13/01/2018, 16:44

Phân tích tác phẩm Hai đứa trẻ (Thạch Lam) – Văn hay lớp 11

Phân tích tác phẩm Hai đứa trẻ (Thạch Lam) – Văn hay lớp 11 Phân tích tác phẩm Hai đứa trẻ (Thạch Lam) – Bài làm số 1 của một bạn học sinh giỏi văn tỉnh Lâm Đồng Truyện của Thạch Lam không có chuyện. Truyện “Hai đứa trẻ” cũng vậy. Chỉ có hai đứa trẻ từ Hà Nội chuyển về ...

Phân tích tác phẩm Hai đứa trẻ (Thạch Lam) – Văn hay lớp 11

Phân tích tác phẩm Hai đứa trẻ (Thạch Lam) – Bài làm số 1 của một bạn học sinh giỏi văn tỉnh Lâm Đồng

Truyện của Thạch Lam không có chuyện. Truyện “Hai đứa trẻ” cũng vậy. Chỉ có hai đứa trẻ từ Hà Nội chuyển về một phố huyện nghèo, trông coi một cửa hàng tạp hóa nhỏ xíu. Chiều, hai chị em ngồi trên chiếc chõng tre ngắm cảnh phố xá lúc hoàng hôn, rồi đêm đến, tuy đã buồn ngủ ríu cả mắt, hai chị em vẫn cố thức để đợi xem chuyến tàu đêm từ Hà Nội chạy qua rồi mới khép cửa hàng đi ngủ. Thạch Lam muốn tránh lối viết tầm thường là hấp dẫn người đọc bằng cốt truyện li kì, những tình tiết éo le, những cuộc tình mùi mẫn, hoặc là những xung đột gay cấn hồi hộp. “Hai đứa trẻ” hấp dẫn người đọc bằng chất liệu thật của đời sống. Cách lựa chọn chất liệu này gần với Nam Cao, Nguyên Hồng, Tô Hoài (các nhà văn hiện thực giàu tính nhân đạo), lại kích thích người đọc bằng những ước mơ, hoài bão tốt đẹp. Tinh thần lãng mạn ấy gắn với các nhà văn Nhất Linh, Khái Hưng, Hoàng Đạo. Thạch Lam có một lối văn nhẹ như cánh bướm đậu trên hoa. Bức tranh bằng ngôn ngữ của ông có thể ví với tranh lụa chứ không phải sơn dầu. Thạch Lam trước sau vẫn là một nhà văn lãng mạn. lãng mạn tích cực, đẹp.

Trong “Hai đứa trẻ” chất lãng mạn và hiện thực hòa quyện với nhau hiện ra trong bức tranh thiên nhiên của một vùng quê vào một buổi chiều ả. Rồi màn đêm dần dần buông xuống “Một đêm mùa hạ êm như nhung và thoảng qua gió mát…” thiên nhiên thì cao rộng thì cao rộng và thơ mộng. “Phương Tây đỏ rực như lửa cháy và những đám mây ánh hồng như hòn than sắp tàn”. Nhưng làng quê thì đầy bóng tối, thảm hại. “Trong cửa hàng hơi tối, muỗi đã bắt đầu vo ve”. “Đôi mắt Liên, bóng tối ngập đầy dần”. “Chỉ thấy lòng buồn man mác trước giờ khắc của ngày tàn”. Chính bức tranh đời sống rất mực chân thật vừa thấm đượm cảm xúc chữ tình này đã gây nên cảm giác buồn thương day cho người đọc. Ý nghĩa tư tưởng của truyện chủ yếu toát ra từ bức tranh đời sống phố huyện nghèo.

Dưới mắt của hai đứa trẻ, cảnh phố huyện hiện lên thật là cụ thể, sinh động, gợi cảm. Đó là cảnh bãi chợ trống trải, vắng vẻ khi buổi chợ đã vãn từ lâu. “Người về hết và tiếng ồn ào cũng mất”. Cảnh chợ tàn phơi bày sự nghèo nàn, xơ xác của đời sống phố huyện. Ống kính cần mẫn của nhà văn lia qua phố huyện: trên đất chỉ còn “rác rưởi, bỏ bưởi, vỏ thị, lá nhãn và lá mía”. Cảnh còn được miêu tả bởi khứu giác tinh tế của nhà văn “một mùi âm ẩm bốc lên, hơi nóng của ban ngày lẫn mùi cát bụi quen thuộc quá, khiến chị em liên tưởng là mùi riêng của đất, của quê hương này”. Bức tranh phố huyện trong “Hai đứa trẻ” đầy sức ám ảnh là vì những màu sắc và hương vị như thế.

Trong khung cảnh tiêu điều, buồn bã đó, hình ảnh những con người nghèo khổ, lam lũ, nhếch nhác của phố huyện hiện dần ra. Những đứa trẻ đi nhặt nhạnh những thứ rơi vãi ở bãi chợ. Mẹ con chị Tí lễ mễ đội chõng xách điếu đóm ra dọn hàng, “ngày, chị đi mò cua bắt tép; tối đến chị mới dọn cái hàng nước này…”. Gia đình bác Xẩm ngồi trên manh chiếu, cái thau sắt trắng để ở trước mặt”. Thằng con bò ra đất nghịch nhặt rác bẩn bên đường. Và hai chị em Liên với cửa hàng tạp hóa nhỏ xíu mẹ Liên dọn ngay từ khi cả nhà bỏ Hà Nội về quê vì thầy Liên mất việc. Bà cụ Thi điên điên tàng tàng mua rượu uống và cười “khanh khách” lảo đảo đi vào bóng tối. Tất cả đều là những kiếp sống lầm than, cực khổ, tàn tạ. Qua con mắt của bé Liên, tất cả cuộc sống chìm trong đêm tối mênh mông, chỉ còn ngọn đèn của chị Tí, cái bếp lửa của bác Xiêu, ngọn đèn Hoa Kỳ vặn nhỏ của Liên… tức chỉ là mấy đốm sáng tù mù, những đốm lửa nhỏ nhoi ấy chẳng làm cho phố huyện sáng sủa mà chỉ càng khiến cho đêm tối mịt mù dầy đặc mà thôi. “Tất cả phố xá trong huyện bây giờ thu nhỏ lại nơi hàng nước của chị Tí”. Hình ảnh ngọn đèn con nơi hàng nước của chị Tí chỉ chiếu sáng một vùng đất nhỏ ấy trở đi trở lại tới bẩy lần trong huyện là hình ảnh đầy ám ảnh và có sức gợi rất nhiều về những kiếp sống nhỏ nhoi, lay lắt, mù tối trong đêm đen mênh mông của cuộc đời.

