Phương pháp xác định lợi nhuận và các nhân tố ảnh hưởng tới lợi nhuận của doanh nghiệp
Để xác định lợi nhuận đạt được trong kỳ có thể sử dụng các phương pháp tính toán sau: Phương pháp trực tiếp : Theo phương pháp này lợi nhuận của doanh nghiệp được xác định bằng tổng hợp lợi nhuận hoạt động kinh doanh và lợi nhuận ...
Để xác định lợi nhuận đạt được trong kỳ có thể sử dụng các phương pháp tính toán sau:
Phương pháp trực tiếp : Theo phương pháp này lợi nhuận của doanh nghiệp được xác định bằng tổng hợp lợi nhuận hoạt động kinh doanh và lợi nhuận các hoạt động khác. Trong đó lợi nhuận từng hoạt động là phần chênh lệch giữa doanh thu và chi phí mà doanh nghiệp đã bỏ ra để đạt được doanh thu đó. Cách thức xác định như sau :
- Đối với lợi nhuận hoạt động kinh doanh, được xác định là khoản chênh lệch giữa doanh thu thuần hoạt động sản xuất kinh doanh và chi phí hoạt động kinh doanh:
Lợi nhuận HĐ SXKD | = | Doanh thu thuần | + | Doanh thu HĐ tài chính | - | CPHĐ tài chính | - | Giá vốn HBán | - | CP bán hàng | - | Chi phí QLDN |
- Đối với các hoạt động kinh tế khác, lợi nhuận được xác định là khoản lợi nhuận không dự tính trước hoặc những khoản thu mang tính chất không thường xuyên. Những khoản lợi nhuận khác có thể do chủ quan hoặc khách quan mang lại.
Lợi nhuận hoạt động kinh tế khác | = | Thu nhập của hoạt động khác | - | Chi phí hoạt động khác | - | Thuế gián thu (nếu có) |
Sau khi đã xác định được lợi nhuận của các hoạt động, tiến hành tổng hợp lại được lợi nhuận trước thuế thu nhập doanh nghiệp như sau :
Lợi nhuận trước thuế thu nhập doanh nghiệp | = | Lợi nhuận từ hoạt động sản xuất kinh doanh | + | Lợi nhuận hoạt động tài chính | + | Lợi nhuận hoạt động khác |
Phần còn lại của lợi nhuận sau khi trừ số thuế thu nhập doanh nghiệp chính là lợi nhuận sau thuế (lợi nhuận ròng).
Lợi nhuận sau thuế | = | Lợi nhuận trước thuế thu nhập | - | Thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp trong kỳ |
Phương pháp xác định lợi nhuận qua các bước trung gian:
Theo phương pháp này, để xác định được lợi nhuận của doanh nghiệp trước hết ta phải xác định được các chi tiết các hoạt động của doanh nghiệp đó. Từ đó lần lượt lấy doanh thu của tong hoạt động trừ đi chi phí bỏ ra để có doanh thu đó (như giá vốn, chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp, chi phí hoạt động tài chính…). Cuối cùng tổng hợp lợi nhuận của các hoạt động ta sẽ tính được lợi nhuận thu được trong kỳ của doanh nghiệp.
Phương pháp này được thể hiện qua sơ đồ sau:
Các nhân tố ảnh hưởng tới giá thành tiêu thụ sản phẩm:
Giá thành sản phẩm là biểu hiện bằng tiền của toàn bộ hao phí vật chất và hao phí lao động sống để hoàn thành việc sản xuất và tiêu thụ một đơn vị sản phẩm hoặc một loại sản phẩm nhất định.
Giá thành toàn bộ sản phẩm hàng hoá, dịch vụ tiêu thụ trong kỳ được xác định theo công thức:
Ztt = Zsx + CPBH + CPQLDN
Trong đó:
+ Ztt: là giá thành toàn bộ sản phẩm hàng hoá dịch vụ tiêu thụ trong kỳ
+ Zsx: là giá thành sản xuất toàn bộ sản phẩm hàng hoá, dịch vụ tiêu thụ trong kỳ và được xác định theo công thức:
Zsx = CPNVLTT + CPNCTT + CPSXC
Trong đó:
CPNVLTT: là chi phí nguyên vật liệu trực tiếp bao gồm chi phí về nguyên liệu, nhiên liệu sử dụng trực tiếp tạo ra một loại sản phẩm dịch vụ nhất định.
