Đề bài: Thành công của Xuân Diệu trong việc sử dụng hình ảnh và nhịp điệu ở các bài thơ Vội vàng, Đây mùa thu tới và Thơ duyên. Xuân Diệu (1918 -1985) tên thật là Ngô Xuân Diệu, nhà thơ lãng mạn nổi tiếng của trào lưu Thơ mới trước Cách mạng tháng Tám năm 1945. Thi sĩ đã mang đến cho thơ ca tiếng Việt một vẻ đẹp thanh xuân bằng những sáng tạo táo bạo về hình ảnh, từ ngữ và nhịp điệu thơ. Xuân Diệu được nhà phê bình nghiên cứu văn học hoài Thanh nhận xét là ...
Đề bài: Thành công của Xuân Diệu trong việc sử dụng hình ảnh và nhịp điệu ở các bài thơ Vội vàng, Đây mùa thu tới và Thơ duyên.
Xuân Diệu (1918 -1985) tên thật là Ngô Xuân Diệu, nhà thơ lãng mạn nổi tiếng của trào lưu Thơ mới trước Cách mạng tháng Tám năm 1945. Thi sĩ đã mang đến cho thơ ca tiếng Việt một vẻ đẹp thanh xuân bằng những sáng tạo táo bạo về hình ảnh, từ ngữ và nhịp điệu thơ. Xuân Diệu được nhà phê bình nghiên cứu văn học hoài Thanh nhận xét là mới nhất trong các nhà thơ mới. Có thể coi ba bài thơ Vội vàng, Đây mùa thu tới và Thơ duyên tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật thơ của Xuân Diệu.
Bài thơ Vội vàng là tuyên ngôn về lẽ sống của Xuân Diệu thời trai trẻ. Niềm say mê thiên nhiên, say mê cuộc sống thể hiện tập trung nhất, đầy đủ nhất ở đây. Theo quan niệm của thi sĩ thì cuộc sống là tất cả những lạc thú vật chất và tinh thần cùng với những gì trần tục và thanh cao của nó. Đọc bài thơ này, người đọc cảm thấy như thi sĩ đang trải lòng ra mà viết, mà bày tỏ cho hết tình yêu chân thành đối với cuộc đời.
Mở đầu bài thơ là bốn câu ngũ ngôn:
Tôi muốn tắt nắng đi
Cho màu đừng nhạt mất
Tôi muốn buộc gió lại
Cho hương đừng bay đi.
Nhịp thơ 2/3 ngắn, âm hưởng da diết thể hiện cảm xúc mãnh liệt và phản ánh ý tưởng táo bạo đến dị thường của thi nhân là muốn đoạt quyền Tạo hóa.
Điệp từ Tôi muốn đặt ở vị trí đầu câu có tác dụng khẳng định và nhấn mạnh “cái tôi” của thi sĩ – một điều khá mới trong thơ ca đương thời. Cái ước muốn khác lạ chưa từng thấy đó chính là cách bày tỏ tình yêu bồng bột vô bờ của nhà thơ đối với con người và cuộc sống, với thế giới thắm sắc đượm hương đang trải rộng trước mắt. Dường như Xuân Diệu đã chỉ ra quy luật nghiệt ngã của Tạo hóa để rồi dần dần lí giải nguyên nhân lẽ sống vội vàng của mình.
Thiên nhiên được Xuân Diệu cảm nhận theo một cách rất riêng. Với nhà thơ thì đây là thiên đường trên mặt đất. Cái thiên đường đầy hương sắc đó hiện ra trong bài thơ như một khu vườn tình ái của vạn vật buổi đương thì vô cùng quyến rũ. Xuân Diệu cảm nhận, thưởng thức vẻ đẹp thiên nhiên và cũng là tình tự với thiên nhiên. Xung quanh nhà thơ, cảnh vật tưng bừng, rạo rực sức sống khiến không ai có thể thờ ơ:
Của ong bướm này đây tuần tháng mật,
Và đây hoa của đồng nội xanh rì
Này đây lá của cành tơ phơ phất;
Của yến anh này đây khúc tình si,
Và này đây ánh sáng chớp hàng mi,
Mỗi sáng sớm thần vui hằng gõ cửa.
