khi nào tác phẩm ấy chỉ diễn đạt vừa đủ những điều đáng nói, khi nó được trình bày sao cho mọi người ai cũng hiểu được, và khi đọc xong độc giả phải suy ngẫm, thì tác phẩm ấy mới xem như một tác phẩm hay và biên soạn tốt”
Tính chân thực không đối lập với sự hư cấu. Hư cấu từ hiện thực, hướng người đọc vươn tới cái cần có, cái lý tưởng. Đó là tính hướng đích của văn nghệ. Sự phong phú không phải chỉ đòi hỏi ở nội dung mà còn ở thể loại của tác phẩm văn nghệ. Hồ Chí Minh nêu: “cần làm cho món ăn tinh thần được phong phú, không nên bắt mọi người chỉ được ăn một món thôi. Cũng như vào vườn hoa, cần cho mọi người thấy được nhiều loại hoa đẹp"
Định hướng mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là duy nhất và cũng là đề tài bao trùm nhất của Hồ Chí Minh. Người nói: “Về nội dung viết, mà các cô các chú gọi là “đề tài”, thì tất cả những bài Bác viết chỉ có một “đề tài” là: chống thực dân đế quốc, chống phong kiến địa chủ, tuyên truyền độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”. Đó cũng là đề tài bao trùm của giới văn nghệ sĩ nước nhà, thể hiện bằng nhiều thể loại, nhiều tác phẩm. Chính điều đó mở ra con đường sáng tạo không giới hạn của văn nghệ sĩ.
*Văn hoá đời sống.
Hồ Chí Minh đã phát động phong trào xây dựng đời sống mới và viết tác phẩm Đời sống mới để hướng dẫn thực hiện trong xã hội.
Khái niệm "Đời sống mới” mà Hồ Chí Minh đưa ra bao hàm cả đạo đức mới, lối sống mới và nếp sống mới. Đạo đức mới được đề cập ở phần tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức, ở đây chỉ trình bày về lối sống và nếp sống mới.
Lối sống mới là lối sống văn minh, tiên tiến, kết hợp hài hoà truyền thống tốt đẹp của dân tộc và tinh hoa văn hoá của nhân loại. Xây dựng lối sống mới, Hồ Chí Minh đòi hỏi phải: “sửa đổi những việc rất cần thiết, rất phổ thông, trong đời sống của mọi người, tức là sửa đổi cách ăn, cách mặc, cách ở, cách đi lại, cách làm việc”. Đó là 5 cách phải sửa đổi không chỉ với mỗi người mà còn cho cả tập thể, cộng đồng.
Xây dựng lối sống mới không hoàn toàn phụ thuộc vào phương tiện sống nhiều hay ít, giản đơn hay sang trọng mức sống cao hay thấp mà là ở chất văn hoá của lối sống. Theo Hồ Chí Minh phải xây dựng cách sống khiêm tốn, giản dị, chừng mực, điều độ, ngăn nắp, vệ sinh, yêu lao động, biết quý trọng thời gian, ít lòng ham muốn về vật chất, về chức quyền, danh lợi. Trong quan hệ với nhân dân, bạn bè đồng chí thì cởi mở chân tình, ân cần tế nhị, giàu lòng yêu thương quý mến con người, trân trọng con người; đối với mình thì chặt chẽ đối với người thì khoan dung, độ lượng. Làm việc thì quần chúng, tập thể, dân chủ khoa học.
Nếp sống mới. Quá trình làm cho lối sống mới dần dần thành nền nếp, thói quen, ổn định ở mỗi người, thành phong tục tập quán của tập thể hay cả cộng đồng, trong khu vực hay cả nước, thường gọi là nếp sống mới hay nếp sống văn hoá.
Hồ Chí Minh dạy chúng ta chẳng những phải biết kế thừa, mà còn phải phát triển những thuần phong mỹ tục, đồng thời phải biết cải tạo những phong tục tập quán cũ lạc hậu. Việc sửa đổi những thói quen, phong tục tập quán không còn phù hợp, loại bỏ những cái xấu, xây dựng những cái tốt là công việc rất khó khăn, phức tạp. Hồ Chí Minh đã khuyến cáo: “Thói quen rất khó đổi. Cái tốt mà lạ, người ta có thể cho là xấu. Cái xấu mà quen, người ta cho là thường”. Vì vậy, phải nâng cao nhận thức, phải phấn đấu kiên trì mới có thể xây dựng được những thói quen, phong tục tập quán mới, thực hiện đời sống mới.
Hồ Chí Minh cho rằng: “ Đời sống mới không phải cái gì cũ cũng bỏ hết, không phải cái gì cũng làm mới. Cái gì cũ mà xấu, thì phải bỏ... Cái gì cũ mà không xấu, nhưng phiền phức thì phải sửa đổi lại cho hợp lý... Cái gì cũ mà tốt, thì phải phát triển thêm.. Cái gì mới mà hay thì ta phải làm”1-.
Như vậy, phải xây dựng được những thuần phong mỹ tục mới, đồng thời đấu tranh khắc phục rất nhiều vấn đề, thông qua việc rà soát, đánh giá để xây, để chống cho đúng, qua việc làm gương và nêu gương. Bắt đầu từ từng người, từng gia đình thì mới có thể xây dựng được đời sống mới ở tập thể, các đơn vị, ở làng xã, phố phường cho đến cả nước. Có như thế mới xây dựng được nếp sống có văn hoá, xây dựng được đời sống mới thể hiện được bản chất của chủ nghĩa xã hội.