08/05/2018, 21:20

Phân tích bài Sang thu của Hữu Thỉnh (Bài 2)

Đề bài : Phân tích bài Sang thu của Hữu Thỉnh Bài làm Hữu Thỉnh là thế hệ nhà thơ trưởng thành trong thời kì kháng chiến chống Mỹ, thơ ông thường chứa đựng cảm xúc tha thiết, chân thành và rất giàu chất suy tư, triết lý. Sang thu cũng là một tác phẩm như vậy. Bài thơ ...

Đề bài: Phân tích bài Sang thu của Hữu Thỉnh

Bài làm

      Hữu Thỉnh là thế hệ nhà thơ trưởng thành trong thời kì kháng chiến chống Mỹ, thơ ông thường chứa đựng cảm xúc tha thiết, chân thành và rất giàu chất suy tư, triết lý. Sang thu cũng là một tác phẩm như vậy. Bài thơ được khơi nguồn cảm xúc từ khoảng khắc giao mùa nhưng đằng sau đó còn là cảm xúc của tác giả về đời người lúc sang thu.

      Tính chất suy tư, triết lí trong thơ Hữu Thỉnh được thể hiện ngay từ nhan đề bài thơ. Sang thu không chỉ là khoảnh khắc giao mùa của đất trời khi hè đã qua và mùa thu đang cựa mình đi tới. Mà sang thu còn ẩn dụ về cuộc đời con người. Đây là thời điểm con người đã sang thu, đã trải qua biết bao sóng gió, bởi vậy cũng trở nên vững vàng hơn trước mọi cơn giông bão của cuộc đời.

                  Bỗng nhận ra hương ổi

                  Phả vào trong gió se

                  Sương chùng chình qua ngõ

                  Hình như thu đã về

      Tín hiệu đầu tiên mà tác giả cảm nhận được chính là hương ổi, một mùi hương thật dung dị, đậm chất thôn quê. Hương ổi thật chủ động, tự nhiên “phả vào trong gió se”. Với động từ “phả” tác giả đã miêu tả được hương thơm đậm đà như sánh lại, quện lại và ùa vào gió se đầu thu. Sau sự cảm nhận về thính giác, tác giả tiếp tục cảm nhận mùa thu bằng thị giác với những đám sương chùng chình đi qua ngõ. Nghệ thuật nhân hóa cùng từ láy “chùng chình” đã làm cho làn sương trở nên sinh động, có hồn. Câu thơ như gợi ra trước mắt người đọc hình ảnh những hạt sương li ti, bé nhỏ, giăng mắc với nhau tạo thành màn sương mỏng nhẹ. Dáng đi của nó cũng thật chậm rãi, thong thả trước cửa ngưỡng mùa thu, như còn đang lưu luyến, bịn rịn với mùa hè.

      Trong giờ phút giao mùa ấy, lòng nhà thơ như đắm chìm vào không gian bàng bạc chất thu. Đó là cảm giác bất ngờ khi gặp tín hiệu thu về “bỗng” - là sự ngạc nhiên, ngỡ ngàng, một niềm vui, một thoáng xúc động trước những khoảnh khắc thu thật thu, con người thoát khỏi bộn bề cuộc sống để hòa mình vào thiên nhiên. Và tiếp đến là những mong manh cảm xúc, một chút bối rối tự hỏi mình “hình như”. Tình thái từ thể hiện rõ sự bâng khuâng, xao xuyến trong lòng thi nhân khi nhận ra những tín hiệu mùa thu. Hữu Thỉnh quả là người có giác quan vô cùng nhạy cảm thì ông mới có những cảm nhận tinh tế đến vậy về phút giao mùa.

      Sang đến khổ thơ thứ hai, bức tranh mùa thu đã có những chuyển biến rõ ràng, đậm nét hơn. Từ không gian ngõ vườn nhỏ bé, Hữu Thỉnh vươn ngòi bút của mình đến không gian rộng lớn hơn, không gian bầu trời, sông nước. Dòng sông hiền hòa, thong thả chảy không còn cuồn cuộn, đỏ ngầu như những ngày nước lũ mùa hè. Đối lập với hình ảnh dòng sông là hình ảnh những cánh chim vội vã. Dường như những cơn gió se lạnh đã đâu đó len lỏi trong không gian bởi vậy những loài chim phải vội vã bay về phương nam tránh rét. Cách ông dùng từ cũng hết sức tinh tế: “bắt đầu”, chỉ mới là bắt đầu chứ chưa hẳn là vội vã bởi thu cũng chỉ mới chớm sang thôi. Mọi sự vật hiện tượng chuyển động thật thong thả, khẽ khàng bởi vậy chỉ có những tâm hồn tinh tế mới nhận thấy được.