Cảnh phố huyện lúc chiều tối như một khúc nhạc buồn mà điệp khúc cứ lặp lại.

Chiều tối nào mẹ con chị Tí cũng lễ mễ dọn hàng, chị em Liên lại kiểm hàng rồi tính tiền, rồi ngồi trên chõng tre ngắm cảnh. Bác phở Siêu lại gánh hàng và thổi lửa, bác Xẩm lại trải chiếu, đặt thau. Điệp khúc ấy cứ lặp đi lặp lại đơn điệu, buồn tẻ. Họ cũng lóe lên một chút hi vọng. Hi vọng là liều thuốc an thần cho những con người khốn khổ ấy. Nhất Linh cũng từng nói những người dân quê rất nghèo khổ tiền bạc nhưng rất giàu hi vọng hão “chừng ấy người trong bóng tối mong đợi một cái gì tươi sáng cho sự sống nghèo khổ hằng ngày của họ”.

Hai đứa trẻ làm sao ý thức rõ rệt được cảnh tù đọng, buồn chán, bế tắc mà chúng đang sống cũng như về những khát vọng tinh thần mơ hồ của mình. Song với tâm hồn ngây thơ, nhạy cảm, cô bé Liên cảm nhận thấm thía tuy chỉ là vô thức hiện thực đó, khát vọng đó. Chính vì khao khát được thoát khỏi cảnh tù đọng mù tối ấy mà chị em Liên đêm đêm cố thức đợi chuyến tàu đi qua. Con tàu như đã đem một chút thế giới khác đi qua, một thế giới khác hẳn đối với Liên, khác hẳn cái vầng sáng của ngọn đèn chị Tí và ánh lửa bác Siêu.

“Hai đứa trẻ” của Thạch Lam không đi sâu miêu tả những xung đột xã hội, xung đột giai cấp. Ông cũng không để tâm miêu tả những bộ mặt gớm ghiếc của những kẻ bóc lột và khuôn mặt bi thảm của những kẻ bị áp bức, vì nói cho cũng Thạch Lam là một nhà văn lãng mạn. Ông phác họa bức tranh phố huyện nghèo, chân thật trong từng chi tiết và trong chiều sâu tinh thần của nó. Bức tranh làng quê mù xám với những con người nhỏ nhoi đáng thương ấy thấm đẫm niềm cảm thương chân thành của tác giả đối với những người lao động nghèo khổ sống quẩn quanh bế tắc, tối tăm. Qua bức tranh ảm đạm của phố huyện và qua hình ảnh của những con người bé nhỏ với chút hi vọng le lói, ta thấy được mơ ước lớn của nhà văn là muốn thay đổi cuộc sống ngột ngạt đó cho những con người lao động nghèo khổ.

Phân tích tác phẩm Hai đứa trẻ (Thạch Lam) – Bài làm số 2

Thạch Lam là một cây bút thiên về tình cảm, ghi lại cảm xúc của mình trước số phận hẩm hiu của những người nghèo, những người có cuộc sống vất vả, thầm lặng chịu đựng và giàu lòng hi sinh. Những nhân vật trong truyện mang dáng dấp của tâm hồn nhạy cảm của ông, cũng như điểm nhìn của tác giả. Hai đứa trẻ là một trong những tác phẩm tiêu biểu trong chùm truyện ngắn đặc sắc của ông, những hình ảnh chi tiết trong truyện giống như một dòng sông cuốn chúng ta vào đó, và cảm nhận được những gì đang xảy ra với câu chuyện của tác giả.mọi thứ diễn ra thật nhẹ nhàng mà cũng mãnh liệt xoáy sâu vào suy nghĩ và cách cảm nhận tác phẩm của từng độc giả

Nhà văn là những người nói hộ cho hiện thực cũng có khi họ thi vị hóa cho những gì đang xảy ra xung quanh họ, từ những điều đơn giản nhất cho tới những thứ mà con người ta hay nghĩ đến,văn thơ đóng một vai trò không thể thiếu. Với ngòi bút tài hoa giàu lòng trắc ẩn, tác phẩm Hai đứa trẻ ra đời mang ý nghĩa nhân văn. Những con người xuất hiện trong tác phẩm mang một cuộc sống cơ cực nghèo khổ, cái nghèo bám lấy họ và họ không có lối thoát. Họ mong muốn có một cuộc sống sung túc, tuy không giàu có những làm sao cho cuộc sống mưu sinh đỡ vất vả. Qua đây, Thạch Lam cho ta nhìn nhận những sự khó khăn vất vả mà những con người nơi đây đang phải chống chịu. Những chi tiết trong tác phẩm tuy là miêu tả về hiện thực nhưng lại không thiếu những chi tiết sống động,lãng mạn.

