05/06/2017, 00:05

Phân tích bài thơ “Thương vợ” của Tú xương. (Bài 6)

Trần Tế Xương, bậc “thần thơ, thánh chữ”, một tú tài nổi tiếng tài hoa ở đất thành Nam đã in đậm trong tâm trí những người yêu thơ. Ai đã một lần đọc bài thơ “Thương vợ” của ông chắc hẳn không quên một Tú Xương có những tình cảm sâu sắc đối với người vợ yêu dấu của ta cũng gặp ở đây một Tú Xương ...

Trần Tế Xương, bậc “thần thơ, thánh chữ”, một tú tài nổi tiếng tài hoa ở đất thành Nam đã in đậm trong tâm trí những người yêu thơ. Ai đã một lần đọc bài thơ “Thương vợ” của ông chắc hẳn không quên một Tú Xương có những tình cảm sâu sắc đối với người vợ yêu dấu của ta cũng gặp ở đây một Tú Xương với những suy nghĩ về chính mình. Độc giả sẽ được thưởng thức ở đây cả cái tài thơ trữ tình của một vị tú tài.

Vào đầu bài thơ bằng bút pháp trữ tình, Tú Xương đã phác họa trước mắt độc giả một hình ảnh bà Tú đảm đang vất vả nuôi chồng nuôi con.

“Quanh năm buôn bán ở mom sông.
Nuôi đủ năm con với một chồng”.


Tú Xương đã từng “quanh năm” ở đầu câu thơ, đầu bài thơ không những có hàm ý chỉ thời gian kéo dài mà còn gợi hình ảnh bà Tú đầu tắt mặt tối nơi đầu sông, cuối bãi để buôn bán nuôi chồng nuôi con. Điều đáng chú ý ở đây Tú Xương viết bà Tú buôn bán ở “mom” sông chứ không phải ven sông. Ven sông có lẽ rộng rãi hơn mom sông. Tú Xương cảm thông với nỗi vất vả của vợ vì bà Tú buôn bán nhỏ chứ không to tát gì. Lời thơ chân thành không hoa mỹ gì mà hàm chứa biết bao nhiêu tình yêu thương của ông Tú đối với bà Tú. Ông Tú Xương làm thơ, lời thơ là lời đùa đùa vui vui âu yếm vợ cho khuây khỏa nỗi vất vả quanh năm. Tú Xương cảm nhận sâu sắc cái ơn của vợ đối với con và đặc biệt là đối với mình. Thái độ của Tú Xương đối với vợ lúc này là “vuốt râu nịnh vợ con bu nó” thật cởi mở, rạch ròi, chu đáo, không mập mờ. “Nuôi đủ năm con với một chồng”, ở ngay đầu bài thơ Tú Xương đã nhậnn mình là một kẻ “ăn báo cô” vợ, là gánh nặng của vợ. Lời thơ giản dị mà rất hay, ông không gộp cả năm con với một chồng thành sáu người mà (là “một chồng” tương ứng với vế “năm con”, điều đó thể hiện niềm cảm phục biết ơn của ông đối với bà, bởi sinh hoạt của ông nếu không tốn kém hơn thì phải tốn kém bằng năm đứa con, nó đã trở thành “cấp số nhân” chứ không phải là “cấp số công” nữa. Càng thấy vợ vất vả bao nhiêu đối với mình và con thì Tú Xương càng cảm thấy mình là đồ vô tích sự bấy nhiêu; Càng cảm thông với nỗi vất vả của vợ mình càng trân trọng tấm lòng của vợ đối với mình bấy nhiêu. Tú Xương không chỉ thương cảm vợ mình vì nỗi vất vả mà ông còn hiểu và cảm thông cả nỗi giày vò về tinh thần:

“Lặn lội thân cò khi quãng vắng”

Hình ảnh con cò trong ca dao và hình ảnh bà Tú của chúng ta thoạt nhìn giống như hai chị em. Này nhé cũng cảnh sông nước, cũng lặn lội nuôi chồng nuôi con. Thế nhưng con cò trong ca dao chỉ vất vả nuôi con trong khi chồng vắng nhà (đi lính) còn bà Tú thì không những nuôi phải nuôi con mà còn phải nuôi cả ông Tú. Cảnh buôn bán của bà Tú còn khổ hơn trong hình ảnh:

“Eo sèo mặt nước buổi đò đông”

