Phân tích bài thơ Bạn đến chơi nhà
Đề bài : Bài làm Nguyễn Khuyến hay còn được gọi là Tam Nguyên Yên Đổ là một trong những nhà thơ Nôm nổi tiếng nhất của Việt Nam. Thơ ông là sự kết hợp giữa vẻ đẹp tao nhã, trau chuốt với vẻ đẹp tự nhiên, hàm súc mà chân thành. Bạn đến chơi nhà là một bài thơ như ...
Đề bài:
Bài làm
Nguyễn Khuyến hay còn được gọi là Tam Nguyên Yên Đổ là một trong những nhà thơ Nôm nổi tiếng nhất của Việt Nam. Thơ ông là sự kết hợp giữa vẻ đẹp tao nhã, trau chuốt với vẻ đẹp tự nhiên, hàm súc mà chân thành. Bạn đến chơi nhà là một bài thơ như vậy. Bài thơ đã cho thấy tình bạn thắm thiết sâu nặng, và đây cũng là một trong những chủ đề sáng tác nổi bật của ông.
Nội dung bao trùm bài thơ là tình bạn chân thành, thắm thiết, nó được bộc lộ qua hoàn cảnh tiếp đãi hết sức bất ngờ, thú vị. Mở đầu bài thơ cho thấy mối quan hệ gần gũi, gắn bó giữa hai người: “Đã bấy lâu nay bác tới nhà”. Tiếng gọi “bác” thật gần gũi, dân dã mà vẫn thể hiện được sự kính trọng. “Đã bấy lâu nay” cách tính thời gian của tác giả cũng phần nào cho thấy Nguyễn Khuyến thường xuyên nghĩ đến bạn, mong gặp bạn nên mới nhớ được khoảng thời gian gặp gỡ từ lần trước đến lần này là bao lâu. Sau câu thơ mở đầu, hàng loạt tình huống éo le đã diễn ra.
Trước hết trẻ con không ở nhà, nên không có ai đi chợ, vậy có lẽ nơi quê nhà của tác giả sẽ có những món ăn giản dị để tiếp đãi người bạn thân thiết của mình chăng? Nhưng trái lại, những món ăn sơn hào hải vị đã không có nay những thứ có sẵn ở nhà cũng không thể dùng để làm mâm cơm mời khách: ao sâu, nước lớn nên “khôn chài cá”, vườn rộng rào thưa khó đuổi được gà. Đến rau quả cũng không: bầu vừa rụng rốn, cà mới nụ, cải chưa lên cây, … Nhà có cả mà hóa ra lại thành không có thứ gì. Sự thiếu thốn còn được đẩy lên một cấp độ cao hơn nữa: “Đầu trò tiếp khách trầu không có”. Trong văn hóa người Việt, miếng trầu là đầu câu chuyện, trong nhà ai cũng có miêng trầu thơm, quả cau khô để tiếp đãi khách đến nhà. Nhưng nhà Nguyễn Khuyến đến điều cơ bản ấy cũng không có. Nhưng có phải thật là như vậy không, một con người chu đáo, cẩn thận như Nguyễn Khuyến có lẽ sẽ không để tình huống ấy xảy ra. Tác giả đưa ra tình huống éo le: trẻ đi vắng, chợ xa, nhà thiếu thốn,… để thử thách tấm lòng trong tình bạn, thử thách này là thử thách giành cho hai người, liệu đây có phải một tình bạn đẹp, tình bạn thực sự hay không? Câu trả lời đã được tác giả thể hiện trong câu thơ cuối:
Bác đến chơi đây ta với ta
Không phải là cái “ta với ta” cô đơn, lạc lõng như Bà Huyện Thanh Quan mà là “ta với ta” của tình bạn đẹp đẽ, sâu đậm. Giữa chủ và khách đã không còn khoảng cách, hai người hòa làm một. Mặc dù vật chất thiếu thốn, nhưng cái còn đọng lại, cái quan trọng nhất chính là tình cảm, tình bạn thắm thiết. Có lẽ trong cuộc tiếp đãi đó không có cơm canh, không có miếng trầu thơm nhưng nó vẫn diễn ra hết sức vui vẻ, thân mật, gần gũi. Đây mới thực sự là tình bạn chân chính.
Bài thơ đã vận dụng tài tình cách lập ý, tạo tình huống bất ngờ, hấp dẫn, đưa ra hàng loạt các thiếu thốn, để từ cái không đó nói về cái có: tình bạn chân thành, thắm thiết. Lời thơ bình dị, dân dã nhưng cũng hết sức điêu luyện. Dùng nhiều khẩu ngữ, đậm chất lời ăn tiếng nói hàng ngày: thời, khôn, chửa,… điêu luyện trong cách dùng từ “ta với ta” tuy hai mà một, bao gồm cả chủ và khách. Hình ảnh mộc mạc, dân dã, quen thuộc của làng quê Việt Nam: ao cá, vườn rau, …
Bài thơ đã đạt đến sự hài hòa về nội dung, điêu luyện về nghệ thuật. Tác phẩm khẳng định tình bạn là một tình cảm thiêng liêng, cao quý chúng ta phải biết nâng niu, trân trọng. Cái cốt yếu nhất trong tình bạn không phải là của cải vật chất mà là cách hành xử, đối đãi với nhau. Quan niệm của Nguyễn Khuyến về tình bạn vẫn có ý nghĩa và giá trị bền vững, lâu dài.
Tham khảo thêm: