13/01/2018, 10:58

Phát biểu cảm nghĩ về bài Xa ngắm thác núi Lư – Văn hay lớp 7

Phát biểu cảm nghĩ về bài Xa ngắm thác núi Lư – Văn hay lớp 7 Phát biểu cảm nghĩ về bài Xa ngắm thác núi Lư – Bài làm số 1 của một bạn học sinh giỏi văn tỉnh Vĩnh Long Nhắc đến Lý Bạch là nhắc đến cây đại thụ của nền văn học cổ điển Trung Hoa. Ông sống vào đời Đường (701-762), học ...

Phát biểu cảm nghĩ về bài Xa ngắm thác núi Lư – Văn hay lớp 7

Phát biểu cảm nghĩ về bài Xa ngắm thác núi Lư – Bài làm số 1 của một bạn học sinh giỏi văn tỉnh Vĩnh Long

Nhắc đến Lý Bạch là nhắc đến cây đại thụ của nền văn học cổ điển Trung Hoa. Ông sống vào đời Đường (701-762), học rộng, tài cao, tính tình phóng khoáng thích ngao du sơn thuỷ. Thơ ông tiêu biểu cho bút pháp lãng mạn, khoáng đạt tự do bay bổng. Có lẽ như vậy mà ngọn núi Lư sơn hiện ra như một thắng cảnh tuyệt mỹ trong thơ ông:

Nhật chiếu Hương Lô sinh tử yên

 Dao khan bộc bố quải tiền xuyên

Phi lưu trực há tam thiên xích

Nghi thị ngân hà lạc cửu thiên

Dịch thơ:

Nắng rọi Hương Lô khói tía bay

Xa trông dòng thác trước sông này

Nước bay thẳng xuống ba nghìn thước

 Tưởng dải ngân hà tuột khỏi mây

(Tương Như dịch)

Lý Bạch đi nhiều, biết rộng. Hầu như tất cả các danh lam thắng cảnh trên đất nước Trung Hoa rộng lớn ông đều đặt chân tới. Bài thơ này tuyệt bút tả cảnh thác núi Lư hùng vĩ, tráng lệ qua đó biểu hiện một tình yêu thiên nhiên, yêu núi sông Tổ quốc.

Mở đầu bài thơ là cảnh thác núi Lư sơn từ xa nhìn lại:

Nhật chiếu Hương Lô sinh tử yên

Hương Lô là ngọn núi cao nằm phía tây bắc của dãy Lư sơn, đứng xa quan sát nó giống như một chiếc Lư Hương, làm cái phông nền cho dòng thác. Ngọn Hương Lô như gợi cho người đọc một sự liên tưởng và hình dung: ánh nắng mặt trời lan toả khoác lên dãy núi Lư lớp áo choàng huy hoàng rực rỡ. Giữa khung cảnh ấy nổi lên ngọn Hương Lô, chiếc Lư Hương khổng lồ nghi ngút khói trầm hương màu tím. Đây chính là sự khúc xạ ánh sáng, trên đỉnh núi lúc này như được thắp lên những luồng sáng hàng nghìn ánh màu rực rỡ, lộng lẫy huy hoàng. Hình ảnh núi Hương Lô quan sát từ xa như vừa thực vừa ảo làm hiện lên vẻ đẹp kỳ lạ của thác núi Lư. Câu thơ như đầy màu sắc, màu trắng của thác, xanh của núi, vàng của nắng và tím của sương khói. Đằng sau câu thơ ta như thấy vị tiên thơ đang trầm ngâm ngắm cảnh, chiêm ngưỡng sự diệu kỳ này.

Cảnh Hương Lô thật kỳ tuyệt, nhưng thu hút và huyền ảo hơn vẫn là ngọn thác:

Dao khan bộc bố quải tiền xuyên

Phi lưu trực há tam thiên xích

Nghi thị ngân hà lạc cửu thiên

Nhan đề là vọng một vị trí quan sát từ xa, nhìn dòng thác, thác nước tuôn trào đổ xuống ầm ầm tựa ngang trời. Dòng thác qua con mắt thi tiên đã biến thành dải lụa trắng xoá mềm mại treo ngang trời.Từ quải được coi như nhãn tự của câu thơ, nó biến cái động thành cái tĩnh, thể hiện rất thực cảm giác khi nhìn thấy dòng thác từ xa. Đỉnh núi khói tía bao phủ, ngang trời, lưng núi dòng sông tuôn chảy như dải lụa mềm mại uyển chuyển, bức tranh tráng lệ kỳ vĩ biết bao:

Phi lưu trực há tam thiền xích

Đến câu thơ thứ ba này cảnh vật từ tĩnh chuyển sang động. Thế nước chảy như bay (phi lưu) được diễn tả qua hai động từ đi kèm hai trạng từ. Ta hình dung thấy núi cao, nước đổ thẳng xuống như dựng đứng, ba ngàn thước là lối nói khoa trương nhưng người đọc vẫn cảm thấy chân thực.