Tú Xương nói “đò đông” hay “đò đầy” cũng vậy. Rõ ràng đây là một chuyến đò chở quá tải vừa chòng chành vừa hỗn độn rất đáng ngại, ấy vậy mà bà Tú vẫn phải qua. Hình ảnh bà Tú được Tú Xương tả như một vị nội tướng đầy dũng cảm dám chấp nhận mọi khó khăn với một lòng vị tha rất cao. Phải hiểu và cảm thông sâu sắc với nỗi khổ của vợ, Tú Xương mới dựng nên một hình ảnh một bà Tú như vậy. Về vật chất đã thiếu thốn, về tinh thần thì bà Tú cũng không được thoải mái chút nào. Tú Xương chỉ đỗ tú tài mà tú tài thời đó dở dang, dang dở không làm đựợc ruộng như dân mà cũng chưa được bổ dụng quan chức nên ông chỉ ở nhà để vợ nuôi ăn học. Vợ ông được mỗi cái danh gọi là bà Tú. Bà Tú vốn là con cái nhà dòng dõi.

“Con gái nhà dòng lấy chồng kẻ chợ
Tiếng có miếng không, gặp chăng hay chớ”.


"... Đầu sông bãi bến đua tài buôn chín bán mười. Trong họ ngoài làng vụng lẽ chào dơi nói thợ” vậy mà bà phải vất vả lặn lội bán buôn nơi đầu sông cuối bãi để nuôi chồng nuôi con. Trong khi buôn bán không tránh khỏi sự “eo sèo” cãi lộn và nỗi khổ nỗi tủi của bà Tú như nhân lên đến nghẹn ngào trong cổ. Hơn nữa, việc ông Tú thi không đỗ cũng tác động mạnh mẽ đến tinh thần của bà. Tú Xương vì thế càng cảm thông và thương yêu bà bộị phần, và cũng thấy tủi hổ cho mình nữa. Tú Xương thương vợ, cảm thông với nỗi vất vả chịu đựng của vợ cả về vật chất tinh thần. Càng thương vợ bao nhiêu, ông càng quý trọng bà bấy nhiêu bởi bà là người tháo vát đảm đang. Bà không những phải lo cho gia đình đủ ăn mà còn phải lo toan bao công việc khác nữa. Tú Xương quý trọng bà cũng bởi tính hy sinh hết mình cho chồng con của bà Tú:

“Một duyên hai nợ âu đành phận,
Năm nắng mười mưa dám quản công”.


Tú Xương đã sáng tạo chữ “duyên nợ” thành “một duyên hai nợ” vừa miêu tả được tình thương yêu của ông đối với bà vừa dự cảm những khó khăn thử thách mà vợ chồng thi sĩ thành Nam phải vượt qua. Duyên nợ chỉ “một hai” mà đủ sức giúp nhau vượt qua “năm mười mưa nắng”. Mưa nắng của đất trời và mưa nắng của cuộc sống. Chi mà duyên một cuộc đời đeo hai gánh nợ, âu cũng là số phận bà đành chịu một đời “năm nắng mười mưa. Ấy là Tú Xương nghĩ vậy chứ bà thì không hề có ý ấy. Ông thấy được ở bà một người vợ vô cùng nhân hậu, giàu đức tính hy sinh. Còn chúng ta, độc giả hình dung thấy một ông Tú đang buồn vì chưa làm tròn trách nhiệm của một người cha, người chồng đối với đàn con và vợ. Nhưng dù sao thì ông Tú Xương cũng là một con người có nhân cách cao đẹp bởi ông cũng đã tự suy nghĩ, dằn vặt mình. Ông văng ra một câu chửi: chửi anh chồng vô tích sự là mình, chửi luôn cả cái thói đời bạc bẽo đã đẻ ra cái loại chồng đoảng như mình. Một tiếng chửi mà đế lộ nhân cách, nhân phẩm cao đẹp.

“Cha mẹ thói đời ăn ở bạc,
Có chồng hờ hững cũng như không”.


