15/01/2018, 08:51

Phương pháp dạy học môn tập viết ở tiểu học

Phương pháp dạy học môn tập viết ở tiểu học Rèn chữ viết cho học sinh tiểu học Có rất nhiều phương pháp để dạy học các phân môn và Tập Viết luyện chữ đẹp cũng vậy. Qua nhiều năm đúc rút kinh nghiệm ...

Phương pháp dạy học môn tập viết ở tiểu học

Có rất nhiều phương pháp để dạy học các phân môn và Tập Viết luyện chữ đẹp cũng vậy. Qua nhiều năm đúc rút kinh nghiệm và truyền đạt, chúng tôi, đội ngũ những nhà giáo, nhà nghiên cứu chuyên sâu về chữ viết đã tổng kết một số phương pháp sau giúp việc luyện chữ đạt kết quả cao:

Một số lỗi thường gặp trong luyện viết chữ đẹp

Những điểm cần chú ý trong luyện chữ đẹp cho học sinh tiểu học

1. Phương pháp kể chuyện nêu gương gây hứng thú cho học sinh

Khi dạy tập viết cho học sinh, điều quan trọng là phải gây được hứng thú, làm cho học sinh yêu thích rèn viết chữ đẹp từ đó các em say mê và quyết tâm rèn chữ cho đẹp. Giáo viên có thể nêu những gương sáng về rèn chữ viết, kể những câu chuyện về rèn chữ như: Thần Siêu luyện chữ, Chữ người tử tù, Cao Bá Quát, Nguyễn Văn Siêu… Cần nêu ngay những gương người thật việc thật, ví dụ: Em A chữ viết đẹp nhất trường, các em hãy quan sát chữ viết của bạn và học tập. Giáo viên có thể phô tô các bài viết của học sinh đạt giải cấp huyện, cấp tỉnh, cấp quốc gia để làm mẫu cho các em,đồng thời động viên các em nếu cố gắng, kiên trì rèn luyện thì chữ viết của các em cũng đạt được như vậy thậm chí có thể đẹp hơn. Khi đã gây được hứng thú cho học sinh, lúc đó các em rất thích rèn viết chữ đẹp. Cô giáo lúc này sẽ cung cấp các bài tập để rèn kĩ năng viết.

2. Phương pháp đàm thoại gợi mở

Sử dụng trong giai đoạn đầu của tiết học để hướng dẫn học sinh phân tích nhận xét cấu tạo của chữ cái, độ cao, rộng của con chữ, nét giống nhau và khác biệt giữa con chữ mới với con chữ đã học từ trước. Giáo viên đặt câu hỏi và định hướng cho học sinh trả lời. Không nên đi sâu quá vào việc phân tích mà mất nhiều thời gian vì phương pháp này chỉ giúp các em hình thành biểu tượng của chữ chứ chưa hình thành kĩ năng viết.

3. Phương pháp trực quan

Sử dụng khi hình thành biểu tượng về chữ cho các em.

Phương tiện trực quan là chữ mẫu: Chữ mẫu in sẵn, chữ phóng to trên bảng, chữ trong vở tập viết, hộp chữ mẫu, hoặc một bài viết đẹp, chữ của giáo viên khi sửa chấm bài… Chữ mẫu phải đúng quy định, rõ ràng và đẹp.

Khi dạy chữ viết, việc đưa giáo cụ trực quan là chữ viết mẫu được in sẵn từng chữ cái, bảng chữ cái. Đây là việc làm để cung cấp cho học biểu tượng về chữ viết, chưa cung cấp được kĩ năng viết. Nếu trực quan cho học sinh quan sát chữ của cô giáo viết mẫu còn có giá trị hơn. Giáo viên vừa viết, vừa phân tích từng nét của chữ cái hoặc từng kĩ thuật nối liền nét các con chữ trong một chữ. Việc viết mẫu của giáo viên còn có tác dụng tạo niềm tin cho học sinh, mặt khác học sinh cũng dễ tiếp thu hơn, tạo điều kiện cho việc rèn kĩ năng viết liền mạch, viết nhanh. Khi chấm bài, chữa bài, lời phê, chữ viết của giáo viên được học sinh quan sát như một loại chữ mẫu. Vì vậy giáo viên cũng phải chú ý rèn chữ viết cho mình được đúng mẫu, rõ ràng, đều, đẹp. Ngoài ra khi dạy viết chữ giáo viên cũng chú ý đọc mẫu các chữ đó. Đọc đúng cũng góp phần quan trọng để đảm bảo viết đúng.

4. Phương pháp luyện tập thực hành

Sử dụng để hình thành kĩ năng viết chữ cho học sinh.

