27/08/2018, 23:07

Phân tích bài thơ Con Cò của Chế Lan Viên 

(Văn mẫu lớp 9) – Em hãy phân tích bài thơ Con cò của Chế Lan Viên (Bài văn phân tích của bạn Mai Hạnh Nguyên lớp 9A trường THCS Mai Thúc Loan). BÀI LÀM Chế Lan Viên (1920-1989) có vị trí quan trọng trong văn học hiện đại Việt Nam. Thơ Chế Lan Viên đầy trí ...

(Văn mẫu lớp 9) – Em hãy phân tích bài thơ Con cò của Chế Lan Viên (Bài văn phân tích của bạn Mai Hạnh Nguyên lớp 9A trường THCS Mai Thúc Loan).

BÀI LÀM

Chế Lan Viên (1920-1989) có vị trí quan trọng trong văn học hiện đại Việt Nam. Thơ Chế Lan Viên đầy trí tuệ và chất suy tưởng – triết lý độc đáo. Bài thơ “Con cò” của Chế Lan Viên viết năm 1962, in trong tập “Hoa ngày thường – Chim báo bão” khá tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật nhà thơ, đồng thời cũng là bài ca ngọt ngào về tình mẹ. 

Chế Lan Viên bắt đầu bài thơ bằng lời ru ngọt ngào của mẹ:

“Con còn bế trên tay
Con chưa biết con cò
Nhưng trong lời mẹ hát
Có cánh cò đang bay”

Đứa trẻ mới sinh “chưa biết” được về “con cò” trong thực tại. Tuy nhiên, từ lời ru của mẹ, đứa bé có thể cảm nhận được “cánh cò”. “Cánh cò” trong câu thơ sau là sản phẩm của tưởng tượng. Hình ảnh cánh cò gắn với tâm thức mỗi đứa trẻ từ trong nôi, đồng thời cũng là gắn với lời ru của mẹ. Nhờ lời ru ấy, đứa trẻ được tiếp xúc với thế giới.  

Câu hát ru của mẹ như sau:

“Con cò bay la
Con cò bay lả
Con cò Cổng Phủ
Con cò Đồng Đăng…”
“Con cò ăn đêm
Con cò xa tổ
Cò gặp cành mềm
Cò sợ xáo măng…”

Lời ru khiến mỗi chúng ta nhớ về bài ca dao thuở bé được nghe:

“Con cò bay lả bay la,
Bay từ cổng phủ bay ra cánh đồng”
“Con cò mà đi ăn đêm,
Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao”

Đoạn thơ đầy màu sắc ca dao dân ca với hình ảnh đồng thời cũng đầy sáng tạo trong nội dung. Từ “con cò” lặp đi lặp lại giống như lời ru à ơi trở đi trở lại trong mỗi đứa trẻ. 

Mặt khác, thi sĩ cũng dùng hình ảnh con còn để nói tới người mẹ:

“Cò một mình, cò phải kiếm lấy ăn
Con có mẹ, con chơi rồi lại ngủ

Ngủ yên, ngủ yên, cò ơi, chớ sợ
Cành có mềm, mẹ đã sẵn tay nâng
Trong lời ru của mẹ thấm hơi xuân
Con chưa biết con cò con vạc
Con chưa biết những cành mềm mẹ hát
Sữa mẹ nhiều, con ngủ chẳng phân vân”

Người mẹ tựa cánh cò đơn côi giữa không gian cao rộng và đầy hiểm cảnh song vẫn tần tảo kiếm ăn. Hình ảnh đối lập giữa con “chơi rồi lại ngủ” và bóng cò “phải kiếm lấy ăn” còn có ý nghĩa rằng mẹ chính là người bao dung, chở che cho con được lớn lên an toàn và đầy đủ. Trong vòng tay yên bình của mẹ, con được yên giấc “ngủ chẳng phân vân”. 

phan-tich-bai-tho-con-co-cua-che-lan-vienphan-tich-bai-tho-con-co-cua-che-lan-vien

Tới khi lớn thì sao? Mẹ hóa thân vào hình ảnh con còn để dõi bước theo con: 

“Ngủ yên, ngủ yên, ngủ yên
Cho cò trắng đến làm quen
Cò đứng ở quanh nôi
Rồi cò vào trong tổ
Con ngủ yên thì cò cũng ngủ
Cánh của cò, hai đứa đắp chung đôi
Mai khôn lớn, con theo cò đi học
Cánh trắng cò bay theo gót đôi chân
Lớn lên, lớn lên, lớn lên…
Con làm gì?
Con làm thi sĩ
Cánh cò trắng lại bay hoài không nghỉ
Trước hiên nhà
Và trong hơi mát câu văn”

Thay mẹ, cánh cò đến bên và trở thành người bạn đầu tiên của con. Thay mẹ, cò cùng con cắp sách tới trường lấy cái chữ. Thay mẹ, cánh cò theo ước mơ của con. Nếu con chọn làm thi sĩ, cánh cò sẽ bên mỗi câu văn con viết. Điệp ngữ “ngủ yên” và “lớn lên” tạo nên sự liên kết liền mạch trong suốt đoạn thơ dài, gợi sự chuyển dịch thời gian. Trong tưởng tượng của mẹ, đứa con bỗng chốc lớn lên, đi học, ước mơ, trưởng thành và thành đạt. Trong lòng một người mẹ, đó là những khát khao thầm kín nhất. 

Cuối cùng, Chế Lan Viên đưa giọng văn về hồi suy tưởng:

“Dù ở gần con
Dù ở xa con
Lên rừng xuống bể
Cò sẽ tìm con
Cò mãi yêu con
Con dù lớn vẫn là con của mẹ
Đi hết đời, lòng mẹ vẫn theo con”

Lời thơ lựa như lời thề nguyện của người mẹ. Cặp từ quan hệ “dù… sẽ…” khẳng định người mẹ sẵn sàng làm tất cả, hi sinh tất cả vì đứa con. Không gian “lên rừng xuống bể” và thời gian “đi hết đời” là những gì mà mẹ sẵn sàng đánh đổi, cũng là sức mạnh tình mẫu tử vĩ đại nhất. Vì con, mẹ có thể làm được mọi điều. 
Bài thơ khép lại trong tiếng ru à ơi:

“À ơi!
Một con cò thôi
Con cò mẹ hát
Cũng là cuộc đời
Vỗ cánh qua nôi”

Một lần nữa tác giả khẳng định đức hi sinh của mẹ. Cuộc đời này con chỉ duy nhất có một người mẹ, một người bên con từng giấc ngủ, bước đi và sự nghiệp mãi sau này. 

Bài thơ tự do “Con cò” giàu màu sắc văn học dân gian, gần gũi quen thuộc mà cũng đầy sáng tạo trong ngôn từ đậm chất triết lý, suy tưởng. Chính chất triết lý sâu sắc về lòng mẹ và tình mẹ khiến mỗi người con thấy hàm ơn bậc sinh thành. Trong thể tài tình mẹ, tôi thích nhất là bài thơ “con cò” của Chế Lan Viên.


 

0