Phát biểu cảm nghĩ của em về người cha – Văn hay lớp 10
Phát biểu cảm nghĩ của em về người cha – Bài làm 1 Đối với bản thân mỗi người, mẹ luôn là người vô cùng quan trọng. Mẹ mang nặng đẻ đau sinh ra chúng ta, mẹ chăm lo cho ta từng bữa ăn, giấc ngủ và dạy ta nhiều điều để ta vững bước trên đường đời. Những lời hát ru và dòng sữa mát ...
Phát biểu cảm nghĩ của em về người cha – Bài làm 1
Đối với bản thân mỗi người, mẹ luôn là người vô cùng quan trọng. Mẹ mang nặng đẻ đau sinh ra chúng ta, mẹ chăm lo cho ta từng bữa ăn, giấc ngủ và dạy ta nhiều điều để ta vững bước trên đường đời. Những lời hát ru và dòng sữa mát lành của mẹ luôn in đậm trong ký ức và tiềm thức của mỗi chúng ta.
Đối với riêng tôi, đứa trẻ không còn mẹ khi lên 3 tuổi thì ký ức của tôi về mẹ không nhiều. Đó chỉ là những cảm giác thân thuộc và gần gũi khi ai đó nhắc đến mẹ. Người quan trọng nhất trong cuộc đời tôi là người cha thân yêu của tôi. Bởi cha vừa là cha, vừa thay mẹ chăm sóc tôi, nuôi dạy tôi nên người. Sáng nào cha cũng dạy rất sớm chuẩn bị bữa sáng cho tôi. Biết con gái thích ăn cơm rang nên buổi tối hôm trước cha thường nấu nhiều cơm để sáng hôm sau có cơm nguội rang cho tôi. Cơm rang cha làm, tôi lúc nào cũng ăn được hai bát. Không những vậy, cha tôi thường chuẩn bị quần áo cho tôi mặc đi học. Cha luôn dạy tôi rằng, là con gái luôn phải ăn mặc gọn gàng, sạch sẽ, vậy nên quần áo của tôi dù không nhiều những bộ nào cũng được cha tôi giặt và là phẳng rồi treo sẵn trong tủ cho tôi. Ăn sáng và mặc quần áo xong cha trở tôi đi học trên chiếc xe máy mà ông nội đã để lại cho cha khi ông qua đời. Chiếc xe đó dù đã cũ những đó là tất cả tài sản của hai cha con tôi. Nhà tôi ở xa trường, đường thì khó đi nên ngày nào cha cũng trở tôi đi học rồi lại đón tôi về. Dù trời nắng hay trời mưa, có lần khi trở đi tôi đi học về do đường trơn nên cha bị ngã xe nặng lắm, vậy nhưng chưa bao giờ cha cảm thấy vất vả và cáu gắt lên với tôi. Đã có lần tôi trách cha vì đến đón tôi muộn để tôi phải chờ và bị đói nhưng cha cũng chỉ mỉm cười và nói xin lỗi tôi. Tôi thực sự cảm thấy thương cha tôi vô cùng.
Cuộc sống của hai cha con cũng vất vả, ngoài lo việc gia đình cha tôi làm công việc chính là thợ xây. Những ngôi nhà gần nhà tôi cũng có một phần tay cha tôi xây nên. Tôi luôn tự hào về người cha đáng kính của tôi. Mặc dù mẹ tôi không còn nữa, dù đôi khi tôi cảm thấy tủi thân và thiệt thòi nhưng suy nghĩ đó của tôi chỉ là thoáng qua bởi bên cạnh tôi luôn có một người mẹ thứ hai là cha tôi. Dù là con gái nhưng chuyện gì tôi cũng tâm sự với cha, có những lúc cha ủng hộ suy nghĩ của tôi nhưng cũng có những lúc cha cho tôi những lời khuyên bổ ích để tôi biết tôi làm thế đúng hay sai? Cha thay mẹ chăm sóc cho tôi mọi thứ từ bữa ăn đến giấc ngủ. Cha tôi khéo tay lắm, món gì cha cũng nấu rất ngon nhất là món thịt kho tàu, khi nào cha nấu món này thì tôi ăn được rất nhiều cơm. Buổi tối, trước khi đi ngủ cha luôn dặn tôi rằng phải sắp xếp sách vở trước để chuẩn bị cho ngày hôm sau, nếu mai có dạy muộn thì cũng không bị quên sách vở. Những lời dạy của cha đã giúp tôi trưởng thành hơn rất nhiều. Là con gái nên có những lúc tôi nhớ mẹ da diết, nhưng rồi nhanh chóng tôi lại nghĩ đến cha tôi và vui lên. Có cha ở bên cạnh, tôi thấy mình có đủ sức mạnh để vượt qua và làm được mọi thứ.
Trong suy nghĩ của tôi, cha là một người tuyệt vời nhất trên thế gian. Dù cuộc sống có vất vả thế nào thì tôi luôn tự dặn lòng mình phải cố gắng học tập thật tốt để cha luôn cảm thấy hãnh diện về tôi. Tôi sẽ luôn nghe lời cha và không bao giờ làm cha buồn lòng để cha luôn mạnh khỏe và sống hạnh phúc bên tôi.
