06/05/2018, 09:03

Phát biểu cảm nghĩ về truyền thuyết Thánh Gióng – Văn mẫu hay lớp 6

Xem nhanh nội dung Phát biểu cảm nghĩ về truyền thuyết Thánh Gióng – Bài làm 1 của một học sinh giỏi Văn tỉnh Thái Bình Nhà văn lớn nước Nga – Mác-xim Goóc-ki từng viết: "Người xưa rút ngay trong sự kiện thực tế phần cốt yếu của những sự kiện ấy rồi thể hiện nó ra bằng một ...

Xem nhanh nội dung

Phát biểu cảm nghĩ về truyền thuyết Thánh Gióng – Bài làm 1 của một học sinh giỏi Văn tỉnh Thái Bình

Nhà văn lớn nước Nga – Mác-xim Goóc-ki từng viết: "Người xưa rút ngay trong sự kiện thực tế phần cốt yếu của những sự kiện ấy rồi thể hiện nó ra bằng một hình tượng. Và như thế chính là hiện thực. Ngoài phần cốt yếu rút ra ngay trong thực tế, lấy trí tưởng tượng thêm vào những phần "nên có" và "có thể có" để hình tượng kia được trọn vẹn hơn, thì đó sẽ là lãng mạn". Truyền thuyết Thánh Gióng (còn được gọi là Truyện ông Gióng, Phù Đổng Thiên Vương) của nước ta chắc chắn bắt nguồn từ những sự kiện thực tế trong buổi sơ sinh dán tộc ta dựng nước và giữ nước sáng ngời chủ nghĩa anh hùng. Có thế nói. Thánh Gióng là một hình tượng thẩm mĩ vừa đẫm chất hiện thực vừa lung linh những ánh hào quang lãng mạn tuyệt vời. Trong đó, tuyệt vời nhất có lẽ là giây phút xuất thần kì diệu: Gióng vươn vai.

1. Chuyện xưa kể rằng : "Giặc đã đến chân núi Trâu. Thế nước rất nguy, người người hoảng hốt. Vừa lúc đó, sứ giả đem ngựa sắt, roi sất, áo giáp sắt đến. Chú bé vùng dậy, vươn vai một cái bỗng biến thành một tráng sĩ mình cao hơn trượng, oai phong lẫm liệt,… Tráng sĩ mặc áo giáp, cầm roi, nhảy lên mình ngựa". "Ngựa hí dài mấy tiếng vang dội… phun lửa… rồi phi thẳng đến nơi có giặc…". Có được cái vươn vai ấy, chú bé làng Gióng đã trải qua bao điều kì diệu khác thường trước đó : nằm trong bụng mẹ mười hai tháng (hơn những đứa trẻ khác gần ba tháng), ba năm không nói, không cười (những đứa trẻ khác chỉ một, hai năm đã bập bẹ nói). Tiếng nói đầu tiên của Gióng là xung phong đi đánh giặc… Rồi ăn không biết no, áo quần mặc hôm trước, hôm sau đã chật… Cả làng góp gạo nuôi Gióng, cả nước góp sắt đúc vũ khí cho Gióng,… Và sau đó, tráng sĩ làng Gióng nhanh chóng đánh tan lũ giặc xâm lược. Tháng lợi rồi, chàng cởi giáp sắt để lại trên đỉnh núi quê hương và… người, ngựa cùng bay lên trời… Rõ ràng, có dược cái cử chỉ "vươn vai" thần kì, người anh hùng trẻ tuổi.