Bằng cảm hứng lãng mạn của mình, sự liên tưởng kỳ lạ nhà thơ đã thấy:

Nghi thị ngân hà lạc cửu thiên

Câu thơ trác tuyệt thể hiện tài năng quan sát và cảm hứng lãng mạn tuyệt vời của thi nhân. Tả thác nước thần tình giữa cái ảo và cái thực, cái hình và cái thần diễn tả được cảm giác kỳ diệu do hình ảnh thác nước gợi trong tâm khảm nhà thơ. Do vậy nghi thị (ngỡ là) rất thành công. Hồ nghi mà vẫn cho là thật. Từ trên cao ba ngàn thước, thác nước ầm ầm tuôn trào uyển chuyến mạnh mẽ nhưng mềm mại như dải lụa. Hay hơn thế tác giả ngỡ là dòng sông sao tuột khỏi chín tầng mây đang lơ lửng treo ngang trời. Đây là hình ảnh đẹp nhất trong bài thơ, ở đây ngôn ngữ thơ đã chắp cánh cho hồn thơ bay bổng diệu kỳ. Ngắm dòng thác Lư sơn ngỡ như lạc vào chốn bồng lai ngư phủ.

Với tình yêu thiên nhiên say đắm, thi tiên đã dựng lên bức tranh thác nước Lư sơn hoành tráng tuyệt vời. Hơn một thiên niên kỉ trôi qua đã mấy ai được đến núi Lư sơn để ngắm lại dòng thác khi nắng rọi? Quả vậy thác núi Lư làm cho thơ Lý Bạch vĩnh hằng bất tử với thời gian. Một nhà thơ khác đời Đường là Tử Ngưng phải thẹn thùng khi cất bút.

Bài thơi là một tuyệt tác, nó thể hiện trí tưởng tượng hiếm có, nét thậm xưng tráng lệ, cảm hứng lãng mạn dạt dào. Qua đó ta hiểu rõ một tâm hồn thơ say sưa với cảnh đẹp thiên nhiên đất nước. Biết bao danh lam thắng cảnh đã đi vào thơ ông để mãi mãi muôn đời nhớ đến thi tiên – Lý Bạch

