31/05/2017, 12:24

Qua các đoạn trích trong sách “Văn học 9”, tập một và những hiểu biết của em về “Truyện Kiều”, hãy trình bày nghệ thuật miêu tả và khắc hoạ tính cách nhân vật của Nguyễn Du.

Không nói làm gì, và nếu chỉ có thế thì Truyện Kiều cũng không còn sống được với chúng ta đến hôm nay. Chúng ta hãy cùng khám phá cội nguồn làm cho văn Kiều còn dào dạt tuôn chảy đến muôn đời. 1. Sử dụng những kiến thức trong các đoạn trích, và với một chừng mực có thể, trong cả Truyện ...

Không nói làm gì, và nếu chỉ có thế thì Truyện Kiều cũng không còn sống được với chúng ta đến hôm nay. Chúng ta hãy cùng khám phá cội nguồn làm cho văn Kiều còn dào dạt tuôn chảy đến muôn đời.

1.   Sử dụng những kiến thức trong các đoạn trích, và với một chừng mực có thể, trong cả Truyện Kiều.

2.   Phân tích, bình luận về nghệ thuật miêu tả nhân vật, nghệ thuật khắc hoạ tính cách nhân vật.

a)   Về nghệ thuật miêu tả nhân vật cần chú ý làm rõ những nét sau:

-     vẫn sử dụng cách miêu tả ước lệ, nhưng đã có sáng tạo, đạt được sự sinh động, cụ thể, nhờ chọn lọc được những chi tiết tiêu biểu.

-     Sử dụng các biện pháp tu từ so sánh, ẩn dụ, thậm xưng, trong miêu tả khá thành công.

-     Chú ý miêu tả hành động, ngôn ngữ nhân vật để làm rõ tính cách.

-     Đặc biệt thành công của Nguyễn Du là miêu tả diễn biến tâm lí của nhân vật.

b)  Về khắc hoạ tính cách:

-     Tính cách của nhân vật được khắc hoạ thông qua miêu tả.

-     Hình dáng bề ngoài, ngôn ngữ phù hợp với đặc điểm tính cách.

-     Trong các chi tiết so sánh khi miêu tả đã dự báo sốphận và tương lai của nhân vật.

-     Thái độ đốivới các nhân vật thể hiện rõ ràng nhưng vẫn tôn trọng sự phát triển khách quan.

3.   Bài văn như một tiểu luận, tổng hợp các yếu tốphân tích, chứng minh, bình luận.

BÀI LÀM 1

Xanh Bơ-vơ đã nói, đại ý: nếu chọn nhà văn tiêu biểu cho từng nước, nước Anh sẽ không ngần ngại chọn Sêc-xpia, nước Pháp là Mô-li-e và nước Đức là Gơt. Còn tôi, nếu có quyền được chọn, tôi sẽ không ngần ngại nêu tên Nguyễn Du cùng kiệt tác Đoạn trường tân thanh trích “Truyện Kiều”. Đó là một trong những đỉnh cao chói ngời của nền văn học Việt Nam, nền văn học thế giới. Làm nên giá trị bất hủ của tác phẩm này có nhiều nguyên nhân song một điều không ai có thể phủ nhận là tài nghệ miêu tả và khắc hoạ tính cách nhân vật sắc sảo đến mức các nhà viết tiểu thuyết hiện đại cũng khó lòng theo kịp Nguyễn Du.

Trước hết nói về nghệ thuật miêu tả của cụ Tiên Điền vì ngoại hình một con người bao giờ cũng là cái đập vào mắt, đến với nhận thức chúng ta đầu tiên. Một điều rất dễ nhận thấy là sự khác biệt trong cách miêu tả nhân vật chính diện và nhân vật phản diện của Nguyễn Du. Trong quan niệm của Tố Như - một con người cũng như bao nho sĩ đương thời chịu ảnh hưởng sâu sắc của văn hóa Trung Quốc - các nhân vật mang trong mình đỉnh cao của chân, thiện, mĩ đều được khắc hoạ bằng hàng loạt điển cố với bút pháp ước lệ. Với chị em Kiều là “Mai cốt cách, tuyết tinh thần”, Kim Trọng phải là:

Tuyết in sắc ngựa câu giòn

Cỏ pha màu áo nhuộm non da trời

Còn Từ Hải - người anh hùng cái thế? Ta lại bắt gặp “Râu hùm hàm én mày ngài, Vai năm tấc rộng, thân người thước cao” - những tiêu chuẩn, những kích thước điển hình của một trang hảo hán. Ngược lại, ở những nhân vật phản diện, bút pháp của Nguyễn Du lại rất thực tế, sinh động đến mức trần trụi. Mã Giám Sinh là con buôn và cũng là gã trai lơ, hắn cần vẻ ngoài chải chuốt, diêm dúa ư? Thì đây “Mày râu nhẵn nhụi, áo quần bảnh bao”. Còn sởKhanh, kẻ “bạc tình nổi tiếng lầu xanh”, Nguyễn Du khoác cho nó cái “hình dung chải chuốt áo khăn dịu dàng” để đi quyến rũ những “cành phù dung”. Tuy khác đó nhưng Nguyễn Du vẫn khắc hoạ rất điển hình, chọn lọc chi tiết đến mức gắt gao để làm nổi bật lên dáng vẻ của từng hạng người, Tú Bà mụ “gái làng chơi đã về già hết duyên”, nghề nghiệp của mụ tạo cho mụ cuộc sống lấy đêm làm ngày nó để lại, không sao xóa nổi nước da “nhờn nhợt” xanh bủng xanh beo củamụ. Và Tú Bà - chủ nhà chứa, quen “ăn gì” nếu không phải là những đồng tiền nhầy nhụa, ăn chèn của chị em sau những đêm tiếp khách, ních chật căng đến “đẫy đà làm sao”. Hoạn Bà là một tể tướng phu nhân được Nguyễn Du thắp sáp cho mụ, biến mụ thành một pho tượng bệ vệ, quăng bịch xuống cái “giường thất bảo”, giữa cái nhà “ban ngày sáp thắp” kia.

Đặc biệt, làm cho bạn đọc bao thế hệ không ngớt khâm phục là cái tài tả người mà dường như dự báo cho cả cuộc đời nhân vật ở Nguyễn Du. Khi tả Thúy Vân:

Khuôn trăng đầy dặn, nét ngài nở nang

Mây thua nước tóc, tuyết nhường màu da

Và khi tả Thúy Kiều đẹp đến mức “Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh”, Nguyễn Du đều có dụng ý cả. Trên thì “thua”, “nhường”, sắc trung chi hiền, dưới lại “ghen”, “hờn”, sắc trung chi thánh, tả sắc mà đến bậc thánh, hiền thì quả là Nguyễn Du đã khổ tâm hun đúc, chọn chữ để tả ra cho rành. Ai đã nhận xét như vậy, quả là chí lí. Chẳng trách sau này, khi cảnh nhà nguy biến, trong khi Kiều “Dầu chong trắng đĩa lệ tràn thấm khăn” bởi “nổi mình”, “nỗi nhà” thì Vân vẫn ngon lành giấc xuân; trong khi Kiều lênh đênh trong bể đoạn trường thì Vân vẫn để huề sống cùng Kim Trọng. Tả người mà đến mức đó hỏi ai hơn được Nguyễn Du?

“Văn” đong càng lắc càng đầy! Đi sang góc độ khắc hoạ tính cách nhân vật mới thấy hết “tay tiên” của Nguyễn Du “gió táp mưa sa” đến mức nào. Đi vào tính cách, vào nội tâm con người đâu phải là chuyện đơn giản nhưng Nguyễn Du đã vượt qua thử thách đó tưởng chừng rất nhẹ nhàng, đơn giản.