Việt Nam đã tích luỹ những phẩm chất tốt đẹp – yêu nước, căm thù giặc, tự nguyện tòng quân – đã nhận được sự nuôi dưỡng, hỗ trợ về vật chất, sự dạy bảo, động viên, khích lệ về tinh thần của cả quê hương, Tổ quốc. Cái cử chỉ "vươn vai" ấy là biểu tượng cho sức mạnh của dân tộc trỗi dậy. Nó hội tụ tinh thần đoàn kết, ý chí quyết tâm chiến đấu chống giặc ngoại xâm, khát vọng khẳng định sức mạnh vô địch của một dân tộc tuy bé nhỏ nhưng anh hùng, bất khuất. Theo các nhà nghiên cứu văn học dân gian, Thánh Gióng là người anh hùng bộ lạc được người dân nước Văn Lang, thời đại các vua Hùng sáng tạo nên bằng sự nhào nặn từ hiện thực và trí tưởng tượng bay bổng để… vừa khẳng định hiện thực vừa ước ao "những phần nên có và có thể có", như nhận xét của Goóc-ki. Vì thế, từ hình tượng "người anh hùng bộ lạc", Thánh Gióng đã trở thành biểu tượng cho vẻ đẹp của người anh hùng dân tộc, mở đầu cho truyền thống anh hùng của lớp lớp tuổi trẻ Việt Nam sau này. Cái "vươn vai" của Gióng ở tuổi lên ba kia phải chăng là sự mong muốn được lớn nhanh, đốt cháy thời gian để trưởng thành, để đủ đầy sức mạnh và tài năng đánh giặc ? Vâng, đúng như vậy ! Lúc bấy giờ, giặc đã đánh vào chân núi Trâu, thế nước nguy nan, nếu cứ đợi mười năm, mười lăm năm nữa mới lên đường thì than ôi, quê hương, Tổ quốc còn gì nữa ! Do đó, phải ăn nhanh, ăn khoẻ để mau lớn và phải "vươn vai" biến hoá tất cả vật lực, tinh thần, ý chí của tuổi trẻ, của toàn dẩn thành sức mạnh, thành ngọn lửa quyết chiến, quyết thắng. Nói khác đi, cái "vươn vai" của chàng trai làng Phù Đổng mang ý nghĩa khẳng định thái độ tuổi trẻ Việt Nam trước giờ phút đất nước lâm nguy, Tổ quốc kêu gọi. Hình tượng Thánh Gióng là biểu tượng rực rỡ của ý thức và sức mạnh bảo vệ đất nước, đồng thời thể hiện quan niệm và ước mơ của nhân dân ta ngay từ buổi đầu lịch sử về người anh hùng cứu nước chống ngoại xâm.

2. Trong lịch sử kháng chiến chống ngoại xâm của dân tộc ta, biết bao tấm gương tuổi trẻ mang khát vọng "vươn vai" của Thánh Gióng đã xuất hiện. Trần Quốc Toản bóp nát quả cam, hận vì mình chưa đến tuổi tòng quân, về nhà tập hợp gia binh, gia tướng, phất cờ đào đánh giậc. Những thanh niên thời kì chống thực dân Pháp và đế quốc Mĩ đã giấu gạch, giấu sắt trong người để đủ cân, khai tăng thêm tuổi để đủ tuổi ghi tên nhập ngũ. Hai chị em Chiến và Việt (trong truyện Những đứa con trong gia đình của Nguyễn Thi) mới chớm tuổi mười tám đã tranh nhau gia nhập quân Giải phóng để trả thù nhà, đền nợ nước. Cái "vươn vai" của em bé làng Gióng là sản phẩm của những khát vọng lãng mạn thuở dân tộc ta mới dựng nước. Những hành động "bóp nát quả cam", "giấu gạch, giấu sắt trong người" để tăng cân, "kiễng chân", "khai thêm tuổi" để đủ chiều cao, đủ tuổi lớn của lớp lớp con cháu sau này cũng bắt nguồn từ những khát vọng lãng mạn đó, đồng thời thể hiện những thái độ chân thành của người thật, việc thật, nối tiếp truyền thống cha ông.

Ôi Việt Nam ! Từ trong biển máu 

Người vươn lên, như một thiên thần!

(Tố Hữu — Việt Nam máu và hoa)

Truyền thống của dân tộc ta là vậy ! Tuổi trẻ Việt Nam là vậy ! Trước giờ phút Tổ quốc lâm nguy, nghe tiếng gọi cứu nước thì từ em bé ba tuổi đến mỗi người dân dù già, dù trẻ cũng đều "vươn lên", dồn sức trỗi dậy để đuổi giặc, giữ nước và dựng nước.

