06/05/2018, 09:33

Phân tích bài thơ Từ ấy của Tố Hữu – Văn mẫu hay lớp 11

Xem nhanh nội dung Phân tích bài thơ Từ ấy của Tố Hữu để thấy tâm trạng của một thanh niên say mê lí tưởng – Bài làm 1 của một học sinh giỏi Văn tỉnh Điện Biên Trong nền văn học Việt Nam, Tố Hữu được coi là lá cờ đầu của nền thơ ca cách mạng. Từ một thanh niên trí thức ...

Xem nhanh nội dung

Phân tích bài thơ Từ ấy của Tố Hữu để thấy tâm trạng của một thanh niên say mê lí tưởng – Bài làm 1 của một học sinh giỏi Văn tỉnh Điện Biên

Trong nền văn học Việt Nam, Tố  Hữu được coi là lá cờ đầu của nền thơ ca cách mạng. Từ một thanh niên trí thức tiểu tư sản, được giác ngộ lí tưởng, Tố Hữu đã trở thành một chiến sĩ cộng sản. Thơ Tố Hữu gắn với cuộc sông cách mạng và chính trị, thời sự đất nước. Từ ấy (1937 – 1946) là chặng đường đầu của thơ Tố Hữu. Từ ấy là bài thơ có ý nghĩa mở đầu và cũng có ý nghĩa như một tuyên ngôn về lẽ sống của một chiến sĩ cách mạng cũng là tuyên ngôn nghệ thuật của nhà thơ. Bài thơ cũng là tâm nguyện của người thanh niên yêu nước: niềm vui sướng, say mê mãnh liệt, những nhận thức mới về lẽ sống, sự chuyển biến sâu sắc trong tình cảm.

Tâm trạng nhà thơ có sự vận động qua ba khổ thơ: Niềm vui sướng, say mê khi gặp lí tưởng (khổ 1); những nhận thức mới về lẽ sông (khổ 2); sự chuyển biến sâu sắc trong tình cảm.

Sự vận động của tâm trạng nhà thơ được thể hiện sinh động bằng những hình ảnh tươi sáng, các biện pháp tu từ gợi cảm và ngôn ngữ giàu nhạc điệu.

Hai câu thơ mở đầu được viết theo bút pháp tự sự, nhà thơ kể lại một kỉ niệm không quên của đời mình:

Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ  

Mặt  trời chân lí chói qua tim

Từ ấy là cái mốc thời gian có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong đời cách mạng và đời thơ của Tố Hữu. Khi đó nhà thơ mới 18 tuổi, đang hoạt động tích cực trong Đoàn Thanh niện Cộng sản Huế, được giác ngộ lí tưởng cộng sản, được kết nạp vào Đảng. Bằng những hình ảnh ẩn dụ: nắng hạ, mặt trời chân lí, chói qua tim, Tô Hữu khẳng định lí tưởng cách mạng như một nguồn sáng mới làm bừng sáng tâm hồn nhà thơ. Nguồn sáng ấy không phài là ánh thu vàng nhẹ hay ánh xuân dịu dàng mà là ánh sáng rực rỡ của một ngày nắng hạ. Hơn thế, nguồn sáng ấy còn là mặt trời, và là mặt trời khác thường, mặt trời chân lí

Một sự liên kết sáng tạo giữ hình ảnh và ngữ nghĩa. Mặt trời của thiên nhiên đem lại cho nhân gian ánh sáng, hơi ấm, sự sống thì Đảng cũng là nguồn sáng kì diệu tỏa ra những tư tương đúng đắn, hợp lẽ phải, báo hiệu những điều tốt lành cho cuộc sống. Cách gọi lí tưởng như vậy thể hiện thái độ thành kính, ân tình. Thêm nữa, những động từ  bừng (chỉ ánh sáng phát ra đột ngột.), chói (ánh sáng có sức xuyên mạnh) càng nhấn mạnh ánh sáng cùa lí tưởng đã hoàn toàn xua tan màn sương mù của ý thức tiểu tư sản và mờ ra trong tâm hồn nhà thơ một chân trời mới cùa nhận thức, tư tưởng, tình cảm.

Ở hai câu sau, bút pháp trữ tình lãng mạn, cùng với hình ảnh so sánh đã diễn tả cụ thế niềm vui sướng vô hạn của nhà thơ trong buổi đấu đến với lí tưởng cộng sản. Đó là một thế giới tràn đầy sức sông với hương sắc của các loài hoa, vẻ tươi xanh của cáy lá, âm thanh rộn rã của tiếng chim ca hót. Đối với khu vườn hoa lá ấy, còn gì đáng quý hơn ánh sáng mặt trời? Đôi với tâm hồn người thanh niên đang băn khoăn đi kiếm lẽ yêu đời, còn gì quý giá hơn khi có một lí tưởng như có cây hoa lá đón ánh sáng mặt trời, chính lí tưởng cộng sản đã làm tâm hồn con người tràn đầy sức sống và niềm yêu dời làm cho cuộc sông của con người có ý nghĩa hơn. Tố Hữu là một nhà thơ nên vẻ đẹp và sức sống mới ấy tâm hồn cũng là vẻ đẹp và sức sống mới của hồn thơ. Cách mạng không đối lập với nghệ thuật mà đã khơi dậy sức sông, đem lại một cảm hứng sáng tạo mới cho hồn thơ.

