05/06/2017, 00:04

Phân tích bài “Văn tế nghĩa sĩ cần Giuộc” của Nguyễn Đình Chiểu để cho thấy cuộc đối đầu giữa lòng dân và súng đạn đã tạo nên nét đẹp của người nghĩa sĩ nông dân.

Khi khóc Nguyễn Văn Trỗi, người con anh dũng của miền Nam thành đồng, nhà thơ Tố Hữu từng nhận thấy: Có những phút làm nên lịch sử Có cái chết hóa thành bất tử Có những lời hơn mọi bài ca Có những người như chân lí sinh ra Nhưng, trước Tố Hữu gần 100 năm, giữa trang văn của nhà thơ mù ...

Khi khóc Nguyễn Văn Trỗi, người con anh dũng của miền Nam thành đồng, nhà thơ Tố Hữu từng nhận thấy:


Có những phút làm nên lịch sử
Có cái chết hóa thành bất tử
Có những lời hơn mọi bài ca
Có những người như chân lí sinh ra


Nhưng, trước Tố Hữu gần 100 năm, giữa trang văn của nhà thơ mù xứ Đồng Khởi, đã sừng sững hiện lên bóng dáng của những người con anh dũng đất Sài Gòn Chợ Lớn, những con người “làm nên lịch sử”, những con người “như chân lí sinh ra”, người nghĩa sĩ nông dân cần Giuộc.

Khi đọc Văn tế... không ai có thế vô tình lướt qua câu văn mở đầu của nó, câu văn gắn liền với một tiếng than “Hỡi ơi” rất quen thuộc. Nhưng, trong tiếng than ấy, là cả một tình thế căng thẳng của thời đại, của đất nước: tình thế có ngoại xâm và có cuộc đấu tranh chống ngoại xâm. Lúc giặc nổ súng vào đất nước, tấm lòng yêu nước và sự căm phẫn kẻ thù của nông dân không ai thấu hiểu, chỉ có trời hiểu biết cho. Văn tế nghĩa sĩ cần Giuộc chính là sự đối đầu giữa lòng dân và súng đạn, giữa tâm hồn tình cảm và vũ khí tối tân; giữa thô sơ mộc mạc thiếu thốn với cái hiện đại, đầy đủ giữa cái anh hùng, cao cả dũng mãnh với cái đê hèn. Nguyễn Đình Chiểu đã triển khai cái nhìn, suy tư của mình trên cơ sở cái từ đối lập ấy, trong quan hệ giữa nghĩa sĩ nông dân với lũ giặc. Người nghĩa sĩ nông dân đem tấm lòng mình mà đối chọi với bọn quan quân không có tấm lòng, với bọn giặc ngoại xâm chỉ biết ỷ vào thế lực súng đạn. Chính vì vậy, không phải ngẫu nhiên, hình ảnh tấm lòng xuất hiện rất nhiều lần trong bài văn tế... và mỗi lần có mặt, nó đều hiện diện với tất cả bản sắc riêng của mình, với những dấu ấn ngày càng một cụ thể hơn, rõ nét hơn. Có khi đó là tấm lòng ở thế đối đầu cùng súng đạn, “Hỡi ôi! Súng giặc đất rền, lòng dân trời tỏ”. Có khi đó là tấm lòng tự nguvện chiến đấu, tự nguyện phụng thờ một lí tưởng cao đẹp “mến nghĩa làm quân chiêu mộ”. Có khi đó là “tấm lòng son” chưa thỏa được ước nguyền, vẫn tồn tại vĩnh viễn cùng thiên nhiên cây cỏ: “Tấm lòng son gửi lại bóng trăng rằm”.

Văn tế nghĩa sĩ cần Giuộc trước hết là sự hừng sáng của tấm lòng nông dân, tấm lòng mến nghĩa trước họa ngoại xâm. Thiếu thốn đủ thứ, họ chỉ biết đem lòng ra mà đánh giặc. Những con người ấy đã đứng lên tự giải phóng mình, bảo vệ lấy mình, bằng những gì họ có. Đọc Văn tế... người ta không thể không nghĩ đến ý tưởng của Ph.Ăng- ghen, khi ông cho rằng, người đầu bếp sẽ đánh giặc theo cách của đầu bếp, bằng lập là, dao, thớt... và người nông dân sẽ đánh giặc theo cách của người nông dân, bằng “manh áo vải”, “ngọn tầm vông”, “lưỡi dao phay”, “rơm con cúi”... 

