26/04/2018, 15:54

Phân tích nét đặc sắc về nội dung và nghệ thuật trong hai bài thơ Qua đèo Ngang và Chiều hôm nhớ nhà của Bà Huyện Thanh Quan.

Qua hai tác phẩm Qua đèo Ngang và Chiều hôm nhớ nhà Bà Huyện Thanh Quan đã khẳng định tài hoa thơ phú của mình. Hai bài thơ chứa một niềm tâm sự hoài cổ, nuối tiếc thời xưa được thể hiện qua nghệ thuật miêu tả cảnh để bộc lộ tình của tác giả. ...

Qua hai tác phẩm Qua đèo Ngang và Chiều hôm nhớ nhà Bà Huyện Thanh Quan đã khẳng định tài hoa thơ phú của mình. Hai bài thơ chứa một niềm tâm sự hoài cổ, nuối tiếc thời xưa được thể hiện qua nghệ thuật miêu tả cảnh để bộc lộ tình của tác giả.

      Bà Huyện Thanh Quan là một nữ thi sĩ nổi tiếng trong thời kỳ cuối thế kỉ XVIII đầu thế kỉ XIX. Bà sáng tác thơ rất ít nhưng hầu hết những tác phẩm của bà đều có giá trị to lớn. Đặc biệt qua hai bài thơ Qua đèo Ngang và Chiều hôm nhớ nhà, bà đã bộc lộ tài năng độc đáo của mình: sâu lắng, hoài cổ, buồn nhớ trong nỗi niềm tâm sự cùng với nghệ thuật đặc sắc "tức cảnh sinh tình" thật trang nhã, đầy hình tượng.

Trước hết, điểm nổi bật trong thơ Bà Huyện Thanh Quan là nghệ thuật "tả cảnh ngụ tình" với ngôn ngữ thật quý phái mà đượm buồn. Ở cả hai bài thơ, ta đều bắt gặp một quang cảnh buồn, hoang vắng, cô tịch. Đó là cảnh buổi hoàng hôn tím sẫm, cái khoảng không gian và thời gian buồn, gợi nhớ nhất trong một ngày. Cảnh đèo Ngang bóng xế tà tịch mịch, rồi cảnh trời bảng lảng bóng hoàng hôn. Nếu chứng kiến cảnh hoàng hôn ấy, có lẽ ai cũng có tâm trạng buồn, cảm nhận cái buồn chứ không riêng gì với nhà thơ nữ nhạy cảm như Bà Huyện Thanh Quan. Ở đây, sự vật lại quá vắng vẻ, hoang lạnh, cô đơn. Nếu ở Đèo Ngang, tác giả chỉ thấy:

Cỏ cây chen đá, lá chen hoa

thì ở cái buổi chiều hôm nhớ nhà ấy cũng vẫn hoang vắng đến lạnh lùng:

Tiếng ốc xa đưa vẳng trống dồn

Đó là âm thanh duy nhất gợi cho ta cảm giác rõ rệt về âm thanh. Ta nghe thấy tiếng ốc nhưng nó lại quá xa xôi: xa đưa, lúc nhặt lúc khoan nghe càng buồn tẻ. Cái âm thanh đó chỉ làm sâu thêm nỗi lạnh lẽo của bà Huyện. Ở cả hai bài thơ, ta cùng bà Huyện chỉ thấy, chỉ nghe được cái quang cảnh buồn vắng ấy, cái âm thanh mơ hồ ấy, gợi một nỗi u hoài mênh mang.

Cả hai bài thơ đều có hình ảnh con người nhưng chỉ thoáng bóng thôi, và quang cảnh chỉ có thế. Đó là những người dân lao động nghèo, vất vả làm ăn, sinh hoạt của họ thật tẻ nhạt, thiếu sinh động:

Lom khom dưới núi tiều vài chú

Lác đác bên sông chợ mấy nhà

(Qua đèo ngang)

Và:

Gác mái ngư ông về viễn phố

Gò sững mục tử lại cô thôn

(Chiều hôm nhớ nhà)

Bà Huyện đã sử dụng biện pháp đảo ngữ ở mức cao nhất nhằm làm nổi bật bóng dáng con người trong cảnh, nhưng cảnh vẫn buồn, vẫn cô tịch, vẫn đìu hiu. Bởi vì buổi hoàng hôn là lúc mọi hoạt động của con người đã lắng xuống, không còn sôi động như mọi thời điểm khác. Vả lại, ở đây vắng vẻ quá, chỉ có tiều vài chú, chợ mấy nhà; ngư ông lại ở mãi tận "phố xa"... Vì thế Bà Huyện Thanh Quan không thể vui vẻ, không thể hững hờ trước cảnh được. Mà vì "tức cảnh" bà đã bộc lộ nỗi niềm mãnh liệt nhất và sâu kín nhất trong tâm hồn bà.