Tình và cảnh của đoạn thơ này được tác giả miêu tả bằng những hình ảnh chọn lọc, tinh tế: tuần tháng mật của ong bướm dập dờn trên muôn hoa nở rộ khắp đồng nội xanh rì; chồi non, lộc nõn trên cành tơ phơ phất trước ngọn gió mát lành; chim yến chim anh cất lên khúc tình si rộn rã để giao duyên; ánh sáng rung động trên hàng mi đang chớp nhẹ… Nhạc điệu rộn ràng giống như tiếng reo vui hồn nhiên, mừng rỡ của đứa trẻ thơ ngây lạc vào khu vườn mùa xuân đầy hương sắc, tưng bừng bản nhạc đủ mọi thanh âm. Đối với Xuân Diệu thì mỗi ngày là một niềm vui mới và cuộc đời là một chuỗi vui vô tận: Mỗi sáng sớm thần vui hằng gõ cửa.
Điệp từ này đây lặp lại tới năm lần, như muốn nhấn mạnh từng nét đẹp của vườn xuân, như giới thiệu sự phong phú bất tận của thiên nhiên với một niềm hứng khởi lạ thường, để rồi đi đến một so sánh thật bất ngờ và thú vị: Tháng giêng ngon như một cặp môi gần. Xuân Diệu có lối diễn tả tinh tế bằng sự chuyển đổi cảm giác. Thi sĩ không dùng từ đẹp mà dùng từ ngon để đặc tả sức sống non tơ và vẻ đẹp mơn mởn vô cùng quyến rũ của mùa xuân. Là thi sĩ của tình yêu nên Xuân Diệu nhận ra giữa vẻ đẹp thiên nhiên và vẻ đẹp thiếu nữ có những nét tương đồng.
Hai khổ thơ liên kết chặt chẽ với nhau về mặt lôgic. Thi sĩ muốn tắt nắng đi, muốn buộc gió lại để lưu giữ mãi mãi hương sắc của vườn xuân trần thế. Nhưng tiếc thay, vẻ đẹp ấy chỉ rực rỡ lúc xuân thì, mà xuân thì lại vô cùng ngắn ngủi. Thi sĩ đang hân hoan đón nhận vẻ đẹp tuyệt vời mà Tạo hóa ban phát cho muôn loài thì bỗng chốc niềm vui tan biến, thay vào đó là nỗi ngậm ngùi trước hiện thực phũ phàng:
Xuân đương tới, nghĩa là xuân đương qua,
Xuân còn non nghĩa là xuân sẽ già.
Mà xuân hết, nghĩa là tôi cũng mất;
Lòng tôi rộng nhưng lượng trời cứ chật,
Không cho dài thời trẻ của nhân gian.
Theo quan niệm của nhà thơ thì mùa xuân, tuổi trẻ và tình yêu là những thứ đẹp nhất, “là những phần ngon nhất của cuộc đời”. Thiên nhiên đẹp nhất lúc xuân sang, đời người đẹp nhất tuổi xuân thì, tình yêu đẹp nhất khi đi đôi với tuổi trẻ. Nhưng trớ trêu thay. Tạo hóa sáng tạo ra cái đẹp và cũng lạnh lùng hủy diệt cái đẹp. Mùa xuân và tuổi trẻ đều quá ngắn ngủi. Thời gian sẽ cuốn trôi hết thảy, cho nên con người phải mau chóng tận hưởng sắc màu cùng hương thơm mật ngọt của đời.
Xuân Diệu đồng nhất mùa xuân với tuổi trẻ, tình yêu và cảm thấy đời người quá ngắn ngủi trước thời gian, không gian vĩnh cửu. Cho nên thi sĩ ngậm ngùi, tiếc nuối:
Còn trời đất nhưng chẳng còn tôi mãi,
Nên bâng khuâng tôi tiếc cả đất trời.
Nhịp thơ ở đoạn này chậm hẳn: 1 / 2 /1/2/2 ; 1 / 2 / 2/1/2, chất chứa suy nghĩ và cảm xúc khắc khoải lắng sâu.