Trong quan niệm về lẽ sống, giai cấp tư sản và tiểu tư sản có phần đề cao cái tôi cá nhân chủ nghĩa. Khi được giác ngộ lí tưởng, Tố Hữu khẳng định quan niệm mới về lẽ sống và sự gắn bó hài hòa cái tôi cá nhân và cái ta chung của mọi người. Với động từ buộc , câu một là một cách nói quá thế hiện ý thức tự nguyện sâu sắc và quyết tâm cao độ của Tố Hữu muốn vượt qua giới hạn của cái tôi cá nhân để sống chan hòa với mọi người (trăm nơi là một hoán dụ chỉ mọi người sống ở khắp nơi). Với từ  trang trải  ở câu 2, có thể  liên tưởng tâm hồn nhà thơ trải rộng với cuộc đời, tạo ra khả năng đồng cảm sâu xa với hoàn cảnh của từng con người cụ thể.

Hai câu thơ sau cho thấy tình yêu thương con người cùa Tố Hữu không phải là thứ tình thương chung chung mà là tình cảm hữu ái giai cấp. Câu 3 khẳng định trong mối liên hệ với mọi người nói chung, nhà thơ đặc biệt quan tâm đến quần chúng lao khổ. Ớ câu 4, khối đời là một ẩn dụ chỉ một khối người đông đảo cùng chung cảnh ngộ trong cuộc đời, đoàn kết chặt chẽ với nhau cùng phấn đấu vì một mục tiêu chung. Có thể hiểu: khi cái tôi  chan hòa trong cái ta, khi cá nhân hòa mình vào tập thể cùng lí tưởng thì sức mạnh cúa mỗi người sẽ được nhân lên gấp bội.

Tóm lại, Tố Hữu đặt mình giữa dòng đời và trong môi trường rộng lớn của quần chúng lao khổ, ở đấy Tố Hữu đã tìm thấy niềm vui và sức mạnh mới không chì bằng nhận thức mà còn bằng tình cảm mến yêu, bằng sự giao cảm của những trái tim. Qua đó, Tố Hữu cũng khẳng định mối liên hệ sâu sắc giữa văn học và cuộc sống, mà chủ yếu là cuộc sống của quần chúng nhân dân.

Trước khi được giác ngộ lí tưởng, Tố Hữu là một thanh niên tiểu tư sản. Lí tưởng cộng sản không chỉ giúp nhà thơ có được lẽ sống mới mà còn giúp nhà thơ vượt qua tình cảm ích kỉ, hẹp hòi của giai cấp tiểu tư sản đế có được tình hữu ái giai cấp với quần chúng lao khổ. Hơn thế, đó còn là tình thân yêu ruột thịt. Những điệp từ là cùng với từ con, em, anh và số từ ước lệ vạn (chỉ số lượng hết sức đông đảo) nhấn mạnh, khẳng định một tình cảm gia đình thật đầm ấm, thản thiết, cho thấy nhà thơ đã cảm nhận sâu sắc bản thân minh là một thành viên cùa đại gia đình quần chúng lao khổ. Tấm lòng đồng cảm, xót thương của nhà thơ còn biếu hiện thật xúc động, chân thành khi nói tới những kiếp phôi pha (những người đau khổ bất hạnh, những người lao động vất vả, thường xuyên dãi dầu mưa nắng để kiếm sống) những em nhỏ không áo cơm cù bất, cù bơ (những em bé không nơi nương tựa phải lang thang vất vưởng, nay đây mai đó). Qua những lời thơ ấy, người đọc thấy được lòng căm hận của nhà thơ trước bao bất công, ngang trái của cuộc đời cũ. Chính vì những kiếp phôi pha, những em nhò cù bất cù bơ ấy mà người thanh niên Tố Hữu hăng say hoạt động cách mạng, và họ cũng trở thành đối tượng sáng tác chủ yếu của nhà thơ (cô gái giang hồ trong Tiếng hát sông Hương; chú bé đi ở trong Đi đi em; ông lão khốn khổ trong Lão đầy tớ; em bé bán bánh trong Một tiếng rao đêm,…).

