Phân tích bút pháp lãng mạn trong Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân (Bài 2)
Trong trào lưu văn học lãng mạn Việt Nam 1930 – 1945, Nguyễn Tuân nổi lên như một gương mặt tiêu biểu của mảng sáng tác văn xuôi với những tác phẩm mang một phong cách riêng, độc đáo và hấp dẫn. Sáng tác của Nguyễn Tuân dù là truyện ngắn, tiểu thuyết hay tuỳ bút, trước 1945, đều là tiếng nói của ...
Trong trào lưu văn học lãng mạn Việt Nam 1930 – 1945, Nguyễn Tuân nổi lên như một gương mặt tiêu biểu của mảng sáng tác văn xuôi với những tác phẩm mang một phong cách riêng, độc đáo và hấp dẫn. Sáng tác của Nguyễn Tuân dù là truyện ngắn, tiểu thuyết hay tuỳ bút, trước 1945, đều là tiếng nói của một tâm hồn lãng mạn, một tài năng mẫu mực của nghệ thuật ngôn từ. Trong sự nghiệp Nguyễn Tuân, tập truyện ngắn “Vang bóng một thời” là một mốc son đậm nét giúp người đọc hiểu và gần Nguyễn Tuân ...
Truyện ngắn “Chữ người tử tù” là một bức tranh gồm nhiều mảng màu khác nhau, phân rõ tối sáng, đậm nhạt mà trong đó cái Thiện và cái Ác, ánh sáng và bóng tối luôn tương phản với nhau. Có thể nói, ngay ước muốn xin chữ Huấn Cao của viên quản ngục đã là một ý định đầy chất lãng mạn. Ước mơ đó đã là cái nền nâng đỡ cho hàng loạt chi tiết sau này để những mảng màu tương phản được bày ra. Cảnh tượng Huấn Cao cho chữ là tột đỉnh của quan điểm lãng mạn mà tại điểm hội tụ đó cái Thiện chiến thắng cái Ác, ánh sáng đã lấn át bóng tối và quan trọng hơn là sự phát triển của tính cách nhân vật không còn phụ thuộc vào hoàn cảnh. Tính cách, cảm xúc của nhân vật đã vượt lên trên hoàn cảnh. Nguyễn Tuân đã nói đó là “một cảnh tượng xưa nay chưa từng có” và chúng ta có thể nói nếu theo logic thông thường của cuộc sống thì đó là một cảnh tượng “không thể có”. Ở đây các nhân vật đã quên đi tất cả, quên đi địa vị, danh phận, địa điểm mình đang đứng mà chỉ sống với cái đẹp, hướng tới ánh sáng, thưởng thức chung một nét chữ, cảm nhận cùng một mùi thơm của mực. Trong bức tranh sơn dầu đó, Huấn Cao có cái đẹp lan toả của một người nghệ sĩ còn viên quản ngục và thầy thư lại có cái đẹp của lòng biệt nhỡn liên tài, vẻ đẹp của thiên lương còn giữ được giữa bao quay cuồng đen trắng. Từ hành động rỗ gông của Huấn Cao ở đầu truyện tới việc Huấn Cao viết chữ ở cuối truyện là sự thống nhất nhân cách của một nhân vật lãng mạn. Quản ngục, thư lại là hai nhân vật nâng đỡ nhưng cũng đẹp và đầy chất thơ – chất thơ của cái đẹp, của tài hoa đối lập và vượt lên khỏi thực tại tầm thường, tăm tối. Câu nói “Xin lĩnh ý” của viên quản ngục khi bị Huấn Cao quát đuổi ra ngoài chỉ đơn thuần là một sự nhũn nhặn nhưng câu nói “Xin bái lĩnh” của chính nhân vật này ở cuối truyện, nói sau khi được Huấn Cao cho chữ và khuyên bảo lại là một nét đẹp của một tâm hồn hướng thiện, yêu mến tài hoa.
Trong sáng tác của các nhà văn lãng mạn, người ta có thể nhận ra được hình bóng nhà văn trong nhân vật lý tưởng của mình. Huấn Cao trong “Chữ người tử tù” là một nhân vật như thế. Hành trạng một đời tung hoành không biết trên đầu có ai cùng sự tài hoa, ngông nghênh của ông Huấn cũng là một phần tâm hồn Nguyễn Tuân gửi vào trong đó. Con người Nguyễn Tuân ở ngoài đời cũng như con người ông trong văn chương và các nhân vật của ông có những nét chồng khít đến kỳ lạ mà trong đó sự tài hoa, ngang tàng, phóng túng là mẫu số chung của những phân số đó. Con người nghệ sĩ ấy không chấp nhận cái tầm thường xung quanh, muốn nổi loạn với tất cả mà ở đây hình mẫu lịch sử của nhân vật Huấn Cao (một số nhà nghiên cứu nói là Cao Bá Quát) chỉ còn tiếng vọng. Cũng chính con người nghệ sĩ trong Nguyễn Tuân đã giúp ông bỏ đi phần kết của truyện này khi in trên báo, không đưa vào trong tập sách “Vang bóng một thời”. Khi truyện ngắn “Vang bóng một thời” in lần đầu trên báo, sau khi nói “Xin bái lĩnh”, viên quản ngục đã nghĩ rằng mình đã có “lời”, có “lãi” khi biệt đãi Huấn Cao và nhận được bức châm do chính tay Huấn Cao viết. Cái kết này đã bị lược bỏ khi truyện được in thành sách và chính sự lược bỏ đó đã làm cho truyện thành công hơn, cuốn hút hơn. Truyện cuốn hút vì nó là một khối lãng mạn thực sự mà không bị những ý nghĩ vụ lợi xen vào dù chỉ trong từng chi tiết nhỏ. Đó chính là quan niệm cái Đẹp không gắn liền với cái hữu ích, cái Đẹp đối lập với cái vụ lợi, như Nguyễn Tuân từng nói: “Nghệ thuật là cái mà bọn con buôn coi là vô giá trị…”.
“Vang bóng một thời” là một tiếng vọng đầy cuốn hút trong trào lưu văn học lãng mạn 1930 – 1945 và “Chữ người tử tù” là một tiếng nói góp phần làm nên sự thành công của tập truyện này. Có thể nói rằng, những đặc trưng của phương pháp sáng tác lãng mạn chủ nghĩa không phải đã tập trung đầy đủ ở đây nhưng nhà văn đã thực sự đem chúng ta đến một thế giới mà trong đó nhân vật lãng mạn vượt lên khỏi hoàn cảnh để sống khác biệt với những tầm thường, tăm tối quanh mình. Cái Đẹp, cái Thiện và sự tài hoa đã cùng nhau châu tuần về đó.