Truyền thuyết Thánh Gióng thuộc nhóm những áng văn chương cổ xưa nhất trong kho tàng văn học Việt Nam, ra đời khi dân tộc ta ở buổi sơ khai. "Từ truyện anh hùng bộ lạc đến truyện anh hùng dân tộc..; Tính anh hùng và thể loại anh hùng ca, tính địa phương và tính toàn dân của tác phẩm đã hình thành truyền thống anh hùng, một biểu hiện quan trọng của truyền thống dân tộc Việt Nam…". Trong bản anh hùng ca Thánh Gióng có nhiều yếu tố hoang đường, kì diệu, đánh thức trí tưởng tượng lãng mạn rất thú vị đối với cả người kể lẫn người nghe. Khi kể cũng như khi nghe truyện, bạn chớ có bỏ quên cái giây phút Thánh Gióng "vươn vai", bởi vì đây vừa là lúc nhân vật thăng hoa để hoàn thiện một hình tượng thẩm mĩ vừa là sự khẳng định lòng yêu nước, chủ nghĩa anh hùng của tuổi trẻ Việt Nam, vừa nhắc nhở chúng ta không nguôi khát vọng "vươn tới", khát vọng về những điều "nên có" và "có thể có" trong sự nghiệp giữ nước và dựng nước ngày xưa, ngày nay và mãi mãi sau này,…

Phát biểu cảm nghĩ của em về truyện "Thánh Gióng" – Bài làm 2

Trong các truyện cổ dân gian nước ta mà em đã được nghe kể hoặc được đọc qua, truyện Thánh Gióng là truyện đã tạo cho em một ấn tượng sâu đậm đặc biệt.

Đọc hoặc nghe kể truyện này chắc là các bạn cũng như em, đều tự hỏi chẳng biết vì sao mà người anh hùng chống ngoại xâm đầu tiên của dân tộc mình lại là một cậu bé mới lên ba tuổi. Phải chăng cậu bé ấy chính là tiêu biểu cho hình ảnh của dân tộc ta trong thời bình minh lịch sử khi đất nước mới hình thành còn nhỏ bé và yếu đuối biết bao trước một kẻ thù phương bắc to lớn và hung bạo đường ấy.
 
 Vì thế mà đất nước ta phải nhanh chóng trưởng thành phải trở nên khổng lồ để đủ sức đương đầu, đánh bại giặc thù để gìn giữ toàn vẹn tấc đất ngọn rau của cha ông, để bảo vệ được cuộc sống yên lành cho lương dân trăm họ. Trở lại hình ảnh của nước nhà ta khi ấy, giặc thù xâm lược đã tràn tới Châu Sơn, đi đến đâu bọn chúng cướp bóc và chém giết đến đó gây cho nhân dân ta xiết bao điêu đứng. Rõ ràng là vận nước nguy biến. Máu của dân lành tuôn đổ. Do đó mà đất nước, dân tộc phải lớn nhanh, lớn mau như thổi, phải rời ngay chiếc nôi tre ấm êm của lòng mẹ mà đứng dậy vươn vai mà trở nên khổng lồ. Lịch sử Việt Nam ta đâu chỉ riêng ở buổi đầu mà trong suốt cả chiều dài bốn ngàn năm dựng nước và giữ nước đều như vậy cả.
 
 Bao lần quật cường “Châu chấu đá xe” trong ngàn năm đô hộ giặc Tàu. Mấy lần đại thắng Nguyên Mông trên sông Bạch Đằng lịch sử còn ghi dấu. Mười năm “nếm mật nằm gai” mới đuổi sạch quân cuồng Minh ra khỏi bờ cõi, giành lại nền độc lập cho dân tộc. Một cuộc hành quân tốc chiến tốc thắng đại phá quân Thanh tiếng tăm còn vang dội. Kể đến Chín năm làm một Điện Biên. Nên vành hoa đỏ nên thiên sử vàng (Tố Hữu) lừng lẫy địa cầu. Một chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975 bất tử, tất cả những lần ấy dân tộc Việt Nam ta, đất nước Việt Nam ta đều trở thành khổng lồ như thế.
 
Để trở thành tráng sĩ mình cao hơn trượng, dũng mãnh oai phong, cậu bé làng Gióng đã phải nhờ đến thóc gạo, cơm cà của dân làng tự nguyện góp lại dưỡng nuôi. Bởi vậy hạ sinh Thánh Gióng là cha mẹ mà nuôi dưỡng Thánh Gióng chính là nhân dân. Chính nhân dân đã giảm ăn bớt mặc để Gióng lớn nhanh lên, có ngựa sắt, roi sắt, những phương tiện và vũ khí tối tân nhất, hiện đại lúc bấy giờ để Gióng quật ngã tan tành lũ giặc thù hung bạo. Tất cả ước mơ, khát vọng của mình, nhân dân đã gửi cả vào từng hột gạo, chén cơm gửi đến nuôi Gióng.
 