Tâm trạng phức tạp ấy chi phối cách nhìn, cách nghĩ nên giữa tươi xanh thi sĩ đã thấy màu héo úa, giữa hiện tại đã thấp thoáng quá khứ, giữa sum họp đã có mầm mống chia li:
Mùi tháng năm đều rớm vị chia phôi,
Khắp sông núi vẫn than thầm tiễn biệt…
Cơn gió xinh thì thào trong lá biếc,
Phải chăng hờn vì nỗi phải bay đi?
Chim rộn ràng bỗng đứt tiếng reo thi,
Phải chăng sợ độ tàn phai sắp sửa ?
Nhà thơ cảm nhận sự trôi chảy của thời gian bằng tất cả các giác quan. Thời gian được cảm nhận bằng khứu giác, vị giác: mùi tháng năm, vị chia phôi… Mỗi khoảnh khắc thời gian đang lìa bỏ hiện tại để trở thành quá khứ.
Không thể tắt nắng đi, buộc gió lại, cũng không thể níu kéo thời gian nên thi sĩ chỉ có một cách thực tế nhất là chạy đua với thời gian, phải tranh thủ, vội vàng mà sống:
Chẳng bao giờ, ôi! Chẳng bao giờ nữa…
Mau đi thôi! Mùa chưa ngả chiều hôm.
Câu thơ đầy tiếc nuối và tuyệt vọng đã khép lại phần lí giải cho lẽ sống vội vàng của Xuân Diệu và mở ra phần biểu hiện bằng hành động:
Ta muốn ôm
Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn;
Ta muốn riết mây đưa và gió lượn,
Ta muốn say cánh bướm với tình yêu,
Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều;
Và non nước, và cây, và cỏ rạng.
Sự kết hợp tài tình giữa hình ảnh, âm thanh và nhịp điệu khiến đoạn thơ này đã đặc tả được tình yêu cuộc sống mãnh liệt của thi sĩ. Cảm hứng thơ giống như những đợt sóng đại dương mỗi lúc mỗi dâng cao. Điệp ngữ Ta muốn khẳng định khát khao cháy bỏng muốn ôm trọn cả vũ trụ trong vòng tay âu yếm muôn đời. Mỗi lần điệp ngữ Ta muốn xuất hiện là lại đi kèm với một động thái yêu đương mạnh mẽ, đắm say: ôm, riết, say, thâu và cắn. (ôm cả sự sống…, riết mây đưa và gió lượn…, say cánh bướm với tình yêu…, thâu trong một cái hôn nhiều…).
Cảm xúc dâng cao tới tột đỉnh, thi sĩ muốn được thưởng thức đầy đủ, trọn vẹn tất cả sắc màu, hương thơm, vẻ đẹp của vườn đời đầy hoa thơm trái ngọt:
Cho chuếnh choáng mùi thơm, cho đã đầy ánh sáng,
Cho no nê thanh sắc của thời tươi,
Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi!
Phải nói rằng cách thể hiện tâm trạng của Xuân Diệu ở bài thơ Vội vàng là rất mới, rất lạ, rất “Xuân Diệu”, xưa nay chưa từng có. Cách dùng từ ngữ và hình ảnh thật táo bạo; nhịp điệu thơ thay đổi linh hoạt, phù hợp với việc diễn đạt cảm xúc trong từng đoạn. Chỉ có như thế tác giả mới bày tỏ được mức độ nồng nàn, say đắm của tình yêu thương cuộc đời, yêu thương con người.
Bao trùm lên bài thơ Đây mùa thu tới là một nỗi buồn muôn thuở và cũng là nỗi buồn thời đại, thể hiện tâm trạng không phải chỉ của riêng thi sĩ mà là của cả thế hệ thanh niên trí thức thời đó trong tình cảnh nước nhà nô lệ. Nhịp điệu bài thơ chậm rãi, âm hưởng da diết và sâu lắng góp phần thể hiện thành công cảm xúc chủ đạo của bài thơ.
Sau khi bộc lộ cảm nhận của mình trước cảnh vật mùa thu từ gần đến xa, từ cái hiện đến cái ẩn, thi sĩ đi sâu vào thể hiện tâm tư con người, từ con người ngoại giới đến con người bên trong. Tất cả đều nhằm phản ánh nỗi buồn vừa man mác vừa thấm thía, vừa mênh mông vừa sâu lắng, trong cái thế chung của sự sống bên ngoài như nhạt phai, mất mát nhưng bên trong lại như chất chứa một sự vươn tới, một ước mong mơ hồ mà tha thiết.
