Phân tích hình tượng cây xà nu trong truyện ngắn Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành - Ngữ Văn 12 - Bài 3
Ấn tượng sâu đậm trong người đọc chính là nhà văn đã xây dựng nên hình tượng cây xà nu, một loài cây tượng trưng cho sức sống bền bỉ, diệu kỳ của nhân dân làng Xô Man, của nhân dân Tây Nguyên. ...
Ấn tượng sâu đậm trong người đọc chính là nhà văn đã xây dựng nên hình tượng cây xà nu, một loài cây tượng trưng cho sức sống bền bỉ, diệu kỳ của nhân dân làng Xô Man, của nhân dân Tây Nguyên.
Độc giả biết đến tên tuổi của Nguyên Ngọc qua tác phẩm xuất sắc Đất nước đứng lên của ông. Nhà văn gắn bó với đất nước và con người Tây Nguyên ấy, trong kháng chiến chống Mỹ lại cho ra đừi Rừng xà nu. Dưới ngòi bút sắc sảo của Nguyễn Trung Thành (bút danh mới của Nguyên Ngọc) và bằng bút pháp tiêu biểu cho khuynh hướng sử thi và lãng mạn, đất nước và con người Tây Nguyên chống Mỹ, lại biểu hiện trước mắt độc giả chân chất, dũng cảm, dạt dào lòng yêu nước và tinh thần bất khuất của những ngày đầu chống Mỹ cứu nước.
Ấn tượng sâu đậm trong người đọc chính là nhà văn đã xây dựng nên hình tượng cây xà nu, một loài cây tượng trưng cho sức sống bền bỉ, diệu kỳ của nhân dân làng Xô Man, của nhân dân Tây Nguyên. Không phải ngẫu nhiên mà nhà văn chọn hình tượng tiêu biểu này. Đây chính là sự quan sát có chọn lọc. Đế quốc Mỹ ngay từ những ngày đầu đổ quân vào miền Nam, đã khẳng định sức mạnh dã man muốn hủy diệt sự sống, muốn uy hiếp con người. Ấy thế mà cho dù long gốc, bị chặt đứt ngang cây nhựa đỏ như máu, cây xà nu vẫn biểu hiện cái sức sống bền bỉ, không bom đạn nào có thể phá hủy được. Hàng vạn cây xà nu kết lại thành rừng cũng như hàng ngàn, hàng vạn con người làng Xô Man và Tây Nguyên vẫn anh dũng bám trụ, chiến đấu. Cái sức chịu đựng ấy, cái tinh thần kiên cường ấy chẳng là kỳ diệu đến mức huyền thoại sao?.
Trong rừng ít có loại cây nào sinh sôi nảy nở khỏe như vậy. Cạnh một cây xà nu mới ngã gục, đã có bốn năm cây mọc lên, ngọn xanh rờn, hình nhọn mũi tên lao thẳng lên bầu trời... cứ thế hai ba năm nay, rừng xà nu ưỡn tấm ngực lớn của mình ra che chở cho làng.
Bằng một loạt thủ pháp đặc sắc như nhân hóa (bi thương, nửa thân mình ưỡn tấm ngực lớn), từ gợi cảm (ào ào, tràn trề, ngào ngại, xanh rờn), so sánh (như mũi tên lao thẳng lên bầu trời)... nhà văn đã diễn tả sức mạnh của cây xà nu như con người Xô Man, trước bom đạn quân thù. Làm sao lửa đạn có thể hủy diệt sức sống mãnh liệt ấy, trái lại những vết thương của chúng chóng lành như trên một thân thể cường tráng...
Cả làng Xô Man như một rừng xà nu, cụ Mết như một cây xà nu lớn. Họ là tượng trưng cho lịch sử, cho truyền thống bất khuất từ thời Đam San, Nơ Trang Long. Cụ Mết là người nuôi giữ khát vọng tự do, cụ nói với Tnú, người tiêu biểu của thế hệ tiếp nối “một cây xà nu” mới lớn căng đầy nhựa sống: “không có cây gì mạnh bằng cây xà nu đất ta...”. Và khi dân làng khởi nghĩa, “cả rừng Xô Man man ào ào rung động. Và lửa cháy khắp rừng".
Trong Đất nước đứng lên, Nguyễn Trung Thành đã xây dựng thành công nhân vật anh Núp bắn Pháp chảy máu. Trong Rừng xà nu, ông lại sáng tạo nên một hình tượng mới: hình tượng cây xà nu. Đọc Rừng xà nu, người đọc có thể quên những chi tiết, những sự việc trong truyện, nhưng hình tượng cây xà nu bất khuất, tiêu biểu cho sức mạnh, cho lòng kiên cường của dân làng Xô Man và Tây Nguyên bất khuất thì không thể phai nhạt trong trí nhớ của mọi người Nguyễn Trung Thành bằng nghệ thuật xây dựng hình tượng này, là một đóng góp mới cho văn học Việt Nam thời kỳ chống Mỹ cứu nước.
soanbailop6.com