Phân tích bài thơ "Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ" số 3 - 10 Phân tích bài thơ "Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ" của Nguyễn Khoa Điềm
Tác giả Nguyễn Khoa Điềm là một nhà thơ lớn, có nhiều tác hay đóng góp cho nền văn học nước nhà. Thơ của ông thường gắn liền với tình yêu quê hương đất nước, tình yêu con người và có giá trị nhân văn sâu sắc. Tác phẩm “Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ” thể hiện nguồn cảm hứng ...
Tác giả Nguyễn Khoa Điềm là một nhà thơ lớn, có nhiều tác hay đóng góp cho nền văn học nước nhà. Thơ của ông thường gắn liền với tình yêu quê hương đất nước, tình yêu con người và có giá trị nhân văn sâu sắc. Tác phẩm “Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ” thể hiện nguồn cảm hứng vô tận của tác giả với những người con đồng bào Tây Nguyên dân tộc thiểu số ít người.
Bài thơ thể hiện tình cảm mẫu tử thiêng liêng, tình yêu của người mẹ dành cho con, hòa chung vào tình yêu quê hương đất nước, tạo thành một tình lớn, mang lại nhiều cảm xúc cho người đọc.
Em cu Tai ngủ trên lưng mẹ ơi,
Em ngủ cho ngoan đừng rời lưng mẹ.
Mẹ giã gạo mẹ nuôi bộ đội,
Nhịp chày nghiêng, giấc ngủ em nghiêng.
Mồ hôi mẹ rơi má em nóng hổi,
Vai mẹ gầy nhấp nhô làm gối,
Lưng đưa nôi và tim hát thành lời:
Ngủ ngoan a kay ơi, ngủ ngoan a kay hỡi,
Mẹ thương a kay, mẹ thương bộ đội
Con mơ cho mẹ hạt gạo trắng ngần,
Mai sau con lớn vung chày lún sân…
Người đồng bào vùng dân tộc thường có thói quen địu con trên lưng khi đi làm nương, làm rẫy, khi giã gạo, quay lúa, dệt vải. Những đứa trẻ thơ vùng cao có lẽ ai cũng từng một thời được sống trên lưng mẹ. Lưng người mẹ ấm áp ấp ủ cho con những giấc mơ đẹp, ru con những trưa nồng oi ả, cho con những khoảng trời tuổi thơ bình yên với những giấc mơ ngoan hiền.
Người mẹ trong khổ thơ thật sự là một bà mẹ vô cùng vĩ đại. Một bà mẹ vừa chăm chỉ làm việc, vừa chăm con dành hết tình yêu thương của mình cho đứa con bé bỏng. Nhưng, người mẹ này cũng chưa giây phút nào quên tình yêu, trách nhiệm với với quê hương, đất nước. “Mẹ giã gạo mẹ nuôi bộ đội. Nhịp chày nghiêng giấc mơ em nghiêng”.
Tác giả Nguyễn Khoa Điềm đã vô cùng tinh tế khi lấy hình ảnh nhịp chày nghiêng để so sánh với giấc mơ nghiêng của em bé. Mẹ em đang vung những nhịp chày, làm việc tạo ra những hạt gạo ấm áp tình quân dân, tình đồng bào, đồng chí. Em nằm ngoan sau lưng mẹ ngủ một giấc no say, những giấc mơ bình yên về một ngày mai tươi sáng.
Những giọt mồ hôi của mẹ rơi xuống thấm qua lớp áo chảy xuống khuôn mặt hồng hào, bụ bẫm của em, chảy cả vào trong giấc mơ của em. Mẹ làm việc rất vất vả, lại còn phải cõng thêm em ở trên lưng, chắc mẹ sẽ cảm thấy rất mệt mỏi. Nhưng không mẹ em rất hạnh phúc.
Người mẹ làm việc trong tình yêu mãnh liệt với người con thân yêu, với quê hương đất nước “trái tim mẹ hát thành lời”. Mẹ làm việc bằng một trái tim ấp áp, trái tim hạnh phúc, một trái tim đang hát những khúc tình ca dịu ngọt. Mẹ đang làm việc với tình yêu mê say, với ước mơ một ngày không xa đất nước mình sẽ hoàn toàn giải phóng, không còn bóng quân thù và con ngoan của mẹ ơi, con hãy ngủ cho ngoan nhé, để mẹ còn làm việc tạo ra những hạt gạo trắng ngần nuôi các chú bộ đội.