Phát biểu cảm nghĩ của em về người cha – Bài làm 2
Trong đời sống tinh thần đa dạng và phong phú của con người thì tình cha con là tình cảm máu thịt thiêng liêng, sâu đậm nhất. Công lao to lớn của người cha được nhắc đến rất nhiều trong ca dao, dân ca: Công cha như núi Thái Sơn,.., Con có cha như nhà có nóc, Phụ tử tình thâm…
Người cha đóng vai trò trụ cột trong gia đình, là chỗ dựa đáng tin cậy cho vợ con. Mọi việc lớn như làm nhà, tậu ruộng, tậu trâu, dựng vợ gả chồng cho con cái… thường là do người cha quyết định. Trách nhiệm của người cha rất nặng nề. Con cái ngoan hay hư, chủ yếu là tùy thuộc vào sự bảo ban dạy dỗ của người cha. Bên cạnh người mẹ dịu dàng là người cha nghiêm khắc. Dẫu cách thức biểu hiện tình thương yêu có khác nhau nhưng bậc cha mẹ nào cũng mong muốn nuôi dạy con cái trưởng thành về mọi mặt, đúng như dân gian đã nói: Con hơn cha là nhà có phúc. Trong lúc mẹ hằng ngày chẳng quản vất vả nhọc nhằn, lo lắng cho các con từ bát cơm, tấm áo thì người cha, ngoài những thứ đó ra còn phải nghĩ đến việc dạy dỗ, truyền kinh nghiệm sống mà mình đã đánh đổi bằng mồ hôi nước mắt, để các con học được những bài học thiết thực khi bước vào đời. Thật hạnh phúc cho những đứa con được sống trong vòng tay yêu thương của cha mẹ!
Có biết bao người cha chấp nhận thiệt thòi về mình, dành tất cả thuận lợi cho con cái. Em đọc trên báo và xem truyền hình thấy những người cha lam lũ, quần quật làm những việc như: quét rác, đội than, đội trấu, đạp xích lô… không từ nan bất cứ chuyện gì, miễn là lương thiện đế kiếm tiền nuôi đàn con ăn học đến nơi đến chốn. Gần nhà em có một bác người Quảng Ngãi, tuổi hơn năm chục, làm nghề mài dao kéo. Ngày ngày, bác rong ruổi khắp nơi trên chiếc xe đạp cà tàng với vài hòn đá mài và thùng nước nhỏ. Bác vào thành phố đã hơn ba năm, kể từ khi anh con trai lớn thi đậu đại học Bách khoa. Mỗi lúc kể về những đứa con ngoan, bác cười rất mãn nguyện, đôi mắt ánh lên vẻ tự hào: – Nhà bác nghèo lắm! Được mấy đứa con, đứa nào cũng ham học và học giỏi. Năm nay, cô con gái thứ hai cũng đậu Đại học Sư phạm. Bác ráng làm kiếm ngày vài chục ngàn, cha con đùm túm nuôi nhau. Mình chẳng có chi cho các con thì cho chúng cái chữ, cái nghề!
Em thấy ở bác có những nét rất giống cha em, một người thợ cơ khí bình thường, quanh năm làm việc với máy móc, dầu mỡ. Đôi bàn tay cha chai sần, thô ráp, mạnh mẽ nhưng ấm áp lạ thường. Có thể nói rằng trong gia đình em, cha làm nhiều nhất và hưởng thụ ít nhất; Cha giống mẹ ở chỗ nhường nhịn hết cho đàn con những miếng ngon miếng lành, còn mình chỉ cơm dưa cơm mắm qua ngày.
Đức tính nổi bật của cha em là cần cù chịu khó, hết lòng vì vợ con. Tuy công việc thường xuyên bận bịu, cha vẫn cố dành thời gian quan tâm săn sóc đến việc học hành của các con. Cha em ít lời, chỉ nói những câu nào đáng nói như nhắc nhở, uốn nắn khuyết điểm hay động viên, khen ngợi khi các con làm được điều tốt, điều hay. Cha dạy chúng em lòng tự trọng và tính tự lập. Có lần cha bảo: – Đã là người thì phải có ý chí, không được ngại khó ngại khổ.
Càng khó càng phải làm bằng được. Em quý nhất cha em ở thái độ tôn trọng mọi người, tôn trọng vợ con. Có việc gì không vừa ý, cha bình tĩnh phân tích chứ không la lối, chửi bới. Bởi thế nên dù tính cha nghiêm khắc mà vẫn dễ gần, từ vợ con đến hàng xóm láng giềng đều nể phục. Cứ nghe những lời cha nói, nhìn những việc cha làm, em học được rất nhiều điều hay, điều tốt. Cha thường bảo con cái lấy bố mẹ làm gương nên cha rất giữ gìn ý tứ.cam nghi ve nguoi cha em
Chúng em yêu kính cha, cố gắng chăm học, chăm làm để cha mẹ vui lòng. Đó cũng là cách đáp đền chữ hiếu cụ thể và thiết thực nhất. Cảm ơn nhạc sĩ Phạm Trọng cầu đã nói giúp tuổi thơ chúng em những suy nghĩ tốt đẹp về cha mẹ: Cha sẽ là cánh chim, đưa con đi thật xa. Mẹ sẽ là cành hoa, cho con cài lên ngực. Cha mẹ là lá chắn, che chở suốt đời con… Ngày mai con khôn lớn, bay đi khắp mọi miền. Con đừng quên con nhé, ba mẹ là quê hương!
