13/01/2018, 16:24

Phát biểu cảm nhận về bài Tục ngữ về con người và xã hội – Văn hay lớp 7

Phát biểu cảm nhận về bài Tục ngữ về con người và xã hội – Văn hay lớp 7 Phát biểu cảm nhận về bài Tục ngữ về con người và xã hội – Bài làm số 1 của một bạn học sinh giỏi văn tỉnh Hậu Giang Tục ngữ là những lời vàng ý ngọc, kết tinh trí tuệ dân gian ta qua bao đời nay. Ngoài những ...

Phát biểu cảm nhận về bài Tục ngữ về con người và xã hội – Văn hay lớp 7

Phát biểu cảm nhận về bài Tục ngữ về con người và xã hội – Bài làm số 1 của một bạn học sinh giỏi văn tỉnh Hậu Giang

Tục ngữ là những lời vàng ý ngọc, kết tinh trí tuệ dân gian ta qua bao đời nay. Ngoài những kinh nghiệm về thiên nhiên và lao động sản xuất, tục ngữ còn là kho báu về kinh nghiệm xã hội. Sau đây là một số câu tiêu biểu:

1.    Một mặt người bằng mười mặt của.
2.    Cái răng, cái tóc là góc con người.
3.    Đói cho sạch, rách cho thơm.
4.    Học ăn, học nói, học gói, học    mở.
5.    Không thầy đố mày làm nên.
6.    Học thầy không tày học bạn.
7.    Thương người như thể thương thân.
8.    Ăn quả nhớ kẻ trồng cây.
9.    Một cây làm chẳng nên non,
Ba cây chụm lai nên hòn núi cao.

Dưới hình thức những lời nhận xét, khuyên nhủ ngắn gọn, hàm súc, tục ngữ chứa đựng rất nhiều bài học thiết thực, bổ ích trong nhiều lĩnh vực như cách đánh giá con người, trong cách học hành và ứng xử hằng ngày.

Đưa vào nội dung, ta có thể chia những câu tục ngữ trên thành ba nhóm nhỏ. Câu 1, 2, 3 nói về phẩm chất con người. Câu 4, 5, 6 nói về học tập, tu dưỡng. Câu 7, 8, 9 nói về quan hệ ứng xử. Tuy vậy ba nhóm trên đều là kinh nghiệm và những bài học của dân gian về con người và xã hội. về hình thức, chứng đều ngắn gòn, có vần, có nhịp và thường dùng lối so sánh, ẩn dụ.

Câu 1: Là lời khẳng đinh về giá trị to lớn, quý báu của con người:

Một mặt người bằng mười mặt của.

Một mặt người là cách nói hoán dụ dùng bộ phận để chỉ toàn thể, có nghĩa tương đương như một người. Của là của cải vật chất. Mười mặt của ý nói đến số của cải rất nhiều.

Tác giả dân gian vừa dùng hình thức so sánh (bằng), vừa dùng hình thức đối lập giữa đơn vị chỉ số lượng ít và nhiều (một và mười) để khẳng định sự quý giá gấp bội của con người so với của cải. Dị bản của câu tục ngữ này là: Một mặt người hơn mười mặt của càng khẳng định điều đó.

Không phải là nhân dân ta không coi trọng của cải, nhất là những thứ do mồ hôi nước mắt của mỗi người và của cả gia đình làm việc cật lực cả đời mới có được. Nhưng nhân dân đặt con người lên trên mọi thứ của cải, coi con người là thứ của cải quý báu nhất, không vàng ngọc nào so sánh được.

Câu tục ngữ khuyên mọi người hãy yêu quý, tôn trọng và bảo vệ con người; không nên để của cải che lấp con người. Ngoài ra nó còn phản ánh một hiện thực là người xưa ước mong có nhiều con cháu để tăng cường sức lao động: Đông đàn, dày lũ. Rậm người hơn rậm cỏ. Người ta là hoa đất…). Ông bà cha mẹ thường dành tất cả tình yêu thương cho con cháu.

