03/06/2017, 23:31

Phân tích phẩm chất anh hùng của các nhân vật trong truyện ngắn Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành.

Nguyễn Trung Thành là nhà văn quân đội, quê ở Quảng Nam. Năm 1950, đang học bậc trung học phổ thông, ông gia nhập quân đội và lên hoạt động ở chiến trường chính của Liên khu V (Tây Nguyên). Sau một thời gian ở đơn vị chiến đấu, ông làm phóng viên báo Quân đội nhân dân Liên khu V và lấy bút danh ...

Nguyễn Trung Thành là nhà văn quân đội, quê ở Quảng Nam. Năm 1950, đang học bậc trung học phổ thông, ông gia nhập quân đội và lên hoạt động ở chiến trường chính của Liên khu V (Tây Nguyên). Sau một thời gian ở đơn vị chiến đấu, ông làm phóng viên báo Quân đội nhân dân Liên khu V và lấy bút danh Nguyên Ngọc. Trong cả hai cuộc kháng chiến ông gắn bó mật thiết với chiến trường Tây Nguyên. Nhà văn gần gũi thấu hiểu cuộc sống và tinh thần quật khởi, hiên ngang, bất khuất, yêu chuộng hào bình ...

Trước hết, chúng ta hãy tìm hiểu bối cảnh lịch sử trong truyện. Cuộc chiến tranh cục bộ bắt đầu ở miền Nam nước ta (1965). Thủy quân lục chiến Mĩ ồ ạt đổ bộ vào bờ biển Chu Lai (Quảng Nam). Kẻ thù quyết tiêu diệt bằng được lực lượng cách mạng. Chúng dùng mọi âm mưu, thủ đoạn – nhất là chém giết không thương tiếc – để gây đau đớn, tổn thất nặng nề cho đồng bào miền Nam. Do đó, muôn người như một, thà chết chứ không chịu làm nô lệ, nhân dân miền Nam đứng dậy dùng bạo lực trả lời bạo lực.
 
Tại một làng nhỏ ở Tây Nguyên, toàn thể dân làng “tức nước vỡ bờ” nên đồng tâm hiệp lực nổi dậy tiêu diệt kẻ thù: “Chúng nó đã cầm súng, mình phải cầm giáo” (lời nhân vật cụ Mết).
 
Mặt khác, chúng ta còn cảm nhận được tình yêu quê hương, đất nước rất sâu nặng qua thiên truyện Rừng xà nu. Đó là tình cảm yêu thương, gắn bó với bản làng, với núi rừng Tây Nguyên của dân làng Xô Man. Đó là lòng căm thù giặc sâu sắc, không khuất phục trước kẻ thù. Đó là lòng trung thành với cách mạng, tin tưởng tuyệt đối vào sự thắng lợi của cách mạng. Nhiều người đi theo cách mạng mà không hề sợ gian khổ, hi sinh, mất mát.
 
Hơn nữa, trong thiên truyện, nhiều nhân vật có phẩm chất anh hùng hiện lên rất cao đẹp. Ở đây, chúng ta quan tâm đến sáu nhân vật.
 
Một là nhân vật cụ Mết. Cụ là người đại diện cho vẻ đẹp thế hệ cha anh đã trải nghiệm nhiều trong đấu tranh, giàu kinh nghiệm khi đối diện với quân thù (từ thời kháng chiến chống Pháp đến kháng chiến chống Mĩ). Cụ là người mưu trí, sáng suốt. Cụ là biểu tượng cho sức mạnh tinh thần và vật chất có tính truyền thống và cũng là cội nguồn của dân tộc Xô Man, của cộng đồng.. Chính cụ đã tìm ra chân lí dùng bạo lực để đấu tranh tiêu diệt quân thù: “Chúng nó đã cầm súng, mình phải cầm giáo”. Cụ là cái gạch nối giữa đồng bào và Đảng. Cụ đã thôi thúc, lãnh đạo dân làng đứng lên quật khởi: “Thế là bắt đầu rồi! Đốt lửa lên! Tất cả người già, người trẻ, người đàn ông, người đàn bà, mỗi người phải tìm lấy một cây giáo, một cây mác, một cây vụ, một cây rựa. Ai không có thì vót chông, năm trăm cây chông. Đốt lửa lên!”.
 
Hai là nhân vật anh Quyết. Anh là đại diện của Đảng, là linh hồn của cuộc đấu tranh. Anh đã đến, dìu dắt, hướng dẫn dân làng Xô Man giác ngộ cách mạng. Sống ở rừng sâu nước độc nhưng anh không nề khổ nhọc. Anh hết lòng dạy Tnú và Mai học chữ…Anh có quan niệm rất đúng đắn: “Không học chữ sao làm cán bộ giỏi”. Chính anh đã góp phần đào tạo, giác ngộ được một anh hùng bất khuất Tnú trong tương lai.
 