Đến đây có thế thấy, về quan điểm nhận thức và sáng tác, bài thơ là tuyên ngôn cho tập Từ ấy nói riêng và cho toàn bộ tác phẩm của Tố Hữu nói chung. Cần nói rõ: đó là quan điểm của giai cấp vô sản với nội dung quan trọng là nhận thức sâu sắc về mổĩ quan hệ giừa cá nhân với quần chúng lao khổ, với nhân loại cần lao.

Từ ấy là lời tâm nguyện của thanh niên yêu nước giác ngộ và say mê lí tưởng cách mạng. Sự vận động của tâm trạng nhà thơ được hiện sinh động bằng những hình ảnh tươi sáng, bằng các biện pháp tu từ và ngôn ngữ giàu nhạc diệu. Từ ấy đánh dấu một thời điểm quan trọng trong cuộc đời Tố Hữu và trong sự nghiệp thơ ca của óng. Bài thơ không ngừng hấp dẫn độc giả các thế hệ.

Phân tích bài thơ “Từ ấy” của Tố Hữu – Bài làm 2

Là một người yêu thích thơ Tố Hữu, hẳn không ai là không biết đến bài thơ “Từ ấy” nằm trong tập thơ cùng tên của ông. Có thể nói “Từ ấy” là tiếng lòng, là tiếng reo vui của tâm hồn ông khi được chân lý của Đảng khai sáng, soi đường. Và “Từ ấy” đến với Tố Hữu một cách tự nhiên, không trau chuốt, hoa mĩ, mà đó là những cảm xúc, sự thăng hoa của tâm hồn ông viết nên.

Cái tên của bài thơ nghe rất đơn giản. Dường như nó được phát ra luôn lúc mà nhà thơ vừa sáng tác xong, chứ không hề có chỉnh sửa hay thay đổi nào hết. “Từ ấy” là chỉ một mốc thời gian cố định, ngay tại một cái khoảnh khắc nào đó, đánh dấu bước ngoặt cuộc đời của Tố Hữu. Nó chính là tiếng lòng, tiếng reo hò vui vẻ, là sựu hân hoan không thể nào xác định được, chỉ biết gọi là “Từ ấy”.

Ở khổ thơ đầu tiên là niềm vui, là sự lâng lâng hạnh phúc khi nhà thơ tìm thấy ánh sáng, chân lý, lý tưởng của cuộc đời mình.

Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ

Mặt trời chân lý chói qua tim

Hồn tô là một vườn hoa lá

Rất đậm hương và rộn tiếng chim…

Ngay ở câu thơ đầu tiên ta đã bắt gặp một hình ảnh ẩn dụ rất mạnh mẽ, đó là “bừng nắng hạ”. chúng ta chắc ai cũng biết, cũng cảm nhận được ánh nắng của mùa hè chói chang đến cỡ nào, có sức lan tỏa đến cỡ nào và rực rỡ ra sao rồi phải không. Nó đủ để làm bừng lên, phát sáng lên mọi góc khuất, mọi nơi tối tăm, cùng cực nhất của thế gian cũng như của tâm hồn con người bị đóng băng, bị che giấu, bao phủ. Tiếp tục với lối ẩn dụ tài tình bằng những hình ảnh như “mặt trời chân lý” như “chói qua tim”. Nhà thơ tiếp tục trải ra trước mắt ta sự hân hoan, sự vui sướng đến tột cùng của mình. “Mặt trời chân lý” đó chính là những lý tưởng sáng sủa, mới mẻ của Đảng, của cách mạng đang thấm sâu, thấm sâu vào từng thớ da thịt, vào tận xương tủy, tới trái tim đang lỗi nhịp, đang khô cằn, phủ bụi của Tố Hữu. Làm cho ông phải dùng đến “vườn hoa lá”, “đậm hương”, “tiếng chim” mới diễn đạt hết những niềm hạnh phúc, những sự hân hoan trong tâm hồn của người chiến sĩ trẻ tuổi lúc bấy giờ. Phải chăng, tâm hồn của người chiến sĩ này trước đây rất mông lung, rất tăm tối nhưng từ khi gặp được lý tưởng ấy, Tố Hữu đã phải ví von, so sánh với “vườn hoa lá” đang ở độ xuân thì, đang sinh sôi, nảy nở với trăm hoa, muông thú cùng khoe hương, khoe sắc, khoe thanh. Sự náo nức, nhiệt huyết, sự mãnh liệt đến cùng cực của niềm vui hân hoan là những gì mà ta cảm nhận được ở khổ thơ mở đầu này.

Và cũng nhờ cái khoảnh khắc “Từ ấy” đó mà nhà thơ Tố Hữu – người chiến sĩ trẻ đó đã tìm được cho mình lý tưởng sống mới, lẽ sống mới. Đó là:

Tôi buộc lòng tôi với mọi người

Để tình trang trải khắp muôn nơi

Để hồn tôi với bao hồn khổ

Gần gũi nhau thêm mạnh khối đời.