Bên cạnh đó câu tục ngữ trên còn phê phán thái độ coi trọng của cải và an ủi, động viên những người gặp trường hợp không may: (Của đi thay người. Người làm ra của, của không làm ra người…).

Một số câu tục ngữ có nội dung tương tự làm sáng tỏ thêm quan điểm quý trọng con người của ông cha ta như: Người sống hơn đống vàng. Lấy của che thân không ai lấy thân che của. Có vàng vàng chẳng hay phô, Có con nó nói trầm trồ dễ nghe…

Câu 2: Phản ánh quan niệm về vẻ đẹp bên ngoài của người xưa:

Cái răng, cái tóc là góc cọn người.

Góc tức là một phần của vẻ đẹp. So với toàn bộ con người thì răng và tóc chỉ là những chi tiết rất nhỏ. Nhưng chính những chi tiết nhỏ nhất ấy lại làm nên vẻ đẹp con người.

Ý nghĩa của câu tục ngữ này là khuyên mọi người hãy giữ gìn hình thức bên ngoài cho gọn gàng, sạch sẽ vi hình thức bên ngoài thể hiện phần nào tính cách bên trong. Qua câu tục ngữ trên, ta thấy cách nhìn nhận, đánh giá và quan niệm về vẻ đẹp của nhân dân lao động thật tinh tế. Trong ca dao, dân ca có rất nhiều câu ca ngợi hàm răng, mái tóc của người phụ nữ:

Tóc em dài, em cài hoa lí,
Miệng em cười hữu ý, anh thương1
Hay: Mình về có nhớ ta chăng?
Ta về, ta nhớ hàm răng mình cười!

Câu 3: Nói về quan niệm sống trong sạch của người xưa:

Đói cho sạch, rách cho thơm.

Hình thức câu tục ngữ này đặc biệt ở chỗ trong mỗi vế đã có sự đối lập về ý: đói >< sạch; rách >< thơm và sự đối xứng giữa hai vế: Đói cho sạch – rách cho thơm.

Đói và rách là cách nói khái quát về cuộc sống khổ cực, thiếu thốn. Sạch và thơm là những tính từ chỉ tính chất của sự vật nhưng đã được chuyển nghĩa, dùng để miêu tả phẩm giá trong sáng, tốt đẹp mà con người cần phải giữ gìn, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào. Các từ nói trên vừa được hiểu tách bạch trong từng vế, vừa được hiểu trong sự kết hợp giữa hai vế của câu.       

Nghĩa đen của câu là: Dù đói vẫn phải ăn uống sạch sẽ, dù rách vẫn phải ăn mặc thơm tho. Tuy vậy, nghĩa chính lại là nghĩa hàm ngôn: Dù nghèo khổ, thiếu thốn đến đâu chăng nữa thì con người vẫn phải giữ gìn lối sống trong sạch và phẩm giá cao quý; không vì nghèo khổ mà làm điều xấu xa, tội lỗi.

Câu tục ngữ có hai vế đối nhau rất chỉnh. Người xưa mượn chuyện cái ăn, cái mặc để nhắc nhở mọi người phải giữ gìn cái sạch, cái thơm của nhân cách trong những tình huống khó khăn để giống như hoa sen: Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.

Bài học rút ra từ câu tục ngữ trên là trong đạo làm người, điều cần giữ gìn nhất là phẩm giá trong sạch, không vì nghèo khổ mà bán rẻ lương tâm, đạo đức. Trong dân gian còn lưu truyền rộng rãi những câu như: Giấy rách phải giữ lấy lề. Chết trong còn hơn sống đục… có nội dung tương tự.

Câu 4: Nói về sự tỉ mỉ, công phu của việc học hành:

Học ăn, học nói, học gói, học mở.

Câu tục ngữ này gồm bốn vế có quan hệ bổ sung ý nghĩa cho nhau. Động từ học lặp lại bốn lần, vừa nêu cụ thể những điều cần thiết mà con người phải học, vừa nhấn mạnh tầm quan trọng của việc học trong suốt đời người.

