Phân tích bài thơ Sóng của nhà thơ Xuân Quỳnh
Đề bài: Phân tích bài thơ Sóng của nhà thơ Xuân Quỳnh Bài làm Xuân Quỳnh là một nữ sĩ đa tài. Với giọng thơ hồn nhiên, phóng khoáng, tình cảm đằm thắm chân thành, nhà thơ đã để lại nhiều dấu ấn tượng trong lòng người đọc. Một trong những tác phẩm ấy là bài thơ 'sóng'. 'Sóng ' là thi ...
Đề bài: Phân tích bài thơ Sóng của nhà thơ Xuân Quỳnh Bài làm Xuân Quỳnh là một nữ sĩ đa tài. Với giọng thơ hồn nhiên, phóng khoáng, tình cảm đằm thắm chân thành, nhà thơ đã để lại nhiều dấu ấn tượng trong lòng người đọc. Một trong những tác phẩm ấy là bài thơ 'sóng'. 'Sóng ' là thi phẩm được viết năm 1967 sau chuyến đi thực tế ở Diên Điềm, in trong tập 'Hoa dọc chiến hào' (1968). Bằng ngòi bút của mình, Xuân Quỳnh đã diễn tả thành công tâm ...
Đề bài:
Bài làm
Xuân Quỳnh là một nữ sĩ đa tài. Với giọng thơ hồn nhiên, phóng khoáng, tình cảm đằm thắm chân thành, nhà thơ đã để lại nhiều dấu ấn tượng trong lòng người đọc. Một trong những tác phẩm ấy là bài thơ 'sóng'. 'Sóng ' là thi phẩm được viết năm 1967 sau chuyến đi thực tế ở Diên Điềm, in trong tập 'Hoa dọc chiến hào' (1968). Bằng ngòi bút của mình, Xuân Quỳnh đã diễn tả thành công tâm trạng, những cung bậc cảm xúc của người phụ nữ đang yêu đồng thời đem đến cho người đọc những quy luật của tình yêu.
Nổi bật xuyên suốt tác phẩm là hình tượng 'sóng-em'. 'Sóng' và 'em' luôn song hành, quấn quýt, soi sáng và bổ sung cho nhau. Xuân Quỳnh đã mượn hình tượng sóng biển để diễn tả lớp sóng lòng người con gái khi yêu. Mở đầu bài thơ hình ảnh sóng biển đã ngập tràn trước mắt người đọc:
" Dữ dội và dịu êm
Ồn ào và lặng lẽ
Sông không hiểu nổi mình
Sóng tìm ra tận bể"
Bước vào tác phẩm là những từ ngữ đối lập "dữ dội-dịu êm", "ồn ào- lặng lẽ". Những từ ngữ đối lập này là những trạng thái của sóng biển. Con sóng xô vào bờ rồi lại xa bờ cho ta thấy sóng không bình yên, phẳng lặng như mặt hồ cuối thu mà đầy biến động. Bằng cặp từ đối lập diễn tả trạng thái của sóng tác giả đã ngầm khẳng định về tình yêu. Tình yêu cũng như sóng lúc khát khao cháy bỏng lúc lại dịu dàng. Hai câu thơ tiếp theo"sông …. bể" thể hiện quy luật tự nhiên, qui luật tình yêu. Với sự đối lập về không gian "sông-bể" Xuân Quỳnh đã thể hiện được khát khao hạnh phúc của mình. 'Sông' là cái chật hẹp, 'bể' là biển lớn mênh mông. Quy luật tự nhiên sông tìm ra bể như con người luôn muốn vượt ra những cái tầm thường để tìm đến với hạnh phúc, tình yêu.
" Ôi con sóng ngày xưa
Và ngày sau vẫn thế
Nỗi khát vọng tình yêu
Bồi hồi trong ngực trẻ"
Hai dòng thơ đầu tiên của khổ tiếp đã khẳng định sự trường tồn vĩnh cửu của sóng " ngày sau vẫn thế". Từ điều này tác giả liên hệ với tình yêu. Cũng như con sóng kia mãi trường tồn thì khát vọng tình yêu là bất tử. Tình yêu là khát vọng lớn lao mãi cứ "bồi hồi trong ngực trẻ". Khát vọng ấy lớn lao tới mức chỉ có trái tim tuổi trẻ mới đủ sức để chứa đựng được nó.
Khép lại 2 khổ thơ đầu, Xuân Quỳnh đã khéo léo nêu ra quy luật của sóng biển và tình yêu. Tiếp đó, ngòi bút nhà thơ đi sâu vào những cung bậc cảm xúc của người con gái khi yêu:
" Trước muôn trùng sóng bể
Em nghĩ về anh, em
Em nghĩ về biển lớn
Từ nơi sóng lên?"