Mở đầu tác phẩm là hình ảnh chiều tà,hình ảnh xuất hiện trong hầu hết các tác phẩm, là chính khoảnh khắc mà khiến con người ta nhận ra nỗi buồn nhiều nhất. Những âm thanh quen thuộc, tiếng ếch nhái, tiếng muỗi vo ve, và khung cảnh xung quanh  tác động đến tâm trạng của mỗi người.Cảnh mở đầu của tác phẩm chính là một buổi chiều tàn,bầu trời gồm những áng mây hồng, như được nhuộm một màu sắc đỏ đỏ mang một cảm giác ưu buồn và cô đơn. Thông qua sự miêu tả của một ngày tàn của Thạch Lam, thì phần nào cũng giúp người đọc nhận  ra đây là một buổi chiều buồn bã và chán nản. Thời gian bắt đầu chuyển động dần tới đêm,nhưng hình ảnh chiều tàn và hình ảnh chợ chiều tàn hiện ra càng thể hiện sự nghèo khổ và hiu hắt ở nơi đây. Những con người cân mẫn, luôn mong muốn cuộc sống của họ đầy đủ hơn,cuộc sống thật vất vả và đầy khổ cực bươn chải. Hình ảnh những con người xuất hiện trong “ Hai đứa trẻ” tuy xuất hiện không nhiều nhưng mang một nét riêng biệt,nổi bật lên đó là hình ảnh của cô gái Liên, dù còn nhỏ nhưng tâm hồn và suy nghĩ của cô thực sự như là một thiếu nữ.

Cuộc sống ở đây chìm ngập trong bóng tối và tẻ nhạt, họ sống cùng sự buồn chán và tuyệt vọng,đối với họ, họ đang sống cuộc sống tạm,một cuộc sống tĩnh lặng và không biết ngày mai sẽ như thế nào. Sau khi chợ chiều tàn, mọi người đều đi về và tiếng ồn ào cũng mất, như dấu hiệu của sự tĩnh lặng của đêm tối bắt đầu. Những rác rưởi, vỏ bưởi và hình ảnh những đứa trẻ nhặt nhạnh những thứ còn sót lại chỉ là những thanh tre thanh nứa…

Đêm bắt đầu buông xuống,  cuộc sống của một đêm ở phố huyện nghèo lại bắt đầu.Nhân vật Liên trong tác phẩm sửa soạn lại hàng trên chiếc chõng tre,mẹ con chị tí, sáng mò cua bắt ốc,tối lại mở thêm hàng nước để kiếm thêm thu nhập. Quán hàng phở cũng bắt đầu sửa soạn còn hai cha con nhà bác Sẩm thì chưa hát chưa kéo đàn vì vẫn chưa có khách nghe. Đứa con thì nhoài ra nghịch đất cát ở bên ngoài. Mọi thứ thật đơn điệu, không có một chút niềm vui của họ, chắc có lẽ họ nghĩ và hi vọng rằng, hàng quán đắt khách kiếm thêm được tiền quả là một niềm vui một niềm hạnh phúc và mang lại một cuộc sống no đủ hơn. Hình ảnh cụ Thi điên đắm chìm vào men rượu, bước đi lảo đảo, cụ sống một cuộc sống k còn tự chủ của bản thân, có hay chăng cụ tìm đến rượu để quên lãng đi tất cả đau khổ và chìm vào đó để tìm thú vui của mình.

Những con người nơi phố Huyện này, họ sống, sinh ra và lớn lên ở nơi đây. Đối với họ thì không khí im lặng, sự cô đơn và buồn chán. Nhưng với chị em Liên thì có lẽ vẫn chưa quen với sự tẻ nhạt buồn chán nơi đây,bởi hoàn cảnh đưa đẩy, bố của chị em Liên thất nghiệp phải về phố huyện để mưu sinh. Hai chị em phải nhận thức ra được điều này và làm quen dần với cuộc sống nơi đây.Hằng ngày chị em Liên và An, không những ai đứa trẻ này mà hầu hết tất cà những kiếp người nơi phố huyện điều trông chờ một thứ rất quan trọng vào môi buổi tối. Không gì khác, đó chính là thứ ánh sáng và âm thanh của đoàn tàu. Thứ ánh sáng ấy cũng một phần soi đến phố Huyện và giúp cho khu phố trở nên có ánh sáng thêm một chút, không những thế còn có những thứ âm thanh cười nói của những người hành khách trên tàu làm cho không khí im lặng của khi phố huyện có một chút thay đổi ngoài những ánh sáng tẻ nhạt và không đủ sáng như thường ngày. Những âm thanh trên đoàn tàu giúp cho chị em Liên và An gợi nhớ đến những tháng ngày ở Hà Nội,hai chị em được dẫn đi chơi,được sống một cuộc sống tươi đẹp ở chốn thành thị, ngươi đi qua lại tấp nập và được uống với những cốc nước xanh đỏ.

Ngoài ra, thứ ánh sáng và âm thanh của đoàn tàu ấy đã giúp cho những kiếp người nơi phố Huyện một phần nào đó thức tỉnh, họ dám mơ ước đến những cuộc sống ấm no và hạnh phúc, mong muốn một điều gì đó thật tốt đẹp và ý nghĩa hơn, muốn những gì mà họ khát khao và cháy bỏng bấy lai nay điều thành sự thật, chứ không phải là một thứ phù du mà chờ đợi mỏi mòn.

Những ước mơ của họ chỉ chợt lóe lên khi đoàn tàu chạy qua, cũng có khi có có ước mơ nhưng chỉ khi đoàn tàu chạy qua họ mới cảm thấy những mong muốn của họ mới trở nên lấp lánh và có hi vọng hơn. Hai đứa trẻ, một tác phẩm lãng mạn, xúc động và đầy ý nghĩa. Những kiếp người nơi phố Huyện, họ luôn là những con người mang một cuộc sống đáng thương nhưng đầy sự khát khao và cháy bỏng nhưng thật sự, những điều mà khát khao cháy bỏng đo thực ra chỉ là sự mong manh và huyền ảo.

Qua tác phẩm “Hai đứa trẻ” của Thạch Lam còn thể hiện sự khát khao to lớn của một đời người,một số phận nghèo khổ muốn vươn tới một cuộc sống tốt đẹp tuy còn khó khăn và lắm chật vật. Tài năng của Thạch Lam thông qua đó mà được bộc lô,đặc biệt là sự tinh tế tròn tả cảnh và phân tích diễn biến tâm lí nhân vật khiến truyện đi vào lòng người một cách tự nhiên nhất.