Phát biểu cảm nghĩ về bài Xa ngắm thác núi Lư – Bài làm số 2

Lý Bạch là một nhà thơ nổi tiếng. Thơ ông có nhiều bài rất hay về chiến tranh, tình yêu, tình bạn và đặc biệt là về vẻ đẹp của những phong cảnh thiên nhiên. Bài thơ "Xa ngắm thác núi Lư” là bài thơ hay về cảnh thiên nhiên như thế: Nắng rọi Hương Lô khói tía bay, Xa trông dòng thác trước sông này Nước bay thẳng xuống ba nghìn thước Tưởng dải Ngân hà tuột khỏi mây Lý Bạch tính tình phóng khoáng. Ông thường đi thăm thú nhiều nơi và đến đâu ông cũng để lại những áng thơ tuyệt bút. Khi ông đến Hương Lô, một ngọn núi cao ở phía tây bắc của dãy Lư Sơn, ông cũng hạ bút viết những câu thơ tươi sáng: Nắng rọi Hương Lô khói tía hay, Xa trông dòng thác trước sông này Cảnh Hương Lô được quan sát từ xa vào buổi sáng. Vì thế mà toàn cảnh trông giống như một bức tranh sơn thủy kỳ vĩ lớn lao. Hương Lô đã có mây mù bao phủ, lại có bọt khì từ thác nước bay lên. Nó gặp đúng lúc mặt trời hồng chiếu rọi vì thế mà những làn khói mới sinh màu đỏ tía. Cảnh đã đẹp và kỳ vĩ lại thêm sự thơ mộng, kỳ ảo lung linh. Câu thơ thứ nhất đã là một cái nhìn sáng tạo. Thế nhưng đến câu thơ thứ hai, chúng ta mới thấy nhà thơ Lý Bạch thật tài hoa. Chính vì tác giả đứng từ xa mà dòng thác thực sự hiện lên chẳng khác nào một dòng sông đang dựng ngược và treo ngay trước mặt. Câu thơ đúng như một sự sáng tạo đầy táo bạo và ngẫu hứng của thi nhân. Hai câu thơ đầu bao quát toàn cảnh Hương Lô với những hình ảnh thơ tráng lệ và huyền ảo. Thế nhưng vẻ đẹp của dòng thác và vẻ đẹp tâm hồ của nhà thơ còn bay bổng hơn ở những câu sau: Nước bay thẳng xuống ba nghìn thước Tưởng dải Ngân hà tuột khỏi mây Thật là một sự so sánh rất thần tình. Dòng thác chảy nhưng như là đang bay thẳng xuống. Nó như là một dải lụa trắng tinh ngàn vạn sải treo xuống trần gian từ phía chân trời. Nhưng chưa hết, câu thơ cuối còn là một sự liên tưởng táo bạo hơn. Dòng thác giờ đây không còn là cảnh của trần gian mà nó là dòng sông Ngân bị đánh rơi bởi bàn tay thượng đế. Chữ nghị thị (ngỡ là) dường như được viết bằng cả tâm hồn lãng mạn của nhà thơ. Nó đẩy câu thơ vào giữa hai bờ thực – ảo khiến cho bức tranh phong cảnh mang nhiều nét thơ mộng thần tiên. Cảnh Hương Lô lúc ấy thật đắm say và cuốn hút lòng người. Xa ngắm thác núi Lư là một bài thơ phóng khoáng. Cảnh thiên nhiên được miêu tả toát lên toàn bộ cái khí phách và tâm hồ đầy tài hóa lãng mạn của nhà thơ. Đọc bài thơ, chúng ta say yêu cảnh đẹp đồng thời cũng xúc động trước tình yêu đằm thắm và sâu sắc của nhà thơ.

Phát biểu cảm nghĩ về bài Xa ngắm thác núi Lư – Bài làm số 3

Lí Bạch (701 – 762), là nhà thơ nổi tiếng của Trung Quốc đời Đường. Tên chữ của ông là Thái Bạch, hiệu Thanh Liên cự sĩ, quê ở tĩnh Cam Túc. Lên năm tuổi, ông cùng gia đình định cư ở làng Thanh Liên, huyện Xương Long thuộc đất Miên Châu (Tứ Xuyên). Từ lúc còn trẻ, Lí Bạch đã thích đi du lịch khắp nơi, tìm cách tạo lập công danh sự nghiệp. Suốt đời, ông ấp ủ lí tưởng cứu đời, giúp dân nhưng chưa bao giờ toại nguyện. Lí Bạch có tài sáng tác thơ và ông được người hâm mộ đặt cho biệt hiệu là Thi tiên. Thơ ông biểu hiện một tâm hồn tự do phóng khoáng. Hình ảnh trong thơ tươi sáng, kì vĩ, ngôn ngữ tự nhiên, điêu luyện. Lí Bạch viết nhiều bài rất hay về đề tài chiến tranh, thiên nhiên, tình yêu và tình bạn. Trong mảng viết về thiên nhiên, Xa ngắm thác núi Lư là bài thơ độc đáo có giá trị muôn đời.

Phiên âm chữ Hán:

Vọng Lư Sơn bộc bố
Nhật chiếu Hương Lô sinh tử yên,
Dao khan bộc bố quải tiền xuyên.
Phi lưu trực há tam thiên xích,
Nghi thị Ngân Hà lạc cửu thiên.

Dịch nghĩa:

Xa ngắm thác núi Lư
Mặt trời chiếu núi Hương Lô Sinh làn khói tía
Xa nhìn dòng thác treo trên dòng sông phía trước
Thác chảy như bay đổ thẳng xuống ba nghìn thước
Ngỡ là sông Ngân rơi tự chín tầng mây.

Dịch thơ:

Nắng rọi Hương Lô khói tía bay
Xa trông dòng thác trước sông này.
Nước bay thẳng xuống ba nghìn thước,
Tưởng dải Ngân Hà tuột khỏi mây.

Tên chữ Hán của bài thơ là Vọng Lư Sơn bộc bố, có nghĩa là trông từ xa, thác nước trên núi Lư chảy xuống như một tấm vải treo trước mặt. Tên bài thơ đã thể hiện sự tinh tế trong cảm nhận cảnh vật và tài hoa của thi sĩ.