Lý tưởng sống mới, lẽ sống mới mà nhà thơ nói đến ở đây là sự tự nguyện đến chân thành khi ông sẵn sàng “buộc” lòng mình với tất cả mọi người, tất cả mọi nơi. Ông nhận mình là một người dân lao động bình thường, là một người đồng bào của đất nước Việt Nam, là người cũng chia sẽ vui buồn, khổ cực, cùng ăn uống, cùng ngủ nghỉ như tất cả mọi người. Và tất cả gắn kết họ thành một đại gia đình, thành một khối thống nhất khôn gì tách rời được. Ở câu cuối cùng của khổ thơ thứ hai, ta thấy chú ý nhất ở hai từ “khối đời”. Hai từ này bao hàm rất rộng rãi, có nhiều ý nghĩa mông lung, không rõ ràng. Nhưng ở bài thơ này, nó là nhiều, là vô vàn, vô số cuộc đời được gắn kết, được chia sẽ, được bao bọc lấy nhau tạo thành một khối thống nhất, vững chắc, liên kết với nhau như những người thân ruột thịt trong gia đình mà không gì có thể lung lay hay chia cắt được.

Ở bốn câu thơ cuối cùng, nhà thơ – nhà chiến sĩ trẻ tiếp tục nhấn mạnh, khẳng định về mình, về vai trò, về trọng trách, vị trí mà mình đang đảm nhiệm:

Tôi đã là con của vạn nhà

Là em của vạn kiếp phôi pha

Là anh của vạn đầu em nhỏ

Không áo cơm, cù bất cù bơ…

Từ một người đã từng sống trong cảnh tối tăm, mất phương hướng, Tố Hữu bây giờ đã là con, là em, là anh của đại gia đình nhân dân lao đọng nghèo khổ. Hiện tại trái ngược với quá khứ. Ông đang trở thành chỗ dựa, thành nơi khai sáng và cũng là lý tưởng, nguồn chân lý của những người có kiếp sống “phôi pha”, nhạt nhẽo, đáng thương, của những đứa em nhỏ bơ vơ, lạc lõng giữa dòng đời vô định và không biết đến ngày mai “cù bất cù bơ”. Tưởng như ta chỉ bắt gặp tính từ “cù bất cù bơ” này trong những câu nói của người dân lao động nghèo khổ khi họ đang nói chuyện với nhau mà thôi. Vậy mà trong thơ ông ta bắt gặp sự gần gũi thường ngày đó. Bởi giờ ông không phải mang tâm thế của một người đi khai sáng, mà là con, là em, là anh của họ. Người chiến sĩ trẻ ấy sống cùng với họ, trải qua mọi dắng cay khổ cực, cũng nhau san sẽ, chia sớt những niềm hạnh phúc nhỏ nhoi, những nỗi nhọc nhằn lo toan thường ngày. Việc nhà thơ nhấn mạnh, lặp đi lặp lại từ “là” để cho người đọc có cảm giác chắc chắn, bền chặt, gắn bó keo sơn giữa ông với những người dân lao động trong xã hội lúc bấy giờ.

Chỉ với những hình ảnh ẩn dụ đơn giản, những biện pháp so sánh ví von, hay dùng điệp từ ít ỏi mà Tố Hữu đã diễn tả hết sức thành công mĩ mãn những gì mà trong tâm hồn ông, trong cõi lòng của ông đang cố gắng để nói ra. Câu từ mộc mạc, gần gũi, không trau chuốt, không gọt giũa nhiều nhưng lại có hiệu ứng rất mạnh với không chỉ những thế hệ thanh niên như ông lúc bấy giờ, mà còn cả những thế hệ sau này nữa. Bài thơ như lời cổ động, lời kêu gọi thức tỉnh mọi thế hệ, mọi lớp người đang loay hoay với mớ bòng bong của chính mình. Hãy thức tỉnh, dể thấy tâm hồn mình thực sự nhảy múa, thực sự tràn ngập tiếng chim ca, mùi hoa đưa khắp nơi nơi.

