11/01/2018, 01:28

Phân tích nhân vật Mã Giám Sinh trong đoạn thơ: Mã Giám Sinh mua Kiều ( bài 2).

Phân tích nhân vật Mã Giám Sinh trong đoạn thơ: Mã Giám Sinh mua Kiều ( bài 2). Nguyễn Du đã sử dụng bút pháp nghệ thuật hiện thực, lựa chọn những chi tiết tiêu biểu nhất, đặc sắc nhất về trang phục, dáng vẻ, cử chỉ, ngôn ngữ, cách mua bán...để khắc hoạ tính cách nhân vật Mã Giám Sinh. ...

Phân tích nhân vật Mã Giám Sinh trong đoạn thơ: Mã Giám Sinh mua Kiều ( bài 2).

Nguyễn Du đã sử dụng bút pháp nghệ thuật hiện thực, lựa chọn những chi tiết tiêu biểu nhất, đặc sắc nhất về trang phục, dáng vẻ, cử chỉ, ngôn ngữ, cách mua bán...để khắc hoạ tính cách nhân vật Mã Giám Sinh.

     Đoạn trích "Mã Giám Sinh mua Kiền " là đoạn mở đầu trong đoạn đời 15 năm trời lưu lạc đau khổ của nàng Kiều. Đoạn thơ dài 34 câu, từ câu 619 đến câu 652 trong “Truyện Kiều".

Đoạn thơ làm sống lại một cảnh mua bán người thời trung cổ, thể hiện bút pháp nghệ thuật tự sự và tả người của thi hào Nguyễn Du. Nét đặc sắc nhất là nghệ thuật miêu tả và khắc hoạ nhân vật Mã Giám Sinh.

Trước cảnh gia biến, Kiều là đứa con chí hiếu quyết bán mình chuộc cha thoát khỏi vòng tù tội:

Hạt mưa sá nghĩ phận hèn,

Liền đem tấc cỏ, quyết đền ba xuân.

Khách đến mua Kiều là “người viễn khách " được mụ mối đưa vào để “vấn danh", để ăn hỏi và xin cưới! Cách giới thiệu có vẻ trang trọng. Phải chăng "viễn khách đi tìm người đẹp để” cầu hôn?.

"Gần miền có một mụ nào,

Đưa người viễn khách tìm vào vấn danh”

Khách tự giới thiệu mình là kẽ sĩ - sinh viên trường Quốc tử giám, chỉ nói họ không xưng tên, rất kiểu cách quý tộc: sau đó giới thiệu quê hương bản quán: huyện Lâm Thanh cũng gần”. Hai chữ "rằng" nối tiếp nhau xuất hiện biểu lộ một thái độ kiêu kì coi thiên hạ bằng nửa con mắt. Khẩu ngữ đối đáp của “viễn khách " vừa hợm hĩnh vừa thô lậu, khiếm nhã:

“Hỏi tên, rằng: Mã Giám Sinh

Hỏi quê, rằng: Huyện Lâm Thanh cũng gần”

 Đọc “Truyện Kiều" ta mới thấu tỏ nguồn gốc "viễn khách”. Y với mụ Tú Bà là những kẻ "Làng chơi đã trở về già hết duyên”. Sống ở Lâm Truy "Quanh năm buôn phấn bán hương đã lề”. Sinh viên trường Quốc tử giám, huyện Lâm Thanh cũng gần " mà Mã Giám Sinh tự giới thiệu chỉ là một sự khoe mẽ, bịp bợm. Viễn khách chỉ là một kẻ buôn thịt bán người “Quen mồi lại kiếm ăn miền nguyệt hoa”

Đây là bức chân dung truyền thần tên lái buôn họ Mã:

"Quá niên trạc ngoại tứ tuần,

Mày râu nhẵn nhụi, áo quần bảnh bao”

Nhân cách y hé lộ dần. Cái "nhẵn nhụi ” của mày râu gợi lên một ấn tượng dung tục, tầm thường: cái “bảnh bao " của áo quần biểu lộ một tính cách giả dối. "Mày râu nhẵn nhụi ” và "áo quần bảnh bao” là hai hình ảnh, hai nét vẽ châm biếm Mã Giám Sinh “vẫn là một đứa phong tình đã quen”.

