Phân tích tác phẩm Người lái đò sông Đà của Nguyễn Tuân.
Người lái đò sông Đà là một bài trích trong tập Sông Đà. Đây là kết quả của chuyến đi thực tế của tác giả ở Tây Bắc năm 1958. Ông sông với bộ đội, thanh niên xung phong, công nhân cầu đường và đồng bào các dân tộc Tây Bắc từ Lai Châu về Sơn La. Thực tiễn xây dựng lại bản làng sau 1954, phong cảnh, ...
Người lái đò sông Đà là một bài trích trong tập Sông Đà. Đây là kết quả của chuyến đi thực tế của tác giả ở Tây Bắc năm 1958. Ông sông với bộ đội, thanh niên xung phong, công nhân cầu đường và đồng bào các dân tộc Tây Bắc từ Lai Châu về Sơn La. Thực tiễn xây dựng lại bản làng sau 1954, phong cảnh, con người Tây Bắc đã đi vào trang sách với một nổi vui sống bao trùm lên tất cả chen lẫn những cảm tưởng kỳ vĩ về đất nước và Con người cũng như những xúc cảm trữ tình trước cái đẹp lạ lùng và ...
Lấy người lái đò làm nhân vật chủ thể của câu chuyện về con người sông Đà, nhưng thực chất là cảm nghĩ, nghe nhìn, quan sát, nghiền ngẫm và sáng tạo của Nguyễn Tuân. Thành thử mượn lời ông lái đò già nhưng chính là tác giả miêu tả con sông từ nhiều góc độ khác nhau, bộc lộ tâm tư tình cảm đối với con sông đại biểu này, nghĩa là với lối viết của Nguyễn Tuân, con sông Đà đã trở thành con sông của Nguyễn Tuân.
Sông Đà có cả địa lí và lịch sử. “Nó khai sinh ở huyện Cảnh Đông, tỉnh Vân Nam bên Trung Quốc lấy tên là Li Tiên, đi qua một vùng núi ác, rồi đến gần nửa đường thì xin nhập quốc tịch Việt Nam, trưởng thành mãi lên và đến ngã ba Trung Hà thì chan hòa vào sông Hồng”. Con sông mà nghe như con người, nào khai sinh, nào xin nhập quốc tịch, nào trưởng thành... Ngôn ngữ học bảo đó là nhân hóa, kì thực đó là nghệ thuật hóa, con sông có đời sống, có tính chất rất vững, rất độc đáo.
Thời xưa, nhà Trần lấy sông Đà đặt tên cho một trong 15 lộ của cả nước: Đà Giang lộ. Chính vì vậy mà Truyền kỳ mạn lục có truyện Đà Giang dạ ẩm thuộc bối cảnh đời Hồ cuối đời Trần. Đà Giang lộ là vùng đất từ Hưng Hóa trở lên. Bây giờ ta gọi đó là vùng Tây Bắc, từ Lai Châu xuôi về Hòa Bình, nối nhau bằng sợi dây thừng (chữ của Nguyễn Tuân) khổng lồ là sông Đà, nhìn từ trên máy bay xuống.
Sông Đà có lịch sử và truyền thống cách mạng. Lịch sử dù biến thiên, con sông Đà vẫn là của người dân xứ Tây Bắc nước Việt. Nó dữ, nó hiền là một chuyện, nhưng con người vẫn ăn ở đời với nó. Không nói chuyện quá xưa, Chỉ gom lại hồi Tây mới sang cướp nước ta, con người xứ Thái này đã cùng nhà yêu nước Cần Vương Nguyễn Quang Bích, ông Hoàng giáp tuần phủ Hưng Hóa ấy chiến đấu đến cùng và trong thơ nhật kí hành quân của ông đã có bao nhiêu tên đất nước thuộc vùng sông Đà. Tiếp theo đó là thời thăng Tây cai trị với đủ bọn lang đạo, địa chủ gian tham độc ác. “Con sông bị chúa đất từng vũng đem cắt ngang ra thành khúc nhỏ làm cho con sông ác thêm! Đế quốc đóng đồn bốt ven sông, tính dữ ác con sông lại tăng thêm mấy lần.