Nhưng nỗi niềm tâm sự đó là gì? Đó là nỗi u hoài, nỗi nhớ sâu lắng ẩn trong tâm hồn bà. Bà nhớ về thời xa xưa, thời kỳ vàng son của chế độ phong kiến, thời kỳ mà bà cho là tốt đẹp. Bà luôn hoài cổ để chối bỏ thực tại và bày tỏ sự chán ghét thực tại. Đó là nỗi nhớ nước, nhớ nhà bà luôn giấu kín trong lòng. Trước cảnh vật quá phù hợp với tâm trạng mình, bà bộc lộ:

Nhớ nước đau lòng con quốc quốc

Thương nhà mỗi miệng cái gia gia

(Qua đèo Ngang)

Bước qua đèo Ngang, vào buổi chiều tịch mịch, bà nghe được tiếng chim quốc kêu và cảm nhận nó ứng với tâm trạng mình. Tâm trạng của người mất nước, luôn níu giữ những hoài niệm xưa? Tiếng cuốc kêu như cũng ứng với tiếng gọi tha thiết, mãnh liệt nhất trong tâm tư tình cảm của bà, tiếng gọi gửi về đất nước? Còn tiếng gia gia như gợi nhớ niềm thương gửi về cố hương xa xôi. Nhất là trước cảnh chiều tả gợi nhớ này.

Ngàn mai gió cuốn chim bay mỏi

Dặm liễu sương sa khách bước dồn

(Chiều hôm nhớ nhà)

Chiều xế bóng, mặt trời sắp từ giã trời xanh, ngay cả những chú chim cũng mỏi cánh, bay về tổ, những người đi đường vội vã về nhà. Chí có Bà Huyện Thanh Quan nhớ lắm, thương lắm, muốn gặp lại cố hương nhưng đành bất lực, bởi vì:

Kẻ chốn Chương Đài người lữ thứ

Lấy ai mà kể nỗi hàn ôn

(Chiều hôm nhớ nhà)

Bà xa cách với quê hương quá, cũng như xa cách với thời đại ngày xưa. Thế nên khi dừng chân lại ngắm cảnh đèo Ngang, bà đã thổ lộ:

Một mảnh tình riêng ta với ta

Mảnh tình riêng đó chỉ riêng bà và cảnh biết thôi. Bà và cảnh tuy hai mà một bởi vì có chung một tâm trạng. Trước cảnh, bà bộc lộ được niềm tâm sự của mình, một tâm sự hoài cổ, đầy nuối tiếc, muốn níu giữ những kỉ niệm xa xưa. Chính nét đặc sắc đó về nội dung cũng như nghệ thuật "tức cảnh sinh tình" trong thơ bà đã nâng bà vượt lên, có một phong cách riêng, không thể lẫn vào đâu được với những Hồ Xuân Hương đầy trần tục mà rất Việt Nam, Nguyễn Du mang tư tưởng định mệnh... Tóm lại bà có một phong cách thơ rất đặc biệt.

Qua hai tác phẩm Qua đèo Ngang và Chiều hôm nhớ nhà Bà Huyện Thanh Quan đã khẳng định tài hoa thơ phú của mình. Hai bài thơ chứa một niềm tâm sự hoài cổ, nuối tiếc thời xưa được thể hiện qua nghệ thuật miêu tả cảnh để bộc lộ tình của tác giả. Cả hai mặt nội dung và nghệ thuật hoà quyện vào nhau thật nhuần nhuyễn, điêu luyện, mang một sắc thái riêng biệt, đặc sắc. Điều đó đã giải thích vì sao tuy chỉ có một số ít tác phẩm để lại, bà vẫn được xếp vào hàng ngũ những nữ thi sĩ tài hoa nhất thời đại phong kiến, và cho đến nay, thơ bà vẫn lắng đọng mãi trong lòng người đọc.

Trích: soanbailop6.com

Mariazic1

0 chủ đề

23882 bài viết

Có thể bạn quan tâm
0