Phát biểu cảm nghĩ của em về người cha – Bài làm 3
Hàng năm đều như vậy, hể cứ rằm tháng bảy đến gần, mùa vu lan sắp sửa về, là lòng tôi lại bui ngùi cảm xúc vì không còn cha mẹ để được yêu thương.
Đối với tôi, mỗi lần mùa vu lan đến là mỗi lần tôi buồn rưng rức muốn sống lại hồi ức cùng cha mẹ, chỉ bằng cách quay tìm về trong ký ức, và trong ký ức ấy sẽ hiển hiện ra bức tranh sống động một thời tuổi thơ của tôi đã trải qua, nơi đó chứa rất nhiều hình ảnh thân thương mà cha mẹ đã hết lòng chăm lo cho tôi, giúp tôi vững bước đi vào đời.
Theo tiếng gọi của người miền Nam, gọi cha bằng tiếng ba, gọi mẹ bằng tiếng má, trong bài viết này tôi muốn nhắc đến người cha, đó là ba của tôi! Một người nông dân chất phát, thật thà, nhưng có tâm hồn cầu tiến, biết đặt nặng trong trách quan tâm giáo dưỡng con cái của mình sao cho được vươn lên, khỏe mạnh và được học hành, mặc dù số phận của người nông dân như ba tôi vào thời đó rất nhạt nhòa đen tối, luôn sống trong sự cam chịu nghèo nàn, quê dốt.
Trong xã hội, kể cả trong văn thơ đều thường hay nhắc đến người mẹ, tô đậm hình ảnh người mẹ, kể cả tôi vẫn thường hay nhắc đến má nhiều hơn ba. Thật đáng tội cho tôi! Đối với tôi hình ảnh người mẹ luôn khắc sâu trong trí nhớ và lúc nào cũng dạt dào nổi nhớ thương dù câu chuyện xãy ra rất mỏng như sợi tơ cũng nhớ, còn cha dù gánh nặng ngàn cân cũng it gợi lên niềm cảm xúc.
Từ lâu tôi đã lầm lẫn đáng trách! Không hay rằng tôi có một người cha tuyệt vời mà tôi vô tình không nghĩ tới, tâm tư lúc nào cũng nhớ má và nghĩ đến má nhiều hơn ba. Tôi thường xem má là ánh hào quang lung linh tỏa sáng, là bài học yêu thương lan tỏa vào tâm hồn khiến cho tôi rất khó quên, còn với ba tôi trong ký ức rất nhạt nhòa bởi do tính cách khô khan ít bộc lộ tình cảm, lúc nào ông cũng mang phong cách nghiêm khắc của người đàn ông trụ cột trong gia đình, nên có lẽ vì thế mà con cái như anh em chúng tôi ít khi gần gũi.
Nhìn về bức tranh ký ức tuổi thơ của tôi, làm sao có thể thiếu bóng dáng ba tôi trong đó chứ! Kể từ cái thời tôi còn là đứa bé học tiểu học, là con bé Nhỏ của ba tôi(tên gọi của tôi lúc còn nhỏ) với biết bao công sức mà ba tôi đã từng chăm lo cho tôi, từ cái ăn, chốn ở học hành, cùng những lời khuyên dạy, răn đe, rồi lai dỗ dành, mục đích của người là mong muốn con cái được học hành và nên người. Nhìn nét mặt của ba tôi ít khi có nụ cười cởi mở mà chỉ thấy nghiêm nghị, hay la rầy, nhưng mọi thứ công việc nặng nhọc, tốn nhiều công sức ông đều lảnh phần gánh vác. Có những công việc ông đã từng làm cho tôi, mà tôi thì lại là đứa con hời hợt hay dỗi hờn thì làm sao có cảm nhận và thấu đáo hết được. Vậy chứ có những điều tôi nhớ rất rõ: Chính ba tôi từng cõng tôi, không để cho tôi phải lội sình lúc nước ròng sông cạn, người cõng đưa tôi xuống xuồng sang sông đi hoc trường làng, Tay ba tôi từng nắm chặc tay tôi trong nghiêm khắc, dẫn đến gởi ở nhờ nhà người bà con để đi học, ba cương quyết bắt buộc tôi phải đi xa nhà mới có trường để học, và xem đó là điều cần thiết cho tôi ….. Trong những bửa cơm ba tôi luôn chọn ăn phần cá có xương, phần thịt dành cho các con, thường thường đến bửa cơm ông ăn rất nhanh, dường như cố tình ăn nhanh để phần còn lại cho con cái tha hồ bóc lũm. Trong năm học, nhất là những ngày đầu tuần, đối với tôi, rất thường xãy ra cảnh tượng, ba vừa hăm dọa vừa dỗ dành tôi phải thức dậy sớm để đi học ở trường xa( vì trường làng chiến tranh đỗ sập). Khi tôi bệnh, ba vừa nghiêm khắc vừa dỗ dành bắt buộc tôi phải uống thuốc đắng cho mau hết bệnh, tôi vì sợ ba nên vừa khóc vừa uống….Chình ba tôi là người đã mang lại lợi ích cho cuộc đời, cho tương lai của tôi nhiều thứ thế mà tôi luôn xem đó là những điều do vì khó khăn mà bắt buộc. Trong ký ức tuổi thơ của tôi thì ba tôi là người tôi hay hờn giận nhất. Cho đến khi tôi đã trưởng thành và mãi đến bây giờ tôi mới ngộ ra rằng, ba tôi từng nghiêm khắc và bắt buộc tôi phải làm theo như thế, chỉ vì chăm lo cho tôi. Nhìn lại, đường đời tôi đang đi và đã trải qua thì chính ông là người dẫn dắt tôi đi từng bước vào đời và lớn lên trong sự bình yên, khỏe mạnh. Mặc dù tôi chỉ là người thành công trong cuộc sống rất bình thường.