Tuy vậy, người xứ Thái không chịu rời sông. Hơn hai mươi năm sau, công trình thủy điện Hòa Bình đã sắp xong. Con sông Đà đã được chặn lại để làm nên điện và nên hồ. Hồ dài hàng trăm kilômét là cảnh du lịch, là nơi nuôi cá, là đường giao thông thuận lợi, tàu bè lên xuống nhẹ nhàng, không còn cảnh lên thác xuống ghềnh nguy hiểm mặc dù rất nên thơ, hào hùng như thuở xưa.
Mặt khác, chúng ta còn thấy sông Đà dữ, sông Đà anh hùng ca.
Tạo được môi trường anh hùng ca phải là cái gì dữ dội, nguy hiểm cao độ, khắc phục được phải là thiên tài, tôi thiểu là tài ba hiếm có, mà phải là kiên trì, có khi cả liều xông vào chỗ chết để giành lấy cái sông, và cố nhiên cuối cùng phải chiến thắng vẻ vang.
Sông Đà quả là một môi trường như thế. Bản chất nó đã vậy. Tài hoa của nhà văn càng làm cho bản chất ấy sắc nhọn thêm, dữ dội, nguy hiểm thêm bội phần.
Cây cối, cỏ hoa hai bên bờ, ánh sáng trời trăng, nhà của, làng bản ven sông là nằm trong cảnh quan của sông, nhưng những cái đó thường hiền hòa, chưa nói tươi đẹp, ấm vui, hoặc không nói hoặc để lùi ra sau. Trước hết nói cái ruột nhất của sông.
Cát là vật bình thường nhất chứ gì? Cát trên sông có hại chăng là khi nó thành gò làm thuyền bị mắc cạn. Có mấy ai nghĩ rằng thứ hạt nham nhám ấy của sông Đà làm loét cả da nếu chỉ đóng khố chứ đừng nói bận quần, vì nó chui vào bẹn và ăn luôn cả da, còn ở truồng mà lội nước thì “nó đục thủng gan bàn chân lỗ rỗ như những vệt hà đục thủng đáy và mạn dưới các thuyền gỗ”. Thế là cát dữ.
Bờ cũng chẳng hiền. Có nơi “nó dựng vách thành, mặt sông chỗ ấy đúng Ngọ mới có mặt trời. Có vách đá vách chẹt lòng sông như một cái yết hầu. Có quãng con nai con hổ đã có lần vọt từ bờ này sang bờ kia. Ngồi trong khoang đò qua quãng ấy, đang mùa hè mà cũng thấy lạnh, cảm thấy mình như đứng ở hè một cái ngõ mà ngóng vọng lên một khung cửa sổ nào từ cái tầng nhà thứ mấy vừa tắt phụt đèn điện”.
Gió cũng đáng sợ. Ở quãng ghềnh Hát Loóng là một vương quốc của gió phối hợp với nước, với đá, với sóng thành những cơn xoáy: nước xô đá, đá xô sóng, sóng xô gió cuồn cuộn từng luồng từng luồng cứ gùn ghè suốt năm như lúc nào cũng đòi nợ xuýt” (nợ xuýt: nợ không có cũng đòi), mà không đòi được bằng tiền thì bắt người lái đò lại và “lật ngửa bụng thuyền ra”.
Cát, vách đá, gió đều đáng sợ cả, nhưng không gì đáng sợ bằng “cát hút nước”. Chắc cái tên này không phải của tác giả đặt ra mà là của đồng bào sở tại, ít ra là từ các vị lái đò trên sông này. Nó là chỗ nước xoáy, dòng nước đương xối êm thấm, bỗng dưng không thấy vướng một vật nào nổi trên mặt nước cả mà dòng nước tới đó cứ xoáy tròn vo thành vòng rất đẹp để trũng xuống một cái lõm như cái lõm đồng tiền trên một đôi má xinh xinh. Ai ngờ đó là chỗ nguy hiểm nhất cho thuyền đi trên dòng nước. Nước ở đó ặc ặc lên như vừa rót dầu sôi vào. Tiếng nước ặc ặc ấy, có lẽ sông Đà mới có. Còn “những bè gỗ rừng đi nghênh ngang vô ý là những cái giếng hút ấy nó lôi tuột xuống. Vừa đáng sợ vừa buồn cười là thuyền mà lạc vào đó thì thuyền trồng cây chuối ngược rồi vụt biến đi, bị dìm và đi ngầm dưới lòng sồng đến mười phút sau mới thấy tan xác ở dưới khuỷu sông dưới”.