CPNCTT: bao gồm chi phí tiền lương, tiền công, các khoản trích nộp của nhân công trực tiếp sản xuất sản phẩm mà doanh nghiệp phải nộp theo quy định của nhà nước như bảo hiểm xã hội, kinh phí công đoàn, bảo hiểm y tế.
CPSXC: là chi phí sử dụng cho hoạt động sản xuất chế biến của phân xưởng trực tiếp tạo ra sản phẩm hàng hoá, dịch vụ. Bao gồm chi phí vật liệu, công cụ lao động nhỏ; khấu hao tài sản cố định phân xưởng; tiền lương các khoản trích theo lương, chi phí dịch vụ mua ngoài; chi phí khác bằng tiền phát sinh trong phạm vi phân xưởng.
CPBH: là khoản chi phí mà doanh nghiệp bỏ ra để hoàn thành việc tiêu thụ sản phẩm hàng hoá dịch vụ trong kỳ. Bao gồm tiền lương các khoản trích theo lương, phụ cấp cho nhân viên bán hàng, chi phí đóng gói bảo quản sản phẩm…
CPQLDN: bao gồm các chi phí cho bộ máy quản lý điều hành doanh nghiệp, các chi phí có liên quan đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp như: chi phí công cụ lao động nhỏ khấu hao TSCĐ phục vụ bộ máy quản lý và điều hành doanh nghiệp; tiền lương và các khoản trích nộp theo lương, chi phí dịch vụ mua ngoài, chi phí khác bằng tiền phát sinh của doanh nghiệp như chi phí giao dịch, tiếp tân…
Vì các khoản chi phí này trực tiếp hình thành nên giá thành toàn bộ sản phẩm tiêu thụ trong kỳ, nên nếu các nhân tố khác không đổi mà các khoản mục chi phí này giảm xuống thì lợi nhuận của doanh nghiệp sẽ tăng lên. Ngược lại nếu chi phí cho các khoản mục này tăng lên sẽ làm cho lợi nhuận doanh nghiệp thu được giảm xuống. Do đó nếu các khoản mục chi phí này được tiết kiệm một cách hợp lý sẽ làm giảm giá thành sản phẩm hàng hoá, dịch vụ góp phần làm tăng lợi nhuận của doanh nghiệp.
Các nhân tố ảnh hưởng đến doanh thu tiêu thụ sản phẩm hàng hoá dịch vụ của doanh nghiệp
Khối lượng sản phẩm hàng hoá dịch vụ tiêu thụ:Khối lượng sản phẩm tiêu thụ trong kỳ ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu tiêu thụ sản phẩm và tác động cùng chiều tới lợi nhuận thu được của doanh nghiệp. Sản phẩm sản xuất ra và tiêu thụ càng nhiều thì khả năng về doanh thu càng lớn. Tuy nhiên, khối lượng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm còn phụ thuộc vào quy mô của doanh nghiệp, tình hình tổ chức công tác tiêu thụ sản phẩm; việc ký kết hợp đồng tiêu thụ đối với khách hàng, việc giao hàng, vận chuyển và thanh toán tiền hàng. Do đó để tăng doanh thu bằng việc tăng khối lượng sản phẩm tiêu thụ thì doanh nghiệp phải xem xét kỹ các yếu tố trên để tránh việc tăng khối lượng tuỳ tiện làm ứ đọng sản phẩm không tiêu thụ được, không phù hợp công suất máy móc…
Chất lượng sản phẩm hàng hoá dịch vụ tiêu thụ: Chất lượng sản phẩm dịch vụ có ảnh hưởng lớn tới giá cả sản phẩm hàng hoá dịch vụ, do đó có ảnh hưởng trực tiếp tới doanh thu và tiêu thụ. Chất lượng sản phẩm phụ thuộc rất nhiều yếu tố như chất lượng vật tư đầu vào, trình độ tay nghề công nhân, quy trình công nghệ sản xuất… Trong nền kinh tế thị trường thì chất lượng sản phẩm là vũ khí cạnh tranh sắc bén, nếu chất lượng sản phẩm tiêu thụ cao sẽ bán được giá cao từ đó tăng doanh thu, tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp. Không những thế nó còn nâng cao uy tín cho doanh nghiệp, là điều kiện cần thiết để tồn tại và phát triển lâu dài cho doanh nghiệp.