Những câu khuyên dạy của ba thường dành cho anh em chúng tôi rằng: Ráng học để có chữ nghĩa, biết sống có đạo đức để nên người, có nghề nghiệp, sung sướng được tấm thân, đừng để giống như ba, cả đời khổ cực chân lắm tay bùn…… Chúng tôi nghe ba nhắc nhở riết đâm ra chán không muốn nghe, kệ ba nói gì thì nói, chúng tôi im lặng hồn nhiên và xem chuyện học hành không quan trọng bằng ông. Ba đánh anh hai mê chơi trốn học, đánh lộn với bạn bè, thấy ba đánh anh mà tôi cảm thấy giận và sợ ba nhiều hơn. Có lúc, tôi giận ba vì không cho nghĩ học thêm một ngày do mê ngủ không chịu dậy sớm xuống đò đi đến trường học cho kịp buổi sáng….Ba tôi luôn bộc lộ sự nghiêm khắc trước mặt con cái, lúc nào cũng đem chuyện tốt của người khác truyền đạt lai cho chúng tôi nghe, ông nói tới, nói lui anh em tôi nín thinh không dám nói lại, dù không muốn nghe cũng phải nghe, nghe riết rồi thuộc lòng luôn, và dần dần trở thành y như thế vào cuộc sống chúng tôi lúc nào cũng không hay.Thật kỳ lạ!
Sau ngày giãi phóng, ba tôi từ bỏ nghề buôn bán đã nhiều năm gắn bó, để trở về quê nhà sống với ruộng vườn.Từ đó chẵng hiểu vì sao cái nghèo luôn bám lấy gia đình tôi, lao động cật lực, không dám đua đòi xài phí thế mà vẫn không dư giã. Có lẽ do cuộc sống nhọc nhằn và thiếu thốn đã làm cho tâm tính của ba tôi càng lúc càng khô khan khó tính, có những khi tôi thoáng thấy ông buồn rầu lẩm bẩm, tự giận bản thân mình tại sao lao động vất vả như thế mà vẫn nghèo.
Ngày tôi chuẩn bị lấy chồng(năm 1977) tôi mới cảm nhận hết tình cảm và sự lo lắng của ba tôi dành cho tôi, ông lộ vẻ buồn kín đáo khi nhìn lại cảnh nhà nghèo, vách lá sơ xài không lành lặn, trong im lặng tự mình tìm cách đóng sửa lại từng nơi cho ngôi nhà trở nên lành lặn, vén khéo khang trang thêm chút, ba bảo, kẻo bên nhà chồng chê con gái nhà mình nghèo mà không vén khéo, lúc đó tôi nghe ba nói tôi cảm xúc nhẹ lòng vì đã được ba chia sẻ mặc cảm cùng tôi.
Ngày tôi sinh con gái đầu lòng(năm 1978) đồng lương của vợ chồng tôi thấp lè tè, không đủ trang trải, nên việc ăn uống bồi dưỡng sau sinh ba lo tất bật, ba ra sức cắm nhiều cần câu, thường xuyên đi chài cá dưới sông, kiếm được cá ngon,ba đều dành trọn cho tôi, ông bảo là ăn cho có sữa giúp cháu ngoại chóng lớn. Rồi cháu ngoại lớn dần lên, ba lui cui đốn tre, vuốt cho láng,mỏng từng mảnh nhỏ thật công phu rồi đóng thành một cái khung gỗ vuông gọi là cái nôi, ba ngắm nghía rồi nói, cho cháu ngoại ở trong nôi chơi vừa sạch sẽ mà không sợ té….Tôi sung sướng và cảm động và xem cha mẹ mình là chỗ vựa vững chắc.
