25/05/2018, 16:43

Phương pháp kế toán tăng tài sản cố định theo Thông tư 133 – TK 211

Ngày 26/08/2016, Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư 133/2016/TT-BTC về việc hướng dẫn Chế độ Kế toán Doanh nghiệp nhỏ và vừa thay thế Quyết định số 48/2006/QĐ-BTC. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2017. Để giúp cho doanh nghiệp nắm bắt kịp thời và đầy đủ các thay đổi của Thông ...

tai-san-co-dinhNgày 26/08/2016, Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư 133/2016/TT-BTC về việc hướng dẫn Chế độ Kế toán Doanh nghiệp nhỏ và vừa thay thế Quyết định số 48/2006/QĐ-BTC. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2017.
Để giúp cho doanh nghiệp nắm bắt kịp thời và đầy đủ các thay đổi của Thông tư 133/2016/TT-BTC, chủ động thực hiện các thay đổi nhằm tuân thủ Pháp luật Kế toán. Kế toán Centax xin cung cấp tới các bạn bài viết:

Phương pháp kế toán tăng tài sản cố định theo Thông tư 133 – TK 211

1. Trường hợp nhận vốn góp của chủ sở hữu hoặc nhận vốn cấp bằng TSCĐ hữu hình, TSCĐ vô hình ghi:

Nợ TK 211- TSCĐ (theo giá thỏa thuận)

      Có TK 411 – Vốn đầu tư của chủ sở hữu.

2. Trường hợp TSCĐ được mua sắm:

– Trường hợp mua sắm TSCĐ hữu hình, TSCĐ vô hình nếu thuế GTGT đầu vào được khấu trừ, căn cứ các chứng từ có liên quan đến việc mua TSCĐ, ghi:

Nợ TK 211 – TSCĐ (giá mua chưa có thuế GTGT)

Nợ TK 133 – Thuế GTGT được khấu trừ

      Có các TK 111, 112, 331,341…

– Nếu thuế GTGT đầu vào không được khấu trừ thì nguyên giá TSCĐ bao gồm cả thuế GTGT.

3. Trường hợp mua TSCĐ hữu hình, TSCĐ vô hình theo phương thức trả chậm, trả góp:

– Khi mua TSCĐ hữu hình, TSCĐ vô hình theo phương thức trả chậm, trả góp và đưa về sử dụng ngay cho SXKD, ghi:

Nợ TK 211 – TSCĐ (nguyên giá – ghi theo giá mua trả tiền ngay)

Nợ TK 133 – Thuế GTGT được khấu trừ (nếu có)

Nợ TK 242 – Chi phí trả trước [(Phần lãi trả chậm là số chênh lệch giữa tổng số tiền phải thanh toán trừ giá mua trả tiền ngay và thuế GTGT (nếu có)]

      Có các TK111, 112, 331.

– Định kỳ, thanh toán tiền cho người bán, ghi:

Nợ TK 331- Phải trả cho người bán

      Có các TK 111, 112 (số phải trả định kỳ bao gồm cả giá gốc và lãi trả chậm, trả góp phải trả định kỳ).

– Định kỳ, tính vào chi phí theo số lãi trả chậm, trả góp phải trả của từng kỳ,ghi:

Nợ TK 635 – Chi phí tài chính

      Có TK 242 – Chi phí trả trước.

4. Trường hợp doanh nghiệp được tài trợ, biếu, tặng TSCĐ hữu hình, TSCĐ vô hình đưa vào sử dụng ngay cho SXKD, ghi:

Nợ TK 211 – TSCĐ (2111,2113)

      Có TK 711 – Thu nhập khác.

Các chi phí khác liên quan trực tiếp đến TSCĐ hữu hình, TSCĐ vô hình được tài trợ, biếu, tặng tính vào nguyên giá, ghi:

Nợ TK 211 – TSCĐ (2111,2113)

      Có các TK 111, 112,331,…

5.  Trường hợp TSCĐ hữu hình tự sản xuất:

Khi sử dụng sản phẩm do doanh nghiệp tự sản xuất để chuyển thành TSCĐ hữu hình, ghi:

Nợ TK 211 – TSCĐ

      Có TK 155 – Thành phẩm (nếu xuất kho ra sử dụng)

      Có TK 154 – Chi phí SXKD dở dang (đưa vào sử dụng ngay)

6. Trường hợp TSCĐ mua dưới hình thức trao đổi:

– TSCĐ mua dưới hình thức trao đổi với TSCĐ tương tự: Khi nhận TSCĐ tương tự do trao đổi và đưa vào sử dụng ngay cho SXKD, ghi:

Nợ TK 211 – TSCĐ (nguyên giá TSCĐ nhận về ghi theo giá trị còn lại của TSCĐ đưa đi trao đổi)

Nợ TK 214 – Hao mòn TSCĐ (số đã khấu hao của TSCĐ đưa đi trao đổi)

      Có TK 211 – TSCĐ (nguyên giá TSCĐ đưa đi trao đổi).