Kết cấu mặt hàng sản phẩm hàng hoá tiêu thụ:Mỗi doanh nghiệp có thể sản xuất nhiều loại sản phẩm khác nhau, mỗi loại sản phẩm có giá bán đơn vị khác nhau. Nếu doanh nghiệp tăng tỷ trọng tiêu thụ mặt hàng có giá bán đơn vị cao, giảm tỷ trọng mặt hàng có giá bán đơn vị thấp sẽ làm cho tổng doanh thu tiêu thụ thu được sẽ tăng với điều kiện các nhân tố khác không đổi. Việc thay đổi kết cấu mặt hàng tiêu thụ cũng ảnh hưởng tới doanh thu. Thay đổi kết cấu mặt hàng tiêu thụ thường do sự biến động của nhu cầu thị trường, thị hiếu người tiêu dùng, cho nên việc phấn đấu tăng doanh thu tiêu thụ bằng cách thay đổi kết cấu mặt hàng tiêu thụ doanh nghiệp phải chú ý đến việc điều tra, nghiên cứu thị trường để định cho doanh nghiệp một kết cấu sản phẩm hợp lý trước khi ký hợp đồng tiêu thụ và không được phá vỡ kết cấu mặt hàng tiêu thụ.
Giá cả sản phẩm hàng hoá dịch vụ tiêu thụ:Trong điều kiện các nhân tố khác không đổi, thì việc thay đổi giá bán cũng ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu tiêu thụ. Giá bán sản phẩm cao hay thấp sẽ làm cho doanh thu tiêu thụ tăng hoặc giảm theo. Việc thay đổi giá bán một phần quan trọng là do quan hệ cung cầu trên thị trường quyết định. Do đó doanh nghiệp phải có chính sách giá cả hợp lý và linh hoạt nhằm tối đa hoá lợi nhuận tuỳ thuộc vào chu kỳ kinh doanh, ngành nghề kinh doanh, khu vực kinh doanh mà quyết định giá cả.
Thị trường tiêu thụ và phương thức tiêu thụ, thanh toán tiền hàng:Việc lựa chọn phương thức tiêu thụ và thanh toán tiền hàng cũng có ảnh hưởng tới doanh thu tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp. Một doanh nghiệp áp dụng nhiều hình thức bán hàng và thanh toán tất yếu sẽ tiêu thụ được nhiều sản phẩm hơn doanh nghiệp chỉ áp dụng một hình thức. Bên cạnh đó việc tổ chức hoạt động quảng cáo, giới thiệu mặt hàng và các dịch vụ sau bán hàng cũng cần được coi trọng vì thế khách hàng sẽ biết được nhiều thông tin và yên tâm về sản phẩm hơn, qua đó mở rộng thị trường tiêu thụ làm cơ sở cho việc tăng khối lượng sản phẩm tiêu thụ.
Nhóm nhân tố về kỹ thuật công nghệ và tổ chức quản lý, sử dụng vốn:
Việc huy động vốn, tổ chức quản lý và sử dụng vốn khoa học hợp lý tác động tích cực đến lợi nhuận trong kỳ của doanh nghiệp. Vốn kinh doanh là điều kiện đầu tiên để doanh nghiệp tiến hành sản xuất kinh doanh. Nếu huy động và xác định nhu cầu vốn cần thiết cho từng hoạt động sản xuất kinh doanh kịp thời, hợp lý sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp tận dụng được các cơ hội kinh doanh có hiệu quả. Việc phân phối, sử dụng vốn hợp lý, sử dụng tối đa vốn hiện có; tăng cường kiểm tra giám sát sử dụng vốn kinh doanh của doanh nghiệp…Từ đó có thể giảm thiệt hại do ứ đọng vốn, giảm nhu cầu vốn vay, tiết kiệm chi phí sản xuất, góp phần tích cực hạ giá thành sản phẩm, tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp. Đối với vốn cố định, doanh nghiệp làm tốt công tác khấu hao tài sản cố định cũng như sử dụng quỹ khấu hao có hiệu quả sẽ nâng cao hiệu quả việc sử dụng loại vốn này. Đối với vốn lưu động cần xác định nhu cầu và huy động vốn kịp thời, hợp lý quản lý chặt chẽ sẽ giúp quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhịp nhàng, ăn khớp với nhau, tác động tích cực tới việc nâng cao lợi nhuận của doanh nghiệp.