Với những hình ảnh tráng lệ, huyền ảo, bài thơ đã miêu tả một cách sinh động vẻ đẹp nhìn từ xa của thác nước chảy từ đỉnh Hương Lô thuộc dãy núi Lư; qua đó thể hiện tình yêu thiên nhiên đằm thắm và phần nào bộc lộ tính cách mạnh mẽ, khoáng đạt của tác giả.

Nhà thơ ngắm thác nước từ xa. Từ điểm nhìn đó, nhà thơ không thể miều tả một cách chi tiết, tỉ mỉ nhưng lại có lợi thế là được thưởng thức toàn cảnh và ông đã miêu tả thành công vẻ đẹp độc đáo của thác Lư Sơn.

Câu thứ nhất:

Nhật chiếu Hương Lô sinh tử yên
(Nắng rọi Hương Lô khói tía bay)

Vai trò của nó là phác họa ra cái phông nền hoành tráng, tương xứng với hình ảnh phi thường của dòng thác. Ngọn Hương Lô hiện lên với những đỉnh núi cao chất ngất, quanh năm mây mù bao phủ. Người đời đã đặt tên cho nó là Hương Lô (16 hương). Lí Bạch không phải là người đầu tiên phát hiện ra nét đặc trưng đó. Ba trăm năm trước, trong Lư Sơn kí (ghi chép về Lư Sơn), nhà sư Tuệ Viễn (334 – 417) đã tả: Khí bao trùm trên đỉnh Hương Lô mịt mù như hương khói. Cái mới mà Lí Bạch đem tới cho Hương Lô là miêu tả vẻ đẹp của nó dưới ánh nắng rực rỡ của mặt trời. Hơi nước bốc lên, phản quang ánh sáng mặt trời, đã chuyển thành màu tía lung linh, huyền ảo. Sự thực là hơi khói đã có từ trước, nói đúng hơn là tồn tại thường xuyên, song dưới ngòi bút của Lí Bạch, với động từ sinh, ánh sáng mặt trời xuất hiện như chủ thể làm cho mọi vật trở nên sống động.

Những vẻ đẹp khác nhau của thác nước được tác giả miêu tả trong ba câu tiếp theo:

Dao khan bộc bố quải tiền xuyên
Phi lưu trực há tam thiên xích
Nghi thị Ngân Hà lạc cửu thiên.

(Xa trông dòng thác trước sông này Nước bay thẳng xuống ba nghìn thước Tưởng dải Ngân Hà tuột khỏi mây).

Câu Dao khan bộc bố quải tiền xuyên thể hiện cảm nhận ban đầu của nhà thơ trước hình ảnh thác nước được ngắm từ xa. Qua cái nhìn đầy thi vị của Lí Bạch, thác nước vốn tuôn đổ ầm ầm từ đỉnh núi cao xuống đã biến thành một dải lụa trắng khổng lồ được treo trên vách núi. Trên đỉnh núi khói tía bốc mịt mù, dưới chân núi dòng sông tuôn chảy, choáng giữa là thác nước treo cao như dải lụa bạch, quả là một bức tranh hùng vĩ, hoành tráng!

Câu này còn có một cách hiểu khác. Quải là treo, tiền xuyên là dòng sông phía trước. Có người cho rằng dòng sông phía trước không phải là vị trí nơi thác đổ xuống, mà là hình ảnh dùng để so sánh với dòng thác nhìn từ xa. Nếu vậy thì cả câu có nghĩa là: Đứng xa trông ngọn thác giống như một dòng sông treo trước mặt. Thật là một hình tượng tuyệt mĩ được tạo nên bởi sức liên tưởng vô hạn của nhà thơ.

Ở bản dịch thơ, câu Xa trông dòng thác trước sông này vì đánh rơi mất chữ treo là chữ quan trọng nhất của câu thơ nên ấn tượng do hình ảnh dòng thác gợi ra biến mất. Trực tiếp tả thác song đồng thời tác giả lại giúp người đọc hình dung được thế núi cao và sườn núi dốc đứng, nên mới có cảnh Nước bay thẳng xuống ba nghìn thước thật ấn tượng như vậy.

