24/02/2018, 12:11

Phát biểu cảm nghĩ của em về nhân vật Mã Lương trong truyện Cây bút thần

– Bài làm 1 "Ngày xửa ngày xưa, có cậu bé tên là Mã Lương, mồ côi cha mẹ từ nhỏ…" Theo mỗi lời kể của cô giáo, câu chuyện dân gian Trung Quốc Cây bút thần mở ra trước mắt em bao điều lí thú về cây bút kì diệu và người chủ của nó. Đó là cậu bé Mã Lương hiếu ...

– Bài làm 1

"Ngày xửa ngày xưa, có cậu bé tên là Mã Lương, mồ côi cha mẹ từ nhỏ…" Theo mỗi lời kể của cô giáo, câu chuyện dân gian Trung Quốc Cây bút thần mở ra trước mắt em bao điều lí thú về cây bút kì diệu và người chủ của nó. Đó là cậu bé Mã Lương hiếu học, khảng khái, thông minh… Cậu bé ấy làm em khâm phục và yêu quý.

Gia cảnh của Mã Lương thật đáng thương. Em mồ côi cha mẹ từ nhỏ, lại rất nghèo. Khó khăn đến vậy, những tưởng em sẽ chỉ còn biết đầu tắt mặt tối kiếm sống qua ngày, nhưng không, em còn có một ham mê cháy bỏng. Đó là vẽ. Em nghèo lắm, em còn không có đủ tiền để mua bút kia, thế mà em vẫn mơ ước, mơ ước đượcvẽ. Có thể nói Mã Lương đã vươn lên trên số phận của mình dù chỉ là trong ước mong. Như thế đã là quý, là hiếm rồi vì ước mơ ấy thật cao đẹp. Ham mê ấy đã thúc đẩy em hỏi mượn bút: "Thầy có thể cho tôi mượn một cây bút không?". Câu hỏi bạo dạn, đàng hoàng, đĩnh đạc và em như thấy trong đó có sự hồi hộp. Không hiểu mơ ước nhỏ bé của Mã Lương có được người thầy kia thông cảm không? Tiếng quát của thầy giáo: "Một thằng bé con nghèo xác nghèo xơ mà lại muốn học vẽ à! Mày điên đấy phải không?" cắt đứt suy nghĩ đó. Trước tiếng nói phũ phàng của "ông thầy", Mã Lương không tự ái, mà chỉ thấy day dứt về một điều vô lí trong xã hội. Em muốn chứng minh rằng "con nhà nghèo cũng học vẽ được". Hơn bao giờ hết, ước mơ lại bùng cháy trong em. Ta hồi hộp không hiểu Mã Lương sẽ thực hiện ước mơ như thế nào?

Về nhà, Mã Lương say mê tự học vẽ. Em học thế nào khi không có một cây bút trong tay? "Khi kiếm củi trên núi, Mã Lương lấy que củi vạch xuống đất… Lúc cắt cỏ ven sông, em nhúng tay xuống nước vẽ… Khi về nhà em vẽ… lên tường". Cậu bé dốc lòng học vẽ, học không cần bút và chẳng bao lâu, cảnh em vẽ rất có hồn. Thật đáng khâm phục nghị lực của cậu bé này. Em tưởng tượng trước mắt mình là căn nhà tối tăm của Mã Lương và trên vách, những nét vẽ mềm mại, nhẹ nhàng. Em không phải chỉ khâm phục mà còn thật sự kinh ngạc trước ý chí, tài năng của một em bé nghèo. Em thầm ước, giá như mình có thể tặng cho cậu ấy một cây bút.

Em chợt nhớ đến ông tiên, ông tiên trong truyện cổthường hiện lên giúp ngưòi nghèo. Chắc chắn Mã Lương là người xứng đáng được ông giúp đỡ. Em lật trang sách xem tiếp: "Đêm ấy, có một cụ già râu tóc bạc phơ hiện lên trao cho Mã Lương cây bút bằng vàng lấp lánh…". Thế là thần tiên đã hiểu thấu mơ ước của Mã Lương. Em mừng cho Mã Lương và mong muốn được thấy bức vẽ đầu tiên của em vẽ bằng cây bút của mình. Cậu bé nghèo lắm, có lẽ em sẽ vẽ vàng bạc để cho mình đỡ khổ. Không, em không vẽ vàng bạc, em "vẽ cá cho cá bơi, vẽ chim cho chim hót". Quả là điều bất ngờ. Trong đầu Mã Lương tiền của chưa được nghĩ tới mà là thiên nhiên, thiên nhiên bao la, rộng lớn. Đó chính là tâm hồn của một nghệ sĩ phóng khoáng và chân chính.

Cậu bé không chỉ là nghệ sĩ của thiên nhiên, mà là người nghệ sĩ phục vụ nhân dân. "Nhà nào không có cày, em vẽ cho cày… không có đèn, em vẽ cho đèn". Tại sao em không vẽ cho họ tiền bạc? Không, em không muốn biến họ thành kẻ ăn bám. Em giúp họ tự tạo ra hạnh phúc cho mình. Suy nghĩ của Mã Lương thật chín chắn. Đặc biệt là khi em quyết tâm không vẽ cho tên nhà giàu. Em không bị cám dỗ trước những lời dụ dỗ ngon ngọt của hắn. Em không hề sợ hãi khi hắn đe doạ và nhốt em vào chuồng ngựa. Bị nhốt, em nghịch ngợm vẽ lò bánh mì để chọc tức và nhanh trí vẽ thang, vẽ ngựa, cung tên để trốn đi. Trí thông minh và dũng khí của em thật đáng quý.