Ước mơ khát vọng của nhân dân ra sao? Nuôi người anh hùng làng Gióng, nhân dân chỉ mong sao người dũng sĩ này sẽ đánh tan giặc dữ để trên đồng, lũ trẻ được thảnh thơi, lưng trâu thổi sáo và nhà nông yên lòng cuốc bẫm cày sâu để trong nhà, cô thôn nữ an tâm ngồi bên khung cửi và người mẹ yên lòng cất tiếng ru hời bên chiếc nôi tre của con trẻ, trên mái nhà ai, sợi khói chiều uốn lượn một cách thanh thản, yên bình… Đúng là không có nhân dân yêu nước thì làm sao có được người anh hùng cứu nước? Đẹp làm sao hình ảnh người anh hùng trên lưng ngựa sắt, vung roi vun vút vào giặc thù, mỗi bước đi từ miệng ngựa sắt lại phun ra ngọn lửa căm thù của nhân dân muốn thiêu cháy cả bọn giặc.
 
Thú vị biết bao! Thỏa thích biết bao là hình ảnh Gióng bị gãy roi, nhổ cả bụi tre bên đường để đánh giặc. Người anh hùng làng Gióng không chỉ dùng vũ khí tối tân hiện đại, mà lúc cần cũng sử dụng vũ khí thô sơ truyền thống của dân tộc là tre. Điều kì thú nữa là hóa ra cây tre đã cùng dân tộc ta đánh giặc từ buổi bình minh của lịch sử, chớ phải đâu chỉ mới ngày một ngày hai của thời đánh Tây đuổi Mĩ gần đây thôi.
 
Hình ảnh người anh hùng cứu nước làng Gióng là hình ảnh tiêu biểu cho dân tộc Việt Nam nói chung, cho thiếu nhi Việt Nam ta nói riêng Từ xưa đến nay, nối tiếp theo Thánh Gióng đã có bao nhiêu là thế hệ thiếu nhi anh hùng đã liên tục tiếp sức với cha anh mình đánh giặc cứu nước giữ vẹn cõi bờ. Lịch sử vàng son của chúng ta còn ghi lại tên tuổi sáng chói tủa Trần Quốc Toản, Kim Đồng, Lê Văn Tám, Võ Thị Sáu… và biết bao anh hùng tuổi nhỏ khác không kể được hết tên.
 
Đánh giặc một cách hồn nhiên và vô tư hết mực, đẹp yên giặc dữ, Thánh Gióng cũng đã ra đi một cách hồn nhiên và vô tư như vậy. Hình ảnh đẹp nhất của truyện cổ dân gian này chính là hình ảnh chàng dũng sĩ làng Gióng cởi áo bỏ lại bên chân Sóc Sơn, cả người lẫn ngựa cùng bay lên trời. Hình ảnh ấy vượt thời gian sống mãi trong trí tưởng mọi con người, mọi thế hệ và chắc chắn sẽ mãi mãi trường tồn cùng dân tộc Việt Nam chúng ta.

Phát biểu cảm nghĩ của em về hình tượng Thánh Gióng trong truyền thuyết Thánh Gióng – Bài làm 3

Truyền thuyết Thánh Gióng xuất hiện từ thời Hùng vương dựng nước và được nhân dân ta lưu truyền từ đời này sang đời khác cho đến tận ngày nay. Đây là một truyền thuyết hay vào bậc nhất trong những truyền thuyết nói về truyền thống giữ nước của dân tộc ta.

Hình tượng Thánh Gióng với nhiều yếu tố thần kì là biểu tượng rực rỡ của ý thức và sức mạnh bảo vệ đất nước, đồng thời thể hiện quan niệm và ước mơ của nhân dân ta về người anh hùng cứu nước chống ngoại xâm.

