Phụ huynh học sinh ủng hộ phương án thi THPTQG 2017

“Sau gần 1 tuần công bố phương án tổ chức thi THPT quốc gia 2017, chưa có phụ huynh nào của trường phản hồi bày tỏ băn khoăn về kỳ thi mà chỉ mong muốn nhà trường kịp thời có phương án ôn tập, hướng dẫn các con thi tốt”. Đó là chia sẻ của thầy Hà Đức Lục – Phó Hiệu trưởng Trường ...

“Sau gần 1 tuần công bố phương án tổ chức thi THPT quốc gia 2017, chưa có phụ huynh nào của trường phản hồi bày tỏ băn khoăn về kỳ thi mà chỉ mong muốn nhà trường kịp thời có phương án ôn tập, hướng dẫn các con thi tốt”.

Đó là chia sẻ của thầy Hà Đức Lục – Phó Hiệu trưởng Trường THPT Đoàn Thị Điểm (Hà Nội) – xung quanh việc chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia năm 2017.

Thầy Hà Đức Lục cũng cho biết, ngay từ khi phương án thi còn là dự thảo, cán bộ giáo viên nhà trường đã nắm bắt thông tin kịp thời, phổ biến cho phụ huynh, học sinh, sẵn sàng tâm thế cho kỳ thi năm tới.

5 ưu điểm của phương án thi

Theo thầy Hà Đức Lục, sau khi suy nghĩ, nghiên cứu kỹ, theo dõi các phản hồi trên báo chí, ý kiến các chuyên gia, các nhà khoa học, nhà trường đi đến thống nhất trong cán bộ giáo viên và những người thực thi nhiệm vụ trong trường là ủng hộ phương án thi THPT quốc gia của Bộ GD&ĐT, đặc biệt là những điều chỉnh từ dự thảo đến phương án chính thức. Lý do của sự ủng hộ này được thầy Hà Đức Lục phân tích:

Thứ nhất, về thời gian thi và cụm thi, kỳ thi 2017 gọn nhẹ hơn, đơn giản hơn. Cụ thể, kỳ thi trước hầu như mỗi tỉnh đều có 2 cụm thi thì giờ chỉ còn 1 cụm do Sở GD&ĐTchủ trì. Thời gian thi giảm từ 4 ngày xuống 2, rõ ràng giảm tốn kém, đỡ nặng nề cho học sinh và gia đình. Kỳ thi vừa qua có 4 ngày thi và có trường hợp học sinh phải thi từ ngày thứ nhất đến ngày thứ 4 mới xong, khá mệt mỏi.

Thứ 2: Phương án thi mới quy định học sinh hệ giáo dục phổ thông phải làm 3 bài thi bắt buộc gồm Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 2 bài thi tự chọn (bài thi khoa học tự nhiên, khoa học xã hội). Quy định này tránh tình trạng học lệnh, thi gì học sinh chỉ học môn đó và giảm được tối đa chuyện học sinh phải đi học thêm.

Thứ 3: Trong số 5 bài thi, có 4 bài là thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan, trừ bài thi Ngữ văn. Việc chấm thi trắc nghiệm trên máy đảm bảo nhanh gọn, công bằng, khách quan.

Thứ 4: Một số người lo lắng bài thi tổ hợp, nhưng trên thực tế, cách thi này học sinh rất được lợi. Ví dụ, nếu học sinh thi Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ cộng với bài thi tự chọn là khoa học tự nhiên, các em sẽ có quyền lựa chọn cả 3 tổ hợp để xét tuyển vào đại học, đó là Toán, Vật lý, Hóa học (khối A); Toán, Vật lý, Tiếng Anh (khối A1); Toán, Hóa học, Sinh học (khối B).

Với học sinh thi Ngữ văn, Toán và Tiếng Anh cộng tự chọn bài thi khoa học xã hội, các em sẽ được lựa chọn 2 tổ hợp là Văn, Lịch sử, Địa lý (khối C); Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh (khối D).