Các chú đang đánh trận ngoài chiến trường đang bảo vệ từng mảnh đất quê hương, nơi có con và mẹ đang ở. Rồi mai đây khi con lớn lên, con được sống những ngày tháng bình yên, hạnh phúc. Con sẽ được cùng chúng bạn tung tăng cắp sách tới trường, con sẽ trở thành một chàng trai dũng cảm, sẽ giống như mẹ hôm nay, sẽ theo bước cha ông ta, “vung chày lún sân” để tạo ra nhiều của cải vật chất cho quê hương, cho dân tộc.
Em cu Tai ngủ trên lưng mẹ ơi,
Em ngủ cho ngoan đừng rời lưng mẹ.
Mẹ đang trỉa bắp trên núi Ka–lưi
Lưng núi thì to, mà lưng mẹ nhỏ,
Em ngủ ngoan em, đừng làm mẹ mỏi.
Mặt trời của bắp thì nằm trên đồi,
Mặt trời của mẹ em nằm trên lưng.
Người mẹ đồng bào dân tộc đi đâu làm gì cũng luôn phải mang con theo cùng. Những việc mẹ làm vô cùng nặng nhọc nhưng có em ở bên dường như mẹ không còn cảm thấy cô đơn nữa. Mẹ làm việc vì con. mong muốn cho con lớn khôn trưởng thành, có một cuộc sống đầy đủ hơn. Tình yêu của người mẹ thể hiện qua từng ấp ủ, mong muốn nhỏ nhoi.
Qua những câu thơ này ta thấy tác giả là một người có trái tim vô cùng nhân hậu. Ông có thể thấu hiểu, cảm thông với nỗi khổ của những người mẹ vùng cao, hiểu được tâm hồn và trái tim của họ. Sự so sánh độc đáo “Lưng núi to” với hình ảnh “Lưng mẹ thì nhỏ” thể hiện sự vất vả của mẹ trong việc làm nương rẫy. Nhưng nó cũng thể hiện tình yêu mãnh liệt của mẹ dành cho em. “mặt trời của bắp thì nằm trên đồi. Mặt trời của mẹ em nằm trên lưng”.
Tác giả đã sử dụng hình ảnh chơi chữ, lối nói ẩn dụ cùng là hình ảnh mặt trời. Nhưng mặt trời nhưng thể hiện sự biểu cảm khác nhau. Mặt trời của mẹ chính là em. Mẹ dành hết tình yêu, sức mạnh của cuộc đời mình để chăm sóc, lo lắng cho em. Mong cho em cho em có cuộc sống vui vẻ hạnh phúc.
Em cu Tai ngủ trên lưng mẹ ơi,
Em ngủ cho ngoan đừng rời lưng mẹ.
Mẹ đang chuyển lán, mẹ đi đạp rừng.
Thằng Mỹ đuổi ta phải rời con suối
Anh trai cầm súng, chị gái cầm chông,
Mẹ địu em đi để dành trận cuối.
Từ trên lưng mẹ em đến chiến trường,
Từ trong đói khổ em vào Trường Sơn.
Trong khổ thơ này, người mẹ không chỉ dịu con làm rẫy, đi rừng hay giã gạo nữa. Mà người mẹ đã địu con vào chiến trường, vào Trường Sơn tham gia giết giặc chống quân thù. Mẹ địu con đi đánh trận cuối, thể hiện sự quyết tâm của người mẹ trong cuộc chiến đấu khốc liệt này. Đồng thời cũng thể hiện niềm tin tất thắng của toàn thể người dân trên đất nước ta. Chúng ta luôn tin đạo nghĩa sẽ thắng hung tàn, sự đoàn kết ý chí của người dân sẽ xóa tan những âm mưu đen tối.
Trong trận chiến ác liệt này người mẹ muốn con yêu của mình hiểu được tội ác của kẻ thù vì chính chúng nó đã khiến mẹ con mình có nhà mà không thể về phải ra bờ suối. Chính giặc Mỹ đã khiến bao người dân đồng bào mình phải lên đường, các anh thì cầm súng còn các chị cầm chông.
Dù với vũ khí nào thì tinh thần quyết tâm chống giặc ngoại xâm của người đồng bào ta vô cùng mạnh mẽ. Chúng ta trên dưới đồng lòng trăm người như một. Mẹ của con cũng vậy mẹ không thể ngồi nhà chờ giặc đến đàn áp chúng ta thêm nữa, mẹ cũng lên đường tham gia chiến đấu. Những lời ru của người mẹ như những lời tâm sự tận đáy lòng, là sự sẻ chia của bà mẹ dành cho con của mình.
Bài thơ đã thể hiện tình cảm sâu sắc của người đồng bào dân tộc, những người có cái bụng thẳng thắn, chân tình. Họ luôn hướng về cách mạng, về những anh bộ đội Cụ Hồ với những tình cảm gắn bó sâu sắc.