Phân tích đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích trong tác phẩm Truyện Kiều
Phân tích đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích trong tác phẩm Truyện Kiều Bài làm Đoạn trích “Kiều ở lầu Ngưng Bích” được trích trong tác phẩm Truyện Kiều của đại thi hào dân tộc Nguyễn Du. Trong đoạn trích này, bằng thủ pháp tả cảnh ngụ tình tinh tế, nhà thơ đã ...
Phân tích đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích trong tác phẩm Truyện Kiều
Bài làm
Đoạn trích “Kiều ở lầu Ngưng Bích” được trích trong tác phẩm Truyện Kiều của đại thi hào dân tộc Nguyễn Du. Trong đoạn trích này, bằng thủ pháp tả cảnh ngụ tình tinh tế, nhà thơ đã mượn cảnh vật của lầu Ngưng Bích để diễn tả và bộc lộ tâm trạng của Thúy Kiều trong hoàn cảnh bị giam cầm, cô đơn và lạc lõng.
Mở đầu đoạn trích là bức tranh thiên nhiên trước lầu Ngưng Bích:
“Trước lầu Ngưng Bích khóa xuân…
Nửa tình nửa cảnh như chia tấm lòng”
Lầu Ngưng Bích là một lầu cao, đẹp, tên tuy hay nhưng lại chính là nơi “khóa xuân”, nơi mà tuổi xuân đã bị chấm dứt, khóa kín, chính như tuổi xuân của Thúy Kiều đang bị giam cầm ở đó. Khi đứng trên lầu cao, nàng dõi mắt ra xa và cảm nhận được khung cảnh trước lầu, những dãy núi chạy dài, tấm trăng trên cao cảm giác như rất gần, xung quanh bốn bề đều bát ngát, mênh mông, rộng lớn. Những cồn cát rồi những bụi hồng cứ nối tiếp nhau trong xa xăm. Cảnh vật được miêu tả từ xa đến gần, từ cao xuống thấp, nhưng thiếu vắng bóng người, ngay cả tiếng chim cũng không có. Chính sự thiếu thốn đó đã tác động mạnh vào tâm trạng Thúy Kiều, đó là nỗi tủi hổ, cô đơn, những nỗi buồn không thể giãi bày cùng ai. Cả không gian và thời gian đều đang giam hãm Kiều. Khi bị giam cầm tại lầu Ngưng Bích, Kiều đã nhớ về người yêu và gia đình:
“Tưởng người dưới nguyệt chén đồng…
Tấm son gột rửa bao giờ cho phai”.
Nhớ Kim Trọng, nàng nhớ đến lời thề trăm năm, một nỗi nhớ khôn nguôi và xót xa khi không giữ được lời thề, nàng cảm thấy hổ thẹn với Kim Trọng. Rồi sau khi nhớ về Kim Trọng nàng lại nhớ về gia đình:
“Xót người tựa cửa hôm mai…
Có khi gốc tử đã vừa người ôm”
Nàng nhớ cha mẹ với nỗi xót xa, lo lắng, giờ đây khi nàng đang bị giam cầm, nàng đã không làm tròn được bổn phận người con, không phụng dưỡng được cho cha mẹ sớm hôm. Nỗi nhớ thương qua đi, Kiều trở về với thực tại nơi lầu Ngưng Bích:
“Buồn trông của bể chiều hôm…
Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi”
Trước không gian rộng lớn trời biển, nàng nhớ về quê hương với hình ảnh con thuyền và cánh buồm xa xa. Trước mắt nàng, cảnh dòng nước chảy cuốn theo những cánh hoa mỏng manh như chính số phận của mình. Nhìn cánh hoa trôi cũng giống như cuộc đời và số phận của nàng đang trôi dạt không biết sẽ trôi về nơi đâu “Hoa trôi man mác biết là về đâu”. Hình ảnh nội cỏ “rầu rầu” là sự liên tưởng của Kiều về số phận bị chà đạp, héo úa như nội cỏ. Màu xanh của mặt đất, chân mây là một màu xanh của sự tẻ nhạt, vô vị, đơn điệu như chính cuộc đời Kiều. Cuối cùng, hình ảnh thiên nhiên như chính là điềm báo cho số phận và cuộc đời của Kiều, gió cuốn mặt duềnh tạo nên những con sóng ầm ầm xô vào bờ, đó chính là biểu tượng cho những tai họa, sóng gió ập đến trong cuộc đời Kiều.
Đoạn trích “Kiều ở lầu Ngưng Bích” là một đoạn trích tiêu biểu và đặc sắc nhất cho nghệ thuật tả cảnh ngụ tình của Nguyễn Du. Qua đoạn trích, người đọc có thể cảm nhận được số phận đau khổ, nỗi bất hạnh của Thúy Kiều nói riêng và của những người phụ nữ trong xã hội cũ nói chung.