Thằng em trai út của tôi đậu đại học bách khoa năm 1986 phải học ở TP Hồ Chí Minh, là người nông dân như ba tôi khi nghe tin con đỗ đại học bách khoa ông mừng vui không thể tả và biểu lộ sự thỏa mãn vì đó là ước mơ của ông từ lâu. Thời điểm đứa em út tôi vào đại học cũng là lúc ba tôi không còn trẻ, sức lực không còn khỏe mạnh, thế nhưng ông vẫn quyết tâm không phó mặc, cố tìm ra những công việc làm để có tiền, như đi chài có được vài con tôm, con cá lớn liền kêu má đem đi bán cất tiền dành cho thằng út, rồi ra sức chăn nuôi gà, vịt trồng rau, nấu rượu nếp bán kiếm đồng lời…. cả hai ông bà ở nhà dốc sức lao động, có món ngon không dám ăn, lúa bán, không dám xài tất cả các thứ đều dành dụm cho thằng con học đại học, thằng em út học ở Sài gòn cũng đâu được sung sướng đầy đủ gì nơi thành phố lớn, so với đồng tiền của ba kiếm được, thật quá nhỏ nhoi, ít ỏi, nhưng đó là cả sự cần cù vất vã, dành dụm mới có được. Riêng thằng em út phải vừa học vừa làm thuê kiếm tiền thêm mới đủ sống. Sau này con tôi đậu đại học một lúc 3 trường, ba mừng vui vô kể. Ba luôn tự hào và xem thành tích con cháu nhà mình dù nghèo nhưng học hành đỗ đạt là niềm hạnh phúc lớn nhất cả đời ông, từ đó ông trở nên vui vẻ cởi mở, đặc biệt ông rất tự hào khi nhìn thằng con trai út của mình trở thành kỹ sư.
Tôi muốn nhắc thật nhiều về ba tôi để nhằm nhắc nhở cho chính mình rằng cần phải tự hào và trân trọng tri ân một người cha cả đời khổ cực, chất phát hiền lành mà có tinh thần luôn cầu tiến. Tìm về hồi ức tôi mới thấy mình có diễm phúc, thế mà từ lâu tôi đã hời hợt không cảm nhận được tấm lòng cao cả đáng yêu của ba mình, rõ ràng ba không thua kém má chút nào về tình thương dành cho con. Tội tự thấy mình có lỗi và chậm hiểu về ba của mình nhiều quá!
Ba tôi, nhìn bề ngoài tuy khô khan nghiêm khắc nhưng bên trong tâm hồn của ba là kho báu tình thương, cả đời tình nguyện làm những công việc nặng nề khổ cực để tìm kiếm cái no ấm cho gia đình, chăm lo cho con cái được trưởng thành và nên người hữu dụng, ông không đòi hỏi sung sướng hưỡng thụ cho riêng mình, Nhìn lại, thì ước mơ của ba tôi đã đạt được phần nào, nhưng rất tiếc sự thụ hưỡng chưa được bao nhiêu, thì ông đã ra đi về cỏi vĩnh hằng.
Tôi thường xem những hình tượng người cha trong xã hội, giúp tôi để tâm nghĩ nhiều đến ba tôi, quả thật ông là một người cha tốt.Tôi nghĩ, nếu đến kiếp sau tôi có còn được một người cha như thế không? Càng nghĩ về ba tôi, tôi càng tự trách mình còn thật nhiều thiếu sót đối với người. Mỗi mùa vu lan về là tôi bùi ngùi muốn làm một điều gì đó để đền đáp công ơn ba của tôi, nhưng biết làm gì hơn ngoài sự thành tâm cầu nguyện cho ba tôi nơi cõi vĩnh hằng được an lành siêu thoát.
Hỡi những ai còn cha mẹ bên cạnh, nên trân trong từng phút từng giây để được nhìn thấy mặt và bày tỏ niềm yêu thương với cha mẹ mỗi ngày mỗi nhiều hơn, vì ngày được gần gũi với cha mẹ càng lúc càng ít. Ai còn cha mẹ là còn kho báu, chớ nên chỉ vì lười biếng hoặc không chịu khó khắc phục dành thời gian tới lui thăm viếng, để đến khi cha mẹ qua đời rồi dù có khóc tràn ly nước mắt hay có thật nhiều vàng bạc, kim cương cũng không đổi lại được tiếng nói, giọng cười, lời khuyên dạy của cha mẹ bên tai, cha mẹ còn sống là ta còn cơ hội được ngắm nhìn, dù cha mẹ của mình có một hình hài xấu xí, nhăn nheo, đen đúa và quê mùa, vẫn luôn đẹp trong niềm yêu thương dành cho con, và mãi mãi là kho báu cần phải trân trọng giữ gìn. Cha mẹ mất rồi thì không bao giờ tìm lại được.
Phát biểu cảm nghĩ của em về người cha – Bài làm 4
Cảm nghĩ của em về người cha của mình trong tâm trí vô cùng đặc biệt. Cha không những có ơn dưỡng dục mà giống như một người bạn, người thầy dạy bảo em từng chút một, đồng hành cùng em trong cuộc sống.
Trong mắt tôi cha luôn là một con người vĩ đại, bởi cha biết làm đủ mọi việc từ việc lớn đến việc nhỏ. Những khi mẹ vắng nhà một thời gian dài, cha thay mẹ chăm chị em tôi từng ly từng tý, cẩn thận và chăm chút không khác gì mẹ. Lo cho con từng bữa ăn, giấc ngủ là thế nhưng không lúc nào cha than phiền mệt mỏi.
Gia đình tôi không mấy khá giả, hàng ngày cha mẹ phải ra đồng làm việc để có tiền nuôi các con ăn học, nếu như mẹ vất vả công việc nội trợ thì cha là người gánh nặng hơn trong việc kiếm tiền. Ở quê công việc của mọi nhà chủ yếu là làm ruộng theo mùa vụ, mùa trồng lúa và trồng hoa màu, nhưng không vì thế mà cả nhà mất đi tiếng cười nói, vui vẻ trong nhà. Bởi luôn có tình yêu thương của cha dành cho mẹ con tôi.