Em hãy phân tích bài thơ Từ Ấy của Tố Hữu để thấy được tâm trạng của một thanh niên được thức tỉnh bởi lý tưởng cách mạng, những chuyển biến trong tâm hồn người thanh niên khi thấu hiểu được lý tưởng sống mới – Bài làm 3

1. Tố Hữu (1920 – 2002) là một nhà thơ lớn của dân tộc, là ngọn cờ đầu của thơ ca cách mạng Việt Nam. Cuộc đời thi sĩ và chiến sĩ của Tố Hữu luôn song hành với nhau. Trên hành trình vừa làm chiến sĩ vừa làm thi sĩ, Tố Hữu đã có nhiều cột móc quan trọng nhưng cột móc đáng chú ý nhất là cột móc khi giác ngộ lý tưởng Đảng vào 1937. Ở thời điểm này, Tố Hữu đã có một bài thơ ghi lại ấn tượng của buổi đầu ấy, bài thơ có tên “Từ ấy”. Bài thơ “Từ ấy” được in trong tập thơ cùng tên, là một trong những bài thơ đặc sắc của Tố Hữu. Bài thơ là tiếng reo vui của người thanh niên trai trẻ Tố Hữu khi được giác ngộ lý tưởng Đảng và nhận thức mới của người thanh niên ấy khi đi với cách mạng. Tiếng reo vui của buổi đầu đi với cách mạng được Tố Hữu thể hiện một cách rất hình ảnh và sinh động.

“Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ
Mặt trời chân lí chói qua tim
Hồn tôi là một vườn hoa lá
Rất đậm hương và rộn tiếng chim
Tôi buộc lòng tôi với mọi người
Để tình trang trải với trăm nơi
Để hồn tôi với bao hồn khổ
Gần gũi nhau thêm mạnh khối đời
Tôi đã là con của vạn nhà
Là em của vạn kiếp phôi pha
Là anh của vạn đầu em nhỏ
Không áo cơm cù bất cù bơ”.

2.a. Nhà thơ Tố Hữu sinh năm 1920, thời tuổi trẻ sống trong đêm trường nô lệ nhưng may mắn cho Tố Hữu là năm 1937 được giác ngộ cách mạng, rồi 1939 được kết nạp vào Đảng. Đó là thời kỳ Tố Hữu chuyển mình từ một thanh niên học sinh sang làm một chiến sĩ cộng sản. Tố Hữu đã ghi lại tâm trạng của thời kỳ này đó là thời kỳ thời điểm mà nhà thơ reo vui khi gặp lý tưởng Đảng.

“Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ
Mặt trời chân lí chói qua tim
Hồn tôi là một vườn hoa lá
Rất đậm hương và rộn tiếng chim”.

“Từ ấy” là thời điểm người thanh niên Tố Hữu đến với cách mạng, được giác ngộ lý tưởng Đảng. Thời điểm ấy trong tâm hồn nhà thơ có một sự nồng ấm nồng nhiệt của một nhiệt huyết cách mạng mà nhà thơ đã cảm giác như một thứ nắng hạ chói chan. Cảm giác ấy là vì lý tưởng Đảng, ánh sáng cách mạng như là “mặt trời chân lý” bừng sáng “chói qua tim”. Tim là nơi hội tụ của tâm hồn, tư tưởng, tình cảm, ánh sáng chân lí chói qua tim là một sự sáng bừng sáng tỏ trong tình cảm, trong nhận thức của người thanh niên cách mạng.

Sau khi được ánh sáng Đảng, lý tưởng cách mạng như mặt trời chân lý rọi vào sáng tỏ thì nhà thơ cảm thấy tâm hồn mình như được hồi sinh.

“Hồn tôi là một vườn hoa lá
Rất đậm hương và rộn tiếng chim”.

Như ta đã biết trong bài thơ “Một nhành xuân” 1980, Tố Hữu đã tự thuật lại quãng đời trước kh gặp lý tưởng Đảng rằng:

“Tôi đã khô như cây sậy ven đường
Đâu ước làm chim thơm và trái ngọt
Tôi đã chết im lặng như con chim không bao giờ được hót
Một tiếng ca lánh lót cho đời”.

Một tâm hồn kho héo như thế nay bỗng nhiên trỗi dậy hồi sinh. Nhà thơ cảm thấy trong tâm hồn mình xanh tươi như “một vườn hoa lá” có hương sắc hương thơm và cả “rộn tiếng chim”. Cũng có nghĩa là tâm hồn như được sống lại, rạo rực mê say, có đủ âm thanh màu sắc. Thật khó có hình ảnh nào ví về sự hồi sinh tâm hồn hình ảnh hơn thế, sinh động hơn thế. Bốn câu thơ mở đầu với những hình ảnh thơ mới lạ sáng tạo, nhà thơ vừa thể hiện được cảm giác reo vui khi lý tưởng Đảng soi rọi vào tâm hồn mình, khi tâm hồn mình được hồi sinh dưới ánh sáng chân lý Đảng.

b. Sau khi tiếp nhận lý tưởng Đảng và hồi sinh tâm hồn, người thanh niên cộng sản Tố Hữu đã có một sự thay đổi về nhận thức, đó là phải gắn bó yêu thương những người lao khổ để xiết chặt đội ngũ chiến đấu, tác giả viết:

“Tôi buộc lòng tôi với mọi người
Để tình trang trải với trăm nơi
Để hồn tôi với bao hồn khổ
Gần gũi nhau thêm mạnh khối đời”.

