Phân tích bài ca dao “Tát nước đầu đình"
Phân tích bài ca dao “Tát nước đầu đình” Hướng dẫn Nghệ thuật tỏ tình, thổ lộ của người nông dân biểu hiện trong ca dao, dân ca là sự tinh tế, tế nhị, đậm đà bản sắc dân tộc, quê hương. Đó là một cung bậc độc đáo khởi xướng, mở ra cả một thế giới tâm hồn người dân ...
Phân tích bài ca dao “Tát nước đầu đình”
Hướng dẫn
Nghệ thuật tỏ tình, thổ lộ của người nông dân biểu hiện trong ca dao, dân ca là sự tinh tế, tế nhị, đậm đà bản sắc dân tộc, quê hương. Đó là một cung bậc độc đáo khởi xướng, mở ra cả một thế giới tâm hồn người dân Việt Nam tồn tại qua bao nhiêu thế kỷ. Hoà lòng ta vào thế giới đó, hãy chọn bài ca dao Tát nước đầu đình. Có thể nói đó là một cung đàn riêng chứng minh được tất cả sắc màu của nghệ thuật tỏ tình dân gian, vừa mộc mạc chân chất, vừa dí dỏm thông minh nhưng không kém phần đắm say, lãng mạn; cái đắm say, lãng mạn của kẻ đang yêu, muốn trao gởi lòng mình.
Hôm qua tát nước đầu đình… mở ra một không gian, một thời gian, một sinh hoạt gần gũi mà nhẹ nhàng. Trên cái nền thân thuộc ấy của hoàn cảnh, xuất hiện một hành động thật đáng suy nghĩ của chủ thể trữ tình:
Bỏ quên cái áo trên cành hoa sen.
Đáng suy nghĩ lắm chứ. Vật bỏ quên là chiếc áo mặc trong người. Đối với suy nghĩ chung, chiếc áo thật có nhiều ý nghĩa. Ca dao từng nói:
Người về bỏ áo lại đây
Đêm khuya em đắp (kẻo ngọn) gió tây lạnh lùng
Lại nói:
Yêu nhau cởi áo cho nhau.
Thế mà ở đây, người con trai lại bỏ quên. Bỏ quên ở đâu? Ở trên cành hoa sen. Bỏ quên mà nhớ cả chỗ bỏ quên. Nhớ thật chính xác, cụ thể. Chỗ bỏ quên chiếc áo cũng thật thơ mộng, trữ tình: cành hoa sen.
Đến câu thứ ba thì một phần thắc mắc của ta được giải đáp.
Em được thì cho anh xin.
Chưa biết chắc ai nhặt được chiếc áo bỏ quên kia những cứ tin chắc: Em được. Em được thì cho anh xin. Hoá ra, chuyện quên áo chỉ là cái cớ. Một cái cớ rất trữ tình, rất thông minh, nhằm tạo tình huống gặp gỡ và thổ lộ tâm tình.
Như vậy, chúng ta không còn ngạc nhiên nữa. Những câu vừa phân tích chẳng qua chỉ là một nguyên cớ, còn mục đích chính là:
Áo anh sứt chỉ đường tà
Vợ anh chưa có, mẹ già chưa khâu
Áo anh sứt chỉ đã lâu
Mai mượn cô ấy về khâu cho cùng.
Chàng trai đã bộc lộ gia cảnh thật tế nhị và chính đáng. Cái chính là vợ anh chưa có và mẹ đã già. Thật táo bạo, người vờ quên chiếc áo nói rõ ý đồ:
Mai mượn cô ấy về khâu cho cùng.
Nói bài ca dao là cả một nghệ thuật tỏ tình đầy màu sắc của người bình dân chính là nói chỗ này. Nghệ thuật đó khi bóng gió, xa xôi, khi táo bạo, mãnh liệt, thiết tha.
Khi thì:
Cô kia cắt cỏ một mình
Cho anh cắt với chung tình làm đôi…
Lúc thì:
Người về ta chẳng cho về
Ta nắm vạt áo ta đề câu thơ.
Đọc câu tiếp của bài ca dao, ý tình càng tỏ tường:
Khâu rồi anh sẽ trả công
Đến khi lấy chồng anh sẽ giúp cho
Giúp em một thúng xôi vò.
Toàn bộ đoạn sau của bài là những vật phẩm cưới hỏi, lễ lạt. Lúc này, nhân vật trữ tình nói hẳn lòng dạ, ý muốn của mình một cách sâu sắc, gián tiếp. Nếu cô nàng ưng thuận cho anh một nghĩa cử thật nhỏ: khâu giúp chiếc áo sứt chỉ đường tà thì công của cô sẽ là: một thúng xôi vò, quan năm tiền cưới, buồng cau, đôi chiếu em nằm…
Một người vô tư nhất cũng nghĩ rằng, nghĩa cử thật nhỏ ấy quả là không nhỏ. Bởi đó là một lời chấp nhận, một trao đáp của tình yêu. Cũng không ai còn nghĩ rằng, vật phẩm trên dùng để trả công như cách nghĩ bình thường. Đó là những hứa hẹn, ước mơ về một cuộc hôn nhân sẽ có, sẽ xảy ra, nếu lời tỏ tình kia được chấp thuận.
Rõ ràng thoạt nhìn, mạch văn và ý tưởng của bài ca dao như mâu thuẫn. Thế nhưng khi ta hiểu được dụng ý của nhân vật trữ tình thì những lời đối thoại trong bài ca dao chính là sự tinh tế, lớp lang trình tự để đạt đến mục đích cuối cùng. Không có lời đối thoại của khách thể là cô gái, thế những ta tin chắc rằng, trước một tấm lòng như thế, một ngôn ngữ thông minh giàu biểu cảm như thế, cô gái sẽ không thể không.chấp thuận.
Ngoài cái công lao sẽ được đền bù, đã ẩn hiện một mối tình say đắm yêu thương không kém phần lãng mạn. Nói bài ca dao quen thân và chứa chan sắc thái trữ tình, chính là việc phát hiện ra cái nghệ thuật tỏ tình vừa dí dỏm vừa thông minh kia trong bài ca dao, từ lâu đã trở nên một món ăn tinh thần không thể thiếu của người bình dân Việt Nam.
Thu Trang