05/06/2017, 00:07

Phân tích hình tượng người nông dân trong Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc của Nguyễn Đình Chiểu.

Nguyễn Đình Chiểu là một thi sĩ mù nhưng tấm lòng ông rất sáng. Khi giặc Pháp xâm lược Nam Bộ, ông không thể theo các nghĩa sĩ để đánh Tây, nhưng ông vẫn theo dõi thời cuộc, chiến sự. Ông sáng tác thơ văn ca ngợi các lãnh tụ và nghĩa quân, ca ngợi các nghĩa sĩ đã vì nghĩa lớn anh dũng đánh Tây. Ông ...

Nguyễn Đình Chiểu là một thi sĩ mù nhưng tấm lòng ông rất sáng. Khi giặc Pháp xâm lược Nam Bộ, ông không thể theo các nghĩa sĩ để đánh Tây, nhưng ông vẫn theo dõi thời cuộc, chiến sự. Ông sáng tác thơ văn ca ngợi các lãnh tụ và nghĩa quân, ca ngợi các nghĩa sĩ đã vì nghĩa lớn anh dũng đánh Tây. Ông tỏ lòng thương tiếc những người anh hùng vô danh đã hi sinh cho Tổ quốc. Bài "Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc" là một kiệt tác của ông, là đỉnh cao tư tưởng, tình cảm, nghệ thuật trong ...

Sự sáng suốt của Nguyễn Đình Chiểu là đã dồn bút lực, tài hoa để ca ngợi những người anh hùng thất thế.
 
Trong tiếng khóc cao cả của nhà thi sĩ, trong những giọt nước mắt thương tiếc của nhân dân, hình ảnh người nghĩa sĩ nông dân Cần Giuộc hiện lên rõ ràng:
 
"Súng giặc đất rền
Lòng dân trời tỏ".
 
Hình ảnh đối lập trên đã diễn tả được mâu thuẫn sâu sắc, quyết liệt của thời đại, mâu thuẫn xâm lược và chống xâm lược, khẳng định vai trò người dân trong công cuộc bảo vệ đất nước. "Lòng dân" đã sáng rực lên trong lửa đạn, trong âm vang của chiến tranh. Chỉ có nhà nghệ sĩ của nhân dân mới tạc tượng người nông dân một cách thiêng liêng giữa trời cao đất rộng, trong thời đại bão táp như vậy.
 
Bức "Tượng đài nghệ thuật" còn được người nghệ sĩ của nhân dân dựng lên chi tiết hơn với những nét hoành tráng, sống động. Họ là những người nông dân chịu thương, chịu khó làm ăn, chưa hề tham gia việc quân, việc kháng chiến:
 
"Cui cút làm ăn, toan lo nghèo khó.
Chưa quen cung ngựa, đâu tới trường nhung;
Chỉ biết ruộng trâu, ở trong làng bộ".
 
Họ là những người nông dân Nam Bộ thế kỉ thứ XIX, người nông dân của nước Việt Nam phong kiến, lạc hậu, tắc tị, nghèo nàn. Họ hiền lành, chăm chỉ làm ăn, chỉ quen với ruộng đồng "một con trâu cũng thân hơn một tên hoàng đế" - nói như một nhà thơ Hy Lạp.
 
Họ hoàn toàn xa lạ với việc quân "chưa quen cung ngựa, đâu tới trường nhung", còn nói gì đến việc "tập khiên, tập súng, tập mác, tập cờ", còn nói gì đến "mười tám ban võ nghệ".
 
Nhưng khi giặc Pháp đánh chiếm quê hương đất nước thì những người nông dân tưởng như chỉ biết "cui cút làm ăn, toan lo nghèo khó" đã đứng lên đánh giặc, cứu nước với lòng yêu quê hương sâu sắc, với lòng căm thù giặc cao độ. Những người nông dân lương thiện đã trở thành những nghĩa sĩ kiên cường, bất khuất tuyệt vời:
 
"Bữa thấy bòng bong che trắng lốp, muốn tới ăn gan;
Ngày xem ống khói chạy đen sì, muốn ra cắn cổ.
Một mối xa thư đồ sộ, há để ai chém rắn đuổi hươu;
Hai vầng nhật nguyệt chói lòa, đâu dung lũ treo dê bán chó".
 
Họ vào cuộc chiến với tinh thần tự nguyện "nào đợi ai đòi ai bắt", "chẳng thèm trốn ngược, trốn xuôi", vì họ chẳng còn hi vọng gì vào cái triều đại thối nát đó nữa.
Họ chiến đấu trong điều kiện thiếu thốn, quân phục của họ chỉ là "một manh áo vải", quân trang của họ chỉ là "một ngọn tầm vông". Có thể nói vũ khí sắc bén của họ là lòng yêu nước. Với vũ khí tinh thần quý báu này, họ đã chiến đấu dũng cảm phi thường:
 
"Hoả mai đánh bằng rơm con cúi, cũng đốt xong nhà dạy đạo kia;
Gươm đeo dùng bằng lưỡi dao phay, cũng chém rớt đầu quan hai nọ".
 
