24/02/2018, 12:12

Phân tích tình đồng chí qua bài thơ Đồng chí của Chính Hữu

– Dàn ý I/ Tìm hiểu đề – Đề đã xác định hướng phân tích bài thơ: bài thơ đã diễn tả sâu sắc tình đồng chí cao quý của các anh bộ đội thời kì kháng chiến chống Pháp. – Để tìm được ý cần đọc kĩ bài thơ và trả lời các câu hỏi: + Tình đồng chí ấy ...

– Dàn ý

I/ Tìm hiểu đề

  – Đề đã xác định hướng phân tích bài thơ: bài thơ đã diễn tả sâu sắc tình đồng chí cao quý của các anh bộ đội thời kì kháng chiến chống Pháp.

  – Để tìm được ý cần đọc kĩ bài thơ và trả lời các câu hỏi:

  + Tình đồng chí ấy biểu hiện cụ thể ở những điểm nào?

  + Những từ ngữ, hình ảnh, chi tiết nào thể hiện từng luận điểm đó?

II/ Dàn bài chi tiết

  A- Mở bài:

  – Bài thơ ra đời năm 1948, khi Chính Hữu là chính trị viên đại đội thuộc Trung đoàn Thủ đô, là kết quả của những trải nghiệm thực, những cảm xúc sâu xa của tác giả với đồng đội trong chiến dịch Việt Bắc.

  – Nêu nhận xét chung về bài thơ (như đề bài đã nêu)

  B- Thân bài:

  1. Tình đồng chí xuất phát từ nguồn gốc cao quý

  – Xuất thân nghèo khổ: Nước mặn đồng chua, đất cày lên sỏi đá

  – Chung lí tưởng chiến đấu: Súng bên súng, đầu sát bên đầu

  – Từ xa cách họ nhập lại trong một đội ngũ gắn bó keo sơn, từ ngôn ngữ đến hình ảnh đều biểu hiện, từ sự cách xa họ ngày càng tiến lại gần nhau rồi như nhập làm một: nước mặn, đất sỏi đá (người vùng biển, kẻ vùng trung du), đôi người xa lạ, chẳng hẹn quen nhau, rồi đến đêm rét chung chăn thành đôi tri kỉ.

  – Kết thúc đoạn là dòng thơ chỉ có một từ: Đồng chí (một nốt nhấn, một sự kết tinh cảm xúc).

  2. Tình đồng chí trong cuộc sống gian lao

  – Họ cảm thông chia sẻ tâm tư, nỗi nhớ quê: nhớ ruộng nương, lo cảnh nhà gieo neo (ruộng nương… gửi bạn, gian nhà không … lung lay), từ “mặc kệ” chỉ là cách nói có vẻ phớt đời, về tình cảm phải hiểu ngược lại), giọng điệu, hình ảnh của ca dao (bến nước, gốc đa) làm cho lời thơ càng thêm thắm thiết.

  – Cùng chia sẻ những gian lao thiếu thốn, những cơn sốt rét rừng nguy hiểm: những chi tiết đời thường trở thành thơ, mà thơ hay (tôi với anh biết từng cơn ớn lạnh,…) ; từng cặp chi tiết thơ sóng đôi như hai đồng chí bên nhau: áo anh rách vai / quần tôi có vài mảnh vá ; miệng cười buốt giá / chân không giày ; tay nắm / bàn tay.

  – Kết đoạn cũng quy tụ cảm xúc vào một câu: Thương nhau tay nắm lấy bàn tay (tình đồng chí truyền hôi ấm cho đồng đội, vượt qua bao gian lao, bệnh tật).

  3. Tình đồng chí trong chiến hào chờ giặc

  – Cảnh chờ giặc căng thẳng, rét buốt: đêm, rừng hoang, sương muối.

  – Họ càng sát bên nhau vì chung chiến hào, chung nhiệm vụ chiến đấu: chờ giặc.

  – Cuối đoạn mà cũng là cuối bài cảm xúc lại được kết tinh trong câu thơ rất đẹp: Đầu súng trăng treo (như bức tượng đài người lính, hình ảnh đẹp nhất, cao quý nhất của tình đồng chí, cách biểu hiện thật độc đáo, vừa lãng mạn vừa hiện thực, vừa là tinh thần chiến sĩ vừa là tâm hồn thi sĩ,…)

  C- Kết bài:

  – Đề tài dễ khô khan nhưng được Chính Hữu biểu hiện một cách cảm động, sâu lắng nhờ biết khai thác chất thơ từ những cái bình dị của đời thường. Đây là một sự cách tân so với thơ thời đó viết về người lính.