Phân tích tác phẩm Hai đứa trẻ (Thạch Lam) – Bài làm số 3

Thạch Lam là một trong những nhà văn tiêu biểu của làng văn học Việt Nam. Những sáng tác của ông không quá phô trương lòe loẹt mà thường miêu tả một cách chân thực đời sống của người nông dân, qua đó, lột tả nội tâm sâu sắc của nhân vật. Trong truyện Hai đứa trẻ, qua việc miêu tả cảnh phó huyện nghèo qua con mắt cả nhận của Liên, tác giả đã thể hiện nỗi xót thương của mình trước những số phần nghèo khổ đang tàn lụi dần.

Khung cảnh của phố huyện được tác giả miêu tả trong ba khoảng thời gian: buổi hoàng hôn, ban đêm và đêm khuya. Cảnh bao trùm lên toàn bộ các sự vật, sự việc, con người là bóng tối. Tuy vậy, vẫn lấp ló đủ mọi thứ ánh sáng. Trên cái nền sáng tối đó, tất cả như nhòe đi, lúc rõ, lúc khuất. Cũng bởi vậy, câu chuyện kể, tuy chỉ nói đến nhũng sự việc bình thường, những con người bé nhỏ… nhưng lại có sức gợi rất lớn. Nhà văn muốn nói tiếng nói về cuộc sống, cảm nhận và suy ngẫm về nó, trước hết đều bắt đầu từ những gì thân thuộc và gần gũi, sâu lắng nhất. Ta có thể lí giải điều này bằng thuở thơ ấu của Thạch Lam trôi qua ở phố huyện Cẩm Giàng êm đềm. Có lẽ, lúc viết Hai đứa trẻ, những kỉ niệm thân quen đã thành máu thịt hằn trong kí ức bừng thức dậy, xôn xao… trước một cảnh đời tương tự mà ông được chứng kiến. Vì vậy, truyện vừa thực, vừa lộ bày, vừa trữ tình, sâu lắng vọng ra từ kí ức và tâm khảm của văn nhân. Không nắm bắt được điều này, người ta dễ hiểu và đánh giá tác phẩm lệch lạc hoặc phiến diện.

Mở đầu câu truyện là hình ảnh của buổi chiều với những hình ảnh, âm thanh gợi nỗi buồn.  Âm thanh “tiếng trống thu không… vang ra để gọi buổi chiều”. Màu đỏ của mặt trời là màu của “hòn than sắp tàn” hắt vào đám mây. Và dãy tre làng đã “đen lại và cắt hình rõ rệt trên nền trời”. Tả cảnh chăng? Đúng thế! Song nếu để ý một chút, ta có thể thấy cảnh vật ở đây không vô hồn và nhà văn không vô tình tả như thế. Thực ra thì chiều gọi tiếng trống, mặt trời lặn, và đêm bắt đầu buông. Nhà văn cố tình diễn tả cảnh vật theo ý muốn chủ quan, theo sở thích dùng lối tả gián tiếp sự vật của mình. Cảnh chiều quen thuộc muôn đời ai cũng biết, nhìn đều biết… giờ đây như đọng lại, hắt lên trên giấy, pha lẫn những thoáng nhìn, thoáng cảm của Thạch Lam.

Với cách miêu tả của Thạch Lam, người đọc có cảm giác buổi chiều trôi qua thật chậm, càng làm cho nỗi buồn của nhân vật được nhân lên gấp bội lần. Buồn trong câu “Chiều, chiều rồi…” vừa như một nhận xét vừa như một tiếng thở dài nhẹ. Chiều như cảm thấy được (êm như ru): chiều tĩnh lặng qua chi tiết “văng vẳng tiếng ếch nhái kêu ran ngoài đồng ruộng theo gió nhẹ đưa vào”. Tín hiệu quê được báo hiệu bằng những âm thanh vọng lên từ nơi tù đọng “muỗi đã bắt đầu vo ve”… Cái buồn thấm vào lòng khiến người ta “buồn man mác”… mà “không hiểu sao”.

Buổi chiều qua đi, nhường chỗ cho màn đêm buông xuống và cũng là lúc công việc về đêm bắt đầu. Khép lại phiên “chợ họp giữa phố vãn từ lâu”, khép lại trong việc chị em Liên “đếm lại những phong thuốc lào, xếp vào hòm những bánh xà phòng… lẩm nhẩm tính tiền…” hay trong bóng bà lão điên “lẫn vào bóng tối, tiếng cười khanh khách nhỏ dần về phía làng…”. Trước đó, sự mở ra bắt đầu bằng câu chuyện không ăn nhập của hai chị em Liên; rồi bao nhiêu là đèn thắp lên; mấy đứa trẻ “cúi lom khom trên mặt đất tìm tòi” để “nhặt nhạnh thanh nứa thanh tre hay bất cứ cái gì có thể dùng được của các người bán hàng để lại”, mẹ con chị Tí bắt đầu dọn cửa hàng nước không biết “để bán cho ai”…

Cái mở ra và cái khép lại xen cài vào nhau như tạo ra một cuộc sống mà ta cảm nhận được là luẩn quẩn, tù đọng và ngột ngạt. Chúng là đời thường, lặp đi lặp lại đến chán ngắt. Chúng là điều có thể đem ra để mà giải thích cho nỗi buồn “không hiểu sao” của Liên.

Ánh sáng nơi phố huyện này không như ánh sáng của những nơi ồn ã, náo nhiệt, thứ ánh sáng nơi đây chỉ còn lọt qua khe cửa, lũ trẻ “tụ tập ở thềm hè, tiếng cười nói vui vẻ” vang trong đêm tĩnh. Hai đứa trẻ vẫn lặng lẽ hết nhìn trời sao rồi lại nhìn xuống mặt đất xung quanh… Những sinh hoạt trong phố huyện thu vào hoạt động của gánh phở bác Siêu “một thứ quà xa xỉ… hai chị em không bao giờ mua được”; thu vào câu chuyện chán nản do ế ẩm của hàng nước chị Tí; thu vào tiếng bật trong im lặng của tiếng đàn bầu bác Xẩm… Cái nghèo lộ khá rõ trong. đêm vắng. Chị em Liên mơ về “những cốc nước lạnh xanh đỏ” xa xưa, thằng con bác Xẩm “bò ra đất ngoài manh chiêu, nghịch nhặt những rác bẩn vùi trong cát bên đường…”. Cái tù đọng và nghèo nàn hiện rõ đến mức Thạch Lam đang kể chuyện phải kêu lên một câu tưởng như không thể có ở một người viết truyện già dặn như ông vì ý đồ chủ quan quá rõ “Chừng ấy người trong bóng tối mong đợi một cái gì tươi sáng cho sự sống nghèo khổ hàng ngày của họ”!