Tăng doanh thu:
Nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng là hai yếu tố vô cùng quan trong mà các doanh nghiệp cần phải nắm bắt và tổng hợp thông tin thường xuyên. Tổng hợp được thông tin, xác định được nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng tạo cho doanh nghiệp khả năng thành công rất lớn trong hoạt động sản xuất kinh doanh của mình.
Nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng rất đa dạng và phong phú, thường xuyên thay đổi do sự phát triển của xã hội và đời sống của người dân. Việc lựa chọn và sản xuất ra các sản phẩm phù hợp với nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng sẽ góp phần tăng doanh số bán hàng từ đó tăng doanh thu cho doanh nghiệp. Tất nhiên, các đối thủ cạnh tranh trên thị trường luôn luôn là trở ngại và cũng là động lực giúp doanh nghiệp tạo ra các sản phẩm có chất lượng ngày một tốt hơn cho thị trường. Tăng doanh thu của doanh nghiệp tức là doanh nghiệp phải tăng số lượng hàng bán ra. Lựa chọn những mặt hàng thay thế có giá thành thấp hơn nhưng vẫn đảm bảo chất lượng để giảm giá bán đầu ra.
Giảm chi phí :
Giá thành là tổng hợp của các chi phí bao gồm: Chi phí nguyên vật liệu, nhiên liệu, các chi phí tiền lương, tiền công. Do vậy muốn hạ giá thành sản phẩm cần phải giảm các nhân tố chi phí. Muốn giảm giá thành sản phẩm thì điều tối quan trọng là phải quản lý chi phí và giảm chi phí.
- Giảm chi phí trong sản xuất: Tiết kiệm nguyên vật liệu tiêu hao để tạo ra một sản phẩm, cải tiến công nghệ để tăng hiệu quả trong sử dụng nguyên vật liệu, quản lý chặt chẽ để giảm lãng phí trong sản xuất, giảm tỷ lệ phế phẩm...
- Giảm chi phí quản lý: Tổ chức được một bộ máy quản lý hợp lý phù hợp và thuận lợi cho quá trình sản xuất kinh doanh,
- Chi phí bán hàng: Tiêu thụ sản phẩm là khâu trực tiếp liên quan đến lợi nhuận và là khâu được các nhà quản lý doanh nghiệp đặt sự quan tâm lên hàng đầu. Dù cho sản phẩm có tốt như thế nào mà bộ máy bán hàng không tốt thì sản phẩm cũng không được tiêu thụ hiệu quả, người tiêu dùng không tiếp xúc được với sản phẩm của doanh nghiệp. Vì vậy, tổ chức bộ phận bán hàng chuyên nghiệp là vô cùng quan trọng.
- Giảm chi phí gián tiếp: Bao gồm chi phí khấu hao tài sản cố định, tiền lương công nhân gián tiếp, chi phí văn phòng, tiếp khách, điện nước, điện thoại và các chi phí bằng tiền khác, xây dựng phát động phong trào tiết kiệm chống lãng phí.
Nâng cao hiệu quả sử dụng vốn kinh doanh:
Sử dụng vốn trong hoạt động sản xuất kinh doanh không phải là một hoạt động đơn thuần về mặt thu chi tài chính mà thực chất là một nghệ thuật sử dụng vốn trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Sử dụng vốn có hiệu quả nghĩa là lợi nhuận thu được trên một đồng vốn bỏ vào sản xuất kinh doanh ngày càng nhiều. Do đó nâng cao hiệu quả sử dụng vốn là biện pháp cơ bản mà luôn được các doanh nghiệp quan tâm.
Trên đây là một số phương hướng, biện pháp chủ yếu để phấn đấu tăng lợi nhuận của doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong việc phấn đấu tăng lợi nhuận các doanh nghiệp không nên vì chạy theo lợi nhuận tối đa mà không quan tâm đến lợi ích chung của toàn xã hội. Các doanh nghiệp cũng cần phải lưu ý rằng không có một biện pháp chung nào có thể áp dụng cho tất cả các doanh nghiệp, mỗi doanh nghiệp cần căn cứ vào đặc điểm tình hình sản xuất, đặc thù của mình và trên cơ sở các phương hướng biện pháp chung mà lựa chọn cho mình những giải pháp hữu hiệu nhất.