  – Viết về bộ đội mà không tiếng súng nhưng tình cảm của người lính, sự hi sinh của người lính vẫn cao cả, hào hùng.

– Bài làm 1

Bài thơ “Đồng chí” của Chính Hữu ra đời cách đây hơn 30 năm, cho đến nay, vẫn là một bài thơ mà em ưa thích bởi nó giúp em hiểu thêm được vì sao quân đội ta đã trở thành một quân đội anh hùng.

Đọc bài thơ, em bắt gặp những anh bộ đội đã có một cuộc đời, một quê hương nghèo khổ, nào là “nước mặn đồng chua”, nào là “đất cày lên sỏi đá” nào là “gian nhà không”. Đến khi vào bộ đội, họ cũng chẳng giàu có gì hơn, cũng “áo anh rách vai, quần tôi có vài mảnh vá” và “chân không giày…”. Đã thế, còn bị những cơn sốt rét rừng hành hạ.

Sốt run người, vầng trán ướt mồ hôi.

Lại phải sống cảnh “rừng hoang sương muối”. Bao nhiêu thiếu thốn về vật chất! Phải nói là cực kì gian khổ. Nhưng trong suốt bài thơ, em không hề nghe một lời than, hay cảm thấy ở họ một phút chán chường, dao động. Trái lại, bao trùm lên cuộc sống, thấm đượm trong từng trái tim của họ là mối tình đồng chí keo sơn, là niềm tin ở chính mình, ở đồng đội.

Tình của những người nông dân chân lấm tay bùn, sông ở mọi vùng quê của đất nước, nghe tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, họ nhanh chóng có mặt trong đoàn quân – chiến sĩ:

Anh với tôi đôi người xa lạ

Tự phương trời chẳng hẹn quen nhau.

Từ xa lạ đến chỗ thân quen, họ không cần chờ thời gian, năm tháng, bởi vì họ đang tập hợp dưới ngọn quân kì, bởi vì họ đã gặp nhau ở mục đích của cuộc ra đi. Lí tưởng chiến đấu gắn bó họ lại với nhau và họ nhanh chóng trở thành “đồng chí”; “Súng bên súng, đầu sát bên đầu. Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỉ”.

Chính vì cùng chung một lí tưởng cùng sông trong tình đồng chí mà họ sẵn sàng chia ngọt, sẻ bùi: “Anh với tôi biết từng cơn ớn lạnh”. Họ động viên nhau vượt qua mọi gian khổ “miệng cười buốt giá” và “thương nhau tay nắm lấy bàn tay”.

Cuộc sống chiến đấu đã xây đắp nên tình đồng chí cao đẹp đó. Và cũng chính tình đồng chí giúp họ tạo nên sức mạnh và niềm tin cho mỗi con người – chiến sĩ và cho cả đoàn quân. Một tư thế sẵn sàng chiến đấu, một tinh thần lạc quan tin tưởng, một biểu tượng rất cao đẹp của người lính cụ Hồ:

Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới

Đầu súng trăng treo.

Đây là đỉnh cao của tình đồng chí. Vì nếu đêm nay giữa “rừng hoang sương muối” mà Anh hoặc Tôi không “đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới” thì mọi tình cảm thân ái như “chung chăn”, áo rách quần vá “thương nhau tay nắm lấy bàn tay” còn có ý nghĩa gì? Câu thơ này có một từ bình thường nhưng không thay thế được đó là từ “đứng”. Có nhạc sĩ đã phổ nhạc bài thơ này và sửa lại thành “ngồi”. “Đứng” là thường trực chiến đấu mà “ngồi” là nghỉ ngơi. Với lại từ “đứng” có âm “đ” cứng, thanh trắc (dấu sắc) mạnh phô diễn được sức mạnh của tình đồng chí ở đỉnh cao. Nói như thế, nhà thơ cảm thấy hãy còn hữu hạn nên đã chọn một ấn tượng cho cái vô cùng của tình đồng chí:

“Đầu súng trăng treo”

Lãng mạn thay, súng và trăng cũng là một cặp đồng chí! Cặp đồng chí này (súng và trăng) nói về cặp đồng chí kia (tôi và anh), nói được cái cụ thể và gợi đến vô cùng súng và trăng, gần và xa “Anh với tôi đôi người xa lạ, tự phương trời chẳng hẹn quen nhau”. Súng và trăng, cứng rắn và dịu hiền; súng và trăng, chiến sĩ và thi sĩ; súng và trăng…là biểu hiện cao cả của tình đồng chí.