Ông bà xưa rất quan tâm đến việc khuyên nhủ, dạy bảo con cháu bằng những câu tục ngữ như: Ăn trông nồi, ngồi trông hướng. Ăn tùy nơi, chơi tùy chốn. Ăn ngay, nói thẳng. Một lời nói dối, sám hối bảy ngày. Lời nói đọi máu. Nói hay hơn hay nói. Ăn nên đọi (bát), nói nên lời. Lời nói gói vàng. Lời nói chẳng mất tiền mua, Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau…

Nghĩa của học ăn, học nói tương đôi dễ hiểu, còn thế nào là học gói, học mở! Về hai vế này có giai thoại sau đây. “Các cụ kể rằng, Hà Nội trước đây một số gia đình giàu sang thường gói nước chấm vào lá chuối xanh rồi đặt vào lòng cái chén nhỏ bày trên mâm. Lá chuối tươi rất giòn, dễ rách khi gói dễ bật tung khi mở, phải thật nhẹ nhàng, khéo léo mới làm được. Người ăn phải biết mở sao cho khỏi tung toé ra ngoài và bắn vào quần áo người bên cạnh. Biết gói biết mở trong trường hợp này được coi là một tiêu chuẩn của con người khéo tay, lịch thiệp. Như vậy, để biết gói vào và mở ra đều phải học”.

Suy rộng ra, nghĩa của học gói, học mở còn có thể hiện là trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta phải học nhiều thứ một cách kĩ càng, tỉ mỉ.

Mỗi hành vi đều là sự “tự giới thiệu” mình với người khác và đều được người khác nhận xét, đánh giá. Vì vậy chúng ta phải học để thông qua ngôn ngữ và cách ứng xử, chứng tỏ mình là người có văn hóa, lịch sự, tế nhị, thành thạo công việc, biết đối nhân xử thế.

Học hành là công việc khó khăn, lâu dài, không thể coi nhẹ. Học hành để trở thành người giỏi giang và có ích là hết sức cần thiết.

Câu 5: Khẳng định vai trò quan trọng của người thầy:

Không thầy đố mày làm nên.

Thầy: tức là thầy dạy học (theo nghĩa rộng là người truyền bá kiến thức mọi mặt). Mày: chỉ học trò (theo nghĩa rộng là người tiếp nhận kiến thức).. Làm nên: làm được việc, thành công trong mọi công việc, lập nên sự nghiệp- Không thầy đố mày làm nên có thể hiểu là nếu không được thầy dạy bảo đến nơi đến chôn thì ta sẽ không làm được việc gì thành công. Trong quá trình học tập và tạo dựng sự nghiệp của mỗi cá nhân, không thể thiếu vai trò quan trọng của người thầy.

Trong nhà trường, vai trò của người thầy được đặt lên hàng đầu. Thầy dạy cho trò những kiến thức cần thiết thông qua bài giảng trên lớp. Thầy là người dẫn đường chỉ lối, mở rộng, nâng cao tri thức cho học sinh. Đồng thời với việc dạy chữ là dạy nghĩa. -Thầy dạy dỗ, giáo dục học sinh những điều hay lẽ phải, giúp các em hiểu và sông theo đúng đạo lí làm người.

Với hình thức là một lời thách đố, nội dung câu tục ngữ này khẳng định công ơn to lớn của người thầy. Sự thành công trong từng công việc cụ thể và rộng hơn nữa là sự thành đạt của mỗi học trò đều có công lao to lớn của thầy. Vì vậy chúng ta phải biết tìm thầy mà học và mãi mãi yêu quý, kính trọng, biết ơn thầy.

Câu 6: Nói về tầm quan trọng của việc học bạn:

Học thầy không tày học bạn.

Trước hết ta phải tìm hiểu nghĩa của các từ. Học thầy là học theo hướng dẫn của thầy. Học bạn là học hỏi bạn bè xung quanh. Không tày: không bằng. Nghĩa của cả câu là: Học theo thầy có khi không bằng học theo bạn. Câu tục ngữ này đúc kết kinh nghiệm: Tự học là cách học có hiệu quả nhất.