Tả tính cách mà giới thiệu thẳng như khi tả Hoạn Thư:

Ở ăn thì nết cũng hay

Nói điều ràng buộc thì tay cũng già

Trước hết, mượn ngay bút pháp miêu tả, Nguyễn Du đã khắc hoạ rất thành công tính cách nhân vật. Nhà phê bình Xuân Diệu đã từng rất tâm đắc với chữ “thốt” trong bức chân dung nàng Vân:

Hoa cười ngọc thốt đoan trang

Quả nếu thay “thốt” bằng “nói” thì thành ra Vân cười cười nói nói suốt ngày, còn đâu vẻ “đoan trang” nữa, Còn “thốt” là thỉnh thoảng mới nói, cần thì nói, nói đúng lúc. Có thế mới thấy cái dụng công tột bực của cụ Tiên Điền. Còn Sở Khanh, đàn ông gì mà “hình dung chải chuốt áo khăndịu dàng”. Mã Giám Sinh, đấng mày râu gì mà “mày râu nhẵn nhụi”. Theo cái nhẵn nhụi ấy, theo cái chải chuốt đến trơn tuột của lụa là mà cũng tuột luôn, một kẻ bạc tình.

Cũng chỉ cần vài hành động điển hình thôi, Nguyễn Du cũng đã giúp người đọc đi guốc vào tim gan nhân vật. Với hành động đầy mờ ám: “Rẽ song đã thấy Sở Khanh lẻn vào”, có khó gì không đoán được tâm địa phản trắc đầy âm mưu đen tối của Sở Khanh. Còn Kiều, nếu có đi theo hắn chỉ là “cũng liều nhắm mắt đưa chân” trong cơn tuyệt vọng cùng cực của cô tiểu thư lá ngọc cành vàng thoát bị xã hội vứt xuống bùn đen mà thôi. Rõ nhất là Từ Hải. Dường như sự xuất hiện của con người này luôn luôn đột ngột, bất ngờ:

Bỗng đâu có khách biên đình sang chơi

Sau này, trong lời kể của viên lại họ Đô về Từ Hải cho chàng Kim, ông cũng dùng từ “bỗng”. Từ Hải là thế đó! Chàng đến, chàng đi đột ngột như cơn gió lốc, quét hết mọi dơ bẩn, đưa lại hạnh phúc cho con người. Chàng như ánh sao băng vụt loé sáng, xé rách màn đêm trong “đêm trường dạ tối tăm trời đất”. “Bỗng đâu” hạnh phúc đến đột ngột, đầy ngỡ ngàng, ấm áp, hân hoan. “Bỗng đâu” văn Truyện Kiều bừng sáng sau bao nhiêu “cung gió thảm mưa sầu”.

Ngôn ngữ cũng được Nguyễn Du tận dụng tối đa để làm bật lên tính cách nhân vật. Chỉ đọc những dòng “ghi âm” lời Hoạn Thư:

Làm cho cho mệt cho mê Làm cho đau đớn êchề cho coi cũng phải sởn gai ốc vì cái giọng đay nghiến như muốn gí đầu người ta xuống, róc thịt người ta ra của mụ. Và giọng lưỡi Tú Bà:

Màu hồ đã mất đi rồi

Thôi thôi vốn liếng đi đời nhà ma

Những bài học vỡ lòng trong làng chơi mà mụ truyền cho Kiều đã khiến Xuân Diệu cảm thấy “mụ chỉ nói trong mấy phút mà bọt mép của mụ văng đến nghìn năm”. Có lẽ, đối với những con “sư tử Hà Đông” đó thì ngôn ngữ lại là cây bút rất tốt để vẽ lên tâm địa của chúng. Và Nguyễn Du đã rất thành công.

Một phương pháp điển hình trong nghệ thuật khắc hoạ tính cách nhân vật, một bút pháp quen thuộc của các nhà viết tiểu thuyết, truyện ngắn: đặt nhân vật vào hoàn cảnh điển hình. Kiều là nhân vật được khắc hoạ đạt nhất bằng bút pháp đó. Nàng là con gái, là phụ nữ. Không gì điển hình hơn khi đặt Kiều trong thế đối lập với lễ giáo phong kiến trước tình yêu chớm nở với Kim Trọng. Lễ giáo phong kiến nghiêm khắc và nghiệtngã, “nam nữ thụ thụ bất thân”. Nhưng Kiều vẫn chủ động đến với Kim Trọng: “Vì hoa nên phải đánh đường tìm hoa”, đêm về vẫn mơ tưởng:

Người đây gặp gỡ làm chi

Trăm năm biết có duyên gì hay không

Cách xử thế ấy đã làm bao nhà nho xưa chau mày, bặm môi, và ngay cả đến bây giờ cũng chưa hết khiến chúng ta bàng hoàng. Cũng phải đặt con người “hiếu trọng tình thâm” ấy giữa một bên là cha và em đang chịu cảnh “giường cao rút ngược dây oan” với một bên là mối tình đầu chớm nở mới thấy hết giá trị, sức nặng của câu nói đầy nước mắt: “Dễcho để thiếp bán mình chuộc cha” của Kiều, mới thấy hết hiếu nghĩa ở người con. Đây cũng là con người sống có trước có sau. Làm sao quên được hình ảnh “Từ công sánh với phu nhân cùng ngồi”? Khi có quyền hành trong tay, Kiều bỏ ra bao bạc vàng, lụa là đền ơn và kiên quyết tuyên án gia hình “những phường bạc ác tinh ma” đã đẩy nàng xuống bùn đen. Chưa bao giờ Kiều hiện lên sắt đá, quyết đoán đến thế. Thật là con người tình, hiếu, nghĩa vẹn toàn! Đặc biệt, Từ Hải là anh hùng nhưng cũng là con người biết rung động trước cái đẹp, trước sự yếu ớt. Không gì hơn khi đặt chàng trong cuộc gặp gỡvới Kiều nơi lầu xanh chứ không phải trong cuộc chiến đấu nơi trận tiền để khắc hoạ tấm lòng cao quý của người anh hùng ấy. Đó là cái độc đáo, và cũng là sáng tạo rất thành công của Nguyễn Du.

Điều làm ta ngỡ ngàng nhất là “bút pháp phân tích tâm lí tàn nhẫn” - theo cách gọi của Phan Ngọc - ở Nguyễn Du. Nhân vật của ông hiện lên rất người. Trong Truyện Kiều, còn ai được ông yêu thương hơn Thúy Kiều và Từ Hải. Thế nhưng Nguyễn Du vẫn làm chủ được ngòi bút của mình. Cái gì phải đến nó sẽ đến. Con người bao giờ cũng là con người với tất cả mạnh, yếu của mình. Đến một lúc nào đó, nàng Kiều sau bao nhiêu “gió đập sóng va” sẽ phải mệt mỏi, hãi hùng, phải “xiêu” trước “lễ nhiều nói ngọt”, trước bả vinh hoa mà Hồ Tôn Hiến đưa ra để khuyên Từ Hải hàng. Và Từ Hải, con người hùng ấy, trước kia đã từng xiêu trước “tấm lòng nhì nữ”, giờ nghe vợ tỉ tê tha thiết đến thế cũng phải lơi lỏng việc quân và cuối cùng ra hàng là điều dễ hiểu. Chúng ta chẳng trách họ, con người chứ có phải gỗ đá đâu. Và ta càng thêm phục Nguyễn Du.

Có người khi nhận xét bức tranh vẽ ngựa có nói: “Từ khi có con ngựa ấy thì trên đời không còn gì đáng gọi là ngựa nữa”. Cũng có thể nói, từ khi các nhân vật Truyện Kiều ra đời, nó mang tính điển hình đến mức hễ nói đến anh chàng bạc tình là nói “Sở Khanh đã rẽ dây cương lối nào”, và “máu ghen Hoạn Thư” cũng trở thành thành ngữ cố định. Thế mới biết tài Nguyễn Du.

Mặt khen nét bút càng nhìn càng tươi

Nét bút Nguyễn Du, nghệ thuật miêu tả và khắc hoạ tính cách nhân vật của Nguyễn Du sẽ làm cho Truyện Kiều sống mãi.

BÀI LÀM 2

Nguyễn Du đã từng tả tài sắc Thúy Kiều như một sản phẩm quý giá của trời đất, của con người, một của quý mà con người phải bảo vệ. Nhưng xã hội đối xử với cái nhân vật quý báu ấy như thế nào? Thái độ của Mã Giám Sinh trong cuộc mua Kiều có thể coi là thái độ tiêu biểu. Mã Giám Sinh là hình ảnh điển hình của bọn “buôn thịt bán người" trong xã hội lúc bấy giờ.