Trường cách nhà tôi khá xa, từ nhỏ đến giờ tôi luôn được cha chở đi học trên con xe đạp đã cũ của gia đình tôi. Dù trời nắng hay trời mưa, tôi đều được ngồi sau xe của cha, cái cảm giác ấy hạnh phúc biết bao. Ở nhà ba luôn là người chiều tôi nhất, muốn ăn gì, muốn làm gì cũng được ba đồng ý. Có thể là do tôi là con gái rượu của ông chăng?
Không chỉ giỏi công việc ngoài xã hội, cha tôi còn là một người rát giỏi nấu ăn, trong nhà mẹ tôi nấu ăn cũng ngon nhưng thỉnh thoảng cha tôi hay vào bếp, nấu những món mới lạ, cầu kỳ cho mọi người thưởng thức, và những món ấy thì vô cùng ngon và hợp khẩu vị với mọi người. Mặc dù rất ít khi vào bếp nhưng những món ăn của cha luôn là món ăn khoái khẩu của chị em tôi và những lúc như vậy chúng tôi chỉ muốn ăn them nữa, them nữa.
Mỗi buổi tối trước khi học bài đi ngủ, cha không quên dặn tôi phải sắp xếp sách vở cho ngày mai cẩn thận, không được quên vở, chính vì những lời nhắc đó mà tôi có được thói quen này từ nhiều năm nay. Mỗi lời cha dặn luôn là một bước đệm cho tôi trưởng thành và người lớn hơn. Có cha bên cạnh tôi cảm thấy mọi việc trở nên dễ dàng và vượt qua tốt hơn rất nhiều.
Với tôi cha không chỉ là một người cha tuyệt vời mà còn là một người thầy, người anh cùng tôi thực hiện biết bao việc và hoài bão tương lai. Cảm nghĩ của tôi về cha luôn là người đàn ông tuyệt vời nhất đối với tôi và gia đình trên thế giới này. Chính vì có một người cha tuyệt vời như vậy mà tôi cảm thấy hãnh diện và tự hào, đồng thời tự nhủ mình sẽ học tập thật tốt để không phụ lòng cha và những người than xung quanh mình. Với tình yêu thương vô bờ bến, tôi sẽ không bao giờ phải khiến cha phiền lòng vì trong sâu thẳm trái tim, tôi luôn muốn nói con yêu cha rất nhiều và muốn cha tự hào về tôi hôm nay và cả sau này.
Phát biểu cảm nghĩ của em về người cha – Bài làm 5
Bố – sao tiếng gọi lại tha thiết, thân thương đến vậy? Người bố, đó là người đã sinh thành ra chúng ta, đã nuôi dưỡng chúng ta. Bố là mái ấm che chở, bảo vệ cho chúng ta, là trụ cột vững chắc trong gia đình.
Em cũng có một người bố mẫu mực. Dáng bố trông thật to cao và em cũng rất hãnh diện vì cái dáng đó của bố đối với bạn bè. Bố là một người rất yêu thương em. Có một câu chuyện mà em còn nhớ mãi. Chả là thế này, ngày xưa, nhà em nghèo lắm. Tết đến, cả gia đình em ra phố chơi xuân như mọi gia đình khác. Thấy con người ta, tay đứa nào cũng cầm quà do bố mẹ tặng mà con mình lại không có. Bố thương em quá, nghĩ em tủi thân liền bỏ ngay chiếc áo mới được cho để đi đổi lấy tiền mua quà cho em vui. Khi nhận được món quà ấy, em cảm thấy rất vui mừng, hạnh phúc. Nhưng sau đó, em lại thấy chạnh lòng thương bố, vì em mà bố đã đánh đổi cả cái áo quý giá nhất cho em để em được hạnh phúc. Em cảm thấy rất xấu hổ vì đã có nhiều lần không nghe lời như không làm bài tập, cãi lại lời bố mẹ.
Dù rất chiều em như vậy đó. Thế nhưng chiều thì chiều nhưng bố vẫn luôn luôn nghiêm khắc dạy bảo em. Những lần đi chơi không xin phép là những trận đòn nhừ tử đau đến chết. Bố rất tâm lý, bố luôn dùng những lời lẽ phải trái để khuyên răn cho em mỗi khi em mắc lỗi. Chỉ đến lần thứ hai thì bố mới dùng đến roi vọt.
Bố luôn luôn hướng đến cái tốt cho em, tránh điều xấu xa cho con mình. Chỉ một biểu hiện bất bình thường nhất thôi là: trong bữa ăn, bố chỉ toàn gắp thức ăn sang bát em và mẹ mà chẳng bao giờ cho mình. Những gì tốt đẹp là bố mình dành cho em hết.