Nếu như các nhà thơ lãng mạn cùng thời chưa có một nhân sinh quan sống đúng, họ sống chán nản hoặc tách biệt với nhân dân. Chẳng hạn như Xuân Diệu viết:

“Ta là một là riêng là thứ nhất
Không có ai bè bạn nổi cùng ta”.
Hay như Chế Lan Viên thì nói:
“Nhân dân ở quanh ta mà ta chẳng biết
Thơ xuôi tay như nước chảy xuôi dòng”.

Thì Tố Hữu lại có một nhận thức mới mẻ đúng đắn đó là:

“Tôi buộc lòng tôi với mọi người
Để tình trang trải với trăm nơi”.

Buộc là một cách nói ngoa dụ nhưng nhằm nhấn mạnh sự gắn bó đoàn kết với mọi người với nhân dân. Và Tố Hữu xác định gắn bó đoàn kết chưa đủ mà phải trang trải tình cảm, chia sẽ yêu thương với trăm nơi với mọi nhà. Hai chữ “buộc” và “trang trải” tình cảm với mọi người với trăm nơi đã thể hiện cái nhận thức khá toàn diện về một quan niệm sống mới, tức là một nhân sinh quan mới.

Sau nhận thức buộc và trang trải tình cảm nhà thơ còn thể hiện một nhận thức mới cụ thể hơn, đó là buộc và trang trải tình cảm với bao hồn khổ là với những con người lao khổ, để không ngoài mục đích là cho “mạnh khối đời” cho mạnh đội ngũ chiến đấu. Như vậy quan niệm về gắn bó và chia sẽ tình cảm của Tố Hữu có địa chỉ cụ thể và có mục đích cụ thể. Khổ thơ thứ hai nhà thơ đã phản ánh kết quả của lý tưởng Đảng được soi chiếu vào tâm hồn nhà thơ ở khổ thơ thứ nhất. Đó là sự hình thành một nhân sinh quan mới, đó là quan niệm sống vì mọi người vì cách mạng.

c. Sau khi diễn tả quá trình tiếp nhận ánh sáng Đảng, sự thay đổi nhận thức cuộc sống, nhà thơ đi đến nêu lên trách nhiệm của mình đối với cuộc đời đối với cách mạng. Trách nhiệm đó được nhà thơ thể hiện rất cụ thể:

“Tôi đã là con của vạn nhà
Là em của vạn kiếp phôi pha
Là anh của vạn đầu em nhỏ
Không áo cơm cù bất cù bơ”.

Với vạn nhà thì làm con, với những kiếp phôi pha là quá khứ cha ông thì làm em, còn với những em nhỏ cù bất cù bơ thì làm anh. Con của mọi nhà thì phải trung hiếu với  mọi nhà, em của kiếp phôi pha thì phải noi gương tiếp bước cha ông trong quá khứ, còn làm anh của đàn em nhỏ thì phải nâng đỡ che chở cứu rỗi cho họ. Nhà thơ nêu lên trách nhiệm của mình nhưng không phải chung chung mà rất cụ thể, rất đúng với vai trò của người thanh niên trong thời điểm thời bấy giờ. Đặc biệt ở khổ thơ này tác giả có đề cập đến hình ảnh làm anh những đàn em nhỏ cù bất cù bơ, đó cũng chính là một trách nhiệm đối với những hồn lao khổ mà tác giả đã nói ở phần thơ trên.

3. Bài thơ “Từ ấy” đã ghi lại một cột móc trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Tố Hữu. Đọc bài thơ này, người đọc cảm nhận được một Tố Hữu trong buổi đầu đến với cách mạng đã rất nồng nhiệt tiếp nhận ánh sáng lý tưởng Đảng và có một sự thay đổi khá toàn diện về nhận thức về nhân sinh quan và thế giới quan. Tuy viết về một thời khắc lịch sử, một thời điểm lịch sử hoạt động cách mạng của mình nhưng Tố Hữu không diễn đạt một cách khô khan mang tính khẩu hiệu, mà trái lại được diễn đạt một cách sinh động qua những hình ảnh rất gợi hình gợi cảm. Vì thế một bài thơ cách mạng những vẫn xanh tươi trong lòng người đọc.

Phân tích bài thơ “Từ ấy” của Tố Hữu – Bài làm 4

Một con thuyền ra khơi không thể dạt theo những con sóng. Một cánh chim trên bầu trời không thể bị cuốn theo những cơn sóng vô định. Và một con người không thể tồn tại mà không có lí tưởng. Ở mỗi thời đại, con người mang trong mình lí tưởng khác nhau và có cách riêng để thể hiện ngọn lửa đam mê của mình. Là ngọn cờ đầu của thi ca cách mạng, Tố Hữu thể hiện niềm say mê lí tưởng và khát khao được chiến đấu, hi sinh cho cách mạng trên tinh thần lạc quan của người thanh niên cộng sản.

