Có ý kiến cho rằng Nguyễn Khuyến là một trong những nhà thơ đặc sắc của làng cảnh Việt Nam. Anh (chị) hãy chứng minh điều đó qua việc phân tích chùm thơ về mùa thu của ông.
Không phải tôi đang làm cái việc của người đọc ở những thế kỷ sau. Bởi tôi đang là người của thế kỷ này, làm sao biết bậc lớp hậu sinh nghĩ gì, yêu ghét những gì. Nhưng cứ theo quy luật thông thường, để cho hành trang không quá cồng kềnh trên con đường xa. Người ta lại đành lòng bỏ bớt. Không phải ...
Không phải tôi đang làm cái việc của người đọc ở những thế kỷ sau. Bởi tôi đang là người của thế kỷ này, làm sao biết bậc lớp hậu sinh nghĩ gì, yêu ghét những gì. Nhưng cứ theo quy luật thông thường, để cho hành trang không quá cồng kềnh trên con đường xa. Người ta lại đành lòng bỏ bớt. Không phải mọi giá trị hôm nay được ngưỡng mộ tôn vinh, đều đủ sức đeo bám theo con người vào thế kỷ tới. Thời gian sàng lọc hay con người sẽ quên đi nhiều, hay các giá trị tự nó vơi đi? Nguyễn Trãi sẽ ...
Ba bài thơ thu ấy là một thế giới. Chúng nói cùng ta về một thứ chỉnh thể của văn chương: chỉnh thể chùm. Ba thi phẩm được viết khá gần nhau, nếu không nói là thuộc về cùng một hơi thơ, một mạch cảm hứng. Tuy ba mà một, tuy một mà ba. Nguyễn Khuyến đã có Tam nguyên trong khoa cử, lại có Tam thủ tuyệt thi trong thơ ca. Ba bài thơ tự kết với nhau hợp thành một không gian riêng, một thời gian riêng, một bầu khí quyển riêng, mang một sinh khí riêng. Thế giới ấy là của riêng Nguyễn Khuyến. Ông đã tạo ra nó bằng cả tâm hồn mình, và ông đã chọn cái thế giới ấy làm nơi cư trú riêng cho cốt cách của mình. Tâm hồn ông đã chọn nơi này để ký thác vào thế giới này đã nhận ông để biến cái thên thế phù du trôi nổi thành giá trị vĩnh hằng.
Thơ ẩn dật điền viên ở ta không thành hẳn một thi phái, trào lưu, nhưng thời nào cũng thấy. Đối với ta, nó không xa lạ. Tuy nhiên đây vẫn là một cõi riêng của Nguyễn Khuyến. Ta không thấy có ở người khác. Ông nhào nặn, tái tạo từ những nguyên liệu, vật liệu quen thuộc của cảnh quê, nhưng lại khắc phục được cái thô mộc, quê kệch để làm cho tất cả trở nên thanh nhã hơn, cao sang hơn. Toàn bộ cái nguyên tắc xây cất, tái tạo của thi nhân để làm thành cái nẻo riêng, cái khuôn viên riêng của mình ở cõi thu này có thể tóm tắt vào một chữ: THANH.
Bước vào cõi thu Nguyễn khuyến là bước vào thế giới khiêm nhường mà thanh cao. Những sự vật chốn thôn dã quê mùa bỗng trút bỏ cái thô mộc, vụng về để trở nên thanh thoát, bỗng thoát khỏi cái lam lũ, tồi tàn thành tinh tế, thanh cao. Đúng thế, chưa có ở đâu mà những nếp nhà, bờ giậu, mặt ao, lối ngõ, con thuyền, đám bèo, ngọn khói, tiếng ngỗng trời, tiếng cá quẩy v.v... Chùm thơ thu Nguyễn Khuyến. Ông đã khơi dậy từ đó một chất thơ mà không cần phải cầu đến lối thi vị hóa. Và các sự vật ấy đã óng lên một chất thơ mà vẫn giữ nguyên được cái chân chỉ duyên quê trong bản tính của mỗi sự vật. Cảnh thơ dân dã mà nho nhã, quê kiểng mà chẳng quê mùa! Bao trùm lên là một không khí thanh đạm, thanh vắng. Nó là không gian Nguyễn Khuyến, là bầu khí quyển riêng của Yên Đổ. Vì thế bước vào thế giới này là bước tới một nơi thật quen của ta, nhưng dường như ta vẫn phải đi thật chậm, thật gượng nhẹ, nhón chân, hoặc ta nên yên lặng không di dịch mà trầm ngâm cùng thi nhân, nếu không muốn trở thành phàm nhân, lố bịch.
Ở trung tâm của cõi thu Nguyễn Khuyến là một nếp nhà giản dị mà thích thảng: “Năm gian nhà cỏ thấp le te”. Nhưng vẫn có đủ “Song thưa để mặc bóng trăng vào”, vẫn mở thông ra thiên nhiên, giao hòa với trời cao - thấp đấy mà cao đấy! Vẫn là cái “Mái rạ nghìn năm” ấy thôi, nhưng không phải là “Mái nhà tranh thấp ngủ im hơn” trong tủi sầu, trì trệ. Cũng không phải là “Mái gianh ơi hỡi mái gianh, Ngấm bao mưa nắng mà thành quê hương” đầy nhẫn nại, thương nhớ. Cũng không phải là “Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng” phong tình lãng mạn...Bản lĩnh của Nguyễn Khuyến là ở đấy! Chữ “le te” vẫn giữ cho năm gian nhà cỏ vẹn nguyên là nhà cỏ đời thường. Nó không định trở thành “thảo đường”, “am mây” một cách ẩn dật, cùng không mặc cảm thành tội nghiệp, tồi tàn. Không thấp kém, không cao đạo, mà thanh cao! Nó là gian - nhà - Nguyễn - Khuyến!
Trước sân là bờ giậu thưa, ở đó những xế chiều trông ra có thể gặp “Mấy chùm trước giậu hoa năm ngoái” vừa như một ảo giác, lại vừa như một hiện hữu. Còn khi trời về tối có thể thấy bảng lảng khói sương “Lưng giậu phất phơ màu khói nhạt”. Trước nhà là một khoảng ao bé. Khi phẳng lặng có thế thấy “Nước biếc trông như từng khói phủ” mơ hồ, dường có lại dường không. Khi hiu hắt gió, Có thể thấy “Sóng biếc theo làn hơi gợn tí”. Và đêm trăng thu thì ở đó sẽ khuấy động những ánh vàng “Làn ao lóng lánh bóng trăng loe”. Trên mặt nước ngày thu lặng là “Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo”, không phải là “Con thuyền gối bãi suốt ngày ngơi” mà là con thuyền bất động mà thảng thốt trên nước, xế ra chút nữa là lối ngã luồn trong vòm tre, bóng trúc quanh co, uốn lượn, mở ra chiều sâu thâm u cho không gian thu làng quê: “Ngõ trúc quanh co khách vắng teo”. Và khi bóng đêm thôn ổ đong đầy thì nó sẽ là “Ngõ tối đêm sâu đóm lập lòe” hoang dã và có phần bí ẩn. Và ngước lên, bất cứ lúc nào, ta cũng có thể gặp bầu trời thu trong trẻo, yên tĩnh và thăm thẳm. Lúc này là “Trời thu xanh ngắt mấy từng cao” nhẹ nhõm, thoáng đãng; lúc khác lại thấy lơ lửng cả những xốp mây bông lặng lẽ trôi, di chuyển mà như không di chuyển: “Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt”. Và lúc khác, cô đơn thảng thốt hơn sẽ thấy lạ lùng trước sắc xanh của nó: “Da trời ai nhuộm mà xanh ngắt”.
Mải mê vào cái khuôn, viên riêng của Nguyễn Khuyến, dường như tôi đã xáo trộn cả ba bài thu lên, rồi để chúng liên kết lại theo trật tự đầy cảm tính của mình, chẳng biết sự minh họa vụng về của tôi có xúc phạm đến tiền nhân. Nhưng nếu được làm một họa sĩ vẽ cõi thu Nguyễn Khuyến thì hẳn là tôi không thể làm khác thế! nghĩa là tôi sẽ dùng một gam màu thật ĐẠM, thật THANH để chấm phá như thế về nơi ẩn cư của Yên Đổ. Đấy không phải là chốn “thảo đường” như trong thơ chữ Hán, không phải là “am mây” lánh đời. Nguyễn Khuyến đã ở ẩn bằng việc hòa mình vào thôn quê, thôn ổ.
3. Trên cái nền ấy ta thấy hiện ra cốt cách một thi nhân - nho gia. Người sau ít ai để ý rằng: Ba bài thơ Nôm nhưng lại mang ba cái nhan đề hoàn toàn Hán. Vì thế mà gây lúng túng trong việc dịch. Thu điếu là Mùa thu câu cá, Thu ẩm là Mùa thu uống rượu, còn Thu vịnh là Mùa thu làm thơ hay Vịnh mùa thu. Xét đơn thuần về tính chất quán của ba nhan đề trong một chùm người ta thấy nên dịch Mùa thu làm thơ. Nhưng cần thấy một sự nhất quán khác: Nhất quán trong con người Nguyễn Khuyến! Làm thơ câu cá, uống rượu... là những thú chơi tao nhã của những tao nhân mặc khách thuở xưa, nhất là những khi nhàn tản. Trở về vườn Bùi với một tâm sự u uẩn, Nguyễn Khuyến muốn ẩn cư, muốn tìm những nhã thú kia để hưởng những phút thư nhàn thanh thản của một kẻ sĩ lánh đời. Mùa thu câu cá, thì chẳng câu được con cá nào! Mùa thu uống rượu, cũng chẳng được là bao. Và mùa thu làm thơ, cũng thế: “Nhân hứng vừa toan cất bút, Nghĩ ra lại thẹn với ông Đào”, cảm hứng thơ ca mới dâng lên khi đối diện với cảnh thu êm ả, thanh tĩnh thì lập tức một nỗi thẹn dâng lên, chẹn ngang làm cụt hứng. Vậy là trong ông vẫn có một tâm sự ẩn kín. Dường như xúc cảm của một thi nhăn vừa mới dâng lên thì nỗi niềm của một nho gia đã cản lại. Nó không cho phép ông được hưởng một sinh thú ở đời dù đó là một cái thú trong sạch nhất, vô hại nhất. Tâm sự ấy là nỗi ưu thời mẫn thế, ông không muốn quên mà không thể quên. Ông muốn mang về vườn Bùi chốn cũ để nó tiêu tan trong thảo mộc điền viên, nhưng nó chẳng thể tan. Nó vẫn nghèn nghẹn trong lòng. Vì thế, trong cả ba bài thu này, ông định làm việc gì thì không có kết quả việc ấy. Nghĩa là nhàn cư mà chẳng thể nhàn tâm. Cái cốt cách thanh cao của Nguyễn Khuyến là ở đấy.
Và cứ để ý mà xem, ba bài thơ ấy dường như có một trật tự nào đấy. Không phải là trật tự thời gian. Không phải bài Thu điếu có vẻ như buổi chiều, Thu vịnh là thời gian tổng hợp, còn Thu ẩm thì nghiêng vế đêm, mà trật tự nằm ngay trong các trạng thái cô đơn của thi nhân, ở Thu vịnh là một nỗi ngượng ngùng với tiền nhân: “Nhân hứng cũng vừa toan cất bút, Nghĩ ra lại thẹn với ông Đào”, ở Thu điếu là một nỗi lo âu triền miên, chìm đắm: “Tựa gối ôm cần lâu chẳng được, cá đâu đớp động dưới chân bèo”. Và cuối cùng ở Thu ẩm, ông đã khóc một mình đơn độc dưới đêm thu, giữa những cảnh thân thiết vườn Bùi: “Da trời ai nhuộm mà xanh ngắt, Mắt lão không vầy cũng đỏ hoe”. Nỗi u uẩn muốn giấu kín bằng cốt cách điềm tĩnh. Nhưng vẫn không giữ được lâu mãi. Nó đã ùa ra thành nước mắt khi một mình đối ẩm với bầu trời. Thực là “Nói lời trước mặt rơi châu vắng người”.
Nhưng dẫu sao Nguyễn Khuyến cũng là một thi sĩ. Con người thi nhân đã được ngòi bút thi sĩ truyền vào thơ ca thật tinh diệu. Ở đây ta có thể thấy một tấm lòng quê thuần khiết, một cái nhìn Đường thi vào làng cảnh Việt Nam trong cái yên tĩnh đời đời của đồng quê, của mùa thu.
Mùa thu phải chăng là mùa mà thiên nhiên trở nên thư thái hơn. Nó là cái quãng lặng để hòa giải hai đối cực của mùa hè nóng nực và mùa đông buốt giá. Sự hòa giải ấy khiến cho tất cả đều như được thanh lọc. Tất cả đều êm ái hơn, nhẹ nhàng hơn, mênh mông hơn, thoáng đãng hơn, thưa thoáng hơn, trong trẻo hơn, mát mẻ hơn... Nắm được “thần” của mùa thu phải chăng là cảm được và truyền được những nét ấy vào thi ca của mình?
Chùm thơ này, bài nào cũng làm được điều đó. Hãy nhìn riêng vào Thu vịnh:
Cần trúc lơ phơ gió hắt hiu
Nước biếc trông như từng khói phủ
Song thưa để mặc bóng trăng vào.
Mấy chùm trước giậu hoa năm ngoái,
Một tiếng trên không ngỗng nước nào?
Nhân hứng cũng vừa toan cất bút,
Nghĩ ra lại thẹn với ông Đào.
Hai câu đề đã ghi ngay được cái thần thái của trời thu. Câu thứ nhất gợi ra cái nền phông cảnh bằng nét rộng khoáng đạt. Chữ xanh ngắt nói được cái sắc xanh riêng của mùa thu với tất cả vẻ êm ả, mát mẻ và trong xanh của nó. Ba chữ “Mấy từng cao” cho thấy tầm nhìn thi sĩ rộng mở cùng với các tầng trời, ở trên nền ấy hiện ra tiền cảnh là “cần trúc lơ phơ...” Chữ “cần” gợi được nét cong, mềm mại thật hợp với điệu thu. Chữ “lơ phơ” tả sự lưa thưa mà lay động. Chữ “hắt hiu” thật là cái hồn của gió thu. Những gợn gió thật mỏng manh nếu không tinh tế thì khó mà nhận biết. Thi sĩ đã dùng cái “động” để gợi cái “tĩnh” trong bao la của thinh không. Bức tranh cứ hạ dần độ cao.