Cái đáng sợ nhất của sông Đà chưa phải là những cái đó mà là đá và thác, thác và đá thành Thạch Trận, hay nói đúng hơn, Thạch Thủy Trận.
Nguyễn Tuân dụng ý trình bày một thứ trận chiến như kiểu Bát trận đồ của Khổng Minh theo binh pháp Tôn Ngô mà Khổng Minh sáng tạo lại. Cố nhiên có pha chút hiện đại. Không có Long Xà trận nhưng có Thạch Trận. Thạch Trận cũng đủ cửa tử, cửa sinh. Không đủ Bát Trận nhưng có trận trước trận sau, trận trên trận dưới, nhiều lớp nhiều tuyến, có tiên phong có dự bị... Không có tướng trấn cửa, Nhưng Nguy Diên, Mã Siêu, Quang Hưng, Trương Bào nhưng có những tướng đá và quân nước. Đá thì “ngàn năm vẫn mai phục hết trong lòng sông, có thuyền xuất hiện là một số hòn bèn nhổm cả dậy để vồ lấy... Mặt hòn đá nào trông cũng ngỗ ngược, hòn nào cùng nhãn nhúm, méo mó”... Tưởng như chúng nằm ngồi rải rác tùy tiện, nhưng không phải. “Hình như sông đã giao việc cho mỗi hòn, sông bày Thạch Trận”, Thạch Thủy Trận.
Đá được phân công hẳn hoi. Đám tảng đám hòn chia làm ba hàng chặn ngang trên sông. “Hai hòn canh một cửa đá giữ vai trò dụ cái thuyền đôi phương vào tận tuyến giữa rồi nước sông luồng mới đánh khuýp quật vu hồi lại”. Thuyền không chịu chìm mà cứ tiến lên thì một thế trận khác lại đã sẵn bày. Tướng tá ở đây oai phong lẫm liệt. Có vẻ như các tướng trên sân khấu tuồng. Sân khấu thì hất râu, đá giáp, múa tít cây thương hay cây xà mâu, còn đây thì một tướng đá như “đang hất hàm hỏi cái thuyền phải xưng tên tuổi trước khi giao chiến”. Một tướng đá khác “lùi lại một chút và thách thức cái thuyền có giỏi thì tiến lại gần nào”. Nhưng các tuyến của Thạch Trận đều lần lượt bị chọc thủng. Các cửa tử đều chẳng nhử được thuyền. Cuối cùng, “cái thằng đá tướng đứng chắn ở cửa vào đã tiu nghỉu cái mặt xanh lè thất vọng”. Tưởng đâu như sáp bị khép vào tội trong binh pháp: quân thua chém tướng.
Hết đá đến nước, quân nước. Đá dưới nước thì ở đâu cũng không hiền. Nước vốn êm dịu. Nhưng kết thân với đá, với gió, nước trở nên hung dữ. Nước sông Đà vào loại đó, tính từ Chợ Bờ trở ngược. Chỉ lắng nghe tiếng kêu của nước cũng đã thấy ghê ghê. “Còn xa lắm mới đến cái thác dưới. Nhung đã thấy tiếng nước réo, gần lại to mãi lên”. Đâu réo có một giọng. “Lúc nghe như oán trách, rồi lại như van xin, rồi lại như là khiêu khích, giọng gầm mà chế nhạo”. Bổng dưng, không biết chuyện gì, “nó rống lên tiếng một ngàn con trâu mộng đang lồng lộn vì da cháy giữa rừng vầu rừng tre bốc lửa. Tới giữa thác thì một đằng đá chặn, một đằng nước sóng luồng nhằm thuyền mà đánh vu hồi”, đồng thời “reo hò làm thành viện". Có lúc nó reo như đun sôi lên một trăm độ muốn hất cái thuyền đang phải đóng vai một cái nắp ấm, một ấm nước sôi khổng lồ”. Nhưng không đâu tiếng nước nghe lạ như ở những cái hút, ở đó “nước ặc ặc lên như vừa rót dầu sôi vào”. Tiếng nước đã ghê, sức nước còn đáng sợ hơn. Đừng nghĩ ổ gà chỉ có trên đường bộ, đường không. Mặt sông cũng có ổ gà. “Đi vào ổ gà sông là thuyền bị giật xuống, bị dồi lên. Nước lại theo luồn. Cho thác, sông có nhiều luồng. Có luồng đi lầm vào thì chết ngay, thì cũng vẫn có thể thập tử nhất sinh như thường”. Lúc khác, nó có thể “đội thuyền lên, bám lấy thuyền như đồ vật túm thắt lưng lái đò đòi lật ngửa” ông ái cho phơi bụng “giữa trận nước vang trời thanh la bão bạt”. Nước đã thành võ sĩ thực thụ. Nó “đánh đến miếng đòn hiểm độc nhất: bóp chặt hạ bộ người lái đò, hột sinh dục vụt muốn thót lên cổ. Bây giờ thì nó là con ngựa bất kham. Nó đang tế mạnh trên sông Đà”. Thế là ông lái “nắm chặt cũ bờm sóng, ghì cương lái, phóng nhanh vào cửa sinh”. Nó đành chịu thua. Nhưng đến chỗ cái hút, nó rình sẵn, thuyền nào lơ mơ là nó rút luôn tận đá, chết không kịp ngáp. Chẳng khác gì dân gian đồn Hà Bá lên lấy gỗ.