Thứ 5: Phương án thi chính thức tăng số câu hỏi cho mỗi môn thành phần của bài thi tổ hợp. Đây là điều chỉnh hợp lý, giúp cân đối giữa các môn xét tuyển đại học. Ví dụ, nếu chỉ có 20 câu Vật lý, khi xét tuyển khối A, số lượng câu hỏi sẽ quá ít so với môn Toán…). Do đó, Bộ GD&ĐT tăng lên thành 40 câu cho mỗi môn thành phần là hợp lý. Số câu hỏi này cũng đáp ứng yêu cầu phủ rộng kiến thức.

Sớm cho học sinh tự chọn môn thi để có phương án ôn tập

Thầy Hà Đức Lục cho biết, tối 29/9 Bộ GD&ĐT công bố phương án thi chính thức thì ngày ngày 30/9, Trường THPT Đoàn Thị Điểm đã tổ chức cuộc họp, yêu cầu giáo viên chủ nhiệm, giáo viên giảng dạy lớp 12 và các tổ trưởng bộ môn triển khai ngay cho học sinh, phổ biến những điểm quan trọng và yêu cầu của kỳ thi.

“Hiện nay, tất cả các tổ nhóm chuyên môn có liên quan đến môn thi đã họp và chuẩn bị tư liệu, chú ý tìm những bộ đề có liên quan đến trắc nghiệm mà trước đây - năm 2008 - chúng ta đã làm; đặc biệt chú ý đến Toán và Giáo dục công dân. Chúng tôi cũng liên kết với một số trường THPT có thế mạnh trong cụm, trên địa bàn thành phố Hà Nội để trao đổi, phát huy trí tuệ tập thể. Buổi gặp giữa giáo viên các trường dự kiến trong tuần tới.” – thầy Hà Đức Lục chia sẻ.

Với môn Toán, chúng tôi đã yêu cầu giáo viên phải hướng dẫn học sinh sử dụng máy tính cầm tay, giúp các em thành thục các thao tác tính toán bằng máy tính để đảm bảo thời gian khi làm bài thi trắc nghiệm.

Được biết, đến thời điểm này, Trường THPT Đoàn Thị Điểm đã sơ bộ cho học sinh đăng ký môn tự chọn để trên cơ sở phân loại học sinh, điều chỉnh thời lượng day, bổ sung thêm ôn tập cho học sinh ở các môn thi. Nhà trường sử dụng từ 13 đến 15 tiết trong tuần - vốn là các tiết ôn tập, ôn luyện kiến thức - để bổ sung thêm kiến thức các môn thi THPT quốc gia. Việc này sẽ được kéo dài đến cuối năm học. Tinh thần là các kiến thức cơ bản nhất của khối 12 phải đảm bảo cùng với kỹ năng làm bài.

Trước lo lắng việc cho tự chọn vẫn dẫn tới học lệch, thầy Hà Đức Lục cho rằng: Bên cạnh việc tăng tiết cho các môn có thi THPT quốc gia, học sinh vẫn phải đảm bảo chương trình cơ bản. Các em vẫn phải cố gắng trong cả quá trình học vì điều này quyết định 50% trong xét tốt nghiệp.

“Từ nay đến khi thi, chúng tôi dự kiến tổ chức 3 - 4 lần tập dượt ở các môn với mức độ nhẹ nhàng, theo đúng thời gian Bộ GD&ĐT quy định để học sinh làm quen.

Tình thần với khối 12 khẩn trương và hết sức cố gắng tạo thuận lợi nhất cho học sinh. Bên cạnh đó, khối 10, 11 cũng được tuyên truyền để các em nắm được lộ trình của Bộ GD&ĐT, những năm tiếp theo sẽ dần thi thêm kiến thức lớp 11, rồi kiến thức cả 3 năm THPT” – thầy Hà Đức Lục chia sẻ thêm.

0