Người xưa khẳng định rằng muốn đạt kết quả tốt thì mỗi chúng ta phải tích cực, chủ động học hỏi ở bạn bè những điều nên học.

Sự học không phải chỉ bó hẹp trong phạm vi nhà trường mà nó mở rộng ra nhiều lĩnh vực trong cuộc sống. Chúng ta phải học mọi nơi, mọi lức, học suốt đời.

Vậy thì nội dung câu tục ngữ Học thầy không tày học bạn có trái ngược với câu Không thầy đố mày làm nên?

Thực tế cho thấy vai trò người thầy trong quá trình học tập của học sinh là rất quan trọng. Thế nhưng, lại có ý kiến cho rằng: Học thầy không tày học bạn. Chúng ta phải hiểu như thế nào cho đúng? Thực ra, ý của người xưa là muốn nhấn mạnh đến sự tác động tích cực của bạn bè đối với nhau nên đã dùng lời nói cường điệu để khẳng định. Bài thầy giảng trên lớp, có gì chưa hiểu, đem hỏi lại bạn bè và được bạn bè tận tình hướng dẫn. Lúc đó bạn bè cũng đã đóng vai trò của người thầy, dù chỉ trong chốc lát.

Quan hệ so sánh giữa hai vế trong câu (Học thầy, học bạn) được biểu hiện bằng từ không tày (không bằng). Câu tục ngữ đề cao vai trò của bạn bè trong quá trình học tập, Bạn bè (đương nhiên là bạn tốt) có thể học hỏi ở nhau nhiều điều có ích. Câu tục ngữ khuyến khích chúng ta mở rộng đối tượng học hỏi và chân thành học tập những điều hay, điều tốt từ bạn bè. Tình bạn cao quý là tài sản tinh thần vô giá của mỗi con người trong suốt cuộc đời.

Hai câu tục ngữ trên một câu nhấn mạnh vai trò của người thầy, một câu nói về tầm quan trọng của việc học bạn. Để cạnh nhau, mới đầu tưởng như mâu thuẫn nhưng thực ra chúng bổ sung nghĩa cho nhau để hoàn chỉnh quan niệm đúng đắn của người xưa: Trong học tập, vai trò của thầy và bạn đều hết sức quan trọng.

Câu 7: Là lời khuyên về lòng nhân ái:

Thương người như thể thương thân.

Thương người: tình thường dành cho người khác. Thương thân: tình thương dành cho bản thân. Nghĩa cả câu là: thương mình thế nào thì thương người thế ấy.   

Hai tiếng thương người đặt trước thương thân để nhấn mạnh đối tượng cần sự đồng cảm, thương yêu. Câu tục ngữ khuyên chúng ta hãy coi người khác như bản thân mình để từ đó có sự quý trọng, thương yêu thật sự.

Tình thương là một tình cảm rộng lớn, cao cả. Lời khuyên từ câu tục ngữ này là mọi người hãy cư xử với nhau bằng lòng nhân ái và đức vị tha. Đây là đạo lí, là cách sống, cách ứng xử đầy tính nhân văn bắt nguồn từ truyền thuyết Con Rồng, cháu Tiên, khẳng định cả dân tộc đều cùng từ một mẹ sinh ra. (đồng bào).

Câu 8: Nói về lòng biết ơn:

Ăn quả nhớ kẻ trồng cây.

Quả: hoa quả. Cây: cây trồng sinh ra hoa quả. Kẻ trồng cây: người trồng trọt chăm sóc để cây ra hoa kết trái. Nghĩa đen cả câu: Hoa quả ta ăn đều do công sức người trồng mà có, đó là điều nên ghi nhớ. Nghĩa hàm ngôn là: Khi được hưởng thụ thành quả nào thì ta phải nhớ đến công ơn của người đã gây dựng nên thành quả đó.

Trên đời này, không có cái gì tự nhiên mà có. Mọi thứ chúng ta được thừa hưởng đều do công sức của con người làm ra. Cho nên chúng ta phải biết trân trọng sức lao động và biết ơn những thế hệ đi trước đã sáng tạo ra bao thành quả vật chất, tinh thần tốt đẹp dành cho các thế hệ sau.

