Phân tích đoạn “Tào Tháo uống rượu luận anh hùng”, trích Hồi 21, “Tam quốc diễn nghĩa” của La Quán Trung.
Phân tích đoạn "Tào Tháo uống rượu luận anh hùng", trích Hồi 21, “Tam quốc diễn nghĩa” của La Quán Trung. I. MỞ BÀI – Tam quốc diễn nghĩa là bộ tiểu thuyết lịch sử dài 120 hồi của La Quán Trung, kể lại quá trình hình thành, phát triển và diệt ...
Phân tích đoạn "Tào Tháo uống rượu luận anh hùng", trích Hồi 21, “Tam quốc diễn nghĩa” của La Quán Trung.
I. MỞ BÀI
– Tam quốc diễn nghĩa là bộ tiểu thuyết lịch sử dài 120 hồi của La Quán Trung, kể lại quá trình hình thành, phát triển và diệt vong của ba tập đoàn phong kiến Ngô, Thục, Ngụy từ năm 184 đến năm 280 của lịch sử Trung Quốc.
– Đoạn Tào Tháo uống rượu luận anh hùng có kết cấu hoàn chỉnh: Giới thiệu nhân vật Lưu Bị và hoàn cảnh – Tào Tháo mời rượu Lưu Bị – Tào Tháo luận anh hùng – Lưu Bị ứng phó – Lưu Bị cáo từ.
– Tính cách nhân vật Lưu Bị được tác giả La Quán Trung miêu tả bằng những thủ pháp nghệ thuật độc đáo và đa dạng, thể hiện được một "tuyệt nhân" trong Tam quốc diễn nghĩa.
II. THÂN BÀI
A TÂM LÍ, TÍNH CÁCH NHÂN VẬT LƯU BỊ
– Tào Tháo gọi Lưu Bị đến để thăm dò ý định và thử thách bản lĩnh của Lưu Bị nhưng đã không phát hiện được gì. Trước những câu hỏi, những tình huống mà Tào Tháo đưa ra, Lưu Bị đã tỏ ra rất khiêm nhường, bình tĩnh và khôn ngoan. Trong tình huống gay cấn nhất, khi Tào Tháo gọi Lưu Bị là anh hùng, Lưu Bị giật mình đánh rơi cả thìa đũa nhưng đã nhanh trí lợi dụng tiếng sấm để nói lảng đi.
– Cái hay của đoạn trích là không phải ngay từ đầu Lưu Bị đã tuyệt đối giữ được thái độ bình tĩnh, kín đáo. Vì được Tào Tháo mời đến quá gấp và bất ngờ, "có tật" Lưu Bị không thể không giật mình. Hơn thế, khi Tào Tháo bảo Lưu Bị đang làm một việc "lớn lao”, Lưu Bị đã sợ tái mặt.
– Nhưng rồi dần dà lấy lại được bình tĩnh, Lưu Bị đã ứng phó một cách trót lọt mọi tình huống gay cấn, nhất là khi thấy quả tình Tào Tháo có nhã ý mời mình thưởng thức rượu mơ.
– Khi bị chạm vào chỗ cần giấu kín, bị Tháo chất vấn về vần đề "anh hùng", trước hết, Lưu Bị với vẻ khiêm nhường vốn có, đã chối và xin miễn bình luận.
– Bị Tháo hỏi dồn, Lưu Bị lần lượt nêu những gương mặt đương thời đáng lưu ý nhất như Viên Thuật, Viên Thiệu, Lưu Biểu, Tôn Sách… song đều bị Tào Tháo bác bỏ, cho rằng tất cả đều không đáng gọi là anh hùng.
– May mắn thay, khi Tào Tháo điểm đích danh Lưu Bị thì một tiếng sấm rền vang, giúp Lưu Bị có cớ đích đáng và cơ hội tuyệt vời để che giấu một điều "tuyệt mật": mưu đồ chống lại Tào.
B. NGHỆ THUẬT MIÊU TẢ
Trong việc thể hiện tính cách Lưu Bị, tác giả đã sử dụng nhiều thủ pháp nghệ thuật:
– Miêu tả trực tiếp qua các thái độ và hành động: làm vườn rau sau nhà, ngày ngày vun xới, tưới tắm, từ giật mình, tái mặt đến trấn tĩnh, ăn uống vui vẻ, rồi sau đó lại từ giật mình, bất giác thìa, đũa đương cầm ở tay rơi cả xuống đất đến ung dung cúi xuống đất nhặt đũa và thìa…
– Miêu tả trực tiếp qua cách sử dụng ngôn ngữ phù hợp với tính cách khiêm nhường vốn có của Lưu Bị, nhanh trí, sử dụng cả Luận ngữ để biện hộ cho việc đánh rơi thìa đũa của mình.
– Dùng tính cách của Quan, Trương để làm nổi bật tính cách Lưu Bị. Ban đầu Quan, Trương không hiểu vì sao Lưu Bị "chịu khó làm vườn cuốc đất", đến cuối khi Quan, Trương tuốt kiếm cảnh giới thì Lưu Bị vẫn ung dung uống rượu, cười hòa theo Tào Tháo.
– Miêu tả thiên nhiên để khắc họa bối cảnh và tính cách nhân vật, tạo đà cho truyện phát triển: cảnh vòi rồng xuất hiện mở ra câu chuyện "luận anh hùng", tiếng sấm tạo thành điểm gờ nút.
C. QUAN NIỆM VỀ NGƯỜI ANH HÙNG
Tào Tháo cũng như Lưu Bị giống nhau ở chỗ là ngay từ trẻ đã từng ấp ủ chí lớn.
– Với Tào Tháo, câu nói: "Anh hùng là người trong bụng có chí lớn, có mưu cao, có tài bao trùm được cả vũ trụ, có chí nuốt cả trời đất kia" đã thể hiện rõ quan niệm của Tào Tháo về anh hùng, đồng thời cũng cho thấy tham vọng lớn của họ Tào Tháo không chỉ muốn làm vua mà còn muốn "nuốt cả trời đất", điều đó chứng tỏ khát vọng làm bá chủ thiên hạ rất ghê gớm và để thực hiện được mục đích đó, ông ta sẵn sàng dùng mọi thủ đoạn sau này.
– Còn Lưu Bị được mọi người ca ngợi chủ yếu là ở cái đức. Lưu Bị muốn làm vua nhưng là để "trên báo đền ơn nước, dưới yên định lê dân", nghĩa là muốn làm một ông vua tốt. Sở dĩ Lưu Bị không bày tỏ quan điểm của mình vì trong hoàn cảnh thực tế (đang sống dưới trướng Tào Tháo), Lưu Bị phải tuyệt đối giữ bí mật, không thể để cho Tào Tháo biết được chủ định của mình.
III. KẾT BÀI
– Quan niệm về người anh hùng của Tào Tháo thể hiện quan niệm của giai cấp thống trị bóc lột trong xã hội phong kiến Trung Quốc luôn muốn đè đầu dân chúng, làm bá chủ trong thiên hạ.
– Đoạn trích cho thấy "chí lớn, mưu cao" của Tào Tháo đã bị thua cuộc ngay trong pha đấu trí này với Lưu Bị, gợi cho người đọc những bài học mới trong đấu tranh giữa cuộc đời.