Cành về khuya, cảnh vật nơi phố huyện càng trở nên tĩnh lặng hơn, bỗng xôn xao, náo động bởi chuyến tàu. Liên thức chủ yếu cũng chỉ vì chuyến tàu ấy. Chuyến tàu được báo hiệu bằng “ngọn lửa xanh biếc, sát mặt đất như ma trơi” – đèn ghi. Ánh đèn khiến Liên phải thầm kêu lên “Đèn.ghi đã ra kia rồi”. Rồi tiếng còi, tiếng xe “rít mạnh vào ghi” trong tiếng reo của Liên, trong cái “dụi mắt cho tỉnh hẳn” của An. Chuyến tàu đến “như đã đem một thế giới khác đi qua”. Nó như một dấu hiệu của sự thay đổi trong ngày, thay đổi không khí tẻ ngắt đã ngự trị ở đây suốt từ lúc bắt đầu câu chuyện. Rồi chuyến tàu qua. Bác Siêu đã vào làng; chị Tí dọn đồ; vợ chồng bác Xẩm đã ngủ gục… “Liên ngập vào giấc ngủ yên tĩnh”. Bóng tối lại phủ đầy… Lần này, cũng giống như hai lần trước, bóng tối phủ lên vạn vật. Có điều khác là ở những lần trước, dù bị bóng tối bao phủ, con người vẫn còn có thể cưỡng lại bằng các hoạt dộng, còn bây giờ, bóng tối đã chiến thắng, vùi bao số phận nghèo hèn trong nó, nuốt chửng đi.

Hình ảnh bóng tối cứ lặp đi lặp lại trong tác phẩm đã trở thành một hình ảnh mang ý nghĩa là một biểu tượng. Theo sự cố ý nhấn mạnh của Thạch Lam, hình ảnh biểu tượng này có ý nghĩa gợi lên là sự tăm tối, sự tù đọng, luẩn quẩn mà những con người nghèo khó khó có thể vượt qua nổi… Nếu hiểu như vậy thì hình ảnh ánh sáng – bao nhiêu là loại ánh sáng trong truyện – chính là niềm hi vọng khó có thể dập tắt ở những con người nói trên. Hi vọng vào đâu, hi vọng vào cái gì và vào ai, “Liên không hiểu” và cả tác giả cũng không hiểu. Bởi thế, dù truyện được nhiều người coi là Thạch Lam đã chơi ánh sáng trong những trang viết của mình; song đã là trò chơi, thì dù có muốn, những trang viết của ông vẫn tràn đầy bóng tối… Ngoài đời chưa có ánh sáng nên nỗi ước mong ánh sáng càng thiết tha thì khi nó bị bóng tối lấn lướt, khiến ta càng não lòng hơn. Truyện buồn là do nguyên nhân sâu xa này. Dĩ nhiên ta có thể coi đó là một nỗi buồn đẹp, nỗi buồn bắt nguồn từ lòng nhăn ái của nhà văn tràn ra, thấm vào lòng người đọc.

Trong cái phố huyện nghèo của Thạch Lam chỉ có mẹ con chị Tí bán nước, bác phở Siêu, bà cụ Thi, vợ chồng bác Xẩm và những đứa trẻ – trạc tuổi Liên và An và bé Hơn (con bác Xẩm), và nhân vật chính trong truyện là An và Liên.

Ở đầu và cuối truyện, Thạch Lam gọi nhân vật Liên là “chị”. Trong khoảng giữa nhà văn chỉ gọi là Liên. Từ “chị” biểu lộ một sắc thái tình cảm thương mến, một đánh giá: cô bé đã lớn – lớn trước tuổi. Liên mang dáng dấp muôn thuởcủa người phụ nữ Việt Nam suốt một đời tần tảo, chịu thương, chịu khó, lo toan gánh vác việc nhà cho dù đôi vai còn gầy yếu. Mẹ tin giao cho chìa khóa tráptiền đeo vào dây xà ích ở thắt lưng, đếm tiền, kiểm hàng trong gian tạp hóa nhỏ… Cô như già dặn hơn khi biết cảm thương cho kiếp người, những đứa trẻ lang thang… nhưng đủ kinh nghiệm để “không có tiền để mà cho”… Cô đủ biết món quà xa xỉ của bác Siêu “hai chị em không bao giờ mua được”.

Tuy nhà văn đã để Liên tự nhìn cuộc sống và có những cảm nhận về cuộc sống nghèo nàn, nhưng Liên và An vẫn là hai đứa trẻ thơ. Chất trẻ thơ ở hai sinh linh bé nhỏ này được nhà văn thể hiện qua hàng loạt cái nhìn, cái cảm non tơ, bỡ ngỡ, mới mẻ của họ đối với cuộc sống xung quanh.

