Phân tích bài thơ Đồng chí của Chính Hữu.
Và cũng thật là giản dị, không hẹn mà họ đến với nhau từ những phương trời cách biệt, từ những mảnh đời của cùng một đất nước, cùng một hoàn cảnh... Đó chính là sự hẹn hò, gặp gỡ từ bên trong tất yếu đưa họ đến cùng nhau, hội tụ với nhau nơi đỉnh cao của lòng yêu nước. Cuộc kháng chiến ...
Và cũng thật là giản dị, không hẹn mà họ đến với nhau từ những phương trời cách biệt, từ những mảnh đời của cùng một đất nước, cùng một hoàn cảnh... Đó chính là sự hẹn hò, gặp gỡ từ bên trong tất yếu đưa họ đến cùng nhau, hội tụ với nhau nơi đỉnh cao của lòng yêu nước.
Cuộc kháng chiến chống Pháp vĩ đại là điểm hội tụ, nơi gặp gỡ của muôn triệu tấm lòng yêu nước. Biết bao người con của Tổ quốc đã ra đi vì tiếng gọi cứu nước thiêng liêng. Họ ra đi, để lại sau lưng khoảng trời xanh quê nhà, bờ tre ruộng lúa, giếng nước gốc đa.. Họ ra đi, sát cánh bên nhau, cùng hưởng niềm vui, chia sẻ gian lao thiếu thốn và trở nên thân thương gắn bó. Tình đồng đội, đồng chí bắt nguồn từ đó...
Mối tình cao quý ấy đã được diễn tả trong bài thơ “Đồng chí” của Chính Hữu; đó là lời tâm tình của người trong cuộc, của một nhà thơ chiến sĩ.
Non nửa thế kỉ đã trôi qua, bài thơ đã thực sự đi vào lòng bao nhiêu thế hệ và đến hôm nay vẫn ngân rung những sợi dây tình cảm nối liền những người chiến sĩ, nối chúng ta lại với nhau, giúp ta hiểu hơn cuộc sống và tâm sự của ông cha mình:
Quê hương anh nước mặn đồng chua
Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá.
Anh với tôi đôi người xa lạ
Tự phương trời chẳng hẹn quen nhau,
Súng bên súng, đầu sát bên đầu
Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỉ
Đồng chí!
Ruộng nương anh gửi bạn thân cày
Gian nhà không, mặc kệ gió lung lay
Giếng nước gốc đa nhớ người ra lính
Anh với tôi biết từng cơn ớn lạnh
Sốt run người, vừng trán ướt mồ hôi.
Áo anh rách vai
Quần tôi có vài mảnh vá
Miệng cười buốt giá
Chân không giày
Thương nhau tay nắm lấy bàn tay.
Đêm nay rừng hoang sương muối
Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới
Đầu súng trăng treo.
Bài thơ mở đầu bằng những dòng tâm sự... Lời thơ mộc mạc tự nhiên dường như chẳng có gì khác với lời ăn tiếng nói hàng ngày:
Quê hương anh nước mặn đồng chua
Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá.
Anh với tôi đôi người xa lạ
Tự phương trời chẳng hẹn quen nhau...
Hình ảnh “quê hương anh” và “làng tôi” hiện lên với bao vất vả nhọc nhằn mặc dù nhà thơ không chú ý miêu tả. Song chính điều đó lại làm cho những hình ảnh vốn chỉ là những danh từ rất chung chung kia trở nên cụ thể, sống thực, đến mức gần như có thể nhìn thấy được, nhất là đốivới đôi mắt của người dân quê Việt Nam. Câu thơ gợi lên sự cảm thông, liên tưởng và những suy nghĩ đồng điệu của những con người cùng cảnh ngộ, những người nông dân lớn lên giữa những miền quê cơ cực, nghèo khổ, lam lũ nhọc nhằn. Thành ngữ “nước mặn đồng chua” đi vào câu thơ cũng tự nhiên, giản dị như là cuộc sống gian nan vất vả kia đã hiện lên vậy.