Sông Đà quả không sai với tiếng đồn. Nó rất dừ. Cát dữ, bờ dữ, gió dữ, hút nước dữ, tập trung cái dữ là những Thạch Trận, đá và nước hùa nhau bẫy người vào chỗ chết. Tác giả đã dùng ngòi bút trăm màu và cặp mắt nhiều con ngươi của mình để có hàng tràng những hình ảnh khác nhau mà luôn luôn đặc sắc, vừa có tính trí tuệ vừa có chất tạo hình, vượt lên trên cả thủ pháp quen gọi là nhân hóa mà đi vào bản chất sâu xa nhất, độc đáo nhất của sự vật thành những trang viết biến hóa khôn lường
Bên cạnh cái dữ, chúng ta còn cảm nhận được sông Đà đẹp, sông Đà trữ tình.
Lên thác phải chống băng sào. Cái hút nước là cái đáng sợ vậy mà tưởng tượng cứ chui xuống đáy nước rồi lia máy quay phim ngược lên “cái mặt giếng mà thành giếng xây toàn bằng nước sông xanh ve một áng thủy tỉnh khối đúc dày...” thì cái hút ghê gớm kia lại trở thành cảnh đẹp không ngờ. Nhìn từ trên máy bay, sông Đà trông như cái dây thừng ngoằn ngoèo chứ không ai nghĩ rằng nó đã bao đời làm mình làm mẩy với người dân Tây Bắc. Cũng từ trên không ấy mà nhìn thì có lúc lại thấy sông Đà như “một áng tóc trữ tình, đầu tóc, chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc bung nở hoa ban, hoa gạo tháng hai và cuồn cuộn mù khói núi Mèo đốt nương xuân”. Nước sông Đà màu đẹp. “Mùa xuân dòng xanh ngọc bích chứ không xanh màu xanh canh hến của sông Gấm, sông Lô. Mùa thì nước sông Đà lừ lừ chín đỏ như da mặt người bầm đi vì rượu bữa”. Màu nọ màu kia hoàn toàn chính xác, điều đó không nói làm gì, nhưng cái áng tóc kia sao lại là áng tóc trữ tình? Dĩ nhiên đó phải là cái nhìn từ trên trời nhìn xuống và nhìn khắp lượt những từ chân tóc tới đầu tóc, nó buông nó thả, nó uốn nó quanh, nó trải, nó co - thiếu một mùi thơm của nước ướp hoa bưởi và của tuổi xuân tơ - nó là con sông mà sao nó nói bao nhiêu điều cho khách nhìn? Nó lại ẩn hiện chập chờn trong khói đốt nương (điều ấy rất nguy cho núi rừng) và mây trời bung nở trắng xóa hoa ban, đỏ hồng hoa gạo.