Tưởng như đã quá quen thuộc cảnh phố huyện chiều, đêm, khuya. Tưởng như tất cả cứ lặp đi lặp lại, tù đọng, nhức buốt lặng thầm trong cảnh vật… Song, với Liên và An, hình như họ vẫn cố tìm ở đó, tìm ở cái đời thường cái mới, cái lạ. Họ cố tìm cái gì đó ở một chiều quê buồn, “ngồi yên nhìn ra phố” dõi theo các loại đèn ở các nhà đang bừng sáng, phát hiện ra được vẻ đẹp của “cát lấp lánh”, “đường mấp mô” vì “một bên sáng một bên tối”. Họ cố xúc cảm trước “mùi âm ẩm bốc lên”, “mùi cát bụi quen thuộc” và phát hiện ra rằng vẫn có những cái lạ. Cái lạ đó là “mùi riêng của đất”, mùi vị “của quê hương”. Hòa trộn hai nét tính cách “già”, “trẻ” hay “lớn”, “bé”, Thạch Lam cũng dùng như thủ pháp hòa trộn hiện thực và mơ mộng, sáng và tối… Nhân vật của ông không rõ nét về hình dáng nhưng thật sâu ở tâm hồn.

Hai đứa trẻ đã trở thành tác phẩm mang giá trị nghệ thuật sâu sắc. Câu văn của Thạch Lam thường mềm mại, uyển chuyển, giàu hình ảnh và nhạc điệu, gọn gàng, ít khi thừa câu chữ và rất sát sự thật, sự việc. Cảnh buổi chiều lan tỏa khắp nơi: trên chòi huyện nhỏ, trên  trời, dưới lũy tre làng. Chiều gợi lên từ âm thanh (tiếng trống), từ “màu đỏ”, “hồng” của trời và mây, từ màu “đen lại” của lũy tre in trên nền trời đỏ… Chiều lãng đãng thấm vào vạn vật. Và không thể bỏ qua điều này: chiều thấm vào lòng người. Thành thử, cách nghe, cách nhìn có vẻ như chủ quan. Chữ “thu không” trong “tiếng trống thu không” Thạch Lam chuyển nghĩa thật tài tình. Vốn được hiểu như một danh từ chỉ một loại âm thanh báo hiệu thời khắc, chữ “thu không” ở đây biến theo nghĩa động từ, chỉ sự uể oải, buông lơi, lãng đãng và lan tỏa của tiếng trống khi chiều buông… Nếu tách từng câu riêng rẽ, ta thấy Thạch Lam tả rất sát sự thực các chi tiết của bức tranh chiều. Song chỉ cần gộp lại, người ta không những chỉ thấy bức tranh ấy mà còn cảm được dư vị của chất thơ mặn mà trong đó…

Các loại câu mang mục đích phát ngôn được Thạch Lam phân bố thật khéo léo. Các câu kể đều thiên về miêu tả, ít câu thuật. Bởi vậy, truyện vừa thật, vừa gợi. Gợi sự ngây thơ non trẻ của nhân vật, tác giả hay dùng những từ “tưởng là…”, “không hiểu”, “không biết”… khiến cho câu mông lung không rõ là phủ định hay khẳng định… Các câu đối thoại (phần nhiều là câu hỏi, câu cảm và một số câu cầu khiến) được nhà văn đặt “lầm” chức năng một cách cố ý. Sự cố ý ấy nhằm gợi sự rời rạc của những thông tin vốn ai cũng đã biết, giờ nhắc lên chỉ làm cho sự vật, sự việc thêm buồn mà thôi.Dưới dòng chảy của những câu văn như thế, ngầm chứa một kết cấu luẩn quẩn, xen cài, xuôi ngược, lẫn lộn nhưng lại hết sức mạch lạc. Mạch lạc theo dòng thời gian. Nhưng không khí và tâm trạng của cảnh và người thì luẩn quẩn, bóng tối và ánh sáng cài lẫn vào nhau tạo nên một vùng quê với những con người vừa thực, vừa mờ ảo; vừa tưởng như nắm bắt được, vừa thấy đã đọc mãi rồi mà vẫn như chưa hiểu hết…

Qua tác phẩm Hai đứa trẻ, cuộc sống của người lao động nơi phố huyện nghèo dần dần được hiện ra trong con mắt ngây thơ của Liên. Tác giả đã rất tinh tế khi miêu tả nội tâm nhân vật một cách sâu sắc, từ việc khai thác nội tâm nhân vật, tác phẩm để thể hiện sự đồng cảm của tác giả với những người lao động nghèo khổ, sống trong cảnh túng quẩn mà không tìm ra được lối thoát cho mình. Đó cũng là giá trị nhân đạo mà tác phẩm để lại.

Phân tích tác phẩm Hai đứa trẻ (Thạch Lam) – Bài làm số 4

Thạch Lam là gương mặt khá đặc biệt của nhóm Tự lực văn đoàn. Là thành viên của nhóm nhưng sáng tác của Thạch Lam không giống với các nhà văn khác cùng nhóm. Các nhà văn Tự lực văn đoàn thường hướng ngòi bút tới tầng lớp trí thức tiểu tư sản. Nhân vật của họ thường là những trí thức Tây học, những cô gái mới với những khung cảnh sống nên thơ, những chuyện tình yêu lãng mạn. Tiến bộ hơn, họ thể hiện sự phản kháng của những người trẻ tuổi với những nếp sống cổ hủ và những nguyên tắc phong kiến khắt khe. Nhưng nhìn chung, Tự lực văn đoàn là nhóm sáng tác thiên về cảm hứng lãng mạn tiêu cực, trốn tránh hiện thực bằng cách xây dựng nên những thế giới của ảo tưởng để tự an ủi mình. Còn Thạch Lam thì lại khác, văn Tự lực văn đoàn thường đượm nỗi buồn lãng mạn còn văn Thạch Lam lại chất chứa nỗi đau hiện thực. Ông hướng đến những con người nghèo khổ, những số phận nhỏ bé bất hạnh. Không gay gắt, cay nghiệt như Vũ Trọng Phụng, không sâu xa như Ngô Tất Tố hay hài hước như Nguyễn Công Hoan trong phản ánh hiện thực nhưng văn của Thạch Lam vẫn thể hiện những giá trị hiện thực sâu sắc.