Bố thương em nên rất lo đến tương lai học hành của em. Bố không bao giờ tiếc một thứ gì để cho em được học. Đối với em, bố cho rằng chẳng có nhiệm vụ nào khác ngoài ăn học. Tuy nhiên, bố không chỉ cho em học mà còn nhắc nhở em cả về thể thao nữa. Nghĩ là làm, thế là trong thời gian biểu của em có thêm một hoạt động nữa, đó là vào sáng sớm, cả hai bố con cùng dậy đi chạy bộ quanh hồ. Cũng có khi, vào buổi chiều, nếu rỗi, em có thể theo bố đi tập cử tạ. Nhờ thế mà em cũng có một sức khỏe, thể lực khá tốt. Bố có lúc còn dạy em đánh ghi ta nữa. Nhìn những ngón tay điêu luyện lướt trên dây đàn, em cảm thấy quá thán phục và cảm ơn ông trời đã ban cho em một người bố rất tốt và tâm lý với em.
Bố thương em như thế đó. Tinh yêu thương mà bố dành cho em là vô bờ bến. Em cảm nhận được tình yêu ấy nên em cũng rất thương bố. Em luôn luôn muốn làm bố thật vui vẻ để trả ơn cho bố. Công bố đúng như một bài ca dao:
"Công cha như núi Thái Sơn"
hay
" Công cha như núi ngất trời"
Giờ, bố em đã đi công tác xa được gần một tháng. Em nhớ bố quá. sắp tết rồi, thời tiết sẽ lạnh lắm. Bố ơi, bố phải mặc nhiều áo ấm đấy nhé! Bố phải giữ sức khỏe đấy, nếu không sẽ bị cảm. Bố có biết thiếu bố, con cảm thấy buồn và cô đơn đến thế nào không? Con chỉ mong sao, bố sẽ quay trở về ngay lập tức để con sẽ ôm chầm lấy bố để chỉ nói một câu, một câu thôi. Đó là: Con yêu bố!
Phát biểu cảm nghĩ của em về người cha – Bài làm 6
Trong cuộc sống hàng ngày, có biết bao nhiêu người đáng để chúng ta thương yêu và dành nhiều tình cảm. Nhưng đã bao giờ bạn nghĩ rằng, người thân yêu nhất của bạn là ai chưa?
Với mọi người câu trả lời ấy có thể là ông bà, là mẹ, là anh chị hoặc cũng có thể là bạn bè chẳng hạn. Còn riêng tôi, hình ảnh người bố sẽ mãi mãi là ngọn lửa thiêng liêng, sưởi ấm tâm hồn tôi mãi tận sau này. Bố tôi không may mắn như những người đàn ông khác. Trong suốt cuộc đời bố có lẽ không bao giờ được sống trong sự sung sướng, vui vẻ.
Bốn mươi tuổi khi chưa đi được nửa chặng đời người, bố đã phải sống chung với bao nhiêu bệnh tật: Đầu tiên đó chỉ là những cơn đau dạ dày, rồi tiếp đến lại xuất hiện thêm nhiều biến chứng. Trước đây, khi còn khỏe mạnh, bao giờ bố cũng rất phong độ.
Thế nhưng bây giờ, vẻ đẹp ấy dường như đã dần đổi thay: Thay vì những cánh tay cuồn cuộn bắp, giờ đây chỉ còn là một dáng người gầy gầy, teo teo. Đôi mắt sâu dưới hàng lông mày rậm, hai gò má cao cao lại dần nổi lên trên khuôn mặt sạm đen vì sương gió. Tuy vậy, bệnh tật không thể làm mất đi tính cách bên trong của bố, bố luôn là một người đầy nghị lực, giàu tự tin và hết lòng thương yêu gia đình. Gia đình tôi không khá giả, mọi chi tiêu trong gia đình đều phụ thuộc vào đồng tiền bố mẹ kiếm được hàng ngày. Dù bệnh tật, ốm đau nhưng bố chưa bao giờ chịu đầu hàng số mệnh. Bố cố gắng vượt lên những cơn đau quằn quại để làm yên lòng mọi người trong gia đình, cố gắng kiếm tiền bằng sức lao động của mình từ nghề xe lai.
Hàng ngày, bố phải đi làm từ khi sáng sớm cho tới lúc mặt trời đã ngã bóng từ lâu. Mái tóc bố đã dần bạc đi trong sương sớm. Công việc ấy rất dễ dàng với những người bình thường nhưng với bố nó rất khó khăn và gian khổ. Bây giờ có những lúc phải chở khách đi đường xa, đường sốc thì những cơn đau dạ dạy của bố lại tái phát. Và cả những ngày thời tiết thay đổi, có những trưa hè nắng to nhiệt độ tới 38-48 độ C, hay những ngày mưa ngâu rả rích cả tháng 7, tháng 8, rồi cả những tối mùa đông lạnh giá, bố vẫn cố gắng đứng dưới những bóng cây kia mong khách qua đường.
Tôi luôn tự hào và hãnh diện với mọi người khi có được một người bố giàu đức hy sinh, chịu thương, chịu khó như vậy.