– TSCĐ mua dưới hình thức trao đổi với TSCĐ không tương tự:

+ Khi giao TSCĐ cho bên trao đổi, ghi:

Nợ TK 811 – Chi phí khác (giá trị còn lại của TSCĐ đưa đi trao đổi)

Nợ TK 214 – Hao mòn TSCĐ (giá trị đã khấu hao)

      Có TK 211 – TSCĐ (nguyên giá).

+ Đồng thời ghi tăng thu nhập do trao đổi TSCĐ:

Nợ TK 131 – Phải thu của khách hàng (tổng giá thanh toán)

      Có TK 711- Thu nhập khác (giá trị hợp lý của TSCĐ đưa đi trao đổi)

      Có TK 3331 – Thuế GTGT phải nộp (33311) (nếu có).

+ Khi nhận được TSCĐ do trao đổi, ghi:

Nợ TK 211- TSCĐ (giá trị hợp lý của TSCĐ nhận về)

Nợ TK 133 – Thuế GTGT được khấu trừ (Nếu có)

      Có TK 131 – Phải thu của khách hàng (tổng giá thanh toán).

+ Trường hợp phải thu thêm tiền do giá trị của TSCĐ đưa đi trao đồi lớn hơn giá trị của TSCĐ nhận được do trao đổi, khi nhận được tiền của bên có TSCĐ trao đổi, ghi:

Nợ các TK 111, 112 (số tiền đã thu thêm)

      Có TK 131- Phải thu của khách hàng.

+ Trường hợp phải trả thêm tiền do giá trị hợp lý của TSCĐ đưa đi trao đoi nhỏ hơn giá trị hợp lý của TSCĐ nhận được do trao đổi, khi trả tiền cho bên có SCĐ trao đổi, ghi:

Nợ TK 131 – Phải thu của khách hàng
Có các TK111, 112,…

7. Trường hợp mua TSCĐ hữu hình là nhà cửa, vật kiến trúc gắn liền với quyền sử dụng đất, đưa vào sử dụng ngay cho hoạt động SXKD, ghi:

Nợ TK 2111- TSCĐ hữu hình (nguyên giá – chi tiết nhà cửa, vật kiến trúc)

Nợ TK 2113- TSCĐ vô hình (nguyên giá – chi tiết quyền sử dụng đất)

Nợ TK 133 – Thuế GTGT được khấu trừ (nếu có)

      Có các TK111, 112, 331,…

8. Trường hợp TSCĐ hữu hình tăng do đầu tư XDCB hoàn thành: Trường hợp công trình hoặc hạng mục công trình XDCB hoàn thành đã bàn giao đưa vào sử dụng, nhưng chưa được duyệt quyết toán vốn đầu tư thì doanh nghiệp căn cứ vào chi phí đầu tư XDCB thực tế tạm tính nguyên giá để hạch toán tăng, giảm TSCĐ (để có cơ sở tính và trích khấu hao TSCĐ đưa vào sử dụng). Sau khi quyết toán vốn đầu tư XDCB được duyệt, nếu có chênh lệch so với giá trị TSCĐ đã tạm tính thì kế toán thực hiện điều chỉnh tăng, giảm số chênh lệch.

– Trường hợp quá trình đầu tư XDCB được hạch toán trên cùng hệ thống sổ kế toán của doanh nghiệp:

+ Khi công tác XDCB hoàn thành nghiệm thu, bàn giao đưa tài sản vào sử dụng cho sản xuất, kinh doanh, kế toán ghi nhận TSCĐ, ghi:

Nợ TK 211 – TSCĐ (nguyên giá)

      Có TK 241 – Xây dựng cơ bản dở dang (2412).

+ Nếu tài sản hình thành qua đầu tư không thỏa mãn các tiêu chuẩn ghi nhận TSCĐ hữu hình, ghi:

Nợ các TK 152, 153 (nếu là vật liệu, công cụ, dụng cụ nhập kho)

      Có TK 241 – XDCB dở dang (2412).

– Trường hợp sau khi quyết toán, nếu có chênh lệch giữa giá quyết toán và giá tạm tính, kế toán điều chỉnh nguyên giá TSCĐ, ghi:

+ Trường hợp điều chỉnh giảm nguyên giá, ghi:

Nợ TK 138 – Phải thu khác (số phải thu hồi không được quyết toán)

      Có TK211 – TSCĐ.

+ Trường hợp điều chỉnh tăng nguyên giá TSCĐ, ghi:

Nợ TK 211 – TSCĐ

      Có các TK liên quan.