Tạm coi những điều trên đây là cái nhìn. Còn đây là cái cảm. Tác giả nói ngay: “Con sông Đà gợi cảm”. Mỗi người mỗi khác. Với tác giả, có lần ông nhìn nó như một cố nhân, một người thân, người thương cũ, lâu ngày mới gặp lại. Cố nhân ấy đã xuất hiện đột ngột sau một chỗ ngoặt khỏi núi thành một vết loang loáng rồi một màu nắng tháng ba Đường thi “yên ba tam nguyệt há Dương Châu” (thơ Lí Bạch trong bài Tiễn Mạnh Hạo Nhiên đi Quảng Lăng). Ôi, cái nắng tháng ba trên sông vừa khói vừa nước sáng loáng, mùa xuân đang lại, nhựa sống lên cành lên thân, lên tim, nó đẹp, nó ấm áp làm sao! Ông bạn thơ của Lí Bạch ra đi vào cái thời tiết hoa khói ấy có thấy dồn lên trong từng thớ thịt chất men xuân không thì chưa rõ, nhưng ở tác giả đoạn văn này thì ông như trộn lẫn người mình vào đám hội xuân của chuồn chuồn, bươm bướm, của nắng giòn tan trên sông, của đá ngầm xanh vọt lên mặt nước như bạc rơi thoi, của đàn hươu cúi đầu ngôn búp cỏ tranh đảm sương đêm, của sông Đà thơ mộng theo hồn Tản Đà “Dải sông Đà bọt nước lênh đênh - Bao nhiêu cảnh bấy nhiêu tình” và của cả những nương ngô mới nhú lên mấy lá ngô non đầu mùa...
Sông nước, bến bờ, tịnh không một bóng người. Bờ sông hoang dại như một bờ tiền sử, gần nhất cùng thuở Lí Trần. Đẩy cảm nghĩ lên ngược thời gian xưa sơ, bỗng dưng tác giả lại thèm một tiếng còi síplê của một chuyến xe lửa Yên Bái - Lai Châu để cho nổi niềm cổ tích tuổi xưa trở màu thành hiện đại cho cảm nghĩ gồm đủ hai chiều kim cổ. Cuối đoạn văn trữ tình này, lại là một khoảng không gian khoáng đạt của dòng nước êm đang nhớ các bạn đá ghềnh, của giọng người miền xuôi thoáng rộng, êm êm, cửa những cánh buồm mở rộng tha hồ đón gió tứ phương trên những con thuyền mình nở chứ không phải là thuyền then đuôi én, khiến cho cảm xúc tràn ra mênh mang, bất tận.
Sông Đà dữ thật nhưng sông Đà cũng rất trữ tình. Đặc biệt, sông Đà còn tạo ra những con người cho mình.
Ở đó có ông lái đò sông Đà. Ông sinh bên bờ sông Đà, uống nước sông Đà từ thuở để chỏm. Chắc chắn ông cũng đã hụp lặn trong lòng sông. Bây giờ nghỉ đò đã vài chục năm sau mười năm lên ngược xuống xuôi, cầm lái sáu chục phen, trăm phen đi về từ Lai Châu tận Hà Nội, bên nào, đá nào, luồng nào mà ông không thuộc.
Từ hình dáng bên ngoài: “Tay ông lêu nghêu như cái sào, chân ông lúc nào cũng khuỳnh khuỳnh gò lại như kẹp lây một cái cuống lái tưởng tượng, giọng ông ào ào như tiếng nước trước mặt ghềnh sông, nhỡn giới ông vòi vọi như lúc nào cũng mong một cái bến xa nào đó trong sương mù”. Cuộc sống sông nước đã rèn cho ông một “thân hình cao to và gọn quách như chất sừng chất mun”. Cũng cái nghề ấy đã biến tất thảy những lái đò sông Đà chỉ khỏe có đôi tay còn chân rất yếu, chạy rất kém. Cử chỉ của ông cũng đều theo dáng lái thuyền: ngắt lời người khác, “ông nhanh như một tay lái rẽ ngang sông miết theo luồng thác bắt chéo”.