Vẻ đẹp huyền ảo của thác nước được nhà thơ miêu tả trong câu kết. Tác giả đã tỏ ra xuất sắc trong việc dùng các từ Nghi (ngỡ là), lạc (rơi xuống) và hình ảnh Ngân Hà. Ví thác nước giống như dải Ngân Hà tuột khỏi mây là một so sánh độc đáo đến mức kì lạ. Sông Ngân là dải sáng màu trắng vắt ngang bầu trời do các ngôi sao li ti hợp thành, thường nhìn thấy trong những đêm trời quang. Sự xuất hiện của hình ảnh Ngân Hà ở cuối bài đã được chuẩn bị từ hai câu đầu. Vì ngọn núi, Hương Lô luôn có mây mù bao phủ nên nhìn xa, thác nước đã được hình dung như một tấm lụa bạch lớn treo rủ, khiến người nhìn dễ liên tưởng tới dải Ngân Hà từ chân mây tuôn xuống. Mặt khác, trong thần thoại truyền thuyết Trung Hoa, Ngân Hà cũng đã được quan niệm như một dòng sông thực sự. Chữ lạc dùng rất đắt vì dòng Ngân Hà vốn nằm theo chiều ngang vắt qua bầu trời, còn dòng thác lại đổ theo chiều thẳng đứng từ đỉnh núi cao xuống mặt đất. Câu thơ cuối cùng này được coi là danh cú (câu thơ, câu văn hay nổi tiếng) vì đã kết hợp được một cách tài tình yếu tố chân thực và yếu tố huyền ảo, đặc tả được cảm giác kì diệu do hình ảnh thác nước gợi lên trong tâm khảm nhà thơ và để lại dư vị đậm đà trong lòng người đọc.

Bài thợ Xa ngắm thác núi Lư của Lí Bạch ca ngợi một danh thắng của đất nước Trung Hoa. Nhà thơ đã làm nổi bật vẻ đẹp kì vĩ của thác nước Lư Sơn và gửi gắm vào đó tình yêu thiên nhiên đằm thắm của mình. Văn tức là người. Bài thơ hé lộ cho ta thấy phần nào tầm hồn phong phú, trái tim nhạy cảm và tính cách mạnh mẽ, phóng khoang của bậc Thi tiên họ Lí.

Phát biểu cảm nghĩ về bài Xa ngắm thác núi Lư – Bài làm số 4

Đề tài về cảnh sắc thiên nhiên, non sơn gấm vóc luôn là nguồn đề tài muôn thuở, thu hút đông đảo các nhà văn, nhà thơ không chỉ của Việt Nam mà còn cả ở nước ngoài tham gia sáng tác. Bài thơ “Xa ngắm thác núi Lư” của Lí Bạch cũng bắt nguồn từ cảm hứng ấy để viết về ngọn Lư sơn hùng vĩ, tráng lệ nhưng cũng đầy vẻ thị vị, mơ mộng.

Ngay câu thơ mở đầu, Lí Bạch đã gợi ngay ra không gian hùng vĩ và vẻ thơ mộng, kì ảo thu hút người đọc, người nghe bằng những hình ảnh vô cùng sinh động, gợi c

  “Nhật chiếu Hương lô sinh tử yên”

“Nhật” ở đây chính là mặt trời; “Hương Lô” là hình ảnh gợi rất nhiều cách hiểu, cách liên tưởng khác nhau cho người đọc: Hương Lô ở đây có thể là tên của một địa danh nằm ở phía Tây Bắc của dãy núi Lư, có mây mù bao phủ. Hương Lô ở đây cũng có thể dùng để gợi ra hình ảnh của một chiếc lò Hương đang tỏa ra những làn khói mờ ảo.

“Tử yên” là khói màu tía. Cả câu thơ này ta có thể hiểu là ánh mặt trời rọi vào Hương Lô làm cho khói tía bay lên. Ở đây, khi mặt trời soi những tia sáng vào ngọn Hương Lô thì càng làm thêm cái kì ảo, thơ mộng của nó trở nên rõ nét, cũng vì quá rõ nét mà Lí Bạch cảm nhận như những làn khói màu tía đang bay lên, ngọn Hương Lô như đang tỏa hương dưới ánh nắng mặt trời.

“Giao khan bộc bố quải tiền xuyên”

“Bộc” là thác nước, nước từ trên cao tuôn xuống, “bố” là tấm vải, dải lụa. “giao khan” là xa ngắm. Cả câu thơ ta có thể hiểu: “Xa trông thác nước như treo ở phía trước của dòng suối”. Nếu câu thơ đầu mở ra cái kì vĩ nhưng đầy thơ mộng của không gian đỉnh Hương lô thì đến câu thơ này, nhà thơ Lí Bạch đã mở ra bức tranh thiên nhiên đầy độc đáo cùng với những liên tưởng kì lạ song cũng rất ấn tượng.