Xuân Diệu nhìn cảnh vật bằng đôi mắt u sầu nên thấy đâu đâu cũng nhuốm vẻ buồn thương:
Rặng liễu đìu hiu đứng chịu tang,
Tóc buồn buông xuống lệ ngàn hàng:
Đây mùa thu tới – mùa thu tới,
Với áo mơ phai dệt lá vàng.
Xưa nay, các nhà thơ tả mùa thu đến thường sử dụng những hình ảnh ước lệ như lá ngô đồng rụng, sắc đỏ lá phong, làn hương cốm mới, những thoáng heo may… Xuân Diệu cũng lặp lại, không có gì mới. Mới chăng chính là ở cách diễn đạt. Thi sĩ tư duy bằng liên tưởng, ấn tượng, cảm giác, âm thanh và nhịp điệu. Biến cái trừu tượng thành cụ thể, nối dài cái cụ thể bằng cái trừu tượng, nội tâm hóa ngoại giới và ngoại giới hóa nội tâm. Thi pháp lãng mạn độc đáo ấy đã làm tươi mới những thi liệu tưởng như đã cũ.
Nhà thơ báo thu sang bằng dáng buồn của rặng liễu. Hình ảnh cây liễu thướt tha rủ bóng bên hồ thường xuất hiện trong thơ Đường, thơ Tống. Cũng vẫn là cây liễu nhưng Xuân Diệu đã sáng tạo nên một hình ảnh đẹp và buồn. Cây liễu buổi đầu thu mang dáng vẻ u sầu của người góa phụ trẻ, tâm trạng đang trĩu nặng đau thương. Cành liễu dưới mưa rủ xuống như làn tóc xõa. Mưa rơi trên lá như trăm nghìn giọt lệ đang tuôn. Liễu cũng giống như người, đang chất chứa trong lòng mối sầu vạn cổ. Trước Xuân Diệu, trong thơ ca chưa có một dáng liễu nào buồn đến não lòng như thế!
Tiếp đến là tiếng reo thầm trong tâm tưởng. Nhà thơ như bừng tỉnh nhận ra rằng mùa thu đã trở về với lòng thu đang ngóng đợi. Mùa thu tới lặp lại hai lần trong câu thơ tạo nên một sự kiện bất ngờ cần thông báo. Nàng thu diễm kiều của Tạo hóa đã đến với thi nhân trong bộ xiêm y tha thướt dệt bằng những chiếc lá vàng màu mơ phai huyền ảo. Tưởng chừng như thi sĩ đang dang rộng vòng tay đón nhận mùa thu như đón nhận người bạn tri kỉ tri âm sau bao ngày xa cách.
Mùa thu đã mang hồn người và tất cả những gì của nó đều sống kiếp người thu. Mùa thu và tâm hồn tác giả có chỗ nào trùng hợp, gần gũi hay không thì chưa rõ, nhưng dùng hình ảnh và cách nói như trên về mùa thu là rất mới rất lạ. Trong cảm nhận của thi sĩ, thiên nhiên cũng giống như một giai nhân. Mùa xuân là mùa đẹp nhất. Qua hạ vào thu, thiên nhiên đã nhuốm vẻ tàn phai nhưng vẫn đẹp, vẫn quyến rũ hồn người.
Khổ thơ thứ hai thể hiện một tâm hồn nhạy cảm trước những chuyển biến tinh vi của cảnh vật:
Hơn một loài hoa đã rụng cành,
Trong vườn sắc đỏ rũa màu xanh.
Cách diễn đạt của Xuân Diệu xưa nay chưa từng có nên bị một số người chê là “Tây quá”. Tuy vậy, khả năng gợi tả, gợi cảm của những hình ảnh trên lại rất lớn. Nếu sắc lá xanh là của mùa xuân, mùa hạ thì sắc lá vàng, lá đỏ là của mùa thu. Mùa thu tới, màu đỏ cứ lấn dần màu xanh. Màu đỏ lan tới đâu, màu xanh mỏng dần tới đó. Sắc đỏ rũa màu xanh là vậy. Dường như thi sĩ cảm nhận được từng bước đi âm thầm của mùa thu trên sự đổi thay sắc màu của lá.