Giờ đây, sát cánh bên nhau trong cuộc đấu tranh giữ nước, hơn bao giờ hết họ cảm nhận được sự hòa hợp, gắn bó keo sơn của từng con người cùng chung hành động, cùng chung lí tưởng:
Súng bên súng, đầu sát bên đầu
Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỉ
Ngôn ngữ thơ giản dị như văn kể chuyện, chắc khoẻ mà thanh thoát như chính cuộc đời người lính, biếu hiện tư thếcủa người chiến sĩ khi chờ giặc - vừa là một bức tranh tả thực, vừa mang ý nghĩa tượng trưng: “súng bên súng” - chung hành động, “đầu bên đầu” - chung lí tưởng. Ấy là cội nguồn của sức mạnh!
Bỗng dưng đoạn thơ đột ngột đứt ra hai tiếng “đồng chí” thành một khổ thơ riêng như buộc người đọc phải dừng lại nghĩ suy về tình cảm thiêng liêng mà hai tiếng ấy gợi ra. “Đồng chí”, hai tiếng quen thuộc và giản dị bỗng mang biết bao ý nghĩa khi đứng giữa bài thơ - như một cái lưng ong thắt lại, tạo ra một kết cấu mới lạ, một kết cấu chính luận trong thơ ... Và dấu chấm than đi kèm hai tiếng ấy bỗng như chất chứa bao nhiêu trìu mến thân thương. Hai tiếng, chỉ hai tiếng thôi mà nói được rất nhiều...
Những lời thơ tiếp theo vẫn là những dòng tâm tình mang nặng bâng khuâng thương nhớ:
Ruộng nương anh gửi bạn thân cày
Gian nhà không, mặc kệ gió lung lay
Giếng nước gốc đa nhớ người ra lính
Câu thơ gợi nhớ biết bao hình ảnh thân quen - không bộc lộ cảm xúc trực tiếp, nhưng khi đọc lên nghe nhớ nhung lưu luyến đến nao lòng. Từ “mặc kệ” bỗng làm ta liên tưởng đến hình ảnh người chiến sĩ trong bài “Đất nước” của Nguyễn Đình Thi:
Người ra đi đầu không ngoảnh lại
Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy.
Thơ là ý tại ngôn ngoại. “Mặc kệ” hay “đầu không ngoảnh lại” chẳng qua là những cách nói khác nhau nhưng đều biểu lộ một ý chí quyết tâm muốn vượt lên những tình cảm nhung nhớ thông thường, ởđây người chiến sĩ phải cố gắng dùng lí trí để chế ngự tình cảm vốn thắm thiết ở bên trong. Nhưng càng chế ngự thì nỗi nhớ nhung lại càng trở nên da diết, đến mức như cảm thấy được từng cơn gió giật lung lay mái lá ngóinhà thân thương... Tình cảm như vậy thì không thể nào nghĩ đến chuyện đo đếm nữa.
Hình ảnh “giếng nước gốc đa nhớ người ra lính” càng tô đậm sự gắn bó yêu thương của người lính đối với quê nhà. Hình ảnh ấy vừa được sử dụng như một phép hoán dụ (giếng nước gốc đa biểu hiện cho làng quê Việt Nam - quê hương người lính), vừa được sử dụng như một phép nhân hóa (giếng nước gốc đa biết nhớ nhung như một con người) - nó giúp người lính diễn tả một cách hồn nhiên và tinh tế tâm hồn mình. Giếng nước gốc đa kia nhớ người ra lính hay chính tấm lòng người ra lính không nguôi thương nhớ quê hương và đã tạo cho giếng nước gốc đa một tâm hồn? Quả thực giữa người chiến sĩ và quê hương anh đã có một mối giao cảm vô cùng sâu sắc, đậm đà - nếu không, nhà thơ làm sao có thể hình dung ra được bấy nhiêu nhớ nhung lưu luyến, bấy nhiêu hình ảnh thân thương?
Diễn tả nỗi niềm nhớ thương như thế, nhà thơ đã nói được một tình cảm bình dị, hồn nhiên và rất thật của người chiến sĩ. Đó cũng là một tình cảm lớn lao không kém gì lòng yêu Tổ quốc, hay nói đúng hơn cũng chính là lòng yêu Tổ quốc, là biểu hiện cụ thể của tình cảm đối với Tổ quốc. Đó là sợi dây liên hệ tâm hồn làm nên tình đồng đội, cũng là nguồn sức mạnh giúp người chiến sĩ vượt lên mọi thiếu thốn hiểm nguy để chiến thắng kẻ thù.