Câu tục ngữ này có thể được sử dụng trong rất nhiều hoàn cảnh, chẳng hạn như để thể hiện tình cảm của con cháu đối với cha mẹ, ông bà, hoặc tình cảm của học trò đối với thầy, cô giáo… Cao hơn nữa là để nói về lòng biết ơn của nhân dân ta đối với các anh hùng, liệt sĩ đã chiến đấu, hi sinh, bảo vệ đất nước…

Câu 9: Khẳng định sức mạnh to lớn của sự đoàn kết:

Một cây làm chẳng nên non,
Ba cây chum lại nên hòn núi cao.

Một cây, ba cây trong câu tục ngữ này không phải là số từ cụ thể mà nó có ý nghĩa khái quát chỉ số ít và số nhiều, chỉ sự đơn lẻ và sự liên kết. Tại sao Ba cây chụm lại nên hòn núi cao? Câu này xuất phắt từ hiện tượng tự nhiên là nhiều cây gộp lại mới thành rừng rậm, núi cao.

Kinh nghiệm sống được đúc kết trong câu tục ngữ này là chia rẽ thì yếu, đoàn kết thì mạnh. Một người không thể làm nên việc lớn. Nhiều người hợp sức lại sẽ giải quyết được những khó khăn, trở ngại, dù là to lớn. Do đó mỗi người phải có ý thức mình vì mọi người, tránh thái độ cá nhân ích kỉ.

Đoàn kết tạo nên sức mạnh vô địch, là yếu tố quyết định mọi thành công. Điều đó đã được chứng minh hùng hồn qua thực tiễn lịch sử bốn ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Trong kháng chiến chồng thực dân Pháp xâm lược, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã kêu gọi các tầng lớp nhân dân:

Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết.
Thành công, thành công, đại thành công.

Về hình thức, những câu tục ngữ về con người và xã hội thường dùng các hình ảnh so sánh hoặc ẩn dụ để người nghe dễ hiểu và thấm thía, nhớ lâu. Về nội dung, những câu tục ngữ trên thể hiện quan điểm đúng đắn của nhân dân ta về cách sống, cách làm người và tôn vinh giá trị con người.

Những bài học thiết thực, bổ ích mà tục ngữ để lại đến bây giờ vẫn có tác dụng to lớn, giúp chúng ta tự hoàn thiện về tình cảm và trí tuệ để trở thành người hữu ích cho gia đình và xã hội.

Phát biểu cảm nhận về bài Tục ngữ về con người và xã hội – Bài làm số 2

Câu 1
Một mặt người bằng mười mặt của.

Câu tục ngữ có hai vế. Một vế là “một mặt người” so sánh (bằng) với một vế là “mười mặt của”. Nhưng “người” với “của” lại là hai thứ khác nhau về bản chất.

Do vậy, để so sánh được với nhau, tác giả dân gian phải sử dụng nghệ thuật nhân hoá (mặt của). Ở đây, tác giả dân gian đã so sánh về số lượng: “một” so với “mười”. “Một” so với “mười” đương nhiên là “một” kém hơn “mười” nhưng ở đây tác giả lại khẳng định bằng nhau. Như vậy, ở đây không có sự so sánh thuần tuý về số lượng mà là sự so sánh về chất lượng. Sự so sánh về chất này cho thấy “người” cao hơn “của”. Nội dung của câu tục ngữ đã rõ: thể hiện sự coi trọng, đề cao con người. Câu tục ngữ đã thể hiện một tư tưởng nhân đạo sâu sắc của cha ông ta. Đó là đạo lí đề cao con người hơn mọi của cải vật chất. Tư tưởng đạo lí của câu tục ngữ còn được thể hiện trong những câu nói dân gian khác như: Người làm ra của chứ của không làm ra người, Người sống đống vàng,… Bài học đạo lí đề cao con người của câu tục ngữ không chỉ là một bài học lớn về cách nhìn nhận, đánh giá con người mà còn có tác dụng to lớn trong việc bồi dưỡng những tình cảm tốt đẹp cho con người.