Sự kết hợp yếu tố hiện thực, tươi rói với tính chất lãng mạn trong trẻo là màu sắc mới mẻ mà Chính Hữu đã sớm mang lại cho thơ ca kháng chiến, thi ca cách mạng.

– Bài làm 2

Bài thơ, nhìn một cách tổng quát có vẻ đẹp của một loài hoa đồng nội. Ấy thế mà vẫn tốt tươi, càng ngắm nhìn càng đẹp, một vẻ đẹp khiêm nhường, giản dị.

Về kết cấu, ta nhận ra những mạch ngầm văn bản. Mạch ngầm ấy chảy dọc bài thơ như một quá trình gieo trồng, nảy nở. Mạch ngầm mà ta nói đến ở đây là tình đồng chí.

1. Vậy, nó bắt đầu từ đâu?

Quê hương anh nước mặn, đồng chua

Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá.

Tất nhiên tình đồng chí ở đây bắt nguồn từ những cảnh ngộ xuất thân nghèo khổ. Nhưng phải nhấn mạnh vào hai ý nghĩa. Một là, nguồn gốc của người lính là nguồn gốc nông dân, tầng lớp điển hình và đông đảo trong sự nghiệp kháng chiến (nông dân là quân chủ lực) vì đơn giản nước ta là một nước nông nghiệp từ xưa, họ là những "dân ấp, dân lân" (Nguyễn Đinh Chiểu). Cho nên cái nghèo khổ ở đây có lẽ chỉ nông dân mới hiểu. Ở những nơi dù "nước mặn đồng chua" hay "đất cày lên sỏi đá" dù vùng biển hay trung du vẫn là đất ấy "đất không nuôi nổi người, người không nuôi nổi đất" (Chế Lan Viên). Đọc hai câu thơ Chính Hữu, có ai không thấm thìa, xót xa. Hai là, vậy cái gì làm nên tên gọi: đồng chí? Ở đây có những vấn đề quyền sống, quyền ấm no và cao hơn hết là quyền được làm người. Nô lệ và nghèo đói đã cướp đi hai cái quyền thiêng liêng ấy. Vì vậy, chúng ta phải đánh đuổi cả hai kẻ thù ("Thằng giặc Tây thằng chúa đất – Đứa đè cổ, đứa lột da" – Nguyễn Đình Thi). Sự kết hợp hai khát vọng đó không chỉ là một sự chuyển đổi thông thường mà là được nâng cao về chất và chỉ có ở thời đại chúng ta. Chính là "cái chất" ấy đã đổi mói những quan hệ, quan hệ giữa con người với đất nước, với gia đình, giữa anh và tôi. Câu thơ thật giản dị:

Anh với tôi đôi người xa lạ,

Tự phương trời chẳng hẹn quen nhau.

Không hẹn đợi, chẳng thân quen, thậm chí còn xa cách quá chừng mà bỗng nhiên trở thành gần gũi. Thì ra họ bước vào ngày hội non sông, vận hội đổi đời, và giờ đây họ chính là chủ nhân của thời đại ấy. Đoạn thơ không nhiều lời mà kết tinh được chân lí lớn lao, đúng là một phong cách thơ riêng Chính Hữu: "Trong thơ, tôi cố gắng để nói cái cần nói, không nói dài, nói thừa. Tôi mong có được sự hàm súc của lời thơ".