Nhà thơ Sóng Hồng từng nói: “Thơ là sự thể hiện con người và thời đại một cách cao đẹp nhất”. Và có lẽ đặt bài thơ vào hoàn cảnh mà nó ra đời ta mới có thể “ thấu thị” những cung bậc cảm xúc của nhân vật trữ tình. Bài thơ ra đời vào cuộc cách mạng dân tộc dân chủ do Đảng cộng sản lãnh đạo nhân dân thực hiện để đấu tranh giành độc lập. Với trái tim hai mươi tuổi căng đầy sự sống, Tố Hữu đã đến với cách mạng bằng niềm phấn khích của người vừa tìm thấy con đường lí tưởng của đời mình. Nhân vật trữ tình hiện lên trong bài là người chiến sĩ trẻ tuổi với quan niệm cao đẹp về lí tưởng sống, lí tưởng cộng sản.

Hai tiếng “Từ ấy” vang lên trong nhan đề bài thơ như một tấm bản lề khép mở: khép lại quá khứ và mở ra tương lai. Quá khứ là bóng đêm tối tăm, mù mịt khiến cho con người đặc biệt lớp thanh niên rơi vào tâm trạng bế tắc, chán chường, người thì đến với thế giới tưởng tượng để trốn tránh hiện thực hoặc tìm quên bằng những cách của riêng mình. Nó dễ đưa con người ta tới bước đường lạc lối, tới ngã rẽ bơ vơ giữa dòng đời:

Chọn một dòng hay để nước trôi xuôi
Ta đi ngơ ngác trong cuộc đời.

Nhưng “Từ ấy” nhà thơ đã tìm đượcc lối đi cho mình khi giác ngộ lí tưởng cộng sản. “ Từ ấy” trở thành một nốt ngân cao vút đánh dấu mốc son quan trọng trong cuộc đời tác giả, như một hồi chuông đánh thức bao lớp thanh niên lúc bấy giờ.

Mở đầu bài thơ là tiếng reo ca hân hoan, nồng nhiệt của một tâm hồn trẻ khao khát lẽ sống bắt gặp lí tưởng cộng sản:

Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ
Mặt trời chân lí chói qua tim

Giây phút ấy được nhà thơ diễn tả bằng hình ảnh, từ ngữ và giọng điệu cao đẹp, trong sáng, reo vang. Lí tưởng cách mạng được ví như một nguồn sáng mới làm bừng sáng tâm hồn nhà thơ. Nguồn sáng ấy không phải là ánh thu vàng nhẹ hay ánh xuân dịu dàng mà là ánh sáng vừa rực rỡ vừa tinh khôi của một ngày nắng hạ. Nó bắt nguồn từ “ mặt trời chân lí”. Nếu mặt trời của thiên nhiên ban phát cho nhân gian ánh sáng, hơi ấm của sự sống thì Đảng cũng là nguồn sáng kì diệu tỏa lan tư tưởng đúng đắn, thuận lòng người, là tiếng chuông báo hiệu tương lai tươi sáng hơn. Ánh sáng của chân lí thần kì ấy xóa tan lớp mây mù dày đặc trong lòng người chiến sĩ, mở đường cho tia nắng chói rọi qua tim. Nó khiến bao tháng ngày “Bâng khuâng đứng giữa đôi dòng nước/ Băn khoăn đi kiếm lẽ yêu đời” được trả lời, dẫn dắt.

Hai câu thơ sau với bút pháp trữ tình lãng mạn cùng hình ảnh so sánh đã diễn tả cụ thể niềm vui sướng vô hạn của nhà thơ trong buổi đầu đến với lí tưởng cộng sản:

Hồn tôi là một vườn hoa lá
Rất đậm hương và rộn tiếng chim…

Đó là một khu vườn, một thế giới tràn đầy sức sống với hương sắc của các loài hoa, vẻ tươi xanh của cây lá, âm thanh rộn rã của tiếng chim hót. Hình ảnh thơ khiến ta liên tưởng tới vườn xuân trẻ trung căng tràn sức sốngtrong những câu thơ của Xuân Diệu:

 Của ong bướm này đây tuần tháng mật
Này đây hoa của đồng nội xanh rì
Này đây lá của cành tơ phơ phất
Của yến anh này đây khúc tình si

Nếu Xuân Diệu vẽ lên vườn tình của lứa đôi nồng thắm thì thơ Tố Hữu là khu vườn của tình say mê lí tưởng, niềm khát khao được hòa nhập, được cống hiến. Hương thơm của lí tưởng cùng tiếng chim của lẽ yêu đời cứ trào dâng, cứ rộn ràng mãi trong tâm trí người thanh niên giàu nhiệt huyết. Lời thơ như sự phát hiện bất ngờ về một vùng đất mới – nơi sự sống đang sinh sôi nảy nở. Mặt trời chân lí như đổ ngập ánh nắng làm tốt tươi một vườn hồn.