      Hai câu thơ sau là một điểm nhấn, tạo nên sự độc đáo cho bức tranh mùa thu: “Có đám mây mùa hạ/ Vắt nửa mình sang thu”. Đây là trường liên tưởng hết sức mới mẻ, độc đáo, gợi ra khung cảnh một làn mây mỏng nhẹ, đang uyển chuyển cựa mình chuyển bước sang thu. Đồng thời cũng có thấy tâm trạng lưu luyến, bịn rịn của đám mây: nửa lưu luyến mùa hạ, nửa háo hức nghiêng mình hẳn sang thu. Ở đoạn này tác giả tỏ ra hết sức tài tình khi mượn cái hữu hình của đám mây để gợi ra cái vô hình của không gian, ranh giới giao mùa. Thể hiện trường liên tưởng thú vị này không chỉ là cảm nhận bằng thị giác mà còn được cảm nhận chính bằng tâm hồn tinh tế nhạy cảm và lòng yêu thiên nhiên tha thiết của nhà thơ.

      Bức tranh mùa thu dường như được hoàn chỉnh, rõ nét hơn qua hai câu thơ tiếp theo: “Vẫn còn bao nhiêu nắng/ Đã vơi dần cơn mưa”. Mùa thu hiện ra rõ nét hơn qua sự thay đổi của các hiện tượng thiên nhiên: mưa, sấm – vốn là những dấu hiệu đặc trưng của mùa hạ, nay cũng “vơi dần”, “bớt bất ngờ”, mùa thu ngày một đậm nét hơn. Sau những cảm nhận ấy, lắng lại là những suy tư chiêm nghiệm của tác giả về con người về cuộc đời:

                  Sấm cũng bớt bất ngờ

                  Trên hàng cây đứng tuổi

      Câu thơ trước hết mang ý nghĩa tả thực: sang thu những cơn mưa lớn kèm sấm đã vơi dần, bớt dần, đồng thời trải qua một mùa hè đầy giông bão những hàng cây đã không còn giật mình bởi những tiếng sấm mùa hạ nữa. Nhưng bên cạnh đó, câu thơ còn mang ý nghĩa biểu tượng: “sấm” là những vang động, những biến cố mà con người đã trải qua trong cuộc đời; “hàng cây đứng tuổi” là những con người trưởng thành đã từng trải qua bao thăng trầm, biến cố. Từ ý nghĩa đó nhà thơ gửi gắm suy tư, chiêm nghiệm của mình: khi con người đã trải qua những giông bão của cuộc đời sẽ bình tĩnh hơn trước những bất thường, những tác động của ngoại cảnh. Câu thơ chất chứa biết bao suy tư, chiêm nghiệm của tác giả về cuộc đời, về con người.

      Hữu Thỉnh sử dụng thể thơ năm chữ tài hoa, giàu nhịp điệu. Bài thơ có nhịp điệu chậm, nhẹ nhàng, sâu lắng như chính bước đi chậm trãi của thời gian trong khoảnh khắc giao mùa từ hạ sang thu. Lớp ngôn từ giản dị, giàu giá trị tạo hình: phả, vắt, chùng chình, dềnh dàng, vội vã,… diễn tả tinh tế những dấu hiệu mùa thu. Ngoài ra ông còn có những trường liên tưởng bất ngờ, độc đáo làm tứ thơ sinh động, hấp dẫn hơn. Hình ảnh thơ có chọn lọc, đặc sắc mang nét đặc trưng của thời tiết lúc giao mùa: hạ - thu.

      Tác phẩm đã đem đến cho thi ca Việt Nam một bức tranh phong cảnh sang thu thật đặc biệt, ý nghĩa. Đồng thời qua bài thơ ta còn thấy được những cảm nhận tinh tế của tác giả trong việc tái hiện khoảnh khắc chuyển mùa từ hạ sang thu với sự giao thoa của nhiều lớp nghĩa: đất trời khi sang thu, đời sống sang thu và đời người sang thu.

Các bài văn mẫu lớp 9: Sang thu:

0