Thác nước trắng phau có nước từ trên tuôn xuống tạo, ra những âm thanh lớn nhưng vì nhà thơ đứng nhìn từ phía xa nên chỉ có thể cảm nhận được cái hài hòa, tĩnh lặng của nó.Sự tĩnh lặng này khiến nhà thơ liên tưởng đến một dải lụa trắng đang treo ngang giữa dòng suối.

Qua hai câu thơ đầu, người đọc vừa cảm nhận được cái tĩnh khi ngọn Lương Lô đang tỏa hương “sinh tử yên”, vừa cảm nhận được cái tĩnh của thác nước, dòng suối mà mỗi khi ta liên tưởng đến thì luôn gắn nó với những vận động. Nhưng Lí Bạch đã cho người đọc một cảm nhận hoàn toàn mới khi nó tĩnh lặng, treo giữa dòng suối như bức tranh thủy mặc.

“Phi lưu trực há tam thiên xích

Thác chảy như bay đổ xuống từ ba ngàn thước. “Trực” mang nghĩa là thẳng, còn “xích” là đơn vị đo lường ngày xưa. Câu thơ đã thành công chuyển từ cãi tĩnh sang cái động, gợi cho ngườ đọc liên tưởng đến một thế núi cao, một sườn núi dốc đứng “trực há”.

“Tam thiên xích” tuy là một con số ước lệ song vẫn gợi ra cảm giác chân thực đến lạ kì. Dòng suối chảy mạnh từ trên núi cao xuống tạo cảm giác ngỡ ngàn, mong chờ và cũng vỡ òa trong sự thỏa mãn trước sự kì diệu của tự nhiên.

Sau khi chứng kiến cảnh tượng tuyệt mĩ của tự nhiên, Lí Bạch không giấu được sự xúc động của mình, ông thể hiện một sự liên tưởng độc đáo:

“Nghi thị ngân hà lạc cửu thiên”

“Nghi thị” thị là từ chỉ sự ngỡ ngàng, nghi vẫn. “Ngân Hà” là vòng ánh sáng màu trắng bạc có thể nhìn thấy vào những đêm quang mây do nhiều sao hợp thành. “ Cửu thiên” gợi ra nơi thăm thẳm cao xa. Có thể dịch nghĩa của câu thơ là: Ngỡ là sông Ngân Hà lạc xuống từ chín tầng mây.

Cảnh tượng tuyệt sắc của thác nước chảy từ trên cao xuống khiến cho Lí bạch ngỡ ngàng như mơ như thực, ông nghi ngờ rằng liệu có phải dòng Ngân Hà chảy xuống từ những tầng mây xa thẳm kia không? Ở đây ta có thể thấy Lí Bạch đã vẽ ra được một bức tranh vô cùng hùng vĩ, gợi cảm, tuyệt sắc, mở ra cho người đọc một cảm giác chân thực, sinh động. Mặt khác ta cũng thấy được sự chân thực trong cảm xúc của chính nhà thơ. Nhà thơ chỉ vẽ lại khung cảnh thiên nhiên mà mình đã chứng kiến, đã cảm nhận được song người đọc có cảm giác nhà thơ đã đưa mình vào chính nơi diễn ra khung cảnh hùng vĩ, thơ mộng ấy. Đây là tài năng của một thi sĩ tài ba.

Dưới ngòi bút của nhà thơ Lí Bạch, hình ảnh thác núi Lư trở nên kì vĩ, tráng lệ đến lạ kì. Chỉ bằng vài nét phác thảo thôi nhưng nhà thơ cũng đã thành công gợi ra những sự liên tưởng độc đáo về vẻ hùng vĩ, không kém phần thơ mộng nơi đây. Điều đặc biệt hơn nữa là nhà thơ đã kết nối được sợi dây cảm xúc của mình với độc giả, mang đến cho độc giả những cảm xúc chân thực nhất, sinh động nhất.

Phát biểu cảm nghĩ về bài Xa ngắm thác núi Lư – Bài làm số 5

Lý Bạch là một trong những nhà thơ nổi tiếng nhất của Trung Quốc. Ông có một gia tài các tác phẩm xuất sắc mang những tầm quan trọng cho nền văn học của đất nước Trung Hoa nói chung và nền thi văn của các dân tộc nói riêng. Lí Bạch là người đi rất nhiều nơi với những nền văn hóa khác nhau. Do đó những tác phẩm của ông luôn có tính triết lý cao với giọng văn nhẹ nhàng nhưng vẫn mang những ý nghĩa sâu sắc. Ông là một người có những ý tưởng rất lớn, chúng đều được thể hiện qua những tác phẩm của ông. Ông được coi là Thi tiên của Trung Quốc. Thơ của ông mang những ý nghĩa mà cho tới bây giờ vẫn còn được lưu lại. những thể loại mà ông sáng tác cũng rất phong phú: từ những bài thơ về thiên nhiên, về tình yêu, tình bạn và những triết lí sống. Và trong những tác phẩm của ông, chúng ta sẽ không thể quên được tác phẩm “ xa ngắm thác Núi Lư”- một bài thơ tả cảnh nối bật của ông.