Chính là từ cái nền tảng ấy, cái mảnh đất của ngày hội non sông ấy mà tình đồng chí được hình thành từ đó. Thử theo dõi lại bốn câu mở đầu để thấy cái thế bè đôi quấn quýt. Nếu câu thứ nhất nói về anh, câu thứ hai nói về tôi như một kiểu xưng danh còn tách ra thì câu thứ ba đã gộp lại cả hai người ("Anh với tôi đôi người xa lạ"), ấy là cái bước ngoặt "quen nhau". Như tác giả tự nhận xét sau này, cấu tứ của bài thơ là dựa vào hệ thống hình ảnh: người lính, vầng trăng và khẩu súng. Hình ảnh người lính từ xa lạ đã quen nhau:

Súng bên súng, đầu sát bên đầu,

Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỉ.

"Đồng chí", hai tiếng ấy mới mẻ biết chừng nào nửa quen nửa lạ, vừa cất lên đã rung động xốn xang! Đồng chí theo nghĩa gốc, là những người cùng chí hướng trong việc mưu đồ một sự nghiệp chung ở trong một tổ chức. Những ràng buộc ấy có tính chất lí trí đơn thuần. Đến bài thơ của Chính Hữu, tình đồng chí vừa là tình chiến đấu, vừa là tình thân. Cả hai đều là máu thịt, hữu cơ, nó là sinh mạng con người cầm súng. Đồng chí, hai tiếng ấy đơn sơ mà cảm động đến nao lòng. Nó vừa là tên gọi vừa là tiếng gọi, tên gọi một quan hệ giữa những người cùng một đội ngũ, vừa nhắn gửi, kí thác với người và với mình, nghĩa là tiếng gọi sâu thẳm thiêng liêng. Nó chính là vật báu phải giữ gìn, trân trọng.

2. Tình dồng chí, đồng đội của những người lính bắt đầu ngân vang từ hai chữ "đồng chí". Dòng thơ chỉ một từ mà có tác dụng khép mở tài tình. Nó chốt lại một đoạn đường từ "xa lạ" đến "quen nhau". Nó mở ra một vùng trời khác: sâu, rộng và cao hơn. Cả ba phạm vi ấy với Chính Hữu, đều nằm trong khuôn khổ kiệm lời. Nó "sâu" bởi nó đụng đến hai phạm vi hiện thực, một hiện thực đời thường với chuyện ăn mặc, ốm đau… và cả hiện thực từ những vùng lấp khuất vốn im lặng, vô thanh, về vật chất, quân trang, ăn uống đời thường chẳng có gì khác trước lúc đầu quân. Ăn không đủ no, mặc không đủ ấm, quần áo và ăn mặc giống như người nông dân từ hai miền, nơi thì "nước mặn đồng chua" nơi thì "cày lên sỏi đá" nhưng họ đã hiểu nhau và nhất là họ biết chia sẻ cùng nhau từ "áo anh rách vai" hoặc "quần tôi có vài mảnh vá".

"Ruộng nương anh gửi bạn thân cày", câu thơ đã lắng vào trong nỗi nhớ. Nỗi nhớ của anh nhưng vì sao đọc lên tôi vẫn rưng rưng? Thì ra nói nỗi lòng của bạn: thì đó cũng là nỗi nhớ của chính bản thân mình. Điều cần chú ý là trong cái cách kết cấu bè đôi giữa anh và tôi theo chiều dọc tác phẩm, đến vùng thương nhó không xuất hiện cả hai người, chỉ xuất hiện nhân vật "anh"? Do thương bạn mà quên mất bán thân mình, hay bạn cũng chính là mình, nghĩa là một hình tượng sóng dôi nhưng khuất di, mờ đi một nửa vế? Hiểu như thế là thấy dược dộ kết tinh, cái "ý tại ngôn ngoại" trong thơ, và càng dồn nén, thơ càng bật ra cái điều không được nói thành lời.

Trong những kỉ niệm cái thời quân ngũ ấy, điều gì cũng đáng nhớ, điều đáng nhớ khác nhau và cách nhớ cũng khác nhau. Bởi vậy có thể khai thác nó từ nhiều nơi, nhiều phía, chẳng hạn hai câu:

Anh với tôi biết từng cơn ớn lạnh

Sốt run người vừng trán ướt mồ hôi.