Ba là nhân vật Tnú. Anh tiêu biểu cho số phận và ý chí của dân làng. Anh hang hái đi đầu trong phong trào đồng khởi, hiên ngang đối diện với kẻ thù, với cái chết. Khi bị gặc bắt, lấy ra một nhúm giẻ lau đã tẩm dầu xà nu, quấn giẻ lên mười đầu ngón tay Tnú, lấy lửa đốt, Tnú không kêu lên một tiếng nào mà trợn mắt nhìn kẻ thù trừng trừng:
 
“Anh không cảm thấy lửa ở mười đầu ngón tay nữa. Anh nghe lửa cháy trong lồng ngực, cháy ở bụng. Máu anh mặn chat ở đầu lưỡi. Răng anh đã cắn nát môi anh rồi. Anh không kêu lên (…). Tnú không thèm, không them kêu van”. Hành động chịu đựng ấy rất dũng cảm, ngoan cường, gan góc. Mặc dù phải chứng kiến tận mắt kẻ thù giết hại vợ con. Mặc dù mỗi ngón tay chỉ còn hai đốt nhưng Tnú vừa vượt lên đau đớn, bi kịch cá nhân hang hái tham gia bộ đội Giải phóng để trả thù cho quê hương và những người thân.
 
Bốn là nhân vật Mai. Mai là đại diện cho vẻ đẹp thế hệ thanh niên. Tuy là nữ giới nhưng đã sớm giác ngộ lí tưởng cách mạng của Đảng. Phút lâm nguy, khi giáp mặt với bầy lang sói hung tợn, chẳng chút run sợ. Cô “ngửng đôi mắt lớn nhìn thằng Dục” để tỏ thái độ căm thù. Thằng Dục xem cô là “con mọi cộng sản”, “con cọp cái”, là cơ sở để “dụ được con cọp đực trở về”. Nó cầm một cây gậy sắt dài tra tấn đánh đập mẹ con Mai. “Trận mưa cây sắt mỗi lúc dồn dập”. Đến khi trút hơi thở cuối cùng dưới bàn tay đẫm máu của bọn mặt người dạ thú cô vẫn một mực trung thành với cách mạng, không khai báo nửa lời.

Năm là nhân vật Dít. Cũng như Mai, Dít là đại diện cho thế chủ lực đánh Mĩ ở Tây Nguyên. Là cô bí thư chi bộ dũng cảm, gan góc không kém gì Tnú. Khi cả làng bị giặc ở đồn Bắc Hà bao vây, không ai lọt ra được, ngoại trừ lúc ấy Dít còn nhỏ, lanh lẹn, cứ sẩm tối lại bò theo máng nước đem gạo ra rừng cho cụ Mết, Tnú và thanh niên. Dít bị giặc bắt hi ở ngoài rừng về. Bọn giặc để Dít ở giữa sân, lên đạn tôm xông rồi từ từ bắn từng viên một, không bắn trúng, đạn chỉ sượt qua tai, sém tóc, cày đất quanh hai chân nhỏ. Cái váy của Dít rách tượt từng mảng. Dít khóc thét lên nhưng rồi đến viên thứ mười thì chìu nước mắt, từ đó im bặt. Dít đứng lặng giữa bọn lính. Cứ mỗi viên đạn nổ, cái thân hình mảnh dẻ lại giật lên một cái nhưng đôi mắt vẫn nhìn bọn giặc bình thản lạ lùng. Vậy là, không khủng bố được tinh thần Dít, bọn giặc đành chịu! Còn khi chị Mai và đứa con bị giặc giết chết một cách dã man, mọi người, kể cả cụ Mết đều chứa chan nước mắt nhưng mà Dít vẫn “lầm lì, không nói gì cả, măt ráo hoảnh”. Không phải là cô không thương chị, thương cháu nhưng đó chỉ là cử chỉ nuốt hận trong lòng, nuôi khối hận ngày một khôn lớn theo lứa tuổi của cô để một ngày kia, có cơ hội sẽ rửa thù! Khi lớn lên, cô trở thành một bí thư chi bộ xã kiên cường.
 
Sáu là nhân vật bé Heng. Heng là một tiểu anh hùng, là đại diện cho vẻ đẹp của thế hệ măng non núi rừng Tây Nguyên. Bé Heng « cũng ít nói như những người dân làng Xô Man » nhưng bên trong chắc gì không âm ỉ mối thù giặc Mĩ như thế hệ đàn anh ? Nó không sợ nguy hiểm. Nó là người dẫn đường cho Tnú về thăm làng mà nếu không có nó, Tnú chẳng dám đi một mình. « Con đường ấy chằng chịt hầm chông, hố chông, cứ mười phút gặp một giàn thò (một loại bẫy) chuẩn bị sẵn, cần thò căng như dây ná, đánh một phát chặt gãy đôi ống quyển, lưỡi thò từng đôi, từng đôi gác lên giàn, sắc lạnh ». Khi tới chỗ « ác chiến điểm » nó nhìn Tnú « cười một cách rất liếng », « mắt lóe lên một tia sáng nhỏ » bày tỏ niềm tự hào mãnh liệt về công cuộc cách mạng của dân làng. Mai này trưởng thành, chắn chắn bé Heng sẽ tiếp tục thế hệ cha anh.
 
Tóm lại, mỗi nhân vật trên đây đều có những vẻ đẹp anh hùng khác nhau nhưng họ đều là những người đại diện cho nhân dân, cộng đồng. Họ là những hình mẫu tiêu biểu của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam trong những năm kháng chiến chống Mĩ cứu nước.

oranh11

0 chủ đề

23755 bài viết

Có thể bạn quan tâm
0