Những dòng thơ trên là một chút lo lắng về tình yêu của nhà thơ- một con người bị đổ vỡ nhiều trong tình yêu. " Trước muôn trùng sóng bể" bão tố cuộc đời, thăng trầm cuộc sống, 'em' nghĩ về 'anh, em". Rồi chợt "em cũng không biết nữa-khi nào ta yêu nhau". Đã có rất nhiều thi sĩ đi tìm câu trả lời cho câu hỏi ấy nhung cuối cùng cũng không ai giải thích được. Xuân Quỳnh mượn hình tượng sóng để dẫn dắt đến câu hỏi của mình"sóng bắt đầu từ gió-gió bắt đầu từ đâu". Bằng câu hỏi tu từ kết hợp với điệp cấu trúc cú pháp, tác giả đã thể hiện cái ngây thơ, bối rối, nữ tính của mình. Hỏi qua hỏi lại nhưng cuối cùng cũng chỉ là:"em cũng không biết nữa". Cũng như có một nhà thơ đã từng viết:"Anh yêu em vì sao không biết nữa-Chỉ thấy yêu em anh thấy yêu đời". Tình yêu đến không ai biết trước được nhưng họ vẫn sẽ yêu cho dù có điều gì xảy ra.
Đã yêu là phải nhớ. Đây là quy luật bất biến của tình yêu. Nỗi nhớ ấy cồn cào da diết, cuồn cuộn dạt dào. Điều đó đã thể hiện qua hình ảnh những con sóng nối tiếp gối lên nhau:"con sóng dưới lòng sâu-con sóng trên mặt nước". Hai câu thơ vẽ lên cảnh tượng từng đợt sóng nhấp nhô gối lên nhau, xô vào nhau, hối hả vươn vào bờ. Tác giả ví nỗi nhớ trong tình yêu như con sóng nhớ bờ. Nỗi nhớ ấy bao trùm cả trong không gian, thời gian, tiềm thức " ngày đêm không ngủ được-cả trong mơ còn thức".
Sau quy luật " yêu là nhớ", Xuân Quỳnh khẳng định sức mạnh của tình yêu chung thủy.
"Dẫu xuôi về phương bắc
Dẫu ngược về phương nam
Nơi nào em cũng nghĩ
Hướng về anh- một phương
Ở ngoài kia đại dương
Trăm ngàn con sóng đó
Con nào chẳng tới bờ
Dù muôn vời cách trở"
Dù không gian có xa cách "phương bắc-phương nam", nhưng em vẫn chung thủy "hướng về anh- một phương". Lòng chung thủy ấy đã tạo một sức mạnh lớn giúp người con gái khi yêu bước qua mọi khó khăn thử thách để cập bến bờ hạnh phúc như những con sóng kia "con nào chẳng tới bờ- dù muôn vời cách trở". Lòng chung thủy giúp cho "em" vượt mọi trở ngại để hạnh phúc ngập tràn.
Từng cung bậc cảm xúc của người con gái khi yêu đã được lột tả một cách chân thật qua ngòi bút Xuân Quỳnh. Cuối bài thơ là khát vọng tình yêu lứa đôi vĩnh cửu và bền chặt:
" Cuộc đời tuy dài thế
Năm tháng vẫn đi qua
Như biển kia dẫu rộng
Mây vẫn bay về xa
Làm sao được tan ra
Thành trăm con sóng nhỏ
Giữa biển lớn tình yêu
Để ngàn năm còn vỗ"
Bốn dòng thơ đầu của đoạn thơ trên là cảm giác lo âu trăn trở về sự hữu hạn của cuộc đời. Cặp từ đối lập "tuy-dẫu" đã cho người đọc cảm nhận được sự mong manh của hạnh phúc. Như Xuân Quỳnh cũng đã từng viết "Lời yêu mỏng mảnh như màu khói-Ai biết tình ai có đổi thay". Nhưng mặc dầu vậy, tác giả vẫn muốn được "tan ra" " thành trăm con sóng nhỏ" để hòa mình vào "biển lớn tình yêu". Tình cảm ấy sẽ được lan tỏa mọi nơi như đại dương mênh mông không bến bờ. Tác giả sẽ mang bầu nhiệt huyết, khát vọng tình yêu mãnh liệt chia sẻ với mọi người để tình yêu trường tồn vĩnh cửu với thời gian.
Bằng thể thơ 5 chữ, nhịp thơ 2/3, 3/2 dồn dập cùng sự sáng tạo khi mượn hình ảnh sóng để diễn tả cung bậc cảm xúc cũng như quy luật của tình yêu, "SÓNG" đã để lại dư âm vang mãi trong lòng người đọc. Và có thể bài thơ có sức ảnh hưởng lớn đến ngày nay cũng vì lẽ đó.
Thu Ka