Song “mặt trời chân lí” không chỉ đem lại cho người thanh niên nguồn sức sống mà với Tố Hữu lí tưởng còn là nguồn sáng làm rực rỡ lên một lẽ sống và một cách sống ở đời. Đó là yêu thương, là đùm bọc, là sẻ chia:

 Tôi buộc lòng tôi với mọi người
Để tình trang trải với muôn nơi
Để hồn tôi với bao hồn khổ
Gần gũi nhau thêm mạnh khối đời.

Khác với nhân sinh quan của nhà thơ lãng mạn cùng thời “Ta là một là riêng là duy nhất/ Không có ai bè bạn nổi cùng ta”, người thanh niên cộng sản Tố Hữu đã hòa cái tôi nhỏ bé, yếu đuối như “cây sậy ven đường” của mình vào cái ta chung rộng lớn của quần chúng nhân dân cần lao. Nhà thơ nguyện “buộc”, nguyện gắn kết cuộc đời mình với cuộc đời của người nhân dân lao động Việt Nam, nguyện cùng họ trèo lái con thuyền tự do, dân chủ cập bến. Dường như Tố Hữu đã nhận ra cái nhỏ bé của mình trong cái rộng lớn của đất trời, cái hữu hạn của bản thân trước cái vô hạn của dòng đời. Bằng việc sử dụng hai động từ “buộc” và “ trang trải”, Tố Hữu thể hiện tinh thần đoàn kết, tình cảm nồng thắm chan hòa với nhân dân. Nhà thơ muốn thấu hiểu, san sẻ nỗi khổ của mọi người, muốn dùng ngọn lửa trong trái tim mình sưởi ấm trái tim của những con người đang ngày đêm lam lũ cực khổ, muốn khắp nơi trên Trái Đất này tràn ngập yêu thương.

Cùng với sự thay đổi nhận thức cuộc sống, nhà thơ dường như nhận ra trách nhiệm của mình với cuộc đời, với cách mạng:

Tôi đã là con của vạn nhà
Là em của vạn kiếp phôi pha
Là anh của vạn đầu em nhỏ
Không áo cơm, cù bất cù bơ

Chân dung của thi sĩ vẫn tiếp tục hiện lên trong hình ảnh một con ngưởi ở giữa mọi người và của mọi người dân lao khổ: “là con của vạn nhà, của bạn kiếp phôi pha, của vạn đàn em nhỏ không áo cơm…”. Nhưng nhà thơ không đứng trên, không đứng ngoài những kiếp lầm than ấy để lắng nghe những âm thanh của nó dội lên trong lòng mình. Bởi ông đã coi mình là người của đại gia đình những con người cực khổ, là ruột thịt máu mủ, là con em của họ. Tố Hữu nguyện sẽ đứng vào hàng ngũ của những người “than bụi lầy bùn” để đấu tranh cho một ngày mai tươi sáng. Lời thơ đặc biệt xót xa khi nói về “vạn đầu em nhỏ không áo cơm cù bất cù bơ” tựa con chim non rũ cánh đi tìm tổ bơ vơ, tựa cánh hoa yếu ớt dạt trôi theo cơn sóng cuồn cuộn của cuộc đời. Cùng với đó động từ “là” nhắc lại vang lên âm hưởng mạnh mẽ lắng đọng khiến ta thêm yêu mến chàng trai trẻ yêu người, yêu đời này.

Bài thơ “Từ ấy” như tiếng hát hân hoan của người thanh niên, một người chiến sĩ chân chính luôn tuôn trào trong mình mạch nguồn của lí tưởng cách mạng. Đọc bài thơ, người đọc cảm nhận được Tố Hữu trong buổi đầu đến với cách mạng rất nồng nhiệt, tiếp nhận ánh sáng lí tưởng Đảng và có một sự nhận thức toàn diện về nhân sinh quan, thế giới quan. Thi sĩ Xuân Diệu dường như cảm nhận được mạch ngầm của cảm xúc tuôn trào trong từng vần thơ của Tố Hữu: “Thơ của chàng thanh niên Tố Hữu khi ấy từ trái tim vọt ra cũng như thơ của chúng tôi, cũng lãng mạn như thể chúng tôi, nhưng là thứ lãng mạn khác có nhiều máu huyết hơn, thơ chúng tôi chỉ đập cho mở cửa trời nhưng thơ Tố Hữu thì mới có chìa khóa: cách mạng, giải phóng cho dân tộc, giải phóng cho người lao khổ”.

Thu Thủy (Tổng hợp)

Từ khóa tìm kiếm

0