Nhà thơ mù xứ Đồng Khởi rất chú ý đến quá trình phát triển của hình tượng nghệ thuật. Bài Văn tế... thể hiện một quá trình phát triển hết sức hợp lí, không hề đứt quảng, một quá trình biện chứng từ người nông dân áo vải, trở thành người nghĩa sĩ cần Giuộc, và cuối cùng là anh hùng thực sự. Nhưng tư cách người hùng ẩn mình ngay trong người nghĩa sĩ. Nguyễn Đình Chiểu đã dùng một dung lượng khá thích đáng (từ câu 3 đến câu 9), để mô tả quá trình ấy. Có người cho rằng, chính hoàn cảnh có tiếng súng ngoại xâm, chính sự hèn hạ của triều đình, sự vắng bóng của những “trang dẹp loạn” đã buộc người nông dân phải đứng lên cầm súng. Nhưng nét độc đáo của Nguyễn Đình Chiểu còn ở chỗ, ông đã thổi vào trong bài Văn tế... một giọng diệu, một ngữ điệu nghệ thuật. Ông đã nhập thân vào người nông dân mà khám phá ra những suy nghĩ, tâm tư, tình cảm bên trong của họ. Họ đâu phải là những bù nhìn, những con người chỉ biết “giã nhà đeo bức chiến bào - Thét roi cầu Vị ào ào gió thu” (Chinh phụ ngâm), chỉ là những con rối, những thằng hề ra trận không hề suy nghĩ! Họ là những con người thực sự, có những toan tính thực sự, những suy nghĩ và cảm nhận bằng giọng điệu của mình:

7. Bữa thấy bòng bong che trắng lốp, muốn tới ăn gan, ngày xem ống khói chạy đen sì, muốn ra cắn cổ.

8 Một mối xa thư đồ sộ, há để ai thèm rắn đuổi hươu, hai vầng nhật nguyệt chói lòa, đâu dung lũ treo dê bán chó.

9. Nào đợi ai đòi, ai bắt, phen này xin ra sức đoạn kinh chẳng thèm trốn ngược trôn xuôi, chuyến này dốc ra tay bộ hổ?”.


Giọng điệu nghệ thuật ấy đã làm cho gương mặt tâm hồn của người nghĩa sĩ thêm sâu sắc và phong phú. Họ đã sống cùng đất nước này, đâu chỉ ở những ngày lam lũ, hay những ngày làm chủ sa trường, mà còn sống chung đất nước trong những suy tư, trong từng nếp nghĩ. Nỗi đau mất nước đã từng canh cánh trong tâm hồn của những con người ấy. Họ sống cùng đất nước bằng tất cả sự tự nguyện, chủ động của mình và những suy nghĩ ấy đã thúc đẩy họ trở thành nghĩa sĩ. Cũng cần lưu ý rằng, ở đây, còn có giọng điệu, ngữ điệu của Nguvễn Đình Chiểu, của cái tôi trữ tình. Có khi đó là giọng điệu hoài niệm sâu xa, là niềm thương xót cảm phục chân thành, là nỗi đau buốt giá. Có khi là giọng ngợi ca ngưỡng vọng, khi gần gữi thân quen... cái giọng điệu đa dạng và linh hoạt ấy đã làm cho bài văn tế có rất nhiều yếu tố tự sự, hồi tưởng này bão hòa tình cảm của con người.

Trong tư tưởng nghệ thuật của nhà văn, những người anh hùng ấy không bao giờ trở thành cát bụi, mà hóa thân vào dáng sông hình núi, vào tâm khảm của con người. Không phải ngẫu nhiên, trong phần cuối của bài văn tế này, hàng loạt ý niệm về một thời gian vĩnh viễn, muôn đời được lặp đi lặp lại: “nghìn năm tiết rỡ”, “muôn đời ai cũng mộ”, “sống đánh giặc, thác cũng đánh giặc”, “sống thờ vua, thác cũng thờ vua...” Nhà thơ Pháp V.Huygô đã từng có lần nhận thấy cái chết trong lòng người, trong sự lãng quên mới là cái chết đáng sợ nhất (Đêm Đại dương). Cho nên, điều đáng quý nhất là những người nghĩa sĩ anh hùng nông dân cần Giuộc không chỉ bất tử trong thời gian mà còn bất tử nơi lòng người. Họ sống trong lòng già trẻ nơi chợ Trường Bình, nơi sông Cần Giuộc, sống trong lòng mọi người: “Danh thơm đồn sáu tỉnh chúng (tức mọi người - P.H.C chú thích) đều khen”, “tiếng ngay trải muôn đời ai cũng mộ”… có lẽ không có một sức sống nào vững bền hơn thế. Truyền thống bất tử hóa người anh hùng, bất tử hóa cái đẹp ấy vốn đã từng đằm sâu trong hàng nghìn năm văn hóa dân gian, trong từng pho cổ tích và huyền thoại, từ Trầu cau, Chủ Đồng Tử, Tấm Cám đến Thánh Gióng, Thạch Sanh... và những người nghĩa sĩ cần Giuộc cũng vậy, họ đã từng sinh ra từ nhân dân, bất tử trong nhân dân.

0