Hai câu thực tả mặt nước và mặt đất. Nếu xanh ngắt rất đặc trưng cho trời thu thì xanh biếc lại đúng cái thần của nước thu. Nước trời soi chiếu nhau qua cảm quan của thi sĩ và với hai sắc độ ấy, bức tranh thu của Nguyễn Khuyến đã lan tỏa một gam xanh vừa thanh đạm vừa sâu lắng, cái mà Xuân Diệu đã gọi là những điệu xanh. Thi sĩ nhìn ra cái làn hơi vừa có vừa như không quấn quýt đầu con sóng. Ấy là nét hư ảo chỉ có trong vườn thu. Cái ngôi nhà cỏ thấp le te của Nguyễn Khuyến ở đây được hiện ra qua một khung cửa sổ. Đây là không gian quen thuộc của trăng thu, không gian quen thuộc của các thi sĩ phương Đông. Cửa sổ mở thông vào thiên nhiên cho tâm hồn hòa với tạo vật. Chữ “song thưa” rất không đâu mà thật ăn nhịp, hòa điệu với cái không khí riêng của mùa thu. Có phải vì đến mùa thu thì cái vẻ “thưa” kia mới trở thành ấn tượng của thi ca? vầng trăng tri kỉ thoải mái đi về cùng với thi nhân.
Đến hai câu luận, không gian và thời gian bỗng mở rộng ra:
Mấy chùm trước giậu hoa năm ngoái,
Một tiếng trên không ngỗng nước nào?
Câu trên là một ảo giác về thời gian, câu dưới là một niềm thảng thốt trước không gian. Với hai câu thơ này, bức tranh thu như trở nên thi vị, hư huyền. Chữ “năm ngoái” vốn được Nguyễn Du tái tạo từ chữ “y cựu” (y như cũ) trong thơ Thôi Hộ. Đến đây nó lại trôi về Yên Đổ, đậu lên cái chùm hoa nơi lưng giậu của Nguyễn Khuyến, phủ lên hình ảnh thơ một chút hoài niệm, bâng khuâng. Nơi lưng giậu là một hiện hữu trong không gian. Nhưng “hoa năm ngoái” đã lại không xác thực về thời gian. Có một cái gì đó ngưng đọng trên những chùm hoa kia. Hoa vẫn lặng lẽ ở đó từ năm ngoái, hay hoa mới trở về từ trong kỷ niệm? Phải trong lòng nặng nỗi u hoài không dễ tỏ bày, thi nhân mới có cái cảm nhận huyền hồ ấy! Với một tiếng ngỗng kêu, không gian chợt mở ra, mênh mông, xa vắng, ở bài Thu điếu ta gặp một tiếng cá quẫy vọng lên từ đáy nước, ở đây ta gặp một tiếng chim di trú rơi xuống từ không trung. Đến từ hai phía khác nhau nhưng cùng đánh động một tâm hồn. Và cả hai đều là những tiếng động nhằm làm cho cái tĩnh của trời, của nước trở nên thẳm sâu, thanh vắng. Âu đó cũng là thủ pháp dùng cái động để gợi cái tĩnh vậy. Hai chữ “nước nào” cũng rất không đâu, nhưng sao lại gồm chứa trong đó tất cả sự xa vắng của không gian thơ!
Chữ nghĩa của Yên Đổ ở đâu cũng rưng rưng xót cảm! Cuối cùng, Thu vịnh khép lại bằng bức tự họa thật nhanh mà thật động:
Nhân hứng cũng vừa toan cất bút,
Nghĩ ra lại thẹn với ông Đào.
Nỗi niềm u uẩn không chịu buông tha cho Yên Đổ. Cái cảm giác “thẹn với ông Đào” là cái nét thanh cao của Nguyễn Khuyến. Nó không chỉ in vào riêng bài thu này, mà nó đã đổ bóng xuống cả ba bài thơ, làm nên một chân dung thật nhất quán của Nguyễn Khuyến - một thi nhân tao nhã, một nho gia khí tiết. Và tất cả đã làm thành một cây cổ trúc thanh cao, chỉ cần một gợn gió nhẹ thôi cũng xao mình, lay động trăn trở! Giữa trời yên mà nó có được yên. Mà có lẽ trong thế giới của ba bài thu kia, nó vẫn cứ hắt hiu, cứ lay động đến muôn đời!