Phát biểu cảm nghĩ truyện "Thầy thuốc giỏi cốt nhất ở tấm lòng" số 9
Từ xa xưa, các cụ ta đã có những câu thành ngữ dành riêng cho các thầy thuốc có tấm lòng y đức cao cả như “Lương y như từ mẫu”, “Thầy thuốc như mẹ hiền”, và những câu thành ngữ đó lại một lần nữa ta thấy được trong truyện “Thầy thuốc giỏi cốt nhất ở tấm lòng” của tác giả Hồ Nguyên ...
Từ xa xưa, các cụ ta đã có những câu thành ngữ dành riêng cho các thầy thuốc có tấm lòng y đức cao cả như “Lương y như từ mẫu”, “Thầy thuốc như mẹ hiền”, và những câu thành ngữ đó lại một lần nữa ta thấy được trong truyện “Thầy thuốc giỏi cốt nhất ở tấm lòng” của tác giả Hồ Nguyên Trừng. Truyện không chỉ ca ngợi đến tài y thuật, y đức của Thái y lệnh Phạm Bân mà con nêu cao tấm gương về lòng nhân đức, yêu thương con người của những người thầy thuốc chân chính.
Tác phẩm được ra đời vào khoảng thế kỉ thứ XV, ngợi ca một vị lương y tài năng và đức độ, giàu lòng nhân đạo. Đó chính là Thái y lệnh Phạm Bân, ông là một người thầy thuốc có địa vị cao sang nhưng luôn hết lòng vì dân chúng và người bệnh khó khăn, không màng đến cả sự hiểm nguy của tính mạng mình. Truyện có kết cấu phong phú, mối liên hệ chặt chẽ với các tình huống truyện gay cấn.
Thầy thuốc Phạm Bân dùng cả tâm lực và sức lực của mình để chữa bệnh cho mọi người, không phận biệt giàu nghèo, ông dồn của cải của mình để mua thuốc tốt chữa cho dân, tích trữ lúa gạo để nuôi người bệnh và cứu đói cho dân nghèo, hơn thế ông còn xây nhà cho những kẻ khốn cùng đến ở và chữa bệnh, bệnh nhân đến nhà ông chữa bệnh đến khi khỏi thì đi, ông không lấy tiền. Việc làm của ông trên quan điểm tích đức chứ không tích tài, ông đã cứu giúp cho hàng nghìn người bần cùng nghèo khổ thoát khỏi bệnh tật và đói kém.
Trong truyện, tác giả đã đặt vị lương vi này vào một tình huống gay cấn, từ đó làm nổi bật rõ nhân cách và y đức của Phạm Bân. Cùng một lúc có hai người bệnh, một bên tới tận nhà gõ cửa, người phụ nữ đang trong cơn nguy kịch máu chảy như xối, còn một bên là quý nhân trong cung vua đang sốt, được vua truyền lệnh vào chữa trị. Trước hoàn cảnh ấy, ông đã lựa chọn đi tới chữa cho người phụ nữ đang trong cơn nguy kịch kia, bởi đối với ông tính mạng người bệnh là trên hết. Ông cũng nhận rõ tình hình quý nhân trong cung chưa cấp bách nên để vào khám sau, ông đã lựa chọn việc cứu người mà không màng tới sự đe dọa của bề trên có thể ảnh hưởng tính mạng mình.
Có thể thấy, ông không chỉ là người có trái tim nhân hậu mà còn là người dũng cảm, có bản lĩnh, ứng xử tài tình, không chỉ làm tốt bổn phận người thầy thuốc mà còn khơi dậy lòng bao dung và tình thương dân của vua. Phạm Bân là một vị lương y tài đức vẹn toàn, không chỉ là bậc đại hiền trong lòng dân mà còn là trung thần đáng trọng của vua, có công rất lớn trong việc thức tỉnh cái tâm của vua Trần Anh Tông.
Qua truyện “Thầy thuốc giỏi cốt nhất ở tấm lòng”, tác giả Hồ Nguyên Trừng đã mang đến cho người đọc một tấm gương sáng về “Lương y như từ mẫu”, đồng thời truyện có ý nghĩa giáo dục và thức tỉnh y đức trong những người lương y trong xã hội hiện nay. Đặt sinh mệnh và lợi ích của người bệnh lên hàng đầu đó mới là phẩm chất đáng quý của người thầy thuốc.