Từ hình dáng đến hiểu biết. Lái đò, ông biết con đò. Tại sao thuyền Tây Bắc chỉ mình thon chứ không nở? Không phải vì xứ này thiếu gỗ trái lại, cũng không phải vì không biết thuyền mình nở thì chở được nhiều hàng. Phải đóng thuyền then đuôi én thì mới qua được các cửa luồng đã ọp lại còn rất hẹp. Cả chuyện cái buồm cũng vậy. Lái đò sông Đà ở miền cao thì cần sào chống, chèo bơi, cần nữa thì dây kéo, ít khi dùng buồm. Về dưới xuôi, cần buồm thì “căng hai cây sào lại thành cột buồm và căng cái mui ra làm buồm mà treo lên. Có điều chân trời Tây Bắc và sông Đà thường là vướng núi, cái buồm di động trên lườn núi, vốn không phải là hình ảnh quen mắt của người hai bờ sông Tây Bắc”. Đến con sông thì coi như ông thuộc tựa lòng bàn tay. Sông Đà, đối với ông, chỉ có ý vị đậm đà từ Chợ Bờ trở ngược.
Đời người lái đò sông Đà là một đời chiến đấu thực thụ. Cứ nghe thuật một chuyến xuống thác đủ biết. Lúc đó, thiên nhiên sông Đà là kẻ thù số một. Nhìn nó, thấy nó không “thơ đời Đường” nhàn hạ mà là một cuộc đấu tranh để giành sự sống từ tay nó về mình.
Đá bày trận như thế nào, nước reo, nước rống, nước ặc ào ra sao, luồng nước sinh có đá canh giữ cắn mật, luồng nước tử có đá dụ vào, lúc luồng ở tay trái, lúc luồng ở tay phải, mặt mày thằng tướng đá nào như thế, khi nào thì đè lên đầu luồng mà tiến, khi nào thì tóm lấy bờm sóng nước mà vượt, vững tay lái ra sao khi chung quanh tiếng sóng nước reo hò vang lừng để thanh viện... Hỗn chiến với đá với nước đến cật lực, hết hơi, tưởng như rã rời vậy mà qua xong thác, khi làn “sóng thác xèo xèo tan trong trí nhớ, sóng nước lại thanh bình thì chả ai bàn thêm một lời nào về cuộc chiến thắng vừa qua nơi cửa ải đủ tướng dữ quân tợn vừa rồi”. Hết thác, sông lại thanh bình thì lòng lái đò cũng bình yên. Chiến đấu gay go vô kể, nhưng vẫn là chuyện thường ngày, không có gì đáng hồi hộp, đáng nhớ, Sông Đà, đối với ông lái đò, quả là “một trường thiên anh hùng ca mà ông đã thuộc đến cả những dấu chấm câu và những đoạn xuống dòng”. Bản thân ông cũng sống một đời hào hùng, có điều sự hào hùng ấy là chuyện hằng ngày nên ông chẳng coi có gì đặc biệt. Ông đã khuôn người ông vào trong khổ của sông Đà và sông Đà đã rèn ông theo mẫu của mình. Cũng như anh hàng thịt heo; bởi vì không có cái gì thuộc về sông Đà mà ông không biết. Ngược lại không có cái gì ở ông mà không là hình ảnh sông Đà.
Tóm lại, đọc văn Nguyễn Tuân, nhất là tùy bút, có người đã cho như soi trong kính thiên sắc (Thiên sắc kính là đồ chơi trẻ con), chỉ mấy màu mà lắc lên bên này thì một thế giới màu, lắc bên kia lại một thế giới màu khác. Ngòi bút ông lại không chỉ bảy màu mà trăm màu. Cứ từng câu, từng chữ đã thấy thú vị, nếu người đọc chịu chú ý đến từng câu từng chữ, và nhìn thấy giá trị và công sức đã bỏ ra thường là đến bạc tóc như người xưa nói, để có được chữ ấy, câu ấy. Đọc Người lái đò sông Đà thấy rõ chủ trương của tác giả về viết văn. Từ ngữ phong phú, tìm tòi hẳn hoi, câu cú vặn vẹo đôi khi nhưng vẫn Việt Nam và nhân dân, hình ảnh ví von luôn bất ngờ, độc đáo mà chính xác, cũng không tránh những hiện thực không thanh nhã, nhưng vẫn đắc địa. Chi tiết tùy bút này đã hay, chỉnh thể của bài văn càng cho thấy sự hiểu biết khoa học đến cặn kẽ, cảm xúc riêng sâu chất sông và trội lên tất cả là một tấm lòng yêu thương con người, đất nước, yêu cái gian khổ đã vượt qua như một bản anh hùng ca, nên càng quý cái mong ước cho tương lai tươi sáng, hạnh phúc.