Câu 2

Cái răng, cái tóc là góc con người

Câu tục ngữ này mang hai hàm nghĩa. Thứ nhất, răng và tóc là biểu hiện của một phần sức khoẻ, thể trạng của con người. Thứ hai, răng và tóc thể hiện (biểu hiện) hình thức, tính cách, tư cách của con người. Trong cuộc sống, câu tục ngữ được tác giả dân gian sử dụng để: khuyên nhủ, nhắc nhở con người phải biết giữ gìn, chăm sóc răng, tóc cho sạch sẽ, đẹp đẽ (nó là hình thức bên ngoài của con người); thể hiện sự đánh giá, nhìn nhận, bình phẩm về con người (nhìn răng, tóc là biết tư cách, tính cách của con người). Như vậy, câu tục ngữ đưa ra cho chúng ta một bài học kinh nghiệm: con người cần phải biết giữ gìn răng, tóc cho sạch sẽ, đẹp đẽ; phải biết sửa sang răng, tóc trước khi giao tiếp với người khác bởi đó là biểu hiện của lòng tự trọng, thể diện của bản thân.

Câu 3.

Đói cho sạch, rách cho thơm.

Câu tục ngữ có hai vế đối nhau rất chỉnh. Hai vế đối nhau này đã góp phần bổ sung, soi sáng cho nhau. Nếu như hai chữ “đói – rách” là những biểu hiện cụ thể bên trong và bên ngoài của sự nghèo khó, thiếu thốn về của cải, vật chất thì hai chữ “sạch – thơm” lại là những biểu hiện cụ thể của nhân cách ngay thẳng, đẹp đẽ. Các từ “đói sạch, rách – thơm” vừa được hiểu tách bạch trong từng vế vừa được hiểu trong sự kết hợp, tương hỗ lẫn nhau giữa hai vế. Chính sự tách bạch và tương hỗ lẫn nhau này đã tạo nên hai lớp ý nghĩa cụ thể. Ở lớp nghĩa hẹp – nghĩa đen, câu tục ngữ nhắc người ta dù đói cũng phải ăn uống sạch sẽ, dù quần áo rách cũng phải giữ gìn thơm tho. Ở lớp nghĩa rộng – nghĩa bóng, câu tục ngữ sử dụng những cặp từ, cặp hình ảnh ẩn dụ để nhắn gửi người đọc về việc giữ phẩm cách: dù nghèo đói, khổ cực đến đâu cũng phải sống cho trong sạch, không vì nghèo đói mà làm những điều xấu xa theo kiểu “đói ăn vụng, túng làm liều” mà đánh mất nhân phẩm, đạo đức con người. Đây cũng chính là ý nghĩa quan trọng mà câu tục ngữ muốn nhắn gửi, thể hiện.

Câu 4.

Học ăn, học nói, học gói, học mở.

Câu tục ngữ có bốn vế, vừa có quan hệ đẳng lập vừa có quan hệ bổ sung cho nhau và lặp đi lặp lại từ “học” ở đầu mỗi vế (điệp ngữ) để nhấn mạnh, nhắc nhở người ta về những điều kiện cần phải có để “nên người”. “Ăn, nói, gói, mở” bốn việc tưởng chừng như rất đơn giản, con người không cần phải học cũng có thể làm được. Ấy vậy mà chẳng đơn giản chút nào. “Học ăn, học nói” có nghĩa là học cách ăn uống, cách nói năng cho lịch sự, trang nhã, đẹp đẽ. Điều nhắc nhở của hai vế này ta còn thấy trong nhiều câu tục ngữ tương tự khác như: ăn trông nồi, ngồi trông hướng (khi ăn cùng với người khác cần quan sát để ngồi cho phù hợp, khỏi bị thất thố), ăn cho nên đọi (bát), nói cho nên lời, Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau; Lời nói gói vàng,… Hai vế sau của câu tục ngữ, “học gói, học mở” nhắc nhở con người phải học cách làm việc để thành thạo công việc. “Gói và mở” tưởng chừng chẳng cần học cũng có thể làm được. Tuy nhiên, để gói cho vuông vức, ngay ngắn, đẹp đẽ, dễ coi, ưa nhìn không phải ai cũng làm được, hay làm một lần là được ngay. Giống như “gói”, động tác mở cũng hết sức quan trọng. Mở phải từ tốn, nhẹ nhàng, mở hết lớp ngoài rồi mở đến lớp trong. Cách mở như vậy không chỉ thể hiện sự nâng niu mà còn thể hiện thái độ trân trọng của người mở đối với người gửi đồ vật. Như vậy việc “gói, mở” cũng là những việc làm thể hiện tâm tính, phong thái của con người. Nhưng nội dung của câu tục ngữ không dừng ở lớp nghĩa cụ thể này mà bao trùm lên cả tổng số nghĩa của bốn vế hợp lại là lớp nghĩa khái quát. Đó là câu tục ngữ khuyên chúng ta phải học nhiều điều trong cuộc sống từ giao tiếp đến hành động để biết cách ứng xử xã hội thể hiện mình là người có nhân cách, có văn hoá.

Câu 5, 6.

Không thầy đố mày làm nên.
Học thầy không tày học bạn.

Hai câu tục ngữ này đề cập tới hai mặt của việc học tập: học thầy và học bạn. Câu Không thầy đố mày làm nên có ý nghĩa thách đố để khẳng định vai trò, công ơn của người thầy giáo trong việc truyền dạy tri thức, cách sống ban đầu cho học trò. Câu tục ngữ dùng lối nói ngoa dụ (nói quá) để khẳng định tất cả sự thành công trong đời của mỗi học trò bao giờ cũng có một phần công sức của người thầy. Do vậy, nội dung ý nghĩa của câu tục ngữ là đề cao vai trò quyết định của người thầy đối với kết quả học tập của học trò. Đồng thời với nội dung khẳng định này, câu tục ngữ nhắc nhở người ta phải biết kính trọng, ghi nhớ công lao của người thầy giáo đã từng dạy dỗ mình; nhắc nhở chúng ta một trong những con đường thành công trong học tập là tìm thầy mà học. Còn câu Học thầy không tày học bạn lại đề cập tới một khía cạnh khác trong việc học tập: học bạn. Câu tục ngữ này có hai vế đặt trong mối quan hệ so sánh. Mới đọc tưởng chừng như nó mâu thuẫn với câu Không thầy đố mày làm nên, nhưng ngẫm kĩ thì không phải vậy. Trái lại, hai câu tục ngữ bổ sung cho nhau tạo thành một phương pháp học tập rất hiệu quả: vừa học thầy vừa học bạn. Trong mối tương quan so sánh học thầy và học bạn thì câu tục ngữ khẳng định học bạn là hơn học thầy. Học bạn rất quan trọng bởi bạn là người gần gũi ta, ta có thể học hỏi nhiều điều của bạn ở mọi nơi, mọi lúc; ta có thể tự nhìn bạn để trau dồi, hoàn thiện mình hơn.

Câu 7

Thương người như thể thương thân.

Câu tục ngữ có cấu tạo hai vế tương đồng, ngang bằng nhau theo công thức [A như B]. Điều thần tình ở đây tác giả dân gian đã đặt hai chữ “thương người” trước hai chữ “thương thân”. Cách sắp đặt này nhằm thực hiện dụng ý lấy việc thương bản thân mình làm chuẩn cho việc thương người, đưa việc thương người ra làm mục tiêu cần hướng tới để nhắc nhở ta phải lấy bản thân mình để soi vào người khác, coi người khác như là bản thân mình, để mà quý trọng, thương yêu. Việc đặt hai tiếng “thương người” lên trước cũng là cách để nhấn mạnh tới đối tượng cần phải đồng cảm, thương yêu. Câu tục ngữ đã thể hiện được truyền thống “Lá lành đùm lá rách” của dân tộc. Đây là một triết lí về cách sống, cách ứng xử giữa người với người trong xã hội. Câu tục ngữ biểu hiện rất cao của lòng nhân ái, là kết tinh của truyền thống nhân văn.

