Phát hiện mới nhất về những người chạy nhanh nhất hành tinh
Theo kết quả của một nghiên cứu mới đây, những người chạy nhanh không phải là nhờ quá trình luyện tập lâu dài mà là do họ bẩm sinh đã có những tố chất giúp chạy nhanh. >>> Đại diện cho Khoa Sinh học và Khoa Tâm lý học thuộc đại học Grand Valley (Mỹ), tiến sỹ Micheal Lombardo và ...
Theo kết quả của một nghiên cứu mới đây, những người chạy nhanh không phải là nhờ quá trình luyện tập lâu dài mà là do họ bẩm sinh đã có những tố chất giúp chạy nhanh.
>>>
Đại diện cho Khoa Sinh học và Khoa Tâm lý học thuộc đại học Grand Valley (Mỹ), tiến sỹ Micheal Lombardo và Robert Deaner đã phát hiện ra rằng, các vận động viên chạy nước rút hàng đầu thế giới đã chứng minh được khả năng bẩm sinh của mình từ trước khi được huấn luyện chuyên nghiệp.
Phạm vi của nghiên cứu tuy nhỏ nhưng rất đáng tin cậy. Tham gia nghiên cứu là 26 vận động viên chạy nước rút, trong đó có 15 người đã giành huy chương vàng Olympics và 8 nam vận động viên chạy nước rút nhanh nhất trong lịch sử nước Mỹ.
Người đàn ông chạy nhanh nhất hành tinh Usain Bolt. (Nguồn: AP)
Những kiểm tra về tiểu sử của họ cho thấy khả năng chạy nhanh bẩm sinh là câu trả lời cho thực lực của gần như tất cả các vận động viên trong nghiên cứu, biểu hiện qua khoảng thời gian mà họ cần để trở thành những vận động viên hàng đầu trong lĩnh vực của mình trung bình chỉ chưa tới 5 năm.
Bản thân cũng từng là những vận động viên chạy nước rút, Lombardo và Deaner cho biết họ không ngạc nhiên với kết quả nghiên cứu, nhưng mức độ thống nhất về khả năng bẩm sinh ở những vận động viên hàng đầu lại là điều họ không ngờ tới.
“Rob và tôi đều tham gia chạy nước rút hồi còn học đại học và chúng tôi theo rất sát môn thể thao này. Do đó chúng tôi lường trước được tiểu sử của các nhà vô địch môn chạy nước rút sẽ cho thấy hầu hết họ là những đứa trẻ chạy nhanh nhất trong khu phố từ trước khi họ được huấn luyện nghiêm túc. Nhưng sự nhất quán của điều đó khiến chúng tôi bất ngờ - từ Helen Stephens, vô địch Olympics 1936 tới Usain Bolt, tất cả đều chứng tỏ được tài năng của mình từ trước khi tham gia thi đấu chuyên nghiệp", tiến sỹ Lombardo chia sẻ.
Nghiên cứu này đã đưa ra kết quả đối lập với những gì mà David Shenk, một tác giả chuyên về di truyền học viết trong cuốn sách “The Genius in All of Us” (Thiên tài trong mỗi chúng ta). Trong cuốn sách này, Shenk phủ nhận tài năng bẩm sinh và cho rằng mỗi cá nhân đạt được thành công là nhờ chăm chỉ rèn luyện. Theo Shenk, bất cứ ai cũng có thể đạt tới trình độ chuyên gia sau khoảng 10 năm hoặc 10.000 giờ rèn luyện.
Hai tiến sỹ Lombardo và Deaner cho biết, kết quả nghiên cứu của họ không nên làm nản lòng những người có ước mơ thực sự, và họ cũng nhấn mạnh vào mô hình tương tác phát triển chuyên môn.
“Quan điểm của chúng tôi là tài năng không phải là điều quyết định mọi thứ. Luyện tập cũng vô cùng quan trọng, đặc biệt là kiểu luyện tập đòi hỏi người tập phải kiên trì và nỗ lực. Nhưng trong thể thao, tài năng bẩm sinh cũng là điều cần thiết", tiến sỹ Lombardo chia sẻ.