Truyện ngắn của Thạch Lam thường giàu chất trữ tình, truyện không có cốt truyện. Nhà văn không tạo dựng những tình huống truyện éo le, gay cấn, cũng không có những xung đột thiện ác, giàu nghèo gay gắt. Truyện của Thạch Lam chỉ như những đoạn thủ thỉ tâm tình, nhẹ nhàng mà thấm thía, nhưng vẫn có giá trị phản ánh hiện thực và thể hiện những tư tưởng nhân văn sâu sắc. Hai đứa trẻ là câu chuyện về một ngày thường như bao ngày tháng khác ở một phố huyện. Nhà văn chọn bối cảnh là một ngày chợ phiên. Và thời điểm bắt đầu truyện là cảnh chợ chiều vừa tàn. Các tình tiết được kể tự nhiên theo chiều thời gian tuyến tính. Liên và An dọn hàng và bắt đầu ngồi chờ đợi chuyến tàu đêm. Cuộc sống của chị em Liên và những người dân nơi phố huyện như vợ chồng bác Xẩm, mẹ con chị Tí, bác phở Siêu đều chẳng có gì đặc biệt. Tất cả đều bàng bạc, lặng lẽ và lầm lụi. Chuyện chợ tàn, chuyện chờ đợi chuyến tàu đêm đi qua với một chút hi vọng được nhìn thấy trong một khoảnh khắc rất ngắn thứ ánh sáng sang trọng trên những toa tàu, hồi ức về những ngày sống sung sướng ở Hà Nội của hai đứa trẻ và những suy nghĩ của cô bé Liên là tất cả tình tiết cơ bản của câu chuyện. Một câu chuyện dung dị, đời thường, không tô vẽ và một lối kể chuyện như tâm tình thủ thỉ với chính mình là những nét riêng trong nghệ thuật kể chuyện của Thạch Lam ở Hai đứa trẻ.

Trong Hai đứa trẻ, nhà văn đặc biệt chú ý đến miêu tả diễn biến nội tâm nhân vật. Chính vì thế mới gọi Hai đứa trẻ là loại truyện ngắn trữ tình. Nhà văn chú ý miêu tả tâm trạng của cô bé Liên. Cảnh vật cũng được nhìn bằng ánh mắt của Liên. Là nhân vật trung tâm của truyện, những hành động của Liên không được chú tâm miêu tả. Câu chuyện như một dòng tâm trạng của nhân vật, từ khi chứng kiến cảnh chiều xuống đến khi chuyến tàu đêm đi qua. Có thể nói nhân vật Liên thuộc loại nhân vật trữ tình trong văn xuôi. Qua những cảm nhận của Liên về cảnh vật và cuộc sống xung quanh, nhà văn thể hiện một nỗi buồn thấm thía và sâu sắc về số phận con người. Nỗi buồn của cô bé Liên cứ tăng tiến dần theo sự muộn dần của đêm. Khi chợ tàn và khi nhìn cảnh chiều đến, một buổi chiều êm như ru của phố huyện, lòng Liên man mác buồn mà không rõ nguyên nhân. Khi bóng đêm bao trùm phố huyện, “một đêm mùa hạ êm như nhung”, lại càng đáng sợ hơn. Cuộc sống quá buồn tẻ. Chẳng hứa hẹn một điều gì thay đổi cả. Nỗi buồn của Liên không trực tiếp thể hiện qua ngôn ngữ mà thể hiện ở ánh mắt “trong mắt chị bóng tối ngập đầy dần”, qua tâm trạng chờ đợi chuyến tàu đêm. Cuộc sống nơi phố huyện nghèo ấy vô cùng đơn điệu, ngày hôm sau là sự lặp lại y nguyên ngày hôm trước: chị Tí lại dọn hàng nước dù chẳng hi vọng gì nhiều, vợ chồng bác Xẩm xuất hiện với chiếc đàn bầu ảo não, người nhà thầy thừa đi gọi người đánh tổ tôm… Kể cả buổi chợ đúng phiên cũng tiêu điều xơ xác, hàng họ bán chẳng được là bao. Cuộc sống tối tăm và ngột ngạt, đơn điệu và buồn tẻ. Sống trong cảnh bế tắc ấy, những người như chị em Liên đã tìm được một cứu cánh tinh thần. Họ đã hàng đêm miệt mài ngồi chờ đợi chuyến tàu đêm đi qua với chút hi vọng vô cùng mong manh. Liên và An háo hức chờ đợi chuyến tàu để được gặp lại chút ánh sáng của những ngày còn được sống sung túc. Những người bán hàng chờ đợi khách xuống tàu dù họ vẫn biết chẳng mấy khi có khách xuống ở cái ga xép này. Họ đều chờ đợi và khi chuyến tàu đi qua là một ngày đã khép lại. Chuyến tàu là nơi gửi gắm niềm hi vọng hàng đêm của họ và nó mang đến phố huyện một luồng ánh sáng mới dù chỉ trong chốc lát để họ có thể thoát ra khỏi sự yên ả đến ghê sợ của đêm. Đó là thời điểm vui nhất của chị em Liên bởi chuyến tàu là thứ ánh sáng tinh thần duy nhất để chị hồi ức lại những ngày đã qua. Chuyến tàu mang đến chút sôi động trong chốc lát nhưng cũng lại làm tăng lên cái ảm đạm và tĩnh mịch của đêm phố huyện. Qua diễn biến nội tâm của nhân vật, nhà văn đã thể hiện thật sâu sắc tấn bi kịch tinh thần của những con người nhỏ bé. Những kiếp người nhỏ bé vô danh nơi phố huyện nhỏ ấy rất dễ bị xã hội lãng quên. Tâm trạng của Liên cũng là tâm trạng chung của bao người đang phải sống trong bế tắc của những thân phận nhỏ bé, nghèo hèn. Nhà văn đã thể hiện một niềm cảm thông sâu sắc và tình thương yêu đối với những người không may mắn ấy.