Nhưng có phải đâu như vậy là xong. Mỗi ngày bố đứng như vậy thì khi trở về những cơn đau quằn quại lại hành hạ bố. Nhìn khuôn mặt bố nhăn nhó lại, những cơn đau vật vã mà bố phải chịu đựng, tôi chỉ biết òa lên mà khóc. Nhìn thấy bố như vậy, lòng tôi như quặn đau hơn gấp trăm ngàn lần. Bố ơi, giá như con có thể mang những cơn đau đó vào mình thay cho bố, giá như con có thể giúp bố kiếm tiền thì hay biết mấy? Nếu làm được gì cho bố vào lúc này để bố được vui hơn, con sẽ làm tất cả, bố hãy nói cho con được không? Những lúc ấy, tôi chỉ biết ôm bố, xoa dầu cho bố, tôi chỉ muốn với bố đừng đi làm nữa, tôi có thể nghỉ học, như vậy sẽ tiết kiệm được chi tiêu cho gia đình, tôi có thể kiếm được tiền và chữa bệnh cho bố. Nhưng nếu nhắc đến điều đó chắc chắn là bố sẽ buồn và thất vọng ở tôi nhiều lắm.
Bố luôn nói rằng bố sẽ luôn chiến đấu. Chiến đấu cho tới những chút sức lực cuối cùng để có thể nuôi chúng tôi ăn học thành người. Bố rất quan tâm đến việc học của chúng tôi. Ngày xưa bố học rất giỏi nhưng nhà nghèo bố phải nghỉ học. Vào mỗi tối, khi còn cố gắng đi lại được, bố luôn bày dạy cho mấy chị em học bài.
Trong những bữa cơm bố thường nhắc chúng tôi cách sống, cách làm người sao cho phải đạo. Tôi phục bố lắm, bố thuộc hàng mấy nghìn câu Kiều, hàng trăm câu châm ngôn, danh ngôn nổi tiếng…
Chính vì vậy, tôi luôn cố gắng tự giác học tập. Tôi sẽ làm một bác sĩ và sẽ chữa bệnh cho bố, sẽ kiếm tiền để phụng dưỡng bố và đi tiếp những bước đường dở dang trong tuổi trẻ của bố. Tôi luôn biết ơn bố rất nhiều, bố đã dành cho tôi một con đường sáng ngời, bởi đó là con đường của học vấn, chứ không phải là con đường đen tối của tiền bạc. Tôi sẽ luôn lấy những lời bố dạy để sống, lấy bố là gương sáng để noi theo.
Và tôi khâm phục không chỉ bởi bố là một người giỏi giang, là một người cao cả, đứng đắn, lòng kiên trì chịu khó mà còn bởi cách sống lạc quan, vô tư của bố.
Mặc dù những thời gian rảnh rỗi của bố còn lại rất ít nhưng bố vẫn trồng và chăm sóc khu vườn trước nhà để cho nó bao giờ cũng xanh tươi. Những giỏ phong lan có bao giờ bố quên cho uống nước vào mỗi buổi sáng; những cây thiết ngọc lan có bao giờ mang trên mình một cái lá héo nào?
Những cây hoa lan, hoa nhài có bao giờ không tỏa hương thơm ngát đâu? Bởi đằng sau nó luôn có một bàn tay ấm áp chở che, chăm sóc, không những yêu hoa mà bố còn rất thích nuôi động vật. Tuy nhà tôi bao giờ cũng có hai chú chó con và một chú mèo và có lúc bố còn mang về những chiếc lồng chim đẹp nữa.
Và hơn thế, trong suốt hơn năm năm trời chung sống với bệnh tật, tôi chưa bao giờ nghe bố nhắc đến cái chết, nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc trốn tránh sự thật, bố luôn đối mặt với “tử thần”, bố luôn dành thời gian để có thể làm được tất cả mọi việc khi chưa quá muộn. Nhưng cuộc đời bố bao giờ cũng đầy đau khổ, khi mà cả gia đình đã dần khá lên, khi các chị tôi đã có thể kiếm tiền, thì bố lại bỏ chị em tôi, bỏ mẹ, bỏ gia đình này để ra đi về thế giới bên kia. Bố đi về một nơi rất xa mà không bao giờ được gặp lại.
Giờ đây khi tôi vấp ngã, tôi sẽ phải tự đứng dậy và đi tiếp bằng đôi chân của mình, bởi bố đi xa, sẽ không còn ai nâng đỡ, che chở, động viên tôi nữa. Bố có biết chăng nơi đây con cô đơn buồn tủi một mình không? Tại sao nỡ bỏ con ở lại mà đi hả bố? Nhưng con cũng cảm ơn bố, bố đã cho con thêm một bài học nữa, đó chính là trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta hãy trân trọng những gì đang có, hãy yêu thương những người xung quanh mình hơn, và đặc biệt hãy quan tâm, chăm sóc cho bố của mình, tha thứ cho bố, khi bố nóng giận và nỡ mắng mình bởi bố luôn là người yêu thương nhất của chúng ta.
Bố ra đi, đi đến một thế giới khác, ở nơi đó bố sẽ không còn bệnh tật, sẽ thoát khỏi cuộc sống thương đau này. Và bố hãy yên tâm, con sẽ luôn nhớ những lời dạy của bố, sẽ luôn thương yêu, kính trọng biết ơn bố, sẽ sống theo gương sáng mà bố đã rọi đường cho con đi.
Hình ảnh của bố sẽ luôn ấp ủ trong lòng con. Những kỷ niệm, những tình cảm bố dành cho con, con sẽ ôm ấp, trân trọng, nó như chính linh hồn của mình.