Lần đầu Kim Trọng gặp Thúy Kiều, người đẹp có bao giờ quên được hình ảnh văn nhân:

"Đề huề lưng túi gió trăng

Sau lưng theo một vài thằng con con”

“vài thằng con con" là những chú tiểu đồng đáng yêu. Mã Giám Sinh cũng có “thầy - tớ", cũng có “trước - sau", ra vẻ sang trọng, lên bộ quan dạng, mỗi bước đi là có kẻ đón người đưa, có kẻ hầu người hạ. Nhưng giữa thầy và tớ của ông khách viễn phương này sao mà "lao xao” ồn ào, lộn xộn, không chút lễ giáo, thiếu nền nếp đáng khinh:

“Trước thầy sau tớ lao xao ”

Mới được mụ mối "rước vào lầu trang", cách ứng xử, cách đứng ngồi của Mã Giám Sinh càng bộc lộ tư cách của kẻ hạ lưu lại còn hợm mình lên mặt:

"Nhà băng đưa mối rước vào lầu trang,

Ghế trên ngồi tót sỗ sàng”.

Cái lối "ngồi tót” là cách ngồi của bọn con buôn, của 'phường buôn thịt ”, của “quân buôn người ”! Cái cử chỉ: sỗ sàng là cử chỉ của những kể thiếu nhân cách vừa thiếu lễ độ, lịch sự vừa thiếu tự trọng. Hắn coi thường phẩm giá con người. Kẻ chỉ biết “kiếm ăn miền nguyệt hoa” mới có lối "ngồi tót” và cử chỉ “sỗ sàng” ấy!

Mã Giám Sinh là một kẻ buôn thịt bán người lọc lõi , “Quanh năm buôn phấn bán hương đã lề ". Khi mụ mối , “vén tóc, bắt tay" món hàng thì hắn "cân sắc" rồi “cân tài", hắn "ép", hắn “thử”, hắn bắt Kiều , đánh đàn, làm thơ một cách “đắn đo" suy tính kĩ càng. Người “quốc sắc thiên hương" đối với hắn chỉ là một món hàng:

“Đắn đo cân sức cân tài,

Ép cung cầm nguyệt, thứ bài quạt thơ".

Và chỉ sau khi đã “mặn nồng một vẻ một ưu ", Mã Giám Sinh mới “tuỳ cơ dặt dìu" mua bán. Tuy nói là "mưa ngọc”, tuy lên giọng cao sang nhưng vẫn “cò kè" lúc thì "bớt một", lúc thì “thêm hai". Thời gian mặc cả người đẹp đã kéo dài mãi đến “giờ lâu" mới “ngã giá":

“Cò kè bớt một thêm hai,

Giờ lâu ngã giá vàng ngoài bốn trăm”

Cảnh "Mã Giám Sinh mua Kiều ” đã thể hiện cái tâm và cái tài của Nguyễn Du. Qua nhân vật Mã Giám Sinh, nhà thơ đã tố cáo, lên án và khinh bỉ, phường bán thịt, quân buôn người ” trong xã hội thối nát. Tài sắc của người phụ nữ trở thành một món hàng, nhân phẩm họ bị chà đạp xuống vũng bùn nhơ! Câu thơ “Tiền lưng đã sẵn, việc gì chẳng xong!" là một lời kết án đanh thép những kẻ bất lương làm giàu trên thân xác người phụ nữ.

Nguyễn Du đã sử dụng bút pháp nghệ thuật hiện thực, lựa chọn những chi tiết tiêu biểu nhất, đặc sắc nhất về trang phục, dáng vẻ, cử chỉ, ngôn ngữ, cách mua bán...để khắc hoạ tính cách nhân vật Mã Giám Sinh. Hắn là một kẻ phong tình, giả dối, bủn xỉn, thuộc “Tuồng vô nghĩa, ở bất nhân” như Tú Bà đã hạ nhục hắn.

Chữ nghĩa dưới ngòi bút thi hào có một ma lực ghê gớm, tạo nên những nét vẽ sắc sảo như: nhẵn nhụi, bánh bao, lao xao, ngồi tót, sỗ sàng, dặt dìu, cò kè... Hình ảnh nhân vật Mã Giám Sinh trong “Truyện Kiều” đã trở thành một điển hình cho bọn "buôn phấn bán hương”  trong xã hội, góp phần tô đậm giá trị hiện thực của áng thơ kiệt tác này.

Trích: loigiaihay.com

0