Giá trị hiện thực, giá trị nhân đạo và vẻ đẹp thẩm mĩ của tác phẩm còn được thể hiện ở nghệ thuật lựa chọn và sáng tạo chi tiết của tác giả. Chọn những chi tiết có sức gợi tả cùng với thủ pháp nghệ thuật đối lập, tương phản, nhà văn đã khắc hoạ thành công cảnh nghèo và cảnh sống buồn tẻ, bế tắc của người dân nơi phố huyện nghèo thời kì trước Cách mạng. Miêu tả sự nghèo nàn, tàn tạ, tác giả không tả nhà cửa, cửa hàng hay cảnh làm ăn, sinh hoạt mà chọn tả cảnh chợ tàn với hình ảnh “mấy đứa trẻ con nhà nghèo ở ven chợ cúi lom khom trên mặt đất đi lại tìm tòi. Chúng nhặt nhạnh thanh nứa, thanh tre, hay bất cứ cái gì có thể dùng được của người bán hàng để lại…”. Nhưng chắc rằng chúng khó kiếm được gì bởi những thứ còn bỏ lại ở chợ chứng tỏ đây là miền quê chẳng giàu có gì. Cảnh chợ tàn bao giờ cũng gợi buồn và càng tàn tạ hơn với cảnh một phiên chợ chiều nghèo khó. Chỉ với những chi tiết nhỏ vậy thôi, cách tả của Thạch Lam làm cho người ta thấy buồn thấm thía. Khi miêu tả sự nghèo đói, Ngô Tất Tố để chị Dậu phải bán chó, bán con thậm chí có nguy cơ phải bán mình. Nguyễn Công Hoan để vợ chồng anh Pha phải rơi vào bước đường cùng, Nam Cao để Chí Phèo, để nhà văn Hộ phải đánh mất cả nhân cách của mình. Sự đói khổ huỷ hoại cả thể xác và linh hồn con người. Thạch Lam thì khác. Nhẹ nhàng nhưng thấm thía, nhà văn trữ tình này để cho cuộc sống tự nó bộc lộ và bản chất xã hội tự nó thể hiện mình mà vẫn phản ánh được bộ mặt thật của hiện thực. Cái độc đáo trong lựa chọn chi tiết của Thạch Lam là như vậy. Chỉ bằng chi tiết mà tái hiện được cả bộ mặt hiện thực.

Nghệ thuật lựa chọn chi tiết còn được thể hiện khi miêu tả cảnh đêm. Nhà văn đã dùng ánh sáng để miêu tả bóng tối. Ánh sáng ngọn đèn dầu ở hàng nước chị Tí, ở gánh phở của bác phở Siêu làm nổi bật sự mênh mông của đêm tối ở làng quê. Nghệ thuật tương phản làm người đọc cảm nhận rõ hơn sự mênh mông của đêm tối. Còn ánh sáng đoàn tàu vụt qua trong thoáng chốc với những ồn ào và sôi động của nó càng tăng thêm sự tĩnh mịch, tăm tối và buồn tẻ nơi phố huyện nghèo. Và ánh sáng ngọn đèn dầu của chị Tí chập chờn đi vào giấc ngủ của Liên – hình ảnh kết thúc câu chuyện- đã để lại một niềm day dứt, một dư âm cho tác phẩm.
Nhẹ nhàng và tinh tế, Thạch Lam đã vẽ lên một bức tranh đầy sức gợi về một phố huyện nghèo. Qua tâm trạng của Liên, cuộc sống của hai chị em và người dân nơi phố huyện ấy, nhà văn không chỉ phản ánh hiện thực mà còn thể hiện một tư tưởng nhân văn có giá trị lâu dài. Trước hết, tác phẩm là bức tranh chân thực về đời sống phố huyện nghèo với những kiếp người nhỏ nhoi, tội tình (hai đứa trẻ, chị bán hàng nước ban ngày đi mò cua xúc tép, vợ chồng người hát xẩm…). Chẳng có gì đảm bảo cho tương lai của họ. Phía trước họ càng nhìn càng tối, ánh sáng của hi vọng dù có nhưng chỉ le lói ở chính nơi họ ngồi. Hiện thực thì nghèo khó, không gì hứa hẹn ở tương lai, những con người nhỏ bé ấy sống như thế nào. Họ gửi gắm ước mơ vào chuyến tàu đêm với một luồng ánh sáng phù hoa tan biến rất nhanh. Qua việc tả cảnh kiên trì hàng đêm chờ tàu qua rồi mới dọn hàng, mới đi ngủ của những con người ấy, nhà văn muốn thể hiện một tư tưởng nhân văn. Đó là khẳng định sự bất diệt của khát vọng, ước mơ. Cuộc sống dù nghèo khổ, tăm tối và bế tắc đến đâu cũng không thể dập tắt được hi vọng và khát vọng của con người.

Tác phẩm đã thể hiện tình thương yêu vô bờ và sự trân trọng của nhà văn đối với những thân phận nhỏ bé trong xã hội. Một cốt truyện nhẹ nhàng nhưng giá trị thật sâu sắc và thấm thía. Với một con đường rất riêng, ngòi bút của Thạch Lam đã đánh thức lòng trắc ẩn trong tâm hồn mỗi con người và làm nảy sinh ở họ những tình cảm nhân văn cao đẹp.

Hồng Loan tổng hợp

Từ khóa tìm kiếm:

  • Phân tích tác phẩm hai đứa trẻ
  • giai bai tap ngu van lop 11
  • phân tích bài hai đứa trẻ
  • phan tich tac pham hai dua tre
  • phan tich bai hai đứa trẻ

Bài viết liên quan

  • Thuyết minh về danh lam thắng cảnh Đà Lạt – Văn hay lớp 9
  • Phân tích tác phẩm Tự tình – Hồ Xuân Hương – Văn hay lớp 11
  • Tả một ngõ phố – nơi ở của gia đình em – Văn hay lớp 2
  • Phân tích tác phẩm Uy-Lít-Xơ trở về – Văn hay lớp 10
  • Tả cây hoa giấy – Văn hay lớp 4
  • Phân tích tác phẩm Câu cá mùa thu (Thu điếu) – Văn hay lớp 11
  • Phân tích tác phẩm Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ (Đặng Trần Côn) – Văn hay lớp 10
  • Thuyết minh về cây tre – Văn hay lớp 8
0