Đây là những cơn sốt rét, sốt rét rừng thường gặp, nguyên nhân dẫn đến tử vong hoặc còn là một cách tạo hình "lạ hoá" trong thơ Quang Dũng ("Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc"). Sốt rét ác tính là căn bệnh diễn ra như cơm bữa trong các cuộc hành quân. Nó làm biến dạng con người trong một nghịch lí: sốt đến "vừng trán ướt mồ hôi" là phần da thịt bên ngoài, còn thực thì bên trong rất lạnh. Cái run rẩy ấy của người lính là do bị kẹp chặt giữa nóng với lạnh giao nhau. Không trải qua những "nóng lạnh" của cuộc đời cầm súng trong những năm gian khổ điển hình thì không thể viết được những câu thơ như thế. Chính là vì hiểu nhau đến mức "Hiểu nhau rồi hiểu lắm, bạn đời ơi" (Tố Hữu) một tiếng nói, nụ cười, chỉ người lính năm nào mới hiểu. "Miệng cười buốt giá" ấy là một nửa nụ cười vừa hồ hởi tươi vui vừa xuýt xoa vì cái rét thời tiết tràn về. Vượt qua những cơn lạnh thấu xương chỉ có thể bằng nghị lực, bản thân, bằng sự nâng dỡ của tình người, tình đồng chí. Bởi thế nụ cười tuy thấm thìa gian khổ, thiếu thốn mà vẫn hồn nhiên.

3. Bài thơ kết thúc khá đột ngột. Chỉ có ba câu:

Đêm nay rừng hoang sương muối

Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới

Đầu súng trăng treo.

Như trên đã nói, hình tượng thơ toàn bài được tạo ra bằng ba đường nét: người lính, vầng trăng, khẩu súng, ở hai đoạn trên chỉ mới có người lính và khẩu súng. Đến đây mới xuất hiện vầng trăng. Nghĩa là mới hội đủ một bức tranh trọn vẹn như dụng ý của nhà thơ. Trước hết, ta có cảm giác đột ngột không chỉ vì một đoạn thơ quá ngắn, mà chủ yếu vì tâm thế lĩnh hội thơ. Bởi trước đó, phần lớn bài thơ nói về sinh hoạt của người lính, đến hai câu trước nó vãn chỉ là nhiệm vụ, nhiệm vụ giữ chốt ban ngày và đứng gác ban đêm. Bởi thế vầng trăng hiện ra dường như không được chuẩn bị từ đầu. Nó hiện ra không báo trước. Nhưng xét đến cùng, nó có đột nhiên mà không phải ngẫu nhiên. Nó có lí vì cái đêm phục kích quân giặc là một đêm có trăng, đơn giản vậy thôi, đơn giản như vòng quay của trái đất, nghĩa là không ngừng luân chuyển đêm đêm. Vầng trăng do vậy cũng có thật như khẩu súng ở trên tay "Đêm nay" thì cũng như mọi đêm không cồ gì đặc biệt khác thường. Nhưng đột ngột, trong một lúc nào dấy, bằng một cách nhìn nào đấy mà người lính nhận ra "Đầu súng trăng treo". Tỉnh với mê, thực với mộng đã tạo nên một mặt cắt không gian đặc biệt: con người, khẩu súng, vầng trăng nằm trọn trên cùng một bức tranh trời, một bức tranh như ảo ảnh. Nhiệm vụ chiến đấu tuy vẫn còn nguyên đó, sự cảnh giác không một phút lơ là, nhưng tất cả như cất cánh đang bay trong cõi bồng bềnh mộng tưởng. Có được cảm nhận này, tình đồng chí đến đây đã mở ra một chiều hướng nên thơ của nó. Xưa Nguyễn Khuyến làm thơ, uống rượu vì có một Dương Khuê. Nay, người lính có nhau, có tình đồng chí tuy không có rượu, có thơ, nhưng tâm hồn họ vẫn ngập tràn ánh trăng thi sĩ. Phải yêu cuộc đời này đến đâu, phải có một tâm hồn dào dạt đến đâu, tức cảnh sinh tình, nhà thơ mới có được một thứ "vàng mười" cho câu chữ. Vầng trăng và khẩu súng là hai hình ảnh thường rất khó gần nhau nhưng ở đây nó lại gần nhau. Thì ra cuộc sống chiến đấu tuy có gian khổ, hi sinh vẫn có sự trong trẻo, tràn đầy. Đó chính là vẻ đẹp giản dị chất chứa ở bài thơ.

Từ khóa tìm kiếm nhiều:

0