Đoạn thơ tiếp theo gợi lại những khó khăn gian khổmà người lính phải chịu đựng, phải trải qua. Nhưng câu thơ không nhằm kể khổ. Câu thơ muốn nói về tấm lòng của những con người trong gian khổ... Hình ảnh các chiến sĩ “thương nhau tay nắm lấy bàn tay” sao mà thân thương cảm động! Bàn tay nóng ấm tình người, sưởi ấm cho nhau trong giá buốt... Cái nắm tay chất chứa biết bao tình cảm không lời,
Ởba dòng thơ cuối, hiện lên một bức tranh cụ thể, xác thực, giàu hình ảnh và vô cùng gợi cảm:
Đêm nay rừng hoang sương muối
Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới
Đầu súng trăng treo.
Hùng vĩ và cảm động làm sao, cảnh những người chiến sĩ đứng cạnh nhau chờ giặc, giữa sương muối đêm rừng lạnh giá, giữa thiên nhiên hoang vắng và khắc nghiệt! Từ “chờ” được sử dụng tự nhiên như vẽ ra một diện mạo, một tư thế - cái tư thế sẵn sàng, chủ động tiến công.
Và đột ngột - đột ngột mà rạng rỡ - hình ảnh “đầu súng trăng treo” kết thúc bài thơ một cách tự nhiên, đẹp đẽ và đầy thi vị. “Đầu súng trăng treo” chỉ có bốn từ, chỉ có súng và trăng! Thật lạ lùng sao, hai hình ảnh vốn tương phản, cách xa vời vợi bỗng hòa quyện vào nhau thành mộthình tượng gắn liền. Nhà thơ không tả, nhưng hình ảnh ấy tự nó gợi ra liên tưởng, giúp ta hình dung ra khung cảnh những người chiến sĩ - bên nhau - chờ giặc. Đêm về khuya, vầng trăng xế chênh chếch như treo trên đầu ngọn súng. Một hình ảnh như thực... Nhưng phải là một tâm hồn thơ giàu chất lãng mạn, trí tưởng tượng, một phong thái ung dung, bình tĩnh, lạc quan mới có thể tạo nên một hình ảnh thật thơ như thế.
Người chiến sĩ trong bài thơ chờ giặc nhưng lại thả hồn mình, hướng cái nhìn của mình về phía vầng trăng. Ánh trăng yên bình thơ mộng như xua tan băng giá, như cùng tham gia, cùng chứng kiến tình “đồng chí” thiêng liêng của những người lính. Trăng cũng là bạn, là “đồng chí”của anh.
Súng tượng trưng cho chiến đấu. Trăng là hình ảnh của thanh bình. Súng là con người, trăng là đất nước quê hương. Súng tượng trưng chiến sĩ. Trăng - hình ảnh thi sĩ. Hai hình ảnh kết hợp hài hòa vừa hiện thực và lãng mạn bay bổng, vừa gợi tả, cụ thể, vừa giàu sức khái quát, nói lên lí tưởng chiến đấu, mục đích của cuộc kháng chiến mà người chiến sĩ đang tham gia: chiến đấu cho sự yên bình, cho ánh trăng mãi mãi nghiêng cười trên đỉnh núi. Ấy là biểu tượng thi vị của khát vọng hòabình. Nó cũng biểu hiện tâm hồn, tư thế của người chiến sĩ: bình tĩnh, lạc quan, dũng cảm và lãng mạn.
Không phải ngẫu nhiên nhà thơ đã chọn hình ảnh “đầu súng trăng treo” làm tựa đề cho cả tập thơ chiến sĩ của mình. Đấy là một biểu hiện tuyệt vời của chất lãng mạn cách mạng trong thơ.
Viết về người lính, bài “Đồng chí” có một dáng dấp đặc biệt: giọng thơ như thủ thỉ tâm tình, bình dị sâu lắng mà giàu sắc thái gợi cảm. Hình ảnh mộc mạc, xác thực và giàu chất thơ. Nhưng hơn tất cả, bài thơ đã chinh phục người đọc bằng xúc cảm chân thực sâu sắc của chính tâm hồn chiến sĩ, của chính tình đồng chí thiêng liêng mà nhà thơ đã từng sống, từng trải qua.