Xa quê, với cây bút thần trong tay những tưởng Mã Lương sẽ sống giàu sang, sung sướng. Em đã không làm thế, còn tự vẽ tranh kiếm sống. Giữa giàu sang nhờ cây bút thần và sự nghèo khó với việc vẽ tranh, Mã Lương đã chọn cuộc sống tự lực. Tới đây, ta càng thấy sự hợp lí, xứng đáng để cậu bé được nhận cây bút thần. Còn nhỏ nhưng cậu đã lao động hết mình vì nghệ thuật chân chính, vì niềm ham mê lớn của mình.

Nhưng cuộc đời của Mã Lương không dừng ở đó. Một lần do sơ suất, em đã vẽ một con cò và con cò vỗ cánh bay. Chuyện đến tai vua, vua bắt Mã Lương vẽ phượng, rồng, em vẽ cóc ghẻ, gà trụi lông. Em không muốn mang nghệ thuật phục vụ cho kẻ độc ác. Thật là dũng cảm. Một cậu bé như em mà dám cả gan chống lại nhà vua. Hẳn em biết rằng, làm thế sẽ bị chém đầu hay cầm tù. Đúng như dự đoán, Mã Lương bị vua tống vào ngục. Vua cướp cây bút của em và vẽ vàng nhưng lại thành đá, mãng xà. Vua hiểu rằng chỉ có Mã Lương mới làm nổiđiều đó. Thế là hắn dụ dỗ, hứa gả công chúa cho em. Mã Lương đồng ý. Hơi ngạc nhiên nhưng em vẫn tin rằng Mã Lương không dễ gì bị lôi kéo như vậy.

Mã Lương vẽ biển, vẽ sóng, vẽ cá, vẽ thuyền cho vua. Khi vua và quần thần ra khơi, em vẽ gió, nhẹ rồi mạnh dần, mạnh dần. Ta thích thú chứng kiến sự trừng trị của Mã Lương với tên vua tham lam. Hắn bị chìm dưới đáy biển sâu. Đó là kết cục thật đích đáng.

Cuối cùng, Mã Lương lại trở về với nhân dân, dùng bút thần phục vụ. Câu chuyện vềchú bé Mã Lương trở thành một huyền thoại đẹp sống mãi trong lòng mọi người. Đó là một cậu bé hiếu học, kiên trì, có nghị lực sắt đá, đó là một nghệ sĩ chân chính, suốt đời phục vụ nhân dân. Mã Lương đã từ trang sách bước ra với đời. Đó là những cậu bé mồ côi, học giỏi, những cô bé phải gánh gánh nặng gia đình vẫn không hết ước mơ.

– Bài làm 2

Cây bút thần mà Mã Lương được ông tiên trong giấc mộng ban cho chỉ là một chi tiết thần kì huyền thoại. Nhưng nhờ nó mà người kể đã khắc họa được nhiều nét đặc sắc trong tính cách chú bé Mã Lương. Có cây bút thần trong tay, Mã Lương đã giúp đỡ đồ dùng, công cụ làm ăn cho nhiều người nghèo. Có cây bút thần, Mã Lương đã chủ động đối phó, trừng trị tên địa chủ và ông vua tham ác.

Nhưng với em, em thích nhất lòng say mê học tập của Mã Lương. Lấy que vạch xuống đất, nhúng ngón tay vào nước vẽ lên đá… Mã Lương đã vượt lên hoàn cảnh thiếu thốn của mình, tự tạo lấy phương tiện học tập riêng. Ngẫm về bản thân, em cũng thấy rõ điều ấy. Khi thiếu một niềm say mê tự nguyện, thiếu một động cơ bên trong mạnh mẽ thôi thúc, thì từ làm một bài toán đến sửa một đồ dùng trong nhà, ta cũng sẽ cảm thấy chầy chật, không đủ sức kiên trì theo đuổi đến cùng, không có cảm hứng sáng tạo.

Chú bé Mã Lương này còn một nét tính cách khác mà em thấy đáng yêu: thái độ ứng xử có phân biệt tùy đối tượng. Với người nghèo lương thiện, Mã Lương vẽ cho có cày có cuốc, có thức ăn, vật dùng. Nhưng với tên địa chủ gian ác, Mã Lương vẽ cho mũi tên hạ thủ; với ông vua tham lam, Mã Lương vẽ cho sóng gió chìm tàu. Mã Lương đã biết “đi với Bụt mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy”.

Mã Lương cho em bài học sáng giá: bền chí say mê cần cù sẽ đạt được khát vọng. Rõ ràng nếu như Mã Lương không dày công tự luyện, thì có bút thần cũng chẳng vẽ nổi cái gì. Nếu ta cứ tháng này lao vào tin học, tháng sau lại bỏ để đi học một lớp tiếng Anh, tháng sau nữa lại nhảy sang học đàn chẳng hạn, thì rút cuộc chẳng có gì nên cơm cháo cả. Chẳng thế mà ông cha ta đã khuyên:

Hãy cho bền chí câu cua

Dù ai câu chạch, câu rùa mặc ai!

Mã Lương là một biểu tượng về sự thành công của tài năng qua kiên trì, say mê tập luvện. Cái cốt hiện thực của truyện chính là khuyên con người nhiệt tình lao động và biết quan tâm đến đồng loại.

0