Phân tích bài thơ cảnh ngày hè của Nguyễn Trãi.
Bài thơ này đã làm rõ nỗi niềm tâm sự của Nguyễn Trãi trong thời gian ở Côn Sơn với tấm lòng yêu nước thương dân vẫn ngày đêm... DÀN BÀI 1.Mở bài Bài thơ Cảnh ngày hè là bài số 43 trong Quốc âm thi tập. Bài thơ có thể được sáng tác lúc Nguyễn Trãi trông coi ...
Bài thơ này đã làm rõ nỗi niềm tâm sự của Nguyễn Trãi trong thời gian ở Côn Sơn với tấm lòng yêu nước thương dân vẫn ngày đêm...
DÀN BÀI
1.Mở bài
Bài thơ Cảnh ngày hè là bài số 43 trong Quốc âm thi tập. Bài thơ có thể được sáng tác lúc Nguyễn Trãi trông coi chùa Tư Phúc ở Côn Sơn, khi ông cáo quan về ở ẩn.
Bài thơ được viết theo thể thất ngôn bát cú có xen lẫn hai câu lục ngôn.
Bài thơ nằm trong chùm thơ Bảo kính cảnh giới (Gươm báu răn mình) nhưng không mang nặng về giáo huấn mà thể hiện cảm xúc tinh tế của một tâm hồn thi sĩ.
2.Thân bài
a. Bức tranh thiên nhiên ngày hè
Bức tranh thiên nhiên ngày hè sinh động, đầy sức sống:
Hoè lục đùn đùn tán rợp giương Thạch lựu hiên còn phun thức đỏ Hồng liền trì đã tiễn mùi hương Lao xao chợ cá làng ngư phủ Dắng dồi cầm ve lầu tịch dương.
+ Cảnh vật sinh động
- Màu sắc tươi thắm, đầy sức sống: xanh lục của lá hoè, đỏ của thạch lựu, hồng của sen gợi cảm giác thoải mái mát mẻ xua tan đi cái oi bức của mùa hè.
- Động từ mạnh: đùn đùn, giương, phun, đó là hình ảnh của sự vật sinh động, phát triển không ngừng nghỉ.
- Cách ngắt nhịp 3/4: Thạch lựu hiên / còn phun thức đỏ - Hồng liên trì / đã tiễn mùi hương làm nổi bật sự vận động phát triển của cảnh vật ngày hè.
+ Am thanh ngày hè
- Âm thanh đặc trưng: tiếng ve inh ỏi.
- Âm thanh của cuộc sống thanh bình: lao xao chợ cá.
- Đảo ngữ: lao xao chợ cá càng làm tăng không khí của cuộc sống đòi thường rộn niềm vui.
Cuộc sống đời thường đầy sức sống, có hồn, sôi động và có sự giao hòa của cảnh vật. Cảnh vật được tác giả đón nhận ở nhiều góc độ, nhiều giác quan khác nhau từ thị giác, thính giác đến cả sự liên tưởng. Chúng ta hình dung một thiên nhiên tràn đầy sức sống và con người tràn đầy niềm vui. Nguyễn Trãi đã vẽ nên một bức tranh nông thôn thật xanh tươi, sinh động giàu sức sống.
b.Bức tranh tâm trạng của nhà thơ Nguyễn Trãi
+ Yêu thiên nhiên, yêu đời, yêu cuộc sống
- Ngữ điệu của các câu thơ trong bài thể hiện một tâm hồn sảng khoái. Thời gian rảnh rỗi, thư thái, khí trời trong lành, “Rồi hóng mát thuở ngày trường” có nghĩa là rảnh rỗi ngồi hóng mát cả ngày.
- Cảnh vật thanh bình, cuộc sống yên vui, rộn rã niềm vui trước âm thanh của cuộc sống thanh bình: Thuyền đầy ắp cá trở về, niềm vui được mùa cá của ngư phủ chân chất, hiền lành.
+ Tấm lòng đối với dân với nước
Dẽ có Ngu cầm đàn một tiếng Dân giàu đủ khắp đòi phương.
- Dẽ có: lẽ ra nên có.
- Ngu cầm: âm thanh tiếng đàn của vua Ngu Thuấn gợi lên cuộc sống thanh bình, hạnh phúc.
Lời thơ thương tiếc nhưng trách móc. Câu thơ âm vang một tấm lòng thương dân, lo lắng, mong mỏi cho người dân được sống trong thái bình no ấm.
Âm điệu hai câu thơ cuối như chất chứa tâm trạng tức giận buồn thương của một tấm lòng cao cả.
3.Kết bài
Bài thơ tả cảnh ngày hè cho thấy tâm hồn Nguyễn Trãi chan chứa tình yêu thiên nhiên, yêu đời, yêu nhân dân, yêu nước. Câu thơ lục ngôn cuối bài ngắn gọn, thể hiện sự dồn nén cảm xúc của toàn bài thơ.
BÀI LÀM
Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi là một bầu không gian trữ tình đặc sắc. Nó phong phú về cảnh và tình mà bài số 43 trong chùm thơ Bảo kính cảnh giới chứa đựng những nét độc đáo, thấp thoáng niềm tâm sự của tác giả. Bài thơ này có người đặt tên là Cảnh ngày hè.
Câu thơ đầu tiên, ta đọc lên thoáng qua sao có vẻ an nhàn, êm đềm, thanh thoát đến thế:
“Rồi hóng mát thuở ngày trường”.