9. Giá trị TSCĐ vô hình được hình thành từ nội bộ doanh nghiệp trong giai đoạn triển khai:

– Tập hợp chi phí thực tế phát sinh ở giai đoạn triển khai để hình thành nguyên giá TSCĐ vô hình, ghi:

Nợ TK 241 – Xây dựng cơ ban dở dang (2412)

Nợ TK 133 – Thuế GTGT được khấu trừ

      Có các TK 111, 112, 152, 153, 331,…

– Khi phát sinh chi phí trong giai đoạn triển khai nếu xét thấy kết quả triển khai không thỏa mãn định nghĩa và tiêu chuẩn ghi nhận TSCĐ vô hình thì tập hợp vào chi phí sản xuất, kinh doanh trong kỳ hoặc phân bổ dần, ghi:

Nợ các TK 242, 642

      Có các TK 111, 112, 152, 153,331,…

– Khi kết thúc giai đoạn triển khai:

+ Trường hợp kết quả triển khai thỏa mãn định nghĩa và tiêu chuẩn TSCĐ vô hình thì kết chuyển chi phí thực tế phát sinh hình thành nguyên giá TSCĐ vô hình, ghi:

Nợ TK 2113 – TSCĐ vô hình

      Có TK 241 – Xây dựng cơ bản dở dang (2412).

+ Trường hợp kết quả triển khai không thỏa mãn định nghĩa và tiêu chuẩn TSCĐ vô hình thì chi phí thực tế phát sinh được kết chuyển vào chi phí sản xuất kinh doanh trong kỳ hoặc phân bổ dần theo quy định hiện hành, ghi:

Nợ các TK 242, 642

      Có TK 241 – Xây dựng cơ bản dở dang (2412).

10. Trường hợp đầu tư, mua sắm TSCĐ bằng quỹ phúc lợi, khi hoàn thành đưa vào sử dụng cho hoạt động văn hóa, phúc lợi, ghi:

Nợ TK 211 – Tài sản cố định (tổng giá thanh toán)

      Có các TK 111, 112,331,…

– Đồng thời, ghi:

Nợ TK 3532 – Quỹ phúc lợi

      Có TK 3533 – Quỹ phúc lợi đã hình thành TSCĐ.

11. Chi phí phát sinh sau ghi nhận ban đầu liên quan đến TSCĐ hữu hình như sửa chữa, cải tạo, nâng cấp:

– Khi phát sinh chi phí sửa chữa lớn, cải tạo, nâng cấp TSCĐ hữu hình sau khi ghi nhận ban đầu, ghi:

Nợ TK 241 – XDCB dở dang (2413)

Nợ TK 133 – Thuế GTGT được khấu trừ (1332)

      Có các TK 112, 152,331,334,…

– Khi công việc sửa chữa, cải tạo, nâng cấp TSCĐ hoàn thành đưa vào sử dụng:

+ Nếu thỏa mãn các điều kiện được ghi tăng nguyên giá TSCĐ hữu hình:

Nợ TK 2111 – TSCĐ hữu hình

      Có TK 241 – Xây dựng cơ bản dở dang (2413).

+ Nếukhông thỏa mãn các điều kiện ghi tăng nguyên giá TSCĐ hữu hình:

Nợ TK 242 – Chi phí trả trước (nếu chi phí sửa chữa lớn TSCĐ Tài khoản này không phản ánh giá trị TSCĐ đi thuê hoạt động được phân bổ dần)

      Có TK 241 Xây dựng cơ bản dở dang (2413).

12. Khi TSCĐ hình thành từ việc trao đổi hoặc thanh toán bằng các công cụ liên quan đến quyền sở hữu vốn của các công ty cổ phần, nguyên giá TSCĐ là giá trị hợp lý của các công cụ được phát hành liên quan đến quyền sở hữu vốn, ghi:

Nợ TK 211 – TSCĐ

      Có TK 411 – Vốn đầu tư của chủ sở hữu.

13. Khi doanh nghiệp nhận vốn góp bằng quyền sử dụng đất, căn cứ vào hồ sơ giao quyền sử dụng đất, ghi:

Nợ TK 2113 -TSCĐ vô hình

      Có TK 411 – Vốn đầu tư của chủ sở hữu.

14. Khi có quyết định chuyển mục đích sử dụng của BĐSĐT là quyền sử dụng đất sang TSCĐ hữu hình, TSCĐ vô hình, ghi:

Nợ TK 211 – TSCĐ (2111,2113)

      Có TK 217 – BĐSĐT.

Đồng thời kết chuyển số hao mòn lũy kế của BĐSĐT sang số hao mòn lũy kế của TSCĐ, ghi:

Nợ TK 2147 – Hao mòn BĐSĐT Có các TK 2141, 2143.

Trên đây là bài viết: Phương pháp kế toán tăng tài sản cố định theo Thông tư 133 – TK 211

Để hiểu thêm về Chế độ kế toán cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, mời các bạn xem thêm những bài viết:

Phương pháp kế toán bất động sản đầu tư theo Thông tư 133 – TK 217.

Phương pháp hạch toán kế toán tài khoản tiền gửi ngân hàng theo thông tư 133 – TK 112

Nguyên tắc kế toán TSCĐ theo Thông tư 133 – TK 211

Bản quyền bài viết thuộc về Kế toán Centax.

Khi copy vui lòng ghi đầy đủ nguồn: www.centax.edu.vn

0