Người xưa cho rằng đã là anh hùng thì phải phi thường, phải có khả năng như thần thánh, do trời sai xuống giúp đời. Do đó mà cậu bé làng Gióng là một nhân vật kì lạ. Bà mẹ Gióng có thai cũng khác thường: Một hôm, bà ra đồng trông thấy một vết chân rất to, liền đặt bàn chân mình lên ướm thử để xem thua kém bao nhiêu. Không ngờ về nhà bà thụ thai… Bà có thai không phải chín tháng mười ngày mà tròn mười hai tháng. Đây là sự tưởng tượng của dân gian về nhân vật phi thường của mình.

Điều kì lạ nữa là Gióng lên ba vẫn không biết nói, biết cười, cũng chẳng biết đi cứ đặt đâu thì nằm đấy. Những chi tiết kỳ ảo đó càng thu hút người nghe. Gióng không nói nhưng khi nghe sứ giả rao loa thì bỗng dưng cất tiếng nói. Tiếng nói đầu tiên của Gióng là tiếng nói tự nguyện đánh giặc. Lời nói yêu nước, cứu nước ấy cũng không phải là lời nói bình thường ở tuổi lên ba.

Chi tiết thần kì ấy ca ngợi ý thức đánh giặc, cứu nước của nhân dân ta được gửi gắm trong hình tượng Gióng. Ý thức trách nhiệm đối với đất nước được đặt lên hàng đầu với người anh hùng và tạo cho người anh hùng những khả năng hành động phi thường.

Còn năm ngửa trên chõng tre mà Gióng đòi có ngựa sắt, roi sắt, áo giáp sắt để đánh tan quân giặc. Ba tuổi, Gióng vẫn chưa biết đi nhưng tới lúc giặc đến thì vươn vai hoá thành tráng sĩ, nhảy lên mình ngựa, phi thẳng ra chiến trường. Khi cần có sức lực, tầm vóc để cứu nước thì Gióng lớn nhanh như thổi, cơm ăn mấy cũng không no, áo vừa may xong đã căng đứt chỉ.

Dân gian kể rằng: Gióng ăn một bữa bảy nong cơm, ba nong cà, uống một hớp nước cạn đà khúc sông. Dấy là cách nói cường điệu của dân gian để tô đậm tính chất phi thường cho nhân vật mà mình yêu mến. Mẹ Gióng nuôi không nổi, bà con trong làng nô nức gom góp gạo thóc nuôi cậu bé, vì ai cũng mong cậu lớn nhanh để giết giặc cứu nước. Gióng đã lớn lên bằng thức ăn, thức mặc, bằng sự yêu thương, đùm bọc của dân làng. Gióng đâu chỉ là con của một bà mẹ mà là con của mọi người, của nhân dân. Một người cứu nước sao đặng? Phải toàn dân góp sức chuẩn bị cho sự nghiệp đánh giặc. Như vậy mới đủ sức mạnh để chiến thắng quân thù. Gióng lớn lên từ trong lòng nhân dân và do nhân dân nuôi dưỡng. Sức mạnh dũng sĩ của Gióng được nuôi bằng cơm gạo quê hương và tình thương vô hạn của bà con.

Vì sao Gióng lại lớn nhanh như vậy? Gióng lớn lên từ khi nào và lớn lên để làm gì? Trước khi có tiếng gọi cứu nước, Gióng chi nằm ngửa, không nói, không cười. Gióng mở miệng nói lời đầu tiên là để đáp lại lời kêu gọi cứu nước. Dường như việc cứu nước có sức mạnh làm cho Gióng vụt lớn lên. Việc cứu nước vô cùng to lớn và cấp bách, Gióng không lớn lên nhanh thì làm sao làm được nhiệm vụ cứu nước ? Cuộc chiến đấu đòi hỏi dân tộc ta phải vươn mình phi thườnq như vậy. Hình ảnh Gióng vươn vai là tượng đài bất hủ về sự trưởng thành vượt bậc, về hùng khí của một dân tộc trước nạn ngoại xâm. Khi lịch sử đặt vấn đề sống còn cấp bách, khi tình thế đòi hỏi dân tộc vươn lên một tầm vóc phi thường thì cả dân tộc vụt đứng dậy như Thánh Gióng, tự thay đổi tư thế, tầm vóc của mình. Hình tượng cậu bé làng Gióng tiêu biểu cho sức mạnh toàn dân trong cuộc chiến tranh cứu nước.