Với tinh thần yêu nước cao cả, họ đã biến công cụ sản xuất thành vũ khí sắc bén, lợi hại. Tượng đài nghệ thuật về người chiến sĩ nông dân Cần Giuộc đã hiện lên trước mắt chúng ta với một manh áo vải, một tay cầm con cúi còn ngùn ngụt lửa khói và một tay vung lên lưỡi dao phay!
 
Họ đã tả xung hữu đột, bất kể vũ khí hiện đại của giặc Pháp lúc bấy giờ:
 
"Chi nhọc quan quản gióng trống kì, trống giục, đạp rào lướt tới,
coi giặc cũng như không;
Nào sợ thằng Tây bắn đạn nhỏ đạn to, xô cửa xông vào, liều mình như chẳng có.
Kẻ đâm ngang, người chém ngược, làm cho mã tà, ma ní hồn kinh;
Bọn hè trước, lũ ó sau, trối kệ tàu thiếc tàu đồng súng nổ".
 
Đây là một "tượng đài nghệ thuật", một quần tượng thì đúng hơn, dựng lại một cách sống động cuộc chiến đấu quả cảm của những người nông dân Cần Giuộc anh hùng chống Pháp trong những ngày đầu thực dân Pháp đặt chân xâm lược đất nước ta. Nhóm tượng có màu sắc, có đường nét sắc sảo và hình khối gồ ghề khiến người đọc có thể hình dung được những hành động quyết liệt, những âm thanh cuồng nộ của những người nông dân vùng lên giết giặc.
 
Lí tưởng của người nghĩa sĩ nông dân đơn giản mà cao quý biết bao:
 
"Sống làm chi, theo quân tả đạo quăng vừa hương, xô bàn độc, thấy lại thêm buồn;
Sống làm chi ở lính mã tà, chia rượu lạt, gặm bánh mì, nghe càng thêm hổ".
 
Với những đường nét hoành tráng, nhà nghệ sĩ nhân dân đã tạc nên "tượng đài nghệ thuật" một cách hùng tráng. Hùng tráng vì đây là hành động của những người anh hùng vì nghĩa lớn. Hùng tráng vì ở lí tưởng tốt đẹp, phẩm chất cao cả của những người nghĩa sĩ nông dân. Hùng tráng vì nó được dựng lên trong một thời đại sóng gió, bão táp, trong những giờ phút nghiêm trọng sống còn của đất nước.
 
Hùng tráng mà bi thương vì họ là những anh hùng chiến bại. Nói "Tượng đài nghệ thuật mang tính chất bi tráng" là đúng. Nhà thơ đã dựng "Một tượng đài nghệ thuật" về những người nghĩa sĩ nông dân trong nước mắt, trong tiếng khóc của nhà thơ và của nhân dân. Nhưng tượng đài bi tráng, chứ không bi luỵ. Trong nước mắt, trong tiếng khóc, ta có cảm tưởng nhà thơ muốn dựng tượng đài nghệ thuật - những người nghĩa sĩ nông dân - trong lòng người. Họ sống mãi trong tình thương, trong trái tim của những người thân yêu, trong lòng nhân dân:
 
“Chùa Tân Thạnh năm canh ưng đóng lạnh, tấm lòng son gửi lại bóng trăng rằm;
Đồn Lang Sa một khắc đặng trả hờn, tủi phận bạc trôi theo dòng nước đổ”.
 
Họ đã trở thành bất tử. Tưởng chừng cuộc chiến đấu anh dũng của họ vẫn còn đang tiếp diễn cùng với sự nghiệp giữ nước vĩ đại của dân tộc:
 
“Sống đánh giặc, thác cũng đánh giặc, linh hồn theo giúp cơ binh, muôn kiếp nguyện được trả thù kia”.
 
Tượng đài, bia đá, nhiều khi còn bị hao mòn, vì thời gian, vì con người phá huỷ, nhưng tượng đài nghệ thuật về những người chiến sĩ nông dân dựng lên trong lòng người thì bền vững, bất diệt.
 
Ông Phạm Văn Đồng trong bài "Nguyễn Đình Chiểu - ngôi sao sáng trong nền văn nghệ dân tộc" từng đặt bài văn tế này ngang hàng với bài "Cáo Bình Ngô" của Nguyễn Trãi và cho rằng một bên là bài ca về người anh hùng chiến thắng, một bên là bài ca về người anh hùng thất thế, nhưng vẫn hiên ngang. "Tượng đài nghệ thuật" mang tính chất bi tráng về người nông dân yêu nước chống ngoại xâm của Nguyễn Đình Chiểu sống mãi trong lòng dân tộc Việt Nam anh hùng.

Nguyễn Minh

0 chủ đề

23664 bài viết

0