Vọng Lư Sơn bộc bố
Nhật chiếu Hương Lô sinh tử yên
(Xa ngắm thác núi Lư
Mặt trời chiếu núi Hương Lô Sinh làn khói tía)

Vọng Lư sơn bộc bố  nếu dịch ra từ chữ Hán thì có nghĩa nhìn từ xa thác nước giống như một dải lụa treo trước mặt. Đây là một hình ảnh ví von cực kì chính xác và đặc biệt. Đúng như hình ảnh của nó, dải lụa dài mềm mại, tạo nên một hình ảnh thât đẹp và nhẹ nhàng. Vào thời khắc tác giả chứng kiến hình ảnh của con sông, đó là khi mặt trời chiếu rọi vào mặt nước sông và tạo ra những tia sáng phản xạ nhìn giống như con sông sinh ra một làn khói tía. Chỉ một câu thơ mà mang cho người đọc những cảm xúc chân thực và những tưởng tượng của con người về hình ảnh của dòng sông với những làn khói bay lên. Qua đây chúng ta cũng cảm nhận được phần nào tính cách của tác giả. Ông là một người có một tâm hồn khoáng đạt và rất yêu thiên nhiên, đi cùng với nó là sự lãng mạn bởi chỉ có những người nghệ sĩ, những người có tâm hồn nhạy cảm mới có thể có được những suy nghĩ  với cách nhìn đặc biệt như vậy.

Dao khan bộc bố quải tiền xuyên
Phi lưu trực há tam thiên xích
Nghi thị Ngân Hà lạc cửu thiên
(xa nhìn dòng thác treo trên dòng sông phía trước
Thác chảy như bay đổ thẳng xuống ba nghìn thước
Ngỡ là sông Ngân rơi tự chín tầng mây)

Hình ảnh của cả thác nước trong những câu thơ này được hiểu bằng hai cách: cách thứ nhất đó là tác giả cho rằng, thác nước được ngắm nhìn từ xa nhìn giống như là dải lụa được treo trên vách núi. Dải lụa dài như vô tận, kéo xuống tới ba nghìn thước. trên đỉnh núi,, những làn khói tím như bay bay thì ở phía bên dưới, dòng nước đổ mạnh như hình ảnh dải lụa đang được treo trên cao. Đó thật là một hình ảnh tráng lệ và hùng vĩ biết nhường nào.

Còn cách hiểu thứ hai, đó là đứng nhìn từ xa dòng thác lại giống như một dòng sông treo ở trước mặt. thế mới thấy Lý Bạch là một nhà thơ có sức tưởng tượng vô cùng phong phú, sáng tạo. Trong câu kết, tác giả sử dụng hàng loạt những từ ngữ thể hiện thái độ của mình như “” nghi”, “ lạc” và hình ảnh của dải Ngân hà như đang bị tuột khỏi mây. Như chúng ta đã biết, sông Ngân Hà là một dải trắng được tạo bởi rất nhiều những ngôi sao hợp thành, do đó chúng ta thường cảm thấy Ngân hà luôn lấp lánh và kì diệu thì trong mắt của nhà thơ, ông cũng có cảm giác như vậy.

Bải thơ “ Xa ngắm thác núi Lư” là một trong những bài thơ hay nhất về sự miêu tả của tác giả dành cho những hình ảnh đẹp của thiên nhiên. Qua đây, chúng ta càng thêm yêu mến những cảnh vật của cuộc sống và cần phải bảo vệ chúng để những hình ảnh này còn được lưu lại mãi mãi.

Phát biểu cảm nghĩ về bài Xa ngắm thác núi Lư – Bài làm số 6

Lí Bạch là nhà thơ lãng mạn nổi tiếng đời Đường (Trung Quốc), ông từng được mệnh danh là “thi tiên” bởi những vần thơ đẹp đẽ, kì vĩ. Và người đọc có lẽ đã bắt gặp cái “thần” của chất “tiên” trong thơ ông khi đọc bài thơ Xa ngắm thác núi Lư tức "Xa vọng Lư sơn bộc bố".