Đây là một phương pháp cực kì quan trọng. Chữ viết, tập viết chữ có tính chất thực hành. Phải thường xuyên nhắc nhở học sinh ở mọi lúc mọi nơi, không chỉ ở môn tập viết mà còn ở tất cả các môn khác, môn nào cũng cần chữ viết để ghi nội dung bài. Các bài tập cho học sinh luyện tập cần chú ý. Các chữ có nét giống nhau thì cùng xếp vào một nhóm để rèn. Rèn chữ với số lượng ít nhưng lặp lại nhiều lần với yêu cầu cao dần. Cho học sinh viết đi viết lại nhiều lần một bài để giáo viên dễ dàng nhận ra lỗi sai của học sinh đồng thời cũng dễ nhận xét sự tiến bộ của học sinh.

Hướng dẫn học sinh luyện tập phải tiến hành từ thấp đến cao, tăng dần độ khó để học sinh dễ tiếp thu: viết đúng rồi viết nhanh, viết đẹp. Việc luyện chữ phải được tiến hành một cách đồng bộ ở lớp cũng như ở nhà, phân môn tập viết cũng như các môn khác, môn học khác.

Khi học sinh luyện tập viết chữ, giáo viên cần chú ý uốn nắn để các em cầm bút đúng và ngồi đúng tư thế. Nơi ngồi viết cần phải đảm bảo đủ ánh sáng, ghế ngồi viết phải phù hợp với chiều cao của học sinh.

Các hình thức luyện tập:

  • Tập viết chữ trên bảng lớp: Khi kiểm tra bài cũ, hoặc sau bước giải thích cách viết chữ, bước luyện tập viết chữ ở lớp.
  • Tập viết chữ vào bảng con của học sinh: Trước khi tập viết giáo viên cần chú ý nhắc nhở học sinh lau bảng từ trên xuống, cách sử dụng và bảo quản phấn, cách lau tay sau khi viết. Khi viết xong giơ bảng lên để kiểm tra theo lệnh của giáo viên. Cần chú ý giữ trật tự trong lớp khi dùng hình thức này và nên tận dụng hai mặt bảng.
  • Luyện tập trong vở tập viết: Giáo viên cần hướng dẫn tỉ mỉ nội dung và yêu cầu về kĩ năng của từng bài viết. Trước khi học sinh viết giáo viên cần nhắc nhở một lần nữa về tư thế ngồi viết cách cầm bút và để vở.

Luyện tập viết chữ khi học các môn học khác: Giáo viên phải có những yêu cầu về chữ viết của học sinh khi học những môn học khác. Coi chữ viết là một trong những tiêu chuẩn kiểm tra và đánh giá tất cả các môn học.

5. Phương pháp chia nhóm

Căn cứ vào đặc điểm của từng chữ cái, căn cứ vào các nét đồng dạng giữa các chữ cái trong bảng chữ cái, căn cứ vào kích thước quy trình viết các chữ cái. Chúng ta có thể chia nhóm chữ như sau:

* Chữ thường có thể chia làm 3 nhóm.

  • Nhóm 1: i, u, ư, t, p, y, n, m, v, r, s
  • Nhóm 2: l, b, h, k
  • Nhóm 3: o, ô, ơ, a, ă, â, d, đ, q, g, c, e, ê, x

Cần chú ý khi dạy các chữ thường là phân tích kĩ chữ đầu tiên của nhóm. Dựa vào nét chữ đồng dạng với đầu nhóm, giáo viên cho học sinh tự rèn các chữ còn lại chú ý nhắc học sinh rèn kĩ các nét cơ bản.

* Chữ hoa.

Dựa và các nét chữ đồng dạng ta chia chữ cái viết hoa thành các nhóm như sau:

  • Nhóm 1: A Ă Â N M
  • Nhóm 2: P B R D D
  • Nhóm 3: C G S L E Ê T
  • Nhóm 4: I K V H
  • Nhóm 5: O Ô Ơ Q
  • Nhóm 6: U Ư Y X

Tương tự khi dạy chữ viết hoa, chúng ta cũng cần chú ý cho học sinh phân tích kĩ chữ đầu tiên của nhóm, tập viết thật kĩ chữ đầu tiên của nhóm cho thật đẹp, từ đó học sinh có thể phân tích và tự rèn các chữ còn lại.

6. Phương pháp kiểm tra đáng giá

a. Tổ chức các cuộc thi viết chữ đẹp

b. Tiêu chí đánh giá bài viết chữ đẹp

——————–

Chúc các bạn thành công

0