Hai câu thơ sau xứng đáng là tuyệt bút:
Những luồng run rẩy rung rinh lá…
Đôi nhánh khô gầy xương mỏng manh.
Ở đầu đoạn thơ là hình ảnh hoa rụng, lá phai; đến cuối đoạn là hình ảnh các nhánh cây trơ trụi, khẳng khiu in trên nền trời thu. Câu thơ bảy chữ thì có tới sáu chữ gợi sự tàn tạ: nhánh, khô gầy, xương, mỏng manh. Xuân Diệu đã thể hiện bút lực tài hoa của mình trong việc sử dụng hình ảnh và ngôn ngữ đầy sáng tạo.
Sâu xa và tinh vi hơn nhiều là khả năng cảm nhận của trái tim và trí tuệ của thi sĩ. Nhà phê bình nghiên cứu văn học Hoài Thanh nhận xét: “Trong cảnh mùa thu rất quen thuộc với thi nhân Việt Nam, chỉ Xuân Diệu mới để ý đến Những luồng run rẩy rung rinh lá…”. Ta có thể hiểu là gió thổi làm lá rung rinh, nhưng ý thơ chắc chắn không dừng ở đó. Ai biết lá rung rinh vì gió hay vì lạnh? Những thân cành mảnh mai gầy guộc đang run rẩy vì cái lạnh của gió thu.
Đoạn thơ tiếp theo với nhịp 2 /2/1 / 2 và những hình ảnh tiêu biểu cho mùa thu cũng đầy cảm giác và ấn tượng:
Thỉnh thoảng nàng trăng tự ngẩn ngơ,
Non xa khởi sự nhạt sương mờ…
Đã nghe rét mướt luồn trong gió,
Đã vắng người sang những chuyến đò.
Trăng tự ngẩn ngơ như vừa mất mát một cái gì đó, nhớ mong một cái gì đó. Chưa thật buồn mà không còn vui, đó là tâm sự bí ẩn của nàng trăng. Còn núi cũng chẳng còn màu xanh biếc mà đã nhạt nhòa: Non xa khởi sự nhạt sương mờ. vẻ bên ngoài thì lạnh lẽo, còn bên trong, ai biết tình núi ra sao?
Xuân Diệu thấu hiểu căn nguyên nỗi buồn của mình. Hình như nó đến từ trời đất rồi thấm vào hồn người:
Mây vẩn từng không chim bay đi,
Khí trời u uất hận chia li.
Ít nhiều thiếu nữ buồn không nói,
Tựa cửa nhìn xa, nghĩ ngợi gì.
Như vậy là mùa thu bắt đầu bằng hình ảnh Rặng liễu đìu hiu đứng chịu tang và kết thúc bằng hình ảnh ít nhiều thiếu nữ buồn không nói. Cái dáng vẻ lặng im tựa cửa tưởng như rất tĩnh ấy lại chứa chất những xôn xao thấm thía nhất của hồn thu.
Thơ duyên là bài thơ tình hồn nhiên, trong sáng, thể hiện mối giao cảm tuyệt vời giữa thiên nhiên với thiên nhiên, giữa thiên nhiên với con người và giữa con người với con người trong một buổi chiểu thu tuyệt đẹp.
Bài thơ mở đầu bằng những hình ảnh lung linh, huyền ảo:
Chiều mộng hòa thơ trên nhành duyên,
Cây me ríu rít cặp chim chuyền.
Đổ trời xanh ngọc qua muôn lá,
Thu đến nơi nơi động tiếng huyền.
