Phân tích một số bài thơ để làm sáng tỏ chất nghệ sĩ độc đáo theo quan niệm của M.Goóc-ki - Ngữ Văn 12
Không phải ai cầm bút cũng đều là nghệ sĩ. Các nhà thơ cũng vậy. Họ đều có thể viết được thơ nhưng để làm được thơ đích thực, thơ có sức sống và có chỗ đứng trong lòng người đọc thì không phải ai cũng làm được. ...
Không phải ai cầm bút cũng đều là nghệ sĩ. Các nhà thơ cũng vậy. Họ đều có thể viết được thơ nhưng để làm được thơ đích thực, thơ có sức sống và có chỗ đứng trong lòng người đọc thì không phải ai cũng làm được.
"Con người vốn bản tính là nghệ sĩ - Goóc-ki có lần đã từng nói như vậy. Nhưng giữa nghệ sĩ và người thường luôn có một khoảng cách, bề ngoài tưởng như mong manh, nhưng lại không dễ gì vượt nổi. “Nghệ sĩ là con người biết khai thác những ấn tượng riêng - chủ quan - của mình, tìm thấy trong những ấn tượng đó có giá trị khái quát và biết làm cho những ấn tượng ấy có dược hình thái riêng”. Có lẽ một trong những cái khác biệt để tạo ra khoảng cách giữa nghệ sĩ và người thường chính là ở chỗ đó. M.Goóc-ki thừa nhận điều này từ công việc sáng tạo của nghệ sĩ và các tác phẩm của họ.
Không phải ai cầm bút cũng đều là nghệ sĩ. Các nhà thơ cũng vậy. Họ đều có thể viết được thơ nhưng để làm được thơ đích thực, thơ có sức sống và có chỗ đứng trong lòng người đọc thì không phải ai cũng làm được. Có những ấn tượng riêng, khai thác những ấn tượng riêng của chính mình là công việc thường xuyên của các nhà thơ - một thứ “sản xuất đặc biệt và cụ thể” (Xuân Diệu) . Nhà thơ không chỉ viết bằng trí tưởng tượng, cảm xúc mà còn viết bằng vốn sống, vốn hiểu biết của bản thân - những cái đó có được là cả quá trình lăn lộn với cuộc đời, quá trình tìm hiểu con người và hiểu rõ hơn chính bản thân mình.
Những ấn tượng riêng của nhà thơ thì chỉ con người họ mới có bởi học được những giác quan nhạy bén, nhọn sắc, có khả năng nhìn thấy những điều mà mắt thường không thể thấy. Với các nhà thơ cổ, chuẩn mực cho phép mọi so sánh là thiên nhiên: Nguyễn Du tả Từ Hải: “Râu hùm hàm én mày ngài”, tả Thúy Vân: “Khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang". Nhưng với Xuân Diệu, ối riêng của nhà thơ lại là một chuẩn mực đều từ con người - con người ở phần sinh động nhất. Có lẽ trước những hàng liễu ta chỉ có thể cảm nhận nó vì đẹp: mềm mại duyên dáng gần với thiếu nữ phòng khuê, nhưng Xuân Diệu nhìn những hàng liễu với sự liên tưởng ở nhiều chiều.
Rặng liễu đìu hiu đứng chịu tang
Tóc buồn buông xuống lệ ngàn hàng
(Đây mùa thu tới)
Liễu bỗng trở nên có hồn, có sự vận động bên trong - cùng một lúc ba hình ảnh: chịu tang, tóc buồn, lệ ngàn hàng được “chuyên chở” chỉ bằng liễu. Cặp mắt và trí tưởng tượng phong phú của Xuân Diệu đã đem đến cho người đọc cảm nhận khác nhau, đa dạng và thú vị. Đó là kết quả của việc “khai thác những ấn tượng riêng” của bản thân nhà thơ nên nó khác với các nhà thơ xưa khi tả liễu.
Đi vào thế giới của bài thơ Đây mùa thu tới ta còn bắt gặp những cảm quan riêng, rất độc đáo của một thi sĩ đích thực. Đề tài mùa thu là một đề tài cổ điển, có tính chất truyền thống, đã được các thi nhân dành không ít bút mực. Xuân Diệu là người đến sau. Vậy mà Đây mùa thu tới vẫn sống với thời gian, sống bên cạnh các tác phẩm về mùa thu khác để cho văn học và cuộc đời phong phú hơn, đẹp hơn. Nếu là người thường, chắc chắn khi viết về mùa thu sẽ không khỏi lặp lại hoặc sao chép những gì đã có, nhưng với thi sĩ điều đó sẽ làm cho tác phẩm của mình không có chỗ đứng trong lòng bạn đọc. Cũng những chất liệu ấy nhưng Xuân Diệu có nhừng cảm nhận và cách nhìn mới - nhìn cuộc sống luôn trên đà vận động. Vì vậy mà khi nhà thơ thốt lên:
Đây mùa thu tới, mùa thu tới
Với áo mơ phai - dệt lá vàng
Người đọc tưởng như nhà thơ đưa cả hồn mình ra để đón nhận, để giao hòa. “Đây mùa thu tới, mùa thu tới" không chỉ là tiếng nói mà là tiếng reo vồn vã, vui vui của một người đón khách quý. Tiếp nhận mùa thu với thái độ và tình cảm ấy rất khác so với thơ xửa. Điều quan trọng là “ấn tượng riêng”, là những cảm nhận của nhà thơ về mùa thu mang nét mới của con người lần đầu tiếp xúc với vạn vật và cuộc đời, nét tâm lý thường thấy ở trẻ thơ: nhìn cái gì cũng mới, cũng lạ, đầy bí ẩn và kêu gọi những sự tìm tòi khám phá. Mùa thu với Xuân Diệu như một người bạn mới nên có cái say mê hào hứng, hăm hở pha lẫn sự hồi hộp. Cũng viết về thu nhưng Nguyễn Khuyến đón thu bằng cái tình của người lãnh đạm điềm nhiên bọc ngoài tâm trạng yêu mến bâng khuâng:
Trời thu xanh ngát mấy tầng cao
Cần trúc lơ phơ gió hắt hiu
Xuân Diệu thì không như thế, cái chất trẻ say mê nhiệt tình cứ tràn đầy trong giọng điệu vồn vã đã làm thơ ông có sức lôi cuốn và hấp dẫn riêng. Nó đánh dấu thời đại cá nhân tự giải phóng, cái tôi ý thức rất rõ về chính bản thân mình.
Khi Xuân Diệu xuất hiện, người ta thấy ông Tây quá, công chúng không chịu nổi cái táo bạo, cái mạnh mẽ trong cách nói của nhà thơ:
Hơn một loài hoa đã rụng cành
Trong vườn sắc đỏ rũa màu xanh
Những luồng run rẩy rung rinh lá
Đôi nhánh khô gầy xương mong manh
Ta không bàn đến ở đây chuyện Xuân Diệu ảnh hưởng của phương Tây hay phương Đông, mà chỉ nói đến những cảm nhận và rung động vô cùng tinh tế trong tâm hồn nhà thơ đã được ông diễn đạt bằng những từ ngữ rất lạ. "Sắc đỏ rũa màu xanh”, màu đỏ cứ lấn dần, kín dần. Sự vận động diễn ra âm thầm nhưng bền bỉ, sự vận động bên trong mà chỉ có giác quan của thi sĩ mới có thể thấy được, từ những cái hữu hình mà vẽ được những vô hình bao la thì chỉ có nhà thơ, nghệ sĩ mới làm nổi, bởi họ khai thác ấn tượng của mình một cách triệt để. Công việc làm thơ là của các nhà thi sĩ, nhưng họ biết đào sâu tâm hồn mình để nói lên cái tâm sự chung cho cả mọi người. Tâm sự của Xuân Diệu ẩn đằng sau những cảm nhận tinh tế kia là tâm sự chung cho tầng lớp thanh niên thời bấy giờ. Cái “tôi” được giải phóng làm cho nhiều người yêu đời, ham sống. Những bàn tay thân thiện luôn hướng về phía cuộc đời nhưng lại luôn bị từ chối. Cảm giác cô đơn, cái lạnh lẽo của cuộc đời mới thực sự ngấm vào hồn người khiến con người ngày trước hăm hở nhưng “càng đi sâu thì càng thấy lạnh”. Thơ Xuân Diệu với nỗi khát khao được hòa hợp, được gần gũi, cảm thông đã nhanh chóng chiếm được vị trí trong lòng người đọc: giá trị khái quát trong những ấn tượng riêng của thơ chân chính là những chỗ đó. Cho nên cái lạnh trong thơ:
Những luồng run rẩy rung rinh lá
Đôi nhánh khô gầy xương mong manh
là cái lạnh cụ thể, vừa hữu tình. Người ta cảm thấy nó đang vận động, có thể sờ thấy được. Cái lạnh chung của một thời đại đã gặp cái lạnh trong cảm nhận của hồn người. Để chuyển tải những ý tưởng ấy, Xuân Diệu đã nhờ đến ngôn ngữ . Ngôn ngữ đã giúp ta hiểu phần nào ý tưởng của nhà thơ. Khi xưa Đỗ Phủ, nhà thơ đời Đường, có câu: “Ngữ bất kinh nhân tứ bất hưu” (chữ dùng chưa kinh người thì chết cũng chưa yên) nói về cái lao lực của nghệ sĩ khi làm cho những ấn tượng riêng của mình có được hình thức riêng. Xuân Diệu chắc hẳn cũng phải công phu lắm khi tìm được những từ ngữ có sức biểu đạt lớn như thế.
Bài thơ về phần cuối có cái buồn man mác, nhưng không phải là cái “ mang mang thiên cổ sầu” của Huy Cận, Xuân Diệu buồn nhưng vẫn thấy cuộc đời cảnh vật và con người trong thế vận động:
Thỉnh thoảng nàng trăng tự ngẩn ngơ
Non xa khởi sự nhạt sương mờ
Đã nghe rét mướt luồn trong gió
Đã vắng người sang những chuyến đò
Mây vẫn từng không chim bay đi
Khí trời u uất hận chia ly
Ít nhiều thiếu nữ buồn không nói
Tựa cửa nhìn xa nghĩ ngợi gì
Cả một không gian vừa rộng vừa cao thẳm bởi cái lạnh, không chỉ do rét mướt luồn trong gió ma do mỗi sự vật đều có những vận động riêng theo mỗi hướng khác nhau. Con người trước sự biến đổi của cảnh vật trở nên im lặng. Phải chăng im lặng để mà ngẫm nghĩ, chiêm nghiệm về cuộc đời, để cảm nhận sự vận động của tạo vật và sự trôi chảy của thời gian. Bài thơ “Đây mùa thu tới” mà người đọc cảm giác mùa đông đã đến tận nơi. Bước chuyển mình của thời gian thật nhanh mà cũng thật lặng lẽ. Nhà thơ cảm nhận bước đi ấy với tâm trạng vừa như hồi hộp, vừa như lo âu, thấp thỏm, tiếng reo chỉ mới kịp thốt ra đã nhường chỗ cho sự im lặng trước bước chuyển mình mà chỉ riêng thi sĩ cảm nhận được. Cái lặng lẽ của cảnh vật, cái từ tốn của câu chữ, của nhịp điệu, ẩn đằng sau nó là tâm hồn đầy tư duy, giàu tưởng tượng, tinh tế và nhạy cảm, là tình người, hồn người hòa quyện trong từng cảnh vật. Thơ Xuân Diệu nói chung và bài Đây mùa thu tới nói riêng, vừa gần gũi vừa rất mới. Nét gần gũi được người đọc cảm thông chia sẻ và cái mới lạ, độc đáo đã vượt lên mọi bờ cõi và giới hạn, nó làm cho người gần người hơn, nó là tiếng nói của mọi người mọi thời. Trần Tử Ngang - một nhà thơ cổ của Trung Quốc - với nỗi đau của lòng mình đã rung động và tác động đến bao thế hệ bằng những vần thơ:
Người trước chẳng thấy đâu
Người sau thì chưa tới
Nghĩ trời đất thật vô cùng
Riêng lòng đau mà lệ chảy
Con người không phải chỉ vĩ đại với tầm vóc của mình trước vũ trụ. Riêng tâm sự của nhà thơ trong bài thơ cổ này quả là chất chứa nỗi đau mà có thể chỉ những người đã ở phía dốc bên kia của cuộc đời mới cảm thông một cách sâu sắc. Nhỏ bé, bất lực, tâm sự đau buồn là tâm sự chân thật, có tầm thời đại. Con người có lúc phải tự đối diện với chính mình, tự mình đối diện với cả dòng đời, thời thế, lịch sử - lúc ấy cái riêng tư, cái đơn lẻ trỗi dậy, làm cho con người trở nên cô đơn, cảm thấy mình như một hạt cát trong bãi cát, cuộc đời mỗi con người kết cuộc cũng thành hư vô. Từ những suy nghĩ ấy mà tiếng vọng khao khát một sự cảm thông, một tấm lòng tri kỷ đã vọng tới nghìn đời.
Tác giả của bài thơ quả là một nghệ sĩ đích thực "Con người biết khai thác những ấn tượng riêng - chủ quan - của mình, tìm thấy trong đó những cái có giá trị khái quát và biết làm cho những ấn tượng ấy có được hình thức riêng”.
Đất nước là đề tài mà biết bao nhiêu người nói đến, biết bao nhiêu thế hệ đã từng ngợi ca. Đất nước qua cảm nhận của mỗi người Việt Nam đều có cây đa bến nước, đều có những nét phong tục tập quán riêng, nhưng với mỗi người, đất nước hiện lên qua mỗi miền quê khác nhau. Hoàng Cầm đã làm sống dậy đất nước văn hiến qua thế giới Kinh Bắc cổ kính trong bài thơ “Bên kia sông Đuống”, thế giới ấy quen thuộc với mỗi người và hiện lên rất sinh động:
Bên kia sông Đuống
Quê hương ta lúa nếp thơm nồng
Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong
Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp
Hoàng Cầm đã bày tỏ niềm yêu thương tự hào thành thực của một người con xa quê với những tinh túy, những gì mang đậm nét bóng dáng của quê mình. Từ những câu thơ này, người đọc cầm thấy tình cảm gắn bó với quê hương từ đáy sâu tâm hồn thi sĩ. Hình ảnh quê hương hiện lên trong bài thơ rất riêng nhưng cũng rất tiêu biểu cho hình ảnh của một đất nước VN yên bình với nếp sống nông nghiệp cổ truyền, tình yêu biến thành lòng căm hờn ngùn ngụt khi quê hương bị giặc giày xéo:
Quê hương ta từ ngày khủng khiếp
Giặc kéo lên ngùn ngụt lửa hung tàn
Ruộng ta khô
Nhà ta cháy
Chó ngộ một đàn
Lưỡi dài lê sắc máu
Kiệt cùng ngõ thẳm bờ hoang
Nhà thơ đau đớn, những câu thơ dài ngắn cứ trào ra ở đầu ngọn bút, như tiếng nức nở. Con sông Đuống trong cảm nhận của nhà thơ là một con sông rất độc đáo:
Sông Đuống trôi đi
Một dòng lấp lánh
Cái dáng nằm nghiêng nghiêng ấy quả chỉ là Hoàng cầm mới nhìn thấy, mới nắm bắt được. Ấn tượng của nhà thơ đã tìm cho mình hình thức riêng làm cho dấu ấn của nó trong lòng người đọc trở nên sâu đậm hơn.
Yêu thương và căm giận - hai trạng thái ấy cứ trào dâng trong lòng nhà thơ để rồi những câu thơ lại trào ra mạnh mẽ để tìm thấy tiếng nói của mình đối với quê hương. Những hình ảnh: bà cụ phất phơ tóc trắng, những em sột soạt quần nâu, những cô hàng xén răng đen... là những nét bóng dáng rõ nhất của quê hương gắn liền với những hội hè đình đám:
Trên núi Thiên Thai
Trong chùa Bút Tháp
Giữa huyện Lang Tài
Lòng căm thù và yêu thương cứ đan xen, càng căm thù thì tình yêu càng tha thiết. Đó là nét tâm lý không chỉ riêng ở Hoàng Cầm mà ở chung tất cả những người dân mất quê, mất nước. Nhà thơ đã tìm thấy trong những ấn tượng, tình cảm của mình những cái có giá trị khái quát, nên những hình ảnh được chọn lọc, dù là vô thức nó vần có nét điển hình, tiêu biểu cho một quê hương, một đất nước vốn có truyền thống và một nền văn hóa, văn hiến lâu đời.
Phong cách của một nhà thơ luôn tạo nên một ấn tượng riêng thật độc đáo mà thật gần gũi với mỗi người đọc. Tác phẩm thơ là kết quả của quá trình khai thác những ấn tượng riêng của tác phẩm, là tiếng nói và đứa con riêng của nghệ sĩ, nhưng nó luôn là nhịp cầu nối giữa nghệ sĩ và bạn đọc. Xuân Diệu, Hoàng Cầm... và biết bao nhiêu người đã và sẽ làm thơ chắc chắn luôn ý thức được điều mà M.Gorki nói, cho dù họ có được biết câu nói này hay không.
soanbailop6.com