Nguyễn Du căm ghét bọn người ấy đến tận xương, nên khi tên buôn người họ Mã vừa xuất hiện, ông đã giới thiệu y bằng những lời cộc lốc:

Hỏi tên, rằng: “Mã Giám Sinh”

Hỏi quê, rằng: “Huyện Lâm Thanh cũng gần”.

Cái cộc lốc ấy lột tả vẻ thô lỗ, cộc cằn, vô giáo dục và cả sự giả dối lừa đảo của y. Đó là tên họ và quê quán do y khai ra. Biết đâu cả cái danh hiệu Giám Sinh ấy và cả cái huyện Lâm Thanh cũng chỉ là đồ giả mạo?

Vẻ ngoài của Mã Giám Sinh thật đáng ngờ:

Quá niên trạc ngoại tứ tuần,

Mày râu nhẵn nhụi, áo quần bảnh bao.

Trong xã hội bình thường, nhất là xã hội phong kiến, ngoài bốn mươi tuổi, người ta sống với tuổi làm cha, làm ông, đứng đắn chững chạc lắm rồi. Thế mà y thì ăn diện, trai lơ, để làm gì chứ? Bầu đoàn của hắn cũng lộn xộn ồn ào, toàn một tụi lưu manh:

Trước thầy, sau tớ xôn xao...

Vừa bước vào nhà, Mã Giám Sinh đã tỏ rõ vẻ lấc cấc của một tên vô học ỷ mình có tiền:

Ghế trên ngồi tót sỗ sàng.

Không chờ người nhà mời ngồi, y nhảy lên ngay ngồi vào cái ghế đặt ở vị trí cao nhất, long trọng nhất trong nhà, cứ như y là người lớn nhất. Thế mà y lại đến nói xin cưới Thúy Kiều về làm vợ, tức là đến xin làm con rể gia đình Kiều! Bản chất giả dối của y đã bị lột trần.

Thực chất là kẻ buôn người, Mã Giám Sinh khảo sát món hàng của mình đến là kĩ lưỡng, cứ như người buôn rau đến lật lên từng mớ rau để xem xét, nó có tươi hay không, chỗ nào có lá héo, chỗ nào có lá sâu. Y xem tóc, xem tay, xem mặt, xem mũi, bắt đánh đàn, bắt làm thơ để ước tính lợi nhuận mà món hàng có thể mang đến để tính giá mua cho vừa.

Thấy món hàng thật là hợp ý, y tính chuyện mua. Là con buôn, Mã Giám Sinh thành thạo thứ ngôn ngữ trau chuốt giả dối của con buôn lành nghề. Y dùng những từ hoa mĩ để hỏi giá món hàng:

Rằng: “Mua ngọc đến Lam Kiều,

Sính nghi xin dạy bao nhiêu cho tường?”

Hỏi giá món hàng nhưng Mã Giám Sinh nói đến “sính nghi” cứ y như ý định hỏi Kiều về làm vợ thật vậy. Tuy nhiên, con buôn vẫn là con buôn. Cuối cùng, Mã Giám Sinh vẫn hiện nguyên hình con quỷ dẫu mặc áo người. Cách mặc cả của y mới keo cú làm sao! Từ “cò kè” mà Nguyễn Du dùng một cách sinh động cho ta biết rõ thái độ của gã lái buôn này. Cuộc mua bán thật quyết liệt, gay go. Bên bán thì treo giá, bên mua thì mặc cả từng đồng đến nỗi cuối cùng, Mã Giám Sinh hạ giá món hàng từ một nghìn lạng ban đầu xuống chỉ còn bốn trăm lạng, nghĩa là chưa được một nửa. Mua bán như thế, trách chi cửa hàng bán người của mụ Tú Bà ngày càng khấm khá, “một vốn bốn lời”.

 

Trong những nỗi khổ của con người ngày xưa, có không ít nỗi khổ, không ít người khổ vì những tên “buôn thịt bán người”. Chế độ nô lệ và chế độ phong kiến không còn nữa nhưng ngày nay, chế độ buôn người vẫn còn trên thế giới. Đoạn thơ này của Nguyễn Du vẫn là lời căm giận bọn “buôn thịt bán người” dẫu chúng có thay hình đổi dạng thế nào, vẫn thông thiết kêu gọi: Hãy bảo vệ con người!

Nguồn: Nhungbaivanhay.net
0