Nguyễn Trãi kia! Ông đang ngồi dưới bóng cây nhàn nhã như hóng mát thật sự. Việc quân, việc nước chắc đã xong xuôi, ông mới trở về với cuộc sống đơn sơ, giản dị, mộc mạc mà chan hòa, gần gũi với thiên nhiên. Một số sách dịch là “Rỗi, hóng mát thuở ngày trường”. Nhưng “rỗi” hay “rồi” cũng đều gây sự chú ý cho người đọc. Rảnh rỗi, sự việc đều xong xuôi, đã qua rồi. “Ngày trường” lại làm tăng sự chú ý. Cả câu thơ không còn đơn giản là hình ảnh của Nguyễn Trãi ngồi hóng mát mà nó lại toát lên nỗi niềm, tâm sự của tác giả: “Nhàn rỗi ta hóng mát cả một ngày dài”. Một xã hội đã bị suy yếu, nguyện vọng, ý chí của tác giả đã bị vùi lấp, không còn gì nữa, ông đành phải rời bỏ, từ quan để về ở ẩn, phải đành “hóng mát” cả ngày trường để vơi đi một tâm sự, một gánh nặng đang đè lên vai mình. Cả câu thơ thấp thoáng một tâm sự thầm kín, không còn là sự nhẹ nhàng thanh thản nữa.
Về với thiên nhiên, ông lại có cơ hội gần gũi với thiên nhiên hơn. Ông vui thú, say mê với vẻ đẹp của thiên nhiên.
“Hòe lục đùn đùn tán rợp giương Thạch lựu hiên còn phun thức đỏ Hồng liên trì đã tiễn mùi hương”.
Cảnh mùa hè qua tâm hồn, tình cảm của ông bừng bừng sức sông. Cây hòe lớn lên nhanh, tán cây tỏa rộng che rợp mặt đất như một tấm trướng rộng căng ra giữa trời với cành lá xanh tươi. Những cây thạch lựu còn phun thức đỏ, ao sen tỏa hương, màu hồng của những cánh hoa điểm tô sắc thắm. Qua lăng kính của Nguyễn Trãi, sức sống vẫn bừng bừng, tràn đầy, cuộc đời là một vườn hoa, một khu vườn thiên nhiên muôn màu muôn vẻ. Cảnh vật như cổ tích có lẽ bởi nó được nhìn bằng con mắt của một thi sĩ đa cảm, giàu lòng ham sống với đời...
Qua cảnh mùa hè, tình cảm của Nguyễn Trãi cũng thể hiện một cách sâu sắc:
“Lao xao chợ cá làng ngư phủ Dắng dỏi cầm ve lầu tịch dương”.
“Chợ” là hình ảnh của sự thái bình trong tâm thức của người Việt. Chợ đông vui thì nước thái bình, thịnh trị, dân giàu đủ ấm no; chợ tan rã thì dễ gợi hình ảnh đất nước có biến, có loạn, có giặc giã, có chiến tranh, đao binh... lại thêm tiếng ve kêu lúc chiều tà gợi lên cuộc sống nơi thôn dã. Chính những màu sắc nơi thôn dã này làm cho tình cảm ông thêm đậm đà sâu sắc và gợi lại ý tưởng mà ông đang đeo đuổi:
“Dẽ có Ngu cầm đàn một tiếng Dân giàu đủ khắp đòi phương”.
“Dân giàu đủ”, cuộc sống của người dân ngày càng ấm no, hạnh phúc là điều mà Nguyễn Trãi từng canh cánh vá mong ước. ơ đây, ông đề cập đến Ngu cầm vì thời vua Nghiêu, vua Thuấn nổi tiếng là thái bình thịnh trị. Vua Thuấn có một khúc dàn “Nam Phong” gảy lên để ca ngợi nhân gian giàu đủ, sản xuất ra nhiều thóc lúa ngô khoai. Chò nên, tác giả muốn có một tiếng đàn của vua Thuấn lồng vào đời sống nhân dân để ca ngợi cuộc sống của nhân dân ấm no, vui tươi, tràn đầy âm thanh hạnh phúc. Những mơ ước ấy chứng tỏ Nguyễn Trãi là nhà thơ vĩ đại có một tấm lòng nhân đạo cao cả. Ông luôn nghĩ đến cuộc sống của nhân dân, chăm lo đến cuộc sống của họ. Đó là ước mơ vĩ đại. Có thể nói, dù triều đình có thể xua đuổi Nguyễn Trãi nhưng ông vẫn sống lạc quan yêu đời, mong sao cho ước vọng lí tưởng của mình được thực hiện để nhân dân có một cuộc sống ấm no.
Bài thơ này đã làm rõ nỗi niềm tâm sự của Nguyễn Trãi trong thời gian ở Côn Sơn với tấm lòng yêu nước thương dân vẫn ngày đêm “cuồn cuộn nước triều Đông”. Ông yêu thiên nhiên cây cỏ say đắm. Và có lẽ chính thiên nhiên đã cứu Nguyễn Trãi thoát khỏi những phút giây bi quan của cuộc đời mình. Dù sống với cuộc sống thiên nhiên nhưng ức Trai vẫn canh cánh “một tấc lòng ưu ái cũ”. Nguyễn Trãi vẫn không quên lí tưởng nhân dân, lí tưởng nhân nghĩa, lí tưởng mong cho thôn cùng xóm vắng không có một tiếng oán than, đau sầu...