Gióng chính là hình ảnh của nhân dân. Nhân dân lúc bình thường thì âm thầm lặng lẽ, cũng như Gióng ba năm không nói, không cười. Nhưng khi nước nhà gặp cơn nguy biến thi họ rất mẫn cảm, tự nguyện đứng ra cứu nước cứu nhà. Cũng như Gióng, khi vua vừa phát lời kêu gọi, chú bé đã đáp lời cứu nước.

Giặc đến chân núi Trâu, thế nước rất nguy. Vừa lúc sứ giả đem ngựa sắt, roi sắt, áo giáp sắt tới. Gióng vùng dậy vươn vai một cái, bỗng thành một tráng sĩ oai phong lẫm liệt. Chi tiết này có liên quan đến truyền thống của truyện cổ dân gian. Thời cổ, nhân dân quan niệm người anh hùng phải khổng lổ về thể xác, sức mạnh và chiến công. Thần Trụ Trời, Sơn Tinh… đều là những nhân vật khổng lồ. Cái vươn vai của Gióng là đạt đến độ phi thường ấy, Gióng nhảy lên mình ngựa, ngựa phun lửa, phi thẳng ra chiến trường. Ngọn roi của Gióng quật giặc chết như rạ. Roi sắt gãy, Gióng nhổ tre bên đường đánh tiếp. Gióng đánh giặc không chi bằng vũ khí vua ban mà còn bằng cả cây cối thân yêu của quê nhà.

Đánh tan giặc Ân, Gióng cưỡi ngựa lên đỉnh núi Sóc, cởi giáp sắt bỏ lại, rồi cả người lẫn ngựa từ từ bay lên trời. Gióng ra đời đã khác thường thì ra đi cũng khác thường.

Nhân dân trân trọng muốn giữ mãi hình ảnh người anh hùng nên đã để Gióng đi vào cõi bất tử, Gióng không quay về triều để được vua ban cho bổng lộc, vinh quang. Gióng biến mất vào cõi hư không. Sinh ra từ cõi lặng im, nay Gióng trở về trong im lặng, không màng phú quý, công danh. Tuy Gióng đã trở về trời nhưng thật ra Gióng luôn luôn ở lại với đất nước, cây cỏ, với dân tộc Việt. Vua phong cho Gióng là Phù Đổng Thiên Vương. Gióng được nhân dân Suy tôn là Thánh và lập đền thờ ngay tại quê hương để muôn đời ghi nhớ công ơn.

Gióng là hình tượng tiêu biểu, rực rỡ của người anh hùng đánh giặc cứu nước. Trong văn học dân gian Việt Nam, đây là hình tượng người anh hùng đánh giặc đầu tiên, tiêu biểu cho lòng yêu nước của nhân dân ta.

Gióng là người anh hùng mang trong mình sức mạnh của cả cộng đồng.Trong buổi đầu dựng nước, sức mạnh của thần thánh, tổ tiên thể hiện ở sự ra đời thần kì của chú bé làng Gióng. Sức mạnh của cộng đồng thể hiện ở việc bà con dân làng góp gạo nuôi Gióng.

Dân tộc Việt Nam anh hùng muốn có hình tượng khổng lổ, tuyệt đẹp và có ý nghĩa khái quát để phản ánh hết được lòng yêu nước, khả năng và sức mạnh quật khởi của dân tộc ta trong cuộc đấu tranh chống ngoại xâm suốt bốn ngàn năm lịch sử. Hình tượng Thánh Gióng với vẻ đẹp tuyệt vời rực sáng muôn đời đã đáp ứng được điều đó.

Cảm nghĩ của em sau khi đọc truyện Thánh Gióng – Bài làm 4

Truyền thuyết là một thể loại văn học dân gian, kể lại các nhân vật lịch sử hoặc giải thích nguồn gốc phong vật địa phương theo quan điểm của nhân dân. Thánh Gióng là một câu chuyện thuộc thể loại truyền thuyết với những chi tiết ly kỳ lôi cuốn người đọc.

Chuyện xưa kể lại, có một người phụ nữ đã lớn tuổi nhưng mãi vẫn chưa sinh được một đứa con. Trong một lần tình cờ, bà nhìn thấy một vết chân to lớn, hơn hẳn những vết chân người bình thường, bá đã ướm thử chân mình vào đó. Kỳ lạ thay, sau đó bà mang thai, bà sinh ra một cậu bé nhưng tới 3 tuổi vẫn chưa biết ngồi, chưa biết lẫy, vẫn nằm ngửa để ăn. Năm đó giặc Ân xâm chiếm, chúng dày xéo làng xóm, vua phát động tìm người tài cứu nước. Gióng đã bảo mẹ gọi sứ thần tới, chuẩn bị cho Gióng những dụng cụ đánh giặc. Mẹ Gióng thổi cho Gióng nồi cơm to và kêu gọi làng xóm giúp đỡ vì Gióng ăn bao nhiêu cũng không biết no. Gióng vươn vai người bỗng trở nên cao to vạm vỡ leo lên lưng ngựa và dẹp giặc ngoại xâm. Đất nước trở nên yên bình nhưng Gióng đã bay về trời sau khi hoàn thành nhiệm vụ. Vua Hùng cho lập đền thờ Gióng ở làng quê và phong Gióng là Phù Đổng Thiên Vương.

Truyền thuyết Thánh Gióng cho ta nhiều suy nghĩ về những điều có thực trong cuộc sống. Từ những điều giản dị nhất cũng xuất hiện trong truyền thuyết như hình ảnh của gạo, khoai, trâu bò, hoa quả, bánh trái… là những đặc trưng tiêu biểu của vùng đất nông nghiệp. Cậu bé Gióng ăn bao nhiêu cũng không đủ no là cách để dân gian tô đậm tính phi thường. Mẹ Gióng hết gạo, kêu gọi làng xóm giúp đỡ tượng trưng cho truyền thống quý báu đoàn kết, yêu thương, đùm bọc lẫn nhau của dân tộc “một cây làm chẳng nên non/ ba cây chụm lại nên hòn núi cao”. Khi Gióng 3 tuổi khác thường với những đứa bé cùng trang lứa khác, không biết ngồi, không cười, không nói mẹ Gióng vẫn chăm sóc mà không một lời kêu than, oán trách. Bà vẫn tần tảo chăm sóc con, đó là hình ảnh mẫu mực về một người mẹ tiêu biểu ở Việt Nam.

Hình ảnh chàng Gióng oai phong, cao lớn cưỡi ngựa dẹp tan quân xâm lược gợi cho ta hình ảnh về cha ông trong công cuộc bảo vệ đất nước. Tác giả dân gian muốn nhấn mạnh đến vũ khí đánh giặc của Gióng, không chỉ bằng những vũ khí nhà vua ban, Gióng còn sử dụng cây tre của Việt Nam để đánh giặc “Roi gãy, Gióng đã nhổ tre bên đường thay roi đánh tiếp. Gióng đánh giặc không chỉ bằng vũ khí mà bằng cả cây cỏ thân yêu chốn quê nhà”.

Tinh thần dũng cảm, bảo vệ quê hương, dám đứng lên hy sinh vì nghĩa lớn, hy sinh thân mình vì dân tộc. Sức khỏe vạm vỡ của Thánh Gióng là hình ảnh mẫu mực để mỗi con người chúng ta vươn tới. Nó là biểu tượng của ý chí kiên cường, bất khuất của dân tộc, là nghị lực vươn lên trong cuộc sống khó khăn.

Giặc tan, đất nước trở nên yên bình, Thánh Gióng đã bay về trời mà không màng đến công danh, phú quý.

Câu chuyện còn là ý niệm vươn tới cuộc sống hoàn mĩ của con người, trong đó có sự giúp đỡ của một thế lực siêu nhiên nào đó như tướng của nhà trời được trời cử xuống dẹp tan quân xâm lược. Rồi hình ảnh vươn vai mà biến thành một người “cao to sừng sững” ẩn ý tới hình ảnh của một con người sau một quá trình trưởng thành, lớn lên.

Truyền thuyết được kể lại bằng biện pháp nghệ thuật khoa trương, phóng đại đồng thời cũng sử dụng các yếu tố hư ảo thần kỳ. Để ghi nhớ công ơn Thánh Gióng, vua Hùng đã cho người xây đền thờ, người đời sau tưởng niệm chàng qua lễ hội đền Gióng diễn ra hàng năm. Bên cạnh đó còn tổ chức Hội khỏe Phù Đổng nhằm tìm ra những người có sức khỏe, có thể chất.

Thu Thủy (Tổng hợp)

0