Phân tích cái tôi trữ tình trong bài Tràng giang
(Văn mẫu lớp 11) – Em hãy Phân tích cái tôi trữ tình trong bài Tràng giang . (Bài văn phân tích của bạn Phan Ngọc Anh lớp 11A2 trường THPT chuyên Hòa Bình). BÀI LÀM Dễ hiểu vì sao Huy Cận được coi là nhà thơ “buồn nhất” trong các nhà thơ Mới ...
(Văn mẫu lớp 11) – Em hãy Phân tích cái tôi trữ tình trong bài Tràng giang. (Bài văn phân tích của bạn Phan Ngọc Anh lớp 11A2 trường THPT chuyên Hòa Bình).
BÀI LÀM
Dễ hiểu vì sao Huy Cận được coi là nhà thơ “buồn nhất” trong các nhà thơ Mới 1930 – 1945. Bởi cái tôi trữ tình của Huy Cận được thể hiện trong các tác phẩm đều như mang mang một nỗi thiên cổ sầu, chất chứa cô đơn tủi cực trước không gian vũ trụ vô cùng và cảm giác hiu quạnh, chia lìa. Tác phẩm “Tràng giang” của Huy Cận đã thể hiện rất rõ cái tôi trữ tình đó.
Cái tôi trữ tình là thuật ngữ phổ biến trong văn học. Thực chất, cái tôi trữ tình nhắc tới chủ thể của sáng tạo, tức là trung tâm tạo nên cảm xúc, tình cảm, thái độ, nỗi lòng… trong bài thơ bằng giọng điệu không “lẫn”. Trong bài thơ “Tràng giang”, Huy Cận đã thả lòng mình vào bức tranh thiên nhiên khiến nó nhuốm màu tâm trạng nhỏ bé, hiu quạnh, lạc lõng trước không gian “trời rộng nhớ sông dài” rợn ngợp kết hợp cái tôi “buồn ảo não” sẵn có.
Trước hết, bài thơ cho thấy một cái tôi nhỏ bé, lạc lõng trước không gian mênh mông sông nước:
“Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp,
Con thuyền xuôi mái nước song song.
Thuyền về nước lại, sầu trăm ngả;
Củi một cành khô lạc mấy dòng.”
Quả thật, làm sao mà không thấy nhỏ bé, cô đơn, lạc lõng cho được khi mà đứng trước một không gian mênh mông vô cùng vô tận như thế. Tác giả cũng giống như một con sóng gợn nhỏ bé, con thuyền lơ đãng hay cành củi lạc giữa dòng đời. Từ “điệp điệp” nhân gấp ngàn lần diện tích mặt nước kết hợp từ “song song” kéo chiều dài không gian tới chân trời bất tận.
Khổ thơ tiếp theo thể hiện cái tôi trữ tình sầu tủi, hiu quạnh trước không gian bến bãi. Tấm hồn thi sĩ như hướng đi tìm một sự sống đủ đầy ở nơi quen thuộc nhưng nhận ra càng cô độc hơn:
“Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu,
Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều
Nắng xuống, trời lên sâu chót vót;
Sông dài, trời rộng, bến cô liêu.”
Không gian hai bên hồ gồm vùng “cồn nhỏ”, “chợ chiều” và bến đò. Vùng cồn nhỏ thì “lơ thơ” mấy lụm cát, gió “đìu hiu” gợi sự chết chóc, tàn tạ. Có “tiếng” ồn ào từ chợ nhưng có lẽ tác giả cũng không rõ là “đâu” hoặc có thể hiểu theo cách nói phủ định là “đâu có” tiếng chợ nào đâu. Dù hiểu theo cách nào, tác giả vẫn đang cố nhấn mạnh tới sự tĩnh lặng của bức tranh. Đây là thủ pháp lấy động tả tĩnh.
Vẫn là cái đôi mắt dõi tìm một sự sống thật sự, tác giả đưa điểm nhìn trần thuật trở lại mặt hồ:
“Bèo dạt về đâu, hàng nối hàng;
Mênh mông không một chuyến đò ngang.
Không cầu gợi chút niềm thân mật,
Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng.”
Nhập tâm trạng vào bèo, tác giả ý nói bản thân tựa kiếp bèo bọt, không chốn dung thân. Ở một nơi sông dài, bến rộng mà không có lấy một chuyến đò. Chiếc cầu vốn là đường qua lại thường xuyên của con người cũng hoàn toàn “không” có chút “thân mật”, quen thuộc nào. Tất cả chỉ là đất tiếp đất, dòng tiếp dòng. Những câu thơ như tiếng thở than dài thượt của con người khao khát được giao cảm nhưng rơi vào sự cự tuyệt của vũ trụ.
“Lớp lớp mây cao đùn núi bạc,
Chim nghiêng cánh nhỏ: bóng chiều sa.
Lòng quê dợn dợn vời con nước,
Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà.”
Cái tôi trữ tình nhân vật thể hiện rất rõ nét trong câu thơ cuối – một cái tôi nhung nhớ quê hương. Những hình ảnh mây, núi, cánh chim chiều, hoàng hôn, sóng nước… đều rất quen thuộc trong thơ ca cổ điển, gợi nỗi buồn hiu hắt của những lữ thứ xa quê. Lòng thi sĩ nặng nề giống như cánh chim giữa bầu trời cao rộng “lớp lớp” tầng tầng và đang sà xuống do bị bóng chiều đè lên. Hai từ “dợn dợn” rất “mới”. Không phải là “dờn dợn” ở cơ thể mà lại là “dợn dợn” ở trong lòng. Người ta nhìn khói sóng mà nhớ quê hương, Huy Cận thì không cần khói sóng vẫn da diết nhớ. Bởi, nỗi khát khao quê hương vốn sẵn có nội tại và không ngừng cồn cào trong lòng người. Đứng trên quê hương mà phải khát khao được giao cảm với thiên nhiên, được trở về với đất nước quen thuộc. Điều này dễ hiểu nếu ta soi chiếu vào bối cảnh đất nước nô lệ đương thời.
Thông qua hình ảnh thơ đậm màu sắc cổ điển, hàm xúc, nhiều suy tư triết lý đã thể hiện thành công một cái tôi trữ tình nhỏ bé trước không gian vũ trụ mênh mông trong bài thơ “Tràng giang”. Đó cũng là niềm khao khát tình đời, tình người và tình quê hương của Huy Cận.