Nguyên văn chữ Hán của bài thơ là:
 
Nhật chiếu Hương Lô sinh tử yên
 Dao khan bộc bố quái tiền xuyên
 Phi lưu trực há tam thiên xích
 Nghi thị Ngăn Hà lạc cửu thiên
 
Nghĩa là:
 
Nắng rọi Hương Lô khói tía bay
 Xa trông dòng thác trước sông này

Nước bay thẳng xuống ba nghìn thước
 Tưởng dải Ngân Hà tuột khỏi mây.
 
Nắng rọi lên đỉnh núi chiếu lên làn hơi nước buổi sớm mai khiến sương khói ánh lên một màu tía bao phủ lấy dòng thác. Nguyên văn chữ Hán “tử yên” có nghĩa là khói tím. Câu thơ vẽ nên một khung cảnh lung linh huyền ảo phảng phất màu huyền bí chốn thần tiên. Trong cái mơ màng của khói sương và màu sắc hiện lên hình ảnh một dòng thác mạnh mẽ, dữ dội:
 
“Dao khan bộc bố quải tiền xuyên
 Phi lưu trực há tam thiên xích”.
 
Nhà thơ dùng từ "quải” nghĩa là "treo" tạo nên một câu thơ đầy sức gợi: Dòng thác đổ từ trên xuống như tấm vải treo rủ từ trên xuống mềm mại và thật quyến rũ lòng người. Câu thơ lấy cái tĩnh của từ "quải" để tả cái động của dòng nước “phi lưu trực há" thật độc đáo. Từ "phi" có nghĩa là bay rất nhanh, rất mạnh. Dòng nước lao nhanh như bay từ trên xuống tung bụi nước trắng xóa: “bay thẳng xuống ba nghìn thước". Vậy ra, dai lụa được "treo" giữa mây trời kia không hề mong manh, yêu đuối chút nào. Ẩn sâu trong vẻ mềm mại ấy là một sự dữ dội đến kinh ngạc. Đến đây tác giả có cảm giác dòng thác là dải Ngân Hà tuột khỏi mây. Ngân Hà là dòng sông của trời, dòng sông sao tuyệt mĩ, nơi ấy tỉ tỉ ngôi sao đua nhau lấp lánh sáng. Điều mà tác giả "nghi thị" ngỡ là vô lí nhưng lại không hẳn vậy. Thác núi Lư bắt nguồn từ đỉnh hương Lô sương khói thần tiên, vậy ngọn thác là đâu không thể thấy rõ, chỉ biết nó tuôn ra từ những áng khói tím mơ màng kì bí.
 
 Đỉnh Hương Lô là nơi “treo" giữ cái dòng thác lạ lùng ấy, nó có vẻ mềm mại của một dải lụa nhưng lại có cái dữ dội, phóng khoáng mang linh hồn của chốn đại ngàn rừng núi. Từ đỉnh núi, thác “bay thẳng xuống ba nghìn thước". Lí Bạch đã dùng lối nói phóng đại để nhấn mạnh vẻ đẹp của dòng thác. Vậy thì, điều mà nhà thơ "nghi thị" ngỡ rằng đó là dòng sông Ngân tuột khỏi mây mà rơi xuống hẳn cũng có lí lắm chứ! Ngôn ngữ của "thi tiên" quả là điêu luyện.
 
Bằng tâm hồn hào phóng tự do, lòng yêu thiên nhiên và sự sáng tạo tuyệt vời, "thi tiên" Lí Bạch đã vẽ nên bức tranh cạnh dòng thác ở núi Hương Lô thật hùng vĩ và tuyệt đẹp!

Hồng Loan tổng hợp

Từ khóa tìm kiếm:

  • Cam nghi bai tho xa ngam thac nui lu

Bài viết liên quan

  • Phát biểu cảm nghĩ về bài Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh – Văn hay lớp 7
  • Thuyết minh về hoa hồng – Văn hay lớp 8
  • Nghị luận xã hội về chất độc màu da cam – Văn hay lớp 12
  • Tả khung cảnh mùa xuân trên quê em – Văn hay lớp 7
  • Ngạn ngữ Hy Lạp có câu “Học vấn có những chùm rễ đắng cay …” – Văn hay lớp 7
  • Tả rặng cà phê mà em nhìn thấy – Văn hay lớp 4
  • Phân tích tác phẩm Ông già và biển cả (Hê-Minh-Uê) – Văn hay lớp 12
  • Tả cây sấu, quả sấu – Văn hay lớp 2
0