Câu 8

Ăn quả nhớ kẻ trồng cây

Câu tục ngữ này có hai lớp nghĩa. Nghĩa đen là khi được ăn một quả ngon, trái ngọt thì cần phải nhớ tới người đã có công trồng cây để cây sinh quả cho ta ăn. Qua lớp nghĩa đen, tác giả dân gian muốn nói với ta một điều lớn hơn việc biết ơn người trồng cây cho ta hưởng trái cây ngon ngọt. Khi được hưởng bất kì một thành quả nào ta đều phải ghi nhớ công ơn người đã bỏ công sức làm nên thành quả đó. Đây chính là nghĩa bóng của câu tục ngữ, nó có thể được vận dụng trong nhiều hoàn cảnh khác nhau nhờ khả năng mở rộng nghĩa trong việc ứng dụng vào thực tế. Chẳng hạn, như trong quan hệ gia đình, giữa cha mẹ với con cái thì câu tục ngữ là lời khuyên nhủ con cái phải biết ghi nhớ công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ; trong quan hệ thầy trò thì câu tục ngữ nhắc nhở học sinh phải ghi nhớ công ơn dạy dỗ của thầy, cô giáo; được hưởng cuộc sống của người dân một nước độc lập, ấm no, hạnh phúc. Câu tục ngữ nhắc nhở chúng ta phải biết công ơn các liệt sĩ, thương binh,… đã quên mình chiến đấu hi sinh để giải phóng dân tộc

Câu 9.

Một cây làm chẳng nên non
Ba cây chụm lại nên hòn núi cao.

Tác giả dân gian đã tạo nghĩa câu tục ngữ bằng cách để hình ảnh của “cây” và “núi” trong thế đối lập nhau: một (ít) và ba (nhiều), “chẳng nên non” và “nên hòn núi cao”. Cách tạo nghĩa này gợi lên lớp nghĩa thứ nhất: một cây (ít) sẽ không tạo nên núi nhưng ba cây (nhiều) thì sẽ tạo thành quả núi cao, đây là nghĩa đen. Từ lớp nghĩa này người ta suy ra “cây” và “núi” là biểu thị mối quan hệ giữa con người và công việc. Núi là việc khó khăn hay việc to lớn. Một người sẽ không thể làm được việc khó khăn hay việc to lớn nhưng nhiều người “chụm lại” (cùng chung sức) thì sẽ làm được tất cả những việc dù khó khăn hay to lớn, đây chính là lớp nghĩa thứ hai – nghĩa bóng. Như vậy, câu tục ngữ đã dùng lối nói ẩn dụ để khẳng định, khuyên nhủ chúng ta về sức mạnh của tinh thần đoàn kết. Nếu có tinh thần đoàn kết thì ta có thể làm được mọi việc, dù là việc lớn hay việc khó.

Hồng Loan tổng hợp

Từ khóa tìm kiếm:

  • cảm nhận bài tục ngữ về con người và xã hội
  • cảm nhận về bài tục ngữ về con người và xã hội
  • cảm nhận tục ngữ
  • tục ngữ về cho và nhận

Bài viết liên quan

  • Bình luận “Một cây làm chẳng nên non, Ba cây …” – Văn hay lớp 7
  • Ý nghĩa câu ca dao “Một cây làm chẳng nên non, Ba cây …” – Văn hay lớp 8
  • Tả lại cảnh lao động của lớp em – Văn hay lớp 6
  • Nghị luận xã hội về bệnh vô cảm – Văn hay lớp 11
  • Nghị luận xã hội về câu ca dao: Một cây làm chẳng nên non, Ba cây chụm lại nên hòn núi cao – Văn hay lớp 10
  • Phân tích tác phẩm Người cầm quyền khôi phục uy quyền (V.Huy-Gô) – Văn hay lớp 11
  • Phát biểu cảm nghĩ về bài Một thứ quà của lúa non: Cốm – Văn hay lớp 7
  • Cảm xúc của em trước nụ cười của mẹ – Văn hay lớp 7
0