28/02/2018, 07:38

Phi cơ nên bay đội hình như chim

Nếu các phi cơ bay theo hình chữ V giống như chim, lượng nhiên liệu tiêu tốn sẽ giảm đáng kể. Cả Boeing và Airbus đều không tiếc lời ca ngợi hiệu quả của những phi cơ mới nhất của họ - 787 và A350. The Economist cho rằng, kiểu dáng hợp lý và vật liệu composite nhẹ khiến chúng trở nên ...

Nếu các phi cơ bay theo hình chữ V giống như chim, lượng nhiên liệu  tiêu tốn sẽ giảm đáng kể. 

Cả Boeing và Airbus đều không tiếc lời ca ngợi hiệu quả của những phi cơ mới nhất của họ - 787 và A350. The Economist cho rằng, kiểu dáng hợp lý và vật liệu composite nhẹ khiến chúng trở nên khác biệt so với tất cả những loại máy bay khác. Nhưng một nhóm chuyên gia của Đại học Stanford tại Mỹ khẳng định các hãng hàng không có thể áp dụng một biện pháp rất gần gũi với tự nhiên để giảm mức tiêu thụ nhiên liệu mà không cần phải mua phi cơ mới.

Tiến sĩ Ilan Kroo, một nhà nghiên cứu của Đại học Stanford, cho biết, giải pháp nằm trong cách bay của chim. Từ lâu giới khoa học đã biết chim bay theo đội hình. Chúng thường tạo thành hình chữ V, bậc thang hay một thứ gì đó trên bầu trời. Khi chim đập cánh, không khí trượt qua mặt dưới cánh theo hướng từ trước ra sau rồi bốc lên phía trên. Nếu bay theo hình chữ V, luồng khí từ hai cánh của con trước sẽ góp phần nâng cơ thể con bay sau. Như vậy, những con bay sau sẽ đỡ tốn sức lực hơn.

Peter Lissaman, một chuyên gia hàng không của Đại học Southern California tại Mỹ, cho rằng nếu 25 con chim bay theo đội hình thì mỗi con có thể tiết kiệm tới 71% sức lực.

Kroo và các cộng sự tìm hiểu điều gì sẽ xảy ra nếu ba phi cơ tạo thành hình chữ V và thay phiên nhau bay ở vị trí đầu tiên. Họ nhận thấy lượng nhiên liệu mà từng máy bay tiêu thụ giảm chừng 15% (kéo theo sự suy giảm lượng khí thải CO2). Lượng hỗn hợp nitơ-oxi mà phi cơ thải ra trong quá trình bay giảm khoảng 25%.

Đương nhiên các chuyên gia có nhiều vấn đề cần quan tâm. An toàn là vấn đề đầu tiên. Nếu các phi cơ bay quá gần nhau chiếc phía sau có thể va vào chiếc phía trước. Kroo chỉ ra rằng mỗi phi cơ phía sau có thể bay cách chiếc phía trước vài km. Như vậy, hành khách từ một máy bay không thể thấy phi cơ khác nếu nhìn qua cửa sổ. Khoảng cách giữa các phi cơ có phù hợp với các quy định về kiểm soát không lưu hay không lại là một vấn đề khác.

Giới chuyên môn vẫn chưa biết liệu các điều kiện thời tiết có tác động tới những luồng không khí đi qua máy bay hay không. Trong những vùng có nhiễu động khí mạnh, luồng không khí đi qua phi cơ phía trước sẽ phân rã nhanh và hiệu ứng tiết kiệm năng lượng sẽ biến mất. Kroo nói nhóm của ông sẽ nghiên cứu sâu hơn về vấn đề này.

The Economist cho rằng sắp xếp thời gian bay để các phi cơ chở khách có thể cất cánh cùng lúc và dàn đội hình trên không cũng chẳng phải việc dễ dàng. Tuy nhiên, điều đó lại trở lên đơn giản hơn đối với máy bay vận tải và những phi cơ quân sự bay theo lộ trình lặp đi lặp lại.Lực lượng không quân Mỹ đang xem xét gợi ý của nhóm Kroo một cách nghiêm túc. Đầu năm 2009 Cục Dự án nghiên cứu cao cấp thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ đã thông báo kế hoạch thuê hãng Boeing nghiên cứu khả năng bay theo đội hình. Tuy nhiên, chương trình vẫn chưa bắt đầu.

0