Tú Xương tự thấy mình chẳng giúp ích được gì cho gia đình mà tất cả chỉ trông vào đôi bàn tay của bà Tú. Không còn cách gì tạ lại ơn của vợ, Tú Xương chỉ bối rối, dằn vặt và cảm thấy mình vô tích sự quá. Cũng có lúc ông đã nghĩ:

“Chi bằng đi học làm thầy phán,
Sáng rượu sâm banh, tối sữa bò”


Hay: “Quẳng bút lông đi, nắm bút chì”

Đi làm thầy phán, hay “nắm “bút chì” là đi làm cho Tây, viết chữ Tây thì Tú Xương sung sướng, vợ con ông Tú sung sướng, bà Tú không phải buôn ngược bán xuôi nhưng lương tâm, lương tri của ông không cho phép, để rồi ông vẫn phải ngồi nhìn vợ tảo tần buôn bán nuôi mình nuôi con. Tú Xương xót xa khi thấy mình trở thành gánh nặng cho vợ, cho gia đình. Dù sao đây cũng là phẩm chất cao đẹp của Tú Xương vì sống trên đất nước như nước ta xưa cái thuyết “tam tòng”, cái thuyết “phu xướng phụ tùy” của Nho giáo từng dẫn các ông chồng, nhất là trong hàng ngũ Nho sĩ, tới lối sống ăn bám vợ. Đã không biết ngượng, không ít ông lại còn quay ra bắt nạt vợ. Tú Xương cũng khó mà thành anh chồng lí tưởng, vì cũng ăn bám như ai, nhưng kể ra thì Tú Xương là người còn biết hối, biết đem tấm lòng của mình ra mà đãi vợ.

Hai câu thơ là tiếng khóc, tiếng nấc của Tú Xương vì cảm thương vợ và cũng là giận và thương chính mình. Tú Xương khóc cũng đúng thôi bởi làm trai phải có chí “tề gia trị quốc, bình thiên hạ” nhưng ông tề gia không nổi, nói gì đến trị quốc, càng không nói tới việc bình thiên hạ.

Người xưa quan niệm “Văn dĩ tải đạo” nghĩa là văn thơ phải chuyển tải những đạo lý cao siêu mà hiện thân là những người anh hùng liệt nữ. Ấy vậy mà giữa thời đại đó Tú Xương lại viết thơ với tất cả cái xù xì của cuộc sống. Tú Xương viết cả về người vợ đảm đang nhân hậu của mình, mà viết về người vợ đang sống với những lời thơ chân thành xúc động. Vốn thơ nói về tình yêu trai gái thì nhiều nhưng nói về tình cảm vợ chồng thì quá ít, họa là sau này có Tú Mỡ viết về vợ khi bà đã qua đời. Vì vậy bài thơ “Thương vợ” của Tú Xương đáng là một bông hoa rực rỡ nở trên ngọn cây văn thơ viết về tình “chồng vợ”. Ta càng ghi nhận ở đây công lao Việt hóa thơ Đường của Tú Xương. Bài “Thương vợ” làm theo thể Đường luật đấy cũng đề, thực, luật, kết, thất ngôn bát cú. Nhưng không chút khệnh khạng, chỉnh tề, “mũ cao, áo dài”, đạo mạo mà gần gũi thân thương như lời nói hàng ngày. Tú Xương đã dùng thể thơ Đường luật của Trung Quốc, thể thơ “đài các, quan phương”, trang trọng để viết về người vợ của mình nhưng khi đọc lên ta thấy nó bay nhẹ như thơ Việt bởi tình cảm của ông đối với vợ chân thành xúc động, ông lại có tài trong việc điều khiển đội quân ngôn từ và cách sử dụng hình ảnh thơ dân gian.

Ở đây Tú Xương đã tả bà Tú như một vị thiên thần trời sai xuống đế giúp ông Tú Vị Xuyên trên bước đường danh vọng, để cho nước Nam ta có một bậc đại thi hào. Tên bài thơ là “Thương vợ”, chồng thương vợ thì lời thơ không thể cao giọng, sáo rỗng rồi. Nhưng không được phép quá xuề xòa, thô thiển vì tình yêu thương, lòng kính trọng biết ơn và vì Tú Xương là một tú tài, một nhà trí thức, một nhà thơ. Ông đã chọn đúng giọng điệu để tìm về cội nguồn dân tộc, khơi mạch và lắng đọng thêm. Hình ảnh, lời lẽ dân gian được ông nâng lên tầm bác học, tầm thi hào.

Tú Xương đã ra đi cách chúng ta hơn tám thập kỷ ấy vậy mà nhà thơ thành Nam với bài “thương vợ” vẫn sống mãi trong lòng bạn đọc yêu thơ.

0