Dưới trời thu hiện ra một khu vườn tình ái đầy âm thanh và ánh sáng, trong đó vạn vật đang rạo rực đắm say trong cuộc giao duyên. Xuân Diệu không nhìn cảnh vật theo công thức có sẵn trong thơ cổ điển mà thi sĩ cảm nhận theo cách rất riêng, rất mới của mình để rồi phát hiện ra những cái hay, cái đẹp của thiên nhiên trong một chiều thu êm ái, dịu dàng, cảnh vật như có tình, có duyên, gắn bó hòa hợp với nhau. Chiều mộng với khói sương bảng lảng như hòa thơ trên những nhánh duyên đang đong đưa trước cơn gió nhẹ. Trên cây me, cặp chim chuyền cành ríu rít hót lên những tiếng yêu thương, quấn quýt. Đó là tiếng lòng của đôi uyên ương hòa thành nhạc, thành thơ. Từ trên cao, ánh trời chiếu qua vòm lá, tạo thành màu xanh như ngọc. Câu thơ: Đổ trời xanh ngọc qua muôn lá giàu chất tạo hình và thể hiện thi hứng dạt dào của thi sĩ trước thiên nhiên. Cả không gian như rộn rã tiếng huyền (tiếng đàn) du dương, trầm bổng, dẫn dắt hồn người vào cõi thiên thai.
Bức tranh thu được điểm xuyết bằng những nét mềm mại, dịu dàng nên càng thêm thơ mộng:
Con đường nhỏ nhỏ, gió xiêu xiêu,
Lả lả cành hoang nắng trở chiều.
Buổi ấy lòng ta nghe ý bạn,
Lần đầu rung động nỗi thương yêu.
Con đường nhỏ nhỏ và hàng cây ven đường xiêu xiêu theo chiều gió, cành hoang lả lả trong sắc nắng chiều vàng mơ. Tất cả như mời mọc bước chân của những chàng trai, cô gái đang yêu. Lạc vào xứ sở của tình yêu, chàng trai chợt nhận ra sự biến đổi kì diệu ở trong lòng. Đó là những rung động luyến ái đầu tiên trong đời trước một thiếu nữ đang vô tình cùng đi trên đường:
Em bước điềm nhiên không vướng chân,
Anh đi lững đững chẳng theo gần,
Vô tâm – nhưng giữa bài thơ dịu,
Anh với em như một cặp vần.
Sẵn có cảnh, giờ thêm người, sự giao hòa càng tăng lên gấp bội. Cảnh thu êm ái, nên thơ, tình thu nhẹ nhàng, thanh khiết. Khung cảnh chiều thu ẩn chứa cái duyên và một tình yêu rạo rực, xôn xao, tựa như một bài thơ của sự sống, trong đó thiên nhiên hòa làm một với con người. Trong bài thơ ấy: Anh với em như một cặp vần. So sánh bất ngờ nhưng cực kì thú vị của Xuân Diệu, chứng tỏ nhà thơ có khả năng cảm nhận vô cùng tinh tế.
Bài thơ kết thúc bằng sự hình thành mối tơ duyên đôi lứa:
Ai hay tuy lặng bước thu êm,
Tuy chẳng băng nhân gạ tỏ niềm.
Trông thấy chiều hôm ngơ ngẩn vậy,
Lòng anh thôi đã cưới lòng em.
Khung cảnh thiên nhiên mà tất cả sự vật kết thành đôi, thành cặp và đang mê mải giao duyên đã vô tình đóng vai trò ông tơ bà nguyệt xe duyên cho đôi lứa. Thi sĩ trong phút xuất thần đã viết nên câu thơ để đời: Lòng anh thôi đã cưới lòng em. Chữ thôi nói lên cái thế đã rồi, còn cưới lòng là từ hoàn toàn sáng tạo và vô cùng độc đáo của Xuân Diệu, nói về một sự đính ước, một cuộc hôn nhân bí mật của hai tâm hồn đồng điệu. Trước cảnh vật rạo rực một niềm giao hòa như thế, con người sẽ tự tìm đến với nhau mà không cần một lời mai mối.
Ba bài thơ hay và đẹp tả cảnh thiên nhiên mùa xuân, mùa thu và thể hiện cảm xúc nồng nàn, tha thiết của thi sĩ trước thiên nhiên và cuộc đời. Đúng như lời tự bạch của Xuân Diệu: Sự sống chẳng bao giờ chán nản. Cuộc sống với những vui buồn muôn thuở cùng với thiên nhiên muôn hình muôn vẻ chính là nguồn thi hứng bất tận của “ông hoàng thơ tình yêu” – Xuân Diệu.
Theo: Thu Hương