05/02/2018, 12:54

Phân tích bài thơ Vội Vàng của Xuân Diệu

hông biết tự bao giờ Xuân Diệu đã nhận ra thứ chất độc ghê gớm ấy mà ngay buổi đầu mới làm quen với bạn đọc ông đã biểu hiện mối quan tâm róng riết về thời gian. Đề bài: Phân tích bài thơ Vội V àng của Xuân Diệu Bài làm Sẽ đến một lúc nào đó ta giật mình tự hỏi: ...

hông biết tự bao giờ Xuân Diệu đã nhận ra thứ chất độc ghê gớm ấy mà ngay buổi đầu mới làm quen với bạn đọc ông đã biểu hiện mối quan tâm róng riết về thời gian.

Đề bài: Phân tích bài thơ Vội Vàng của Xuân Diệu

Bài làm 

Sẽ đến một lúc nào đó ta giật mình tự hỏi: Ba mẹ ta đã bao nhiêu tuổi? Khi ấy hẳn mái tóc của người cha đã bạc màu sương gió và lưng mẹ đã còng đi vì gánh nặng lo toan đằng đẵng theo năm tháng. Mới hay sức tàn phá của thời gian thật đáng sợ. Không biết tự bao giờ Xuân Diệu đã nhận ra thứ chất độc ghê gớm ấy mà ngay buổi đầu mới làm quen với bạn đọc ông đã biểu hiện mối quan tâm róng riết về thời gian, sống cuống quýt, vội vàng để tận hưởng hết sắc màu của cuộc sống.

Ta hãy nghe nhà thơ công khai tuyên bố:

Tôi muốn tắt nắng đi

Cho màu đừng nhạt mất

Tôi muốn buộc gió lại 

Cho hương đừng bay đi.

Xuân Diệu không hề giấu giếm lòng ham muốn, khát khao, đắm say hạnh phúc trần thế của mình. Điều mà không mấy ai dám nhìn nhận. Trái lại ông còn thể hiện nó một cách mãnh liệt. Thế mới biết thế nào là sức sống của một “mùa xuân kì diệu”. Sống là phải tận hưởng hết những sắc màu, hương vị cuộc sống. Đã ngắm một bông hoa trong thời rực rỡ huy hoàng nhất nhưng vẫn muốn kéo dài tuổi bình minh, kéo dài sự sống để thưởng thức thêm cái đẹp. Đã hít thật mạnh ngửi thật sâu một mùi hương thoảng qua trong gió nhưng vẫn muốn kéo gió lại để tận hưởng trọn vẹn cái hương thơm ấy mới vừa lòng. Thơ Xuân Diệu vì thế có được sức sống vô cùng mãnh liệt. Và dường như thượng đế đã ban cho ông một trái tim chỉ để giao cảm với cuộc đời. Ông muốn thay cả quyền tạo hóa để tô them sắc cho hoa, ướp thêm hương cho nhụy, trang hoàng cho chốn trần gian này thêm lộng lẫy bởi lẽ trong con mắt xanh con của nhà thơ tất cả những gì trên mặt đất này đều là một khối hồng tươi và diễm tuyệt:

Của ong bướm này đây tuần tháng mật; 

Này đây hoa của đồng nội xanh rì; 

Này đây lá của cành tơ phơ phất; 

Của yến anh này đây khúc tình si; 

Và này đây ánh sáng chớp hàng mi, 

Mỗi sáng sớm, thần Vui hằng gõ cửa.

“Này đây, này đây, lại này đây”. Ôi biết bao cái đẹp. Nếu người ta thoát lên cùng Thế Lữ, để tìm Tiên Đồng Ngọc Nữ thì Xuân Diệu lại kêu gọi con người trở về trần thế. Bới đối với ông, chỉ có trần thế này mới là nơi dành cho cái đẹp và sự hưởng thụ cái đẹp. Ông sung sướng ngất ngây reo lên: Thiên đàng ở ngay trên mặt đất này, ở xung quanh chúng ta. Mọi người hãy ngắm nhìn đi, hãy tận hưởng đi đâu phải nhọc công tu luyện ngàn năm mới được siêu thoát, mới đến cõi Niết Bàn đến chốn Bồng Lai tiên cảnh xa xôi huyền hoặc… chỉ hoài công thôi, còn trần thế này mới đích thực là miền cực lạc. Và ông đã nhìn đời bằng con mắt say sưa, đắm đuối, chỉ có bướm với hoa, chỉ có nhạc với thơ… Tình yêu cuộc sống mạnh liệt đã trang điểm cho nhà thơ một đôi mắt đẹp hơn hẳn mọi đôi mắt và một thứ giác quan nhạy cảm hơn mọi giác quan của người thường. Đến với ông, niềm vui, ánh sáng có những hoạt động như con người: “Ánh sáng chớp hàng mi” “thần Vui gõ cửa”. Và không phải đây là lần đầu tiên ông nhìn thấy. Trong “Trường ca” ông đã viết: “Mi của ánh sáng thật dài, tia của ánh áng thật đượm”. Cũng thứ ánh sáng ấy một lần khác Xuân Diệu viết:

Tà áo mới cũng say màu gió nước

Rặng mi dài xao động ánh dương vui

Quả là Xuân Diệu đã thực hiện đúng phương châm của mình: “Sống toàn tâm toàn ý” và “thức nhọn mọi giác quan”.

Tháng giêng ngon như một cặp môi gần

Thật là táo bạo. Ta có cảm giác như lối sống Tây phương đã chiếm lĩnh cái “nhạc điệu tâm hồn riêng của người Việt Nam” mất rồi. Tác giả đã diễn tả ham muốn đậm đặc màu sắc trần thế mà không hề ấp úng, không hề che đậy. Bởi thế lúc mới xuất hiện, Xuân DIệu không khỏi làm cho mọi người ngạc nhiên lẫn ngờ vực, chỉ trích. Ta đồng ý với Hoài Thanh rằng: “Xuân Diệu là một nguồn sống dạt dào chưa từng thấy ở chốn nao nước lặng lẽ này”. Ông dám nói thật cái điều như nó có mà người đời vẫn cố tình che đậy đấy thôi. Lâu nay, tiếng thơ của ông đã trở thành những bản tình ca du dương êm ái, càng làm cho người ta thêm yêu cuộc sống và đã hồi sinh lại biết bao tâm hồn già nua. Và Xuân Diệu đã trở thành nhà thơ có vị trí không thể nào thay thế được trong nền thơ ca hiện đại của Việt Nam. Chính là ở chỗ ông dám phơi bày cái “tôi” của mình một cách ham hố, cuồng nhiệt:

Tôi sung sướng. Nhưng vôi vàng một nửa

Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân

Không biết đã bao lần điệp khúc giục giã như thế đã vang trong thơ ông. Nhưng với Xuân Diệu “yêu thế vẫn còn chưa đủ” vì vậy ông luôn luôn sống gấp gáp vội vàng. Có lẽ ám ảnh thời gian đã ăn sâu vào tâm thức của ông, nhắc nhở chính ông và tất cả mọi người:

Xuân đương đến nghĩa là xuân đương qua

Xuân còn non nghĩa là xuân sẽ già

Mà xuân hết nghĩa là tôi cũng mất

Không phải đến bây giờ vấn đề thời gian ra đi không bao giờ trở lại mới đặt ra. Từ ngàn năm trước, cổ nhân đã cảm thấy sáu khắc ban ngày quá ngắn, chưa thỏa mãn những cuộc vui nên đêm năm canh đã thốt đuốc kéo dài thời gian :

Cổ nhân bĩnh chức dạ chu du

Và Nguyễn Trãi sau này đã diễn tả rất chính xác quy luật tạo hóa :

Tốt tươi khô héo tuần hoàn đổi thay

(Nguyễn Trãi)

Sự sống con người rồi sẽ dần dần bị bào mòn theo thời gian. Vì thế phải tận dụng từng phút từng giây để sống, để cống hiến và để hưởng thụ. Hệ quả ấy đã đúc kết từ xưa. Nhưng đến Xuân Diệu với lòng đam mê, khát khao giao cảm với cuộc sống trần thế, nó đã được phát biểu hoàn toàn mới mẻ, giàu thuyết phục.

Nói làm chi rằng xuân vẫn tuần hoàn

Nếu tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại

Còn trời đất nhưng chẳng còn tôi mãi.

Xuân đến, xuân đi, rồi xuân trở lại, nhưng tuổi trẻ của một đời người có bao giờ lặp lại hai lần. Chỉ có một lần duy nhất một lần con người ta là hoa thơm trái ngọt. Vì thế phải tận hưởng hết thời xuân sắc ấy. Lâu nay người ta vẫn thường lấy « chí làm trai » của Nguyễn Công Trứ làm tiêu chí đánh giá các bậc tu mi nam tử. Vì vậy không ít ý kiến đã cho rằng quan niệm sống của Xuân Diệu là tiêu cực, ích kỉ, chỉ biết hưởng thụ, chỉ biết sống cho riêng mình… « Sao lại bắt ngày mai phải giống hệt hôm sau ? Nêu ra một mớ linh tinh, tư tưởng, tục lệ rồi bảo : Người VIệ nam phải như thế là một điêu vô lí » (Hoài Thanh). Cố nhiên, sống tích cực thì phải hành động đem những ý nghĩa giá trị tinh túy của mỗi cá nhân góp vào đời. Để sống có ý nghĩa, con người phải biết hướng tới một mục đích cao cả. Nhưng như thế, không có nghĩa là con người phải sống khổ hạnh, không biết hưởng thụ niềm vui, cái đẹp của cuộc sống. Sau CMT8 thơ Xuân Diệu đã tìm đến một nguồn cảm hứng mới : dạt dào chất lãng mạn cách mạng và đậm nét trữ tình dân tộc nhưng không vì thế mà nói quan niệm sống của Xuân Diệu ở buổi đầu không có ý nghĩa tích cực.

Trình bày một nội dung mang tính chất luận đề nhưng Xuân Diệu không hề làm cho người đọc thất khô khan, nhàm chán, bị câu thúc, gò bó. « Những câu thơ của anh là nhạc, một nhạc điệu nhẹ nhàng tinh tế, rất uyên bác và gọt giũa rất kì công » (Rimây) luôn làm cho mọi người khám phá được những điều mới lạ, thích thú :

Cơn gió xinh thì thào trong lá biếc

Phải chăng buồn vì nỗi phải bay đi

Chim rộn ràng bỗng đứt tiếng reo thi

Phải chăn sợ độ phai tàn sắp sửa.

Trong con mắt say tình, ngây ngất của Xuân DIệu mọi vật cùng giao cảm với nhau, cũng trữ tình với nhau. Ông muốn cả thế giới này đắm chìm trong hạnh phúc trần thế. Nhưng thời gian cứ trôi đi, trôi mãi như : « Sông Hoàng Hà từ trên trời đổ xuống, một lần đi không trở lại bao giờ » (ý thơ Lí Bạch) mà tuổi trẻ thì cón hạn kì. Vì thế phải :

Mau lên thôi, mùa chưa ngả chiều hôm

Có lẽ đây là lần thứ một ngàn lẻ một, Xuân Diệu nói đến mối quan tâm róng riết về thời gian đến mức cuống quýt vì sợ thời gian qua mất. Nhưng ai đã và đang sống trong thời xuân sắc hãy vui sống lên đo, thế giới này vẫn còn đẹp lắm, hãy hưởng thụ hãy hòa tâm hồn mình vào hương sắc ngât ngất của trời đất  kẻo tuổi xuân qua mát ! Và ông đã chứng minh cho mọi người thấy sức sống mạnh liệt của ông, ông muốn vồ vập, gấp gáp muốn ôm lấy tất cả mọi vẻ đẹp trần thế vào lòng mình :

Ta muốn ôm

Cả sự sống đang bắt đầu mơn mởn

Ta muốn riết say cánh bướm với tình yêu

Ta muốn thâu trong một cái hôn chiều

Và non nước và cây và cỏ rạng

Cho chếnh choáng mùi thơm cho đã đầy ánh sáng

 Cho no nê thanh sắc của thời tươi

Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi.

Đọc những câu thơ được trang hoàng lỗng lẫy trong lâu thơ “xây dựng trên đất của một tấm lòng trần gian” ấy, người ta như nghe thấy hơi thở dồn dập, nhịp tim rộn rã của Xuân Diệu trước quá nhiều hạnh phúc trần thế. Người đọc như cũng bị lôi cuốn theo dòng cảm xúc của tác giả, nguồn sống trào dâng dạo dào. Và hơn bao giờ hết, những giác quan của họ được thúc nhọn “Ta muốn riết, ta muốn say, ta muốn thâu”… Đất trời như hòa tan là một, nhà thơ quay cuồng ngây ngất trong biển cả hạnh phúc tuyệt vời trên trần thế. Câu thơ cuối cùng là cực điểm của tình yêu, niềm khát khao giao cảm, sự thỏa mãn đến mức tê dại những giác quan. Sức sống của một mùa xuân diệu kì là như vậy.

Quả là, trong thơ Xuân Diệu có một sức sống dạt dào chưa từng thấy ở chốn non nước lặng lẽ này. Ông ham hố, vội vàng, gấp gáp, luôn khao khát và giao cảm với đời một cách mãnh liệt. Đó chính là điểm tựa cứu rỗi linh hồn ông trong những phút giây cô đơn, chơi vơi giữa bể trần mênh mông. Và phải chăng chính nhờ ông mà nhiều độc giả mới nếm được hương vị ngọt ngào của hạnh phúc trần thế trước mặt Chúa